Thứ tư, ngày 03/07/2024

Truyền thống

Tăng Văn Kiệt - Gác tình riêng lo việc nước


(30/12/2013 10:11:43)

Anh Tăng Văn Kiệt, sinh năm 1946 tại ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).

Liệt sĩ thông tấn Tăng Văn Kiệt (1946 - 1969)

Nhà đông con (anh Kiệt là con thứ ba, còn bốn, năm đứa em nhỏ đang tuổi ăn tuổi học), tuổi mười lăm anh đã xin cha mẹ lên Sài Gòn làm mướn lấy tiền giúp đỡ cha mẹ nuôi các em. Anh đến xin học nghề thợ bạc ở nhà một người họ hàng là bà Tám, chuyên gia công nữ trang cho tiệm vàng Kim Ngọc ở Sài Gòn. Nhờ chuyên cần học hỏi lại sáng dạ, sau một năm anh đã dành dụm được chút tiền gửi về nhà.

Gia đình anh Kiệt có truyền thống yêu nước. Giữa lúc phong trào nam nữ thanh niên hăng hái tòng quân chống Mỹ cứu nước, năm 1963, anh Kiệt xin nghỉ nghề thợ bạc, tham gia quân ngũ. Trước khi thoát ly, anh bàn với Tăng Văn Trung- cậu em thứ bảy, để anh đi trước, em đi sau. Một thời gian sau đó, Trung cũng vào làm việc ở phòng Nhiếp ảnh (B22) của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP).

Ban tiếp nhận tân binh của Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam đưa Tăng Văn Kiệt và một số thanh niên khác về bổ sung quân số cho Phòng kỹ thuật điện đài (B8/2) thuộc TTXGP. Thời gian đầu ở rừng, anh hăng hái cùng đồng đội cắt tranh, vác cột, đào hầm, xây dựng nhà ở, làm tiếp phẩm gùi gạo, thực phẩm cho cơ quan. Sau thời gian thử thách, ban lãnh đạo cơ quan phân công anh học nghề báo vụ. Nhờ có người chỉ dẫn tận tình, anh học rất nhanh, có thể đánh thạo ma-níp rồi được nhận tin, phát tin một mình.

Khi căn cứ ổn định, chi đoàn thanh niên tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, như ca hát, hái hoa dân chủ, thi bóng chuyền, bóng bàn... anh đều tham gia nhiệt tình. Riêng môn bóng bàn, anh thuộc tay vợt cừ, giỏi có tiếng cả cơ quan.

Khi biết người em trai Tăng Văn Trung cũng thoát ly lên B22 (TTXGP) năm 1968, anh rất đỗi mừng vui. Nhưng vì ai cũng bận việc, tuy hai cơ quan (B22 và B8/2) cách nhau chỉ khoảng 30 phút đi bộ, song vài tuần, thậm chí hàng tháng, hoặc lúc họp toàn cơ quan, hai anh em mới được gặp nhau.

Năm 2010, anh Năm Đồng dẫn Tăng Văn Trung, em ruột, người đồng chí, đồng đội và hiện là người thờ cúng anh Kiệt, đến xã Phước Hiệp bốc hài cốt liệt sĩ Tăng Văn Kiệt đưa về an táng gần với cha mẹ ở quê nhà xã Cẩm Sơn (Tiền Giang) theo nguyện vọng của gia đình.

 

 

Sau Mậu Thân năm 1968, Ban Tuyên huấn I4 (Sài Gòn - Gia Định) cần thêm báo vụ trẻ, năng nổ. TTXGP cùng một số cơ quan khác đã cử cán bộ sang I4, Tăng Văn Kiệt nằm trong số đó. Anh tạm biệt các đồng nghiệp TTXGP đã nhiều năm cùng anh vào sinh ra tử, tạm biệt người con gái rất mực thương yêu, anh bùi ngùi, xúc động lên đường. Tổ điện đài I4 mới thành lập do đồng chí Đào Văn Chón (Năm Đồng) phụ trách. Sau thời gian công tác, tổ chức phân công Tăng Văn Kiệt làm trưởng đài.

Ngày 28/8/1969, trong chuyến tổ điện đài đi công tác tại xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, bị máy bay trực thăng địch phát hiện, cả tổ tản hàng ẩn núp. Trực thăng xả súng bắn, Tăng Văn Kiệt và một cán bộ Văn phòng tên là Lâm bị trúng đạn, hy sinh. Hai anh được nhân dân địa phương an táng ngay tại nơi họ ngã xuống. Liệt sỹ Tăng Văn Kiệt được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. 

Thanh Bền
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhà báo Đào Tùng - Cả cuộc đời cho báo chí và sự nghiệp Thông tấn (05/11/2013 09:56:21)

Tôi là phóng viên mặt trận của Thông tấn xã Giải phóng  (09/10/2013 09:49:04)

Một thập kỷ hợp tác giữa TTXVN và PRD: Tăng cường hiểu biết, chia sẻ, đối thoại thẳng thắn, hướng tới tương lai (09/09/2013 15:24:31)

Nhớ nhà báo Trần Thanh Xuân (08/07/2013 10:17:24)

Tổ Thông tấn trong chiến dịch 30/4 (02/05/2013 16:23:55)

Mừng tin chiến thắng  (02/05/2013 16:17:40)

Một nén hương cho người đã hy sinh (05/04/2013 11:20:06)

Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 40 năm GP10 ra trận (05/04/2013 11:05:28)

Bốn mươi năm GP10 (05/04/2013 10:41:56)

Nữ phóng viên B7/3- một thời để nhớ (05/04/2013 10:20:21)