Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Mừng tin chiến thắng


(02/05/2013 16:17:40)

Những ngày này 38 năm trước, cả nước say trong niềm vui đại thắng, đất nước thống nhất một nhà. Vinh dự có mặt tại Sài Gòn những ngày tháng Tư lịch sử, các cựu phóng viên TTXGP Thanh Bền và Phan Hồng Giang bồi hồi ôn lại chuyện năm xưa.

 

Phan Hồng Giang (người ngồi) và Nguyễn Xuân Việt ở căn cứ GPX năm 1973

Cơ quan Thông tấn xã giải phóng (Giải phóng xã - GPX) đóng tại một khu rừng sát biên giới Campuchia. Từ trung tâm Ban biên tập (B7/3) đi theo đường giao liên sang Phum Cháy bên đất Lào chỉ mất chừng 15 phút. Vào những ngày cuối tháng 4/1975, cao điểm mùa khô, lá rừng trút ngập lối đi, để lộ những căn nhà lợp lá trung quân be bé xinh xinh nhưng không còn người ở. Chủ nhân của những căn nhà ấy đều là phóng viên, biên tập, phần đông là học viên lớp GP10. Người được phân về những vùng mới giải phóng để phản ánh hoạt động của các Ủy ban khởi nghĩa và phong trào quần chúng cách mạng. Bộ phận khác đi theo các mũi tiến công của những binh đoàn quân giải phóng đang hướng về Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những người đau yếu và phụ nữ có con thơ cũng đã chuyển về cơ sở II đặt tại rẫy Cần Đăng, nằm sâu trong đất Việt Nam để đảm bảo an toàn. Theo thông báo của Ban an ninh R, lực lượng Khơ me đỏ ngày càng lộ rõ bộ mặt cực đoan và liên tiếp có những hành động trắng trợn, thù địch. Chúng đang áp sát biên giới và có khả năng đột nhập vào Cứ bất kể lúc nào. Vì vậy, chúng tôi phải hết sức đề cao cảnh giác, không một phút lơ là. Ở, ăn, làm việc, nghỉ ngơi, súng không rời nửa bước.

Tôi nhớ, lúc đó, ngoài Hoàng Khắc Điện phụ trách bộ phận trực tin hậu cần của Ban biên tập, còn có Đàm Dũng, Minh Hưng và một vài anh chị em khác chịu trách nhiệm xử lý tuyến tin quân sự, chính trị, binh vận và đô thị. Tin miền Bắc, quốc tế và Bản tin tham khảo có Vương Nghĩa Đàn, Trần Bích San và tôi đảm trách. Trực lãnh đạo là Trưởng ban Bẩy Hòa, một con người nhìn bề ngoài có vẻ thâm trầm, kín đáo và rất kiệm lời. Bước sang độ tuổi 50 anh mới yên bề gia thất. Giọng nói lúc nào cũng nhỏ nhẹ, đều đều. Vào những ngày cuối tháng 4/1975, có thể nói, toàn Ban chưa bao giờ hào hứng, khẩn trương như thế. Anh em làm việc bất kể ngày đêm. Cứ vài ba ngày, bản tin của GPX lại phát đi thông báo của Ủy ban về một tỉnh nào đó được giải phóng. Nhà nào cũng treo một tấm bản đồ, chúng tôi lấy bông tẩm thuốc đỏ quét lên các tỉnh vừa giải phóng để tiện theo dõi. Ngày lại ngày, màu đỏ lấn dần xuống phía Nam, vượt qua phòng tuyến Xuân Lộc rồi áp sát Sài Gòn.

Phút thư giãn ở trạm giao liên Khăm Muộn (Lào) trên  đường vào chiến trường (1973)

Ngày 30/4/1975, sau khi hoàn thành phần tin tham khảo và tin quốc tế để chuyển qua văn thư, tôi mở đài Sài Gòn như thường lệ. Nhưng thật bất ngờ, thay vì bản tin thời sự thì "nhà đài" chỉ phát toàn ca nhạc, đôi lúc chương trình bị đứt quãng mà cũng chẳng theo một chủ đề nào cả. Có một bài hát được phát đi phát lại, trong đó có câu cho đến nay tôi vẫn nhớ như in trong đầu: "Đất nước này chỉ còn dành cho anh mà thôi..."

