Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Những năm tháng không quên tại thông tấn xã Giải phóng


(05/12/2012 12:54:13)

Bây giờ, đứng ở bậc cao của tuổi bát tuần, nhìn lại thời trai trẻ tôi vẫn bồi hồi, xúc động và tự hào mỗi khi nhớ về cuộc hành quân năm nào, cùng đồng đội đi B "xẻ dọc Trư­ờng Sơn", may mắn đ­ược chứng kiến những ngày tháng vinh quang của dân tộc: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là thời gian gắn bó máu thịt với đại gia đình VNTTX - TTXGP, để lại trong tôi biết bao ký ức...

Những cuộc hành quân "bên bờ cái chết"

Tôi vốn là một nhà giáo xứ Thanh. Một buổi sáng đầu tháng 10/1968, sau khi đi dự lớp bồi dưỡng Hiệu trưởng và cán bộ Phòng giáo dục ở tỉnh về, tôi nhận được quyết định đi B. Trong cuộc gặp với đồng chí Trưởng Ty Giáo dục, tôi được biết "Ty đã quyết định thành lập đoàn nhà giáo đi B của tỉnh và giao trách nhiệm cho đồng chí làm Trưởng đoàn. Đồng chí về Bộ Giáo dục tập huấn, nhận nhiệm vụ mới". Ngày lên đường, nhìn mẹ già, nhìn vợ, tôi nén lòng để không rơi lệ.

Tổ thu tin từ VNTTX của TTXGP  

Lễ tiễn đoàn chúng tôi tại Hội trường Uỷ ban Thống nhất Trung ương (bên bờ hồ Hoàn Kiếm) trang trọng và cảm động. Chúng tôi lên chiếc xe phủ kín bạt và cành lá ngụy trang, tạm biệt Hà Nội. Điểm đến của chúng tôi là Nam Bộ - B2, nơi có Trung ương cục Miền Nam. Cuộc hành quân ròng rã, khi đi bên Đông Trường Sơn, khi sang bên Tây Trường Sơn (Lào) hoặc lánh sang đất Miên (Campuchia). Nhiều đoạn phải hành quân ban đêm, có trạm phải đi 12 tiếng đồng hồ liền mới được nghỉ, căng thẳng vì bom đạn Mỹ, biệt kích, bệnh tật, cái chết rình rập... Càng đến gần đích càng căng thẳng, ác liệt. Đất Nam bộ bị B52 rải thảm, có vùng bị rải chất độc hoá học, máy bay do thám hoạt động ngày đêm.

Nhớ lại ngày đi từ trạm K7 đến K8, tốp chúng tôi bị lính Miên phục kích trước khi vượt sa lộ 13 vào đất Việt. Súng bắn liên hồi, tôi bị lạc trong rừng, một đồng chí bị trúng đạn hy sinh, một đồng chí khác bị lính Miên bắt đưa về Phnôm Pênh. Đêm đó, trở lại nơi bị phục kích, lo chôn cất đồng chí mình rồi chúng tôi trở về K7. Sáng hôm sau, chúng tôi gắng sức hành quân đi K8, K9. Vượt cầu treo của công binh, đến binh trạm K10, vừa xong bữa cơm chiều, chúng tôi lại được thông báo: Đêm nay, B52 sẽ đánh tọa độ khu vực này. Tôi bị sốt cao, mê sảng, đ­ược anh em cho nằm ở một hầm riêng để dễ thở. Rồi đất rung, cây đổ ào ào, người tôi bị xóc tung lên. Cứ 15 phút, B52 rải bom một lần, chúng hết cày ngang lại cày dọc, kéo dài cho đến sáng hôm sau. Sau loạt bom đầu, tôi được cõng về trú ẩn chung một hầm với anh em, ý là có chết thì cũng có anh có em. Sáng ra, sau một đêm trắng bị tung xóc, xô đẩy d­ưới hầm, chúng tôi tìm cách ngoi lên, thì trời ơi, rừng già đã bị san phẳng, ngổn ngang đất đá. Tôi nhìn lại hầm trú ẩn của mình trước đó, hú vía khi thấy nó đã trúng một quả bom đìa.

