Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Nữ phóng viên B7/3- một thời để nhớ


(05/04/2013 10:20:21)

Trong đoàn phóng viên và kỹ thuật viên lớp GP10 vào B2 (Nam bộ) năm 1973 có 16 nữ. Phóng viên tin gồm Phạm Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Thanh, Trần Bích San, Vương Nghĩa Đàn, Phạm Thị Ngoan, Hồ Thị Bạch Yến, Nguyễn Thu Hương, Đào Tuyết Mai, Đinh Thị Minh Huệ, Nguyễn Thị Tý và Nguyễn Thị Xuân Sinh. Phóng viên ảnh có Nguyễn Phương Thảo và Hà Thị Thân. Còn Trần Thị Nga, Hoàng Thị Bích và Thân Thị Viết là kỹ thuật viên.

Nhà báo Vương Nghĩa Đàn tại chiến khu, năm 1974, trong gian khổ vẫn cất cao tiếng hát

Cuộc hành quân "xẻ dọc Trường Sơn" kéo dài hơn ba tháng. Bao gian nan, vất vả đường trường, có đi mới biết. Có hôm phải hành quân đêm, đến 2- 3 giờ sáng mới tới trạm giao liên. Người mệt lả, mắt díu lại, mắc vội chiếc võng rồi lăn ra ngủ. Gần sáng trời đổ mưa như trút, người nào người nấy ướt sũng. Muỗi rừng to và nhiều vô kể, cứ lăn xả vào đốt ngay cả khi mình đang đi. Còn vắt thì cứ nhảy tanh tách dưới chân, bám vào cẳng, hút máu rất êm, đến khi no tròn rồi mới tự lăn xuống đất, vết cắn cứ rỉ máu mãi, vừa đau vừa ngứa. Sợ nhất là khi chợt nhìn thấy chú rắn lục xanh lè vắt vẻo trên cành cây trước mặt, hay lúc phát hiện thấy đàn rết to đùng, vàng ối, dài cả gang tay, chậm chạp lết ngay trên lối mình đi. Rắn độc thì chẳng phải nói, còn nếu bị rết hay bọ cạp đốt thì sưng nhức cả tuần.

Bữa cơm nấu vội mỗi chiều chập choạng (để tránh máy bay địch phát hiện lửa và khói) chỉ có mắm ruốc mặn chát. Thỉnh thoảng kiếm được ít rau tàu bay nấu canh, hay bắt được mấy con cá tí hon ở lạch suối, là đã thành "tiệc" rồi. Chưa kể những lúc lên cơn sốt rét vật vã - mà chúng tôi gọi đùa là "đóng thuế rừng", phải nằm lại trạm quân y dã chiến ít ngày cho cắt cơn, sau nhập vào một đoàn dân chính khác đi tiếp. Vậy mà tối tối, dưới ánh đèn pin xanh lét, vẫn viết nhật ký, viết thư về nhà (gửi qua các thương binh trên đường trở ra Bắc), đôi lúc còn làm thơ nữa. Tuy đã được bồi dưỡng và rèn luyện thể chất cả tháng trước khi lên đường nhưng chúng tôi ai nấy đều gầy rộc, xanh rớt khi về tới căn cứ Thông tấn xã Giải phóng (còn gọi là Giải phóng xã - GPX) trong rừng Lò Gò - Xa Mát, Tây Ninh. Lúc ấy, nhóm nữ B2 chúng tôi chỉ còn 12 người. Do tai nạn đổ xe, Kim Oanh đã hy sinh, Thu Hương, Xuân Sinh và Tuyết Mai bị thương nặng phải quay ra Bắc điều trị.

 

Chung vui trong đám cưới của Nguyễn Thị Thanh và Khuất Dũng (1975) là các nữ PV (từ trái sang): Hồ Bạch Yến, Phạm Thị Ngoan, Trần Bích San.

Bảy sắc hoa rừng

"Đời phóng viên chiến trường" của chúng tôi bắt đầu tại Cứ GPX. Cơ quan có nhiều bộ phận: B7/1 - Phòng tổ chức cán bộ, B7/2 - Văn phòng, B7/3 - Ban biên tập tin, B22 - Ban biên tập ảnh, B8/1 - Phòng kỹ thuật, B8/2 - Đài thu và phát tin ... Mỗi đơn vị đóng ở một khoảnh rừng cách nhau chừng 1-2 km. Bảy nữ phóng viên tin về B7/3, do chú Bảy Hòa và anh Đức Giáp phụ trách.

Lúc mới vào Cứ, mấy cô gái được "o bế" lắm, vì trước đó GPX chưa có nữ phóng viên nào. Các anh phóng viên kì cựu như Đức Hoằng, Hoàng Hòe, Trần Ấm, Đình Khuyến... và cả các bạn nam cùng lứa đều quan tâm giúp đỡ chúng tôi trong mọi việc: Đào hầm, chặt cây dựng nhà, làm giường và bàn ghế làm việc... Các anh còn chia sẻ kinh nghiệm viết và biên tập tin chiến sự, cách thích nghi với điều kiện sống khó khăn trong rừng, cả cách làm rẫy, bẫy thú nữa. Làm quen rất nhanh với cuộc sống chiến khu, mấy chị em dần dần không thua kém gì các bạn nam, từ việc chuyên môn tới làm rẫy, đốn củi, gùi gạo, dạy văn hóa cho các cháu, và cả chăn lợn, nấu cơm khi các chị nuôi đi vắng.

Bảy chúng tôi, mỗi người mỗi tính. San tinh nghịch mà hài hước, dí dỏm; Yến thì hiền lành và khéo tay; Ngoan lại xởi lởi, hay cười; Đàn nhẹ nhàng và mau nước mắt; Thanh hay suy tư và hát rất hay; Huệ và Tý thì trầm tĩnh, ít nói. Nhưng tất cả đều chịu thương chịu khó, nhiệt tình giúp đỡ người khác, trách nhiệm trong công việc.

Tôi nhớ, San đi rừng rất giỏi. Khi đi đốn cây, chặt sậy, hái lá lợp nhà, cứ theo San là không sợ lạc lối về. Yến khéo nấu nướng, có thể chế biến được những "món nhậu khoái khẩu" từ con cheo, con chuột hay con rắn bắt được. Tôi thích thêu thùa may vá, nên thường được phái mày râu "gửi gắm" mấy chiếc áo rách vai, xoạc gấu. Tý thì sàng gạo khéo nhất bọn. Chả là gạo gùi về kho còn lẫn khá nhiều thóc lép, chúng tôi được huy động cùng các chị nuôi sàng sảy lại.

Vẫn nhớ cái dáng cần mẫn của Ngoan khi ngồi chằm lá trung quân, thỉnh thoảng lại ngửa cổ cười tít mắt khi bị San trêu. Nhớ hôm Thanh và tôi được phân công vào bếp nấu cơm thay chị nuôi. Hai đứa hì hụi khuân củi, nhóm lò, kéo nước giếng đổ vào mấy cái chảo to bự... Bếp núc vừa xong thì "tai nạn" ập đến: Một con chuột lớn bằng bắp tay bỗng nhảy bổ ra khi hai đứa đang lễ mễ khuân nồi nước sôi, Thanh giật mình tuột tay, làm nước ào vào chân tôi bỏng rát. Rồi bật khóc tu tu, cuống quýt thổi phù phù vào chỗ đau của bạn. Cũng nhớ lúc Huệ nằm co ro, rét run cầm cập mỗi khi "đóng thuế rừng", vẫn nở nụ cười méo xệch khi mọi người đến thăm.

Ngày ngày, sau giờ làm tin chúng tôi lại tất bật với bao thứ việc. Bữa ăn đạm bạc, thường chỉ có bí đỏ, cá khô và cơm độn sắn hoặc độn đỗ xanh nguyên hạt. Nhưng lớp trẻ thời chiến chúng tôi, dù ở hoàn cảnh nào cũng tìm được những niềm vui giản dị. Tối tối tụ tập nhau quanh ấm trà, đôi khi có thêm đĩa đậu phộng láng đường thốt nốt tự làm. Tán gẫu, kể chuyện tiếu lâm, đặt vè trêu nhau, cười... quên mệt.

 

Đêm văn nghệ "cây nhà lá vườn"

Những tháng đầu mùa khô năm 1973 là một khoảng lặng hiếm hoi trong cuộc chiến tranh khốc liệt. Các chú lãnh đạo GPX muốn tranh thủ thời gian đó để tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập cơ quan với một đêm văn nghệ "cây nhà lá vườn" thật oách do Đoàn thanh niên chủ trì.

B7/3 có đội ngũ trẻ hăng hái, năng động, lại đông nữ. Một chương trình đặc biệt được đề ra, huy động tối đa khả năng của mỗi người. Nào là hợp xướng với ca khúc "Ca ngợi Tổ quốc" của nhạc sĩ Hồ Bắc và "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó" của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, do Doãn Tặng và Nguyễn Thị Thanh lĩnh xướng. Một "vũ đoàn" ra đời, tái hiện khí thế cách mạng và tình quân dân cá nước trong điệu "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" và "Cô gái vót chông". Giữa "năm cánh hoa rừng" - Đàn, San, Ngoan, Yến, Thanh, "anh giải phóng" Đình Chiến nổi như nhị hoa kiêu hãnh. Giai điệu mượt mà "Trước ngày hội bắn" do Bạch Yến và Doãn Tặng song ca đưa ta về miền Tây Bắc xa xôi...

Những chiếc quần láng đen thường mặc được tháo chỉ, khâu lại thành những chiếc váy xinh xắn, dán thêm ít giấy màu cắt tỉa trang trí. Khăn rằn biến thành thắt lưng điệu đà. Ô làm bằng mấy thanh sậy buộc lại rồi dán phủ giấy màu. Mũ miện là những dây lá rừng kết lại... Vậy mà trông ai cũng lộng lẫy. Còn nhạc múa? Cả bọn hát trước, thu sẵn vào băng cát - xét, lúc biểu diễn chỉ việc bấm "on" là rộn ràng ngay. Những buổi tối tập dượt thu hút rất đông khán giả. Chú Bảy Hòa, anh Sáu Cang, chị Sáu Nghĩa... cứ tấm tắc: "Mấy đứa giỏi thiệt, làm chi cũng được tuốt". Có đêm, mấy chị nuôi còn ưu tiên nấu cho chúng tôi nồi cháo gà bồi dưỡng.

Buổi lễ "sinh nhật" GPX năm ấy được tổ chức "bự chưa từng có" trong lán Hội trường lớn vừa kịp dựng xong vài hôm trước, người dự ngồi chật kín cả mấy chục chiếc ghế băng. Cùng với nhiều tiết mục độc đáo, hấp dẫn của các chi đoàn khác nữa, chúng tôi đã làm nên một đêm văn nghệ "chẳng thua chi đoàn văn công Giải phóng", "coi thiệt đã con mắt", như lời hoan hỉ của các khán giả nhà.

 

Nhựa sống tình yêu

Hồi tôi thường trú ở Brussels, M. Charlotte, một đồng nghiệp người Bỉ, rất thích thú khi nghe tôi kể chuyện tình yêu của cánh nữ phóng viên chiến trường. Cô nói: "Khó có thể hình dung nơi chiến trường đầy gian khổ hy sinh ở nước bạn, tình yêu vẫn nảy nở  diệu kỳ. Có lẽ vì thế mà các bạn đã thắng".

Thời ấy, nơi chiến khu Nam bộ, mấy cô gái GP10 chúng tôi, ai cũng "mang một mối tình". Tôi vẫn nhớ anh Hoàng Hòe vừa cười vừa nói: "Các bạn cứ yêu đi. Thanh niên mà. Miễn là không quên nhiệm vụ. Dù ở rừng, chúng ta cứ sống đàng hoàng, hạnh phúc và lạc quan, thế cũng là thắng thù rồi. Phải sống yêu đời để chiến đấu lâu dài chứ".

Giữa Nguyễn Thị Thanh và Khuất Dũng (PV tin), Nghĩa Đàn và Long Sơn (PV ảnh), Minh Huệ và Đức Quỳnh (PV ảnh), tình yêu được "dệt" trên đường Trường Sơn. Phạm Thị Ngoan, trong chuyến đi công tác tại Đại hội Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam, đã gặp anh thương binh Lại Thế Sử, để từ đó tình đồng hương và sự đồng cảm sâu sắc đã gắn bó họ với nhau. Bích San và Quang Chính (PV tin) đã cùng nguyện ước nơi khói lửa vùng giáp ranh Sài Gòn - Gia Định. Nguyễn Thị Tý cũng tìm được "một nửa" của mình- anh cán bộ ngành giáo dục Nguyễn Văn Hưởng- tại vùng tranh chấp Long An. Tình cảm giữa Bạch Yến và Khắc Điện (PV tin) lại nhen nhóm trong rừng chiến khu.

Thế đấy, chiến tranh ngăn sao nổi tình yêu. Như nguồn nhựa sống, tình yêu đã chắp cánh cho chúng tôi vượt qua "thời thử lửa". Cánh rừng già miền biên giới Campuchia ấy đã ươm mầm cho bao mối tình nảy nở, đơm hoa kết trái. Mãi mãi, cuộc đời và tình yêu vẫn đẹp. 

Vương Nghĩa Đàn
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2013