Ồ! "Cậu" này hôm nay có lẽ dọa chết rồi- tôi nghĩ vậy và đặt máy ghi âm chờ sẵn. Khi Dương Văn Minh vừa đọc xong tuyên bố đầu hàng vô điều kiện thì tôi cầm máy chạy ào ra khỏi nhà. Đến gần sân giếng thì gặp anh Bẩy Hòa đi tắm về, tôi reo lên:

-  Anh Bẩy ơi! Minh hàng rồi, Sài Gòn giải phóng rồi!

Anh Hòa buông chậu quần áo xuống, hai tay túm lấy vai tôi lắc mạnh:

-  Sao? Sao? Em nói sao?

Tôi nhắc lại câu vừa nói và vỗ vỗ vào máy ghi âm:

- Em ghi lại trong này rồi! Bây giờ đài Sài Gòn vẫn còn đang phát đấy, em bật máy anh nghe nhé!

Anh không trả lời, dang hai tay ôm quàng lấy tôi, nhấc bổng lên xoay mấy vòng, hai dòng nước mắt lăn dài, nhỏ xuống chiếc khăn rằn đang vắt trên vai. Giọng anh như nghẹn lại: "Em sang báo cáo ngay để anh Đào Tùng biết".

Tôi vừa đi vừa chạy gằn, chẳng mấy chốc đã đến chỗ bác Đào Tùng ở. Lúc đó là buổi trưa, bác đang nằm nghỉ trên võng. Thư ký của bác, anh Phạm Vị (vừa kết thúc nhiệm kỳ Trưởng Phân xã VNTTX tại Ai Cập trở về) niềm nở: Có việc gì mà trông "phởn" thế anh bạn trẻ? Tôi nhắc lại nguyên xi câu vừa nói với anh Bẩy Hòa, chưa dứt lời đã thấy bác Đào Tùng ngồi bật dậy:

- Thật thế à! Nhanh đến vậy sao?

Tôi mở máy ghi âm cho bác Đào Tùng nghe. Anh Phạm Vị cũng cầm lấy chiếc radio để dò sóng của đài Sài Gòn. Bác Đào Tùng chỉ thị: Soạn ngay một tin để chuyển về Tổng xã. Có thể giờ này ngoài đó cũng đã nhận được tin rồi nhưng nhiệm vụ chúng ta vẫn phải hoàn thành và làm thật khẩn trương. Bác quay sang anh Phạm Vị nói: Báo nhà ăn nấu một nồi chè đỗ xanh để liên hoan. Đầu giờ chiều, chúng ta (đoàn chi viện của VNTTX do đích thân Tổng biên tập Đào Tùng dẫn đầu) lên đường vào Sài Gòn.

Chiều hôm đó, tôi được lệnh lên đường gấp. Bàn giao lại các phương tiện tác nghiệp như radio, máy ghi âm và cả súng AK cùng vài thứ lỉnh kỉnh khác, tôi vội vàng khoác ba lô đến địa điểm tập kết. Ba người đồng hành với tôi là anh Duy Thu, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban tổ chức cơ quan; chị Ba Tâm, điện báo viên và anh Bùi, kỹ thuật viên. Xe chuyển bánh vào khoảng 7 giờ tối, chạy liên tục không ngừng nghỉ trong tiếng súng đì đọp suốt dọc đường. Gần sáng, xe dừng lại ở trụ sở Việt tấn xã, số 116 Hồng Thập Tự cũ (nay là 120 Nguyễn Thị Minh Khai- trụ sở Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh), ngay sát Dinh Độc Lập (nay gọi là Hội trường Dinh Thống Nhất). Tại đây, tôi được phân công cùng anh Nguyễn Đăng Chiến đến tiếp nhận Việt tấn xã và tạm thời ở lại nhà riêng của tổng giám đốc hãng này (nằm ngay đầu đường Tự Đức cũ, tiếp giáp với phố Hai Bà Trưng). Trước khi đi, anh Nguyễn Đức Giáp (sau này là Phó Tổng giám đốc TTXVN) còn dặn kỹ: Hôm nay là ngày Quốc tế lao động được nghỉ. Ngày mai tất cả phải bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị để phát hành bản tin đầu tiên của GPX tại Sài Gòn.

Phan Hồng Giang
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2013