Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Văn nghệ

Năm Ngọ, kể chuyện tác nghiệp về đua ngựa


(12/02/2014 09:56:57)

Chuyện chọi trâu, chọi gà, thậm chí chọi bò... đã có ở nhiều nơi trong nước, nhưng đua ngựa thì phải nói đến Giải đua Bắc Hà (Lào Cai). Làm báo ở vùng cao đã nhiều năm, tôi từng nhiều bận tác nghiệp về giải đua kỳ thú này.

 

Bắc Hà tuy là huyện vùng cao nhưng có địa hình tương đối bằng phẳng so với các huyện vùng cao khác của Lào Cai, vì vậy nơi đây được coi như cao nguyên. Cứ mỗi độ xuân về, cao nguyên Bắc Hà lại được tô điểm thêm màu trắng của hoa mận Tam hoa. Vì lẽ đó, giới văn nghệ sỹ và báo chí mới đặt cho đất này cái tên thật lãng mạn là "Cao nguyên trắng Bắc Hà".

Những người cao niên kể lại rằng, lâu lắm rồi, người dân vùng cao Bắc Hà đã có môn đua ngựa, thậm chí cưỡi trên lưng ngựa vừa đua tốc độ, vừa kết hợp các động tác phức tạp như bắn cung, bắn súng trúng đích... Bởi vậy, đua ngựa đích thực là môn thể thao lành mạnh, thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Bị bẵng đi một thời gian dài, khi đất nước mở cửa hội nhập, tinh hoa văn hóa và tinh thần thượng võ của người dân vùng cao Bắc Hà lại được phục dựng. Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, môn đua ngựa của đồng bào vùng cao Bắc Hà lại được báo chí nhắc đến nhiều. Từ năm 2007 đến nay, môn đua ngựa chính thức được Lào Cai đưa vào thành một trong những nội dung hoạt động chính của ngày khai mạc "Tuần lễ văn hóa Du lịch Bắc Hà" hàng năm (vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 dương lịch), khi những thửa ruộng bậc thang đã vào thì con gái và những cây mận Tam hoa ngon nổi tiếng đến độ thu hoạch rộ.

 

 

Thâm nhập "làng kỵ mã"

Do tính độc đáo, ly kỳ, Giải đua ngựa Bắc Hà luôn thu hút được sự quan tâm của báo giới. Bởi vậy, làm sao để tạo nên sự khác biệt, thông tin có tính cạnh tranh là điều Cơ quan thường trú (CQTT) Lào Cai luôn tính đến. Với lợi thế thông thạo địa bàn, thường trước ngày khai mạc giải một tuần, kíp PV TTXVN thường trú tại Lào Cai đã thâm nhập những làng bản và gia đình có truyền thống nuôi ngựa và đua ngựa.

Tôi còn nhớ, năm 2013, trước khi giải đua diễn ra khoảng một tuần, tôi và hai PV trẻ Nguyễn Thắng và Hương Thu đã có mặt tại Bắc Hà để tìm hiểu xem các nài ngựa huấn luyện và chuẩn bị thế nào. Dọc đường từ thành phố Lào Cai lên Bắc Hà (gần 70km) trời quang đãng, in rõ từng ngọn núi, rừng cây, như báo hiệu một mùa du lịch hấp dẫn.

Theo lời giới thiệu của vị Trưởng phòng Văn hóa huyện Bắc Hà, chúng tôi đến nhà Vàng Văn Huỳnh, một thanh niên dân tộc Tày từng ba lần giành giải nhất về đua ngựa các năm gần đây. Nhà Huỳnh nằm nép dưới chân núi, là căn nhà sàn được dựng theo nếp nhà truyền thống của người Tày - Nùng. Huỳnh ra tận cửa đón chúng tôi và bảo "Nhà báo lại vào viết đua ngựa à. Mình cũ rồi, chỉ có tuấn mã là mới thôi...". Bên bát rượu Bắc Hà cay nồng thơm mùi ngô mới, Huỳnh thao thao câu chuyện về đua ngựa, dạy ngựa, bảo tồn ngựa, chợ ngựa...

Theo lời kể của "kỵ sỹ" Huỳnh, Bắc Hà có tới hàng vạn con ngựa, nhưng ngựa đua không có nhiều. Có rất nhiều con ngựa khỏe, nhưng để đua tốc độ, chạy nhanh và biết tuân theo sự điều khiển của chủ thì cần dày công dạy ngựa. "Ngựa quen đường cũ", nếu huấn luyện không kỹ, khi vào đường đua dễ xảy ra tình trạng ngựa không tuân theo lệnh chủ, vào sân chạy hết một vòng rồi lao ra khỏi sân theo đúng lối đã vào trước đó. Lại có con hăng máu, chạy tới 7, 8 vòng sân ở lượt đấu loại trong khi luật đua chỉ yêu cầu chạy ba vòng, khiến khi tham gia các vòng đua sau, ngựa đuối sức, thành tích không cao. Đây cũng là tình huống mà một số cặp đua của các tay đua Na Hối, Tà Chải, Si Ma Cai, Bản Phố... gặp phải.

Vàng Văn Huỳnh còn tâm sự với chúng tôi về những điều thuộc "chuyên môn sâu" của giới đua ngựa. Ví dụ: Ngựa là con vật có đặc tính đứng nhiều hơn nằm, kể cả khi chúng ngủ. Vì vậy, đôi chân bé nhỏ của chúng thường phải gánh vác toàn bộ trọng lượng cơ thể. Nắm được đặc tính này, người nuôi ngựa đua phải chăm sóc rất kỹ đôi chân của tuấn mã, từ việc bóp lá thuốc khi tắm cho chúng đến việc thường xuyên kiểm tra thay móng sắt cho ngựa, cẩn thận như ta đi giày vậy....

Cánh nhà báo chúng ta vẫn "nằm lòng" phương châm: Phải hiểu biết về đối tượng phản ánh thì mới viết tốt được. Và chính những điều các kỵ mã chia sẻ về ngựa, về đua ngựa đã giúp chúng tôi có được những bài viết có chất lượng.

 

 

Ngựa đua, phóng viên cũng phải đua

Đấy là tôi muốn nói đến cuộc chạy đua của cánh nhà báo để chọn vị trí tác nghiệp trong giải đua ngựa. Trong sân vận động rộng khoảng 20.000 mét vuông, có đường đua chạy xung quanh, muốn có góc chụp và quay phim thuận lợi nhất, các PV phải đi rất sớm để chọn vị trí đẹp, góc nhìn rộng, bao quát được toàn cảnh. Một chuyện phải làm nữa là sớm "bắt tay" với Ban tổ chức để nắm được nội dung và quy định của giải, thể thức đua. Kinh nghiệm ấy chúng tôi rút ra từ sau giải năm 2010, do mải tác nghiệp, không hiểu biết về tốc độ và đường đi của ngựa đua mà một đồng nghiệp ở báo bạn đã suýt thiệt mạng do anh nằm ngay phía trước vạch xuất phát trên đường đua để chụp hình. Khi nháy được đến nháy thứ ba, anh đứng dậy thì vó ngựa va vào sườn, phải cấp cứu và điều trị hàng tháng trời.

Rút kinh nghiệm qua từng giải đua, để đưa tin nhanh và đầy đủ nhất, trước khi giải chính thức bắt đầu, ngoài việc chuẩn bị cho mình vị trí ghi hình đẹp nhất, chúng tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn với vị đại diện ban tổ chức lãnh đạo địa phương để thu nhận một số thông tin cần thiết. Tiếp đó, trong khi giải lao giữa các vòng đấu, chúng tôi phỏng vấn khán giả đang có mặt trên khán đài xem giải đua để thấy được cảm xúc của họ và đóng góp ý kiến cho Ban tổ chức giải lần sau được tốt hơn. Kết thúc vòng chung kết, chúng tôi chỉ còn việc phỏng vấn người thắng cuộc để họ cho biết cảm tưởng...

Cũng xin "bật mí": Những đúp hình đẹp, cộng với bản tin đã gửi về Ban biên tập tin Trong nước trước đó mấy phút, có thể sửa thành phần text cho truyền hình, dựng hình gửi về Hà Nội là có tin truyền hình thời sự trong ngày. Cộng với phóng sự về công việc âm thầm huấn luyện ngựa trước giải đua, chúng tôi đã đưa được một số tin, bài, hình ảnh trên báo viết, báo hình của cơ quan, mang đến cho công chúng trong và ngoài nước những hình ảnh sống động, tươi mới và đầy đủ về cuộc đua ngựa thú vị ở Bắc Hà.

Đến hẹn lại lên, năm Ngựa 2014 này, ăn tết xong, thấm thoắt lại đến giải đua ngựa, anh em CQTT Lào Cai chúng tôi lại về với "Cao nguyên trắng Bắc Hà".

Lục Văn Toán
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thơ (07/02/2013 14:57:01)

Kiêng kỵ trong ngày Tết người Việt (07/02/2013 14:51:05)

Hình tượng con rắn trong văn hóa bốn phương (07/02/2013 14:48:53)

Năm Tỵ kể chuyện Trại rắn Đồng Tâm (07/02/2013 14:44:08)

Con rắn trong biểu tượng của ngành y dược (07/02/2013 12:39:56)

Bỏ phố lên rừng! (07/02/2013 10:32:29)

Thơ (29/05/2012 14:56:29)

Xùn Nhâm Thìn kể chuyện con Rồng (17/01/2012 13:31:22)

Văn nghệ (07/03/2011 14:44:16)

Tập tục tặng quà ngày Tết (12/01/2011 10:56:10)