Ông Lê Trọng Vĩnh tìm tên đồng đội, liệt sĩ Nguyễn Đoan Ngọ, trên tấm bia ghi danh các liệt sĩ của TTXVN tại trụ sở 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội

Sau gần 5 tháng trời hành quân, sang ngày thứ 145, chúng tôi vào đất Việt, nơi có căn cứ của Trung ương Cục miền Nam - B2. Chặng đường cuối cùng trên đất B2, từ trạm V1 đến V4, phải đi ban đêm, đường dài, trời mưa như trút nước mù mịt, qua những bãi B52 cày xới, những cánh đồng rộng, trống trải... Sau khi vợt những dốc cao cuối cùng, chúng tôi đặt chân tới điểm tập kết trong niềm vui sướng đến chảy nước mắt.

Trở thành người của TTXGP   

Sau ít ngày nghỉ ngơi, hồi sức tại cứ tập kết tân binh, chúng tôi đư­ợc Ban tổ chức Trung ương Cục gặp gỡ, phổ biến tình hình cách mạng miền Nam và nhiệm vụ tr­ước mắt. Phần đông anh em trong Đoàn 69 đã đ­ược Ban tổ chức Trung ương Cục phân bổ về các tỉnh Nam bộ và khu VI. Một số anh em đi miền Tây Nam bộ hoặc về cứ B3 (Tiểu ban Giáo dục miền Nam). Số chúng tôi gồm các đồng chí: Nguyễn Quang Điển (sau này là Giám đốc Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Ngô Văn Tài về Đài Phát thanh Giải phóng; các đồng chí Trần Khanh, Nguyễn Đoan Ngọ (hy sinh năm 1972 tại Bến Cát, Bình Dương), Nguyễn Xuân Lấn và tôi được phân về phòng Biên tập Thông tấn xã Giải phóng -  B7R cho đến khi Hiệp định Paris kí kết.

Quên sao đư­ợc giờ phút đầu tiên khi đồng chí Bảy Lý (tức Vũ Linh) thân hành ra tận cứ tân binh Trung ương Cục, tay nắm chặt tay đón chúng tôi về cứ B7-R Tây Ninh! Quên sao được, dẫu chỉ gắn bó với TTXGP từ 1969 đến 1975, những năm tháng đầy gian khổ hy sinh cùng ở trong rừng, ăn trong rừng, làm việc trong rừng, sống chết dựa vào rừng! Quên sao được ngày tôi chia tay TTXGP - cuộc chia tay thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội để về Văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục nhận nhiệm vụ mới - Hiệu trưởng Trường Văn hóa Trung ương Cục. Quên sao được, khi chiến tranh đã lùi xa, nhân ngày kỷ niệm 63 năm thành lập TTXVN (15/9/1947 - 2008), chúng tôi vinh dự đón nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp thông tấn" do TTXVN trao tặng. Càng không thể nào quên, tại trụ sở TTXVN số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, nhân lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 2012) chúng tôi được tham dự lễ dâng hương trang trọng, tưởng nhớ hơn 260 liệt sỹ TTXVN đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Tuy mang thương tật, tuy bị nhiễm chất độc da cam, nhưng tôi và những đồng đội còn sống hạnh phúc biết bao so với các liệt sĩ của TTXVN đã ngã xuống trên các chiến trường, xả thân để đất nước có ngày hôm nay...

 

Lê Trọng Vĩnh
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nguý»…n Đức Nhân - Người con anh dÅ©ng Xứ Dừa  (01/11/2012 16:41:57)

Những ngày ác liệt nhất và đẹp nhất đời tôi  (01/11/2012 16:12:51)

Bữa tiệc bánh xèo khao quân (01/10/2012 11:24:53)

Nữ nhà báo thương binh Triệu Thị Thùy & " Bài ca tóc rụng" (01/10/2012 10:54:21)

Nhũng tấm lòng vàng với TTXVN (29/08/2012 14:08:58)

“Đối tượng phản ánh” chính là thầy dậy nghề  (01/08/2012 13:49:00)

Thăm quê hương liệt sĩ Trần Kim Xuyến (01/08/2012 10:40:26)

Nhớ liệt sĩ Nguyễn Đình Cước  (01/08/2012 10:35:54)

Người con đất Quảng kiên cường  (01/08/2012 10:31:27)

Tháng bảy, uống nước nhớ nguồn: Hồ Minh Châu, anh ở nơi nao? (01/08/2012 10:18:59)