Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Chân dung nhà báo

Vĩnh biệt nhà báo Nguyễn Đức Giáp!


(01/07/2014 10:24:34)

“Mãi mãi nhớ thương nhà báo Nguyễn Đức Giáp”, “Vô cùng tiếc thương nhà báo Nguyễn Đức Giáp”, “Chúng cháu nguyện học tập tấm gương của bác”... Sự kính trọng, thương tiếc tràn ngập Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông buổi chiều ngày 18/6, trong giờ phút tiễn biệt nhà báo lão thành Nguyễn Đức Giáp, nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN, về nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Nhà báo Nguyễn Đức Giáp (ngồi sau) cùng đồng nghiệp trên đường tiến vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975)

Phút chia tay, đồng chí Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Dương, thay mặt lớp lớp cán bộ công nhân viên TTXVN, đọc lời điếu, tiễn biệt và vinh danh nhà báo, nhà lãnh đạo tài ba của ngành: "... Trọn đời với nghề, tận tụy với nghiệp, nhà báo Nguyễn Đức Giáp đã từ một biên tập viên trở thành người lãnh đạo quản lý báo chí với những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp báo chí cách mạng nói chung và TTXVN nói riêng. ... đại gia đình Thông tấn xã Việt Nam phải chịu một tổn thất lớn vì sự ra đi của nguyên Phó Tổng giám đốc Nguyễn Đức Giáp, một nhà báo tài năng và tâm huyết với nghề, một tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức cách mạng và ý chí tự lập, tự rèn, tự học".

 

Nói đến TTXGP không thể không nói đến Nguyễn Đức Giáp. Cách đây đúng nửa thế kỷ, năm 1964, ông cùng một số anh em đồng nghiệp, vượt dãy Trường Sơn vào Nam bộ, trở thành một hạt nhân của TTXGP. Hơn 10 năm ở chiến trường, phóng viên Đức Giáp đã có nhiều tin, bài nhanh, sắc sảo đưa tin chiến thắng của quân dân ta trên chiến trường, trong các cuộc tiến công của quân giải phóng. Trong hồi ức của nhiều thành viên TTXGP còn in đậm hình ảnh nhà báo chiến trường Nguyễn Đức Giáp, như "một trong những phóng viên giỏi nhất của TTXGP" (lời bà Mai Thị Trình trong cuốn sách "Hồi ức Thông tấn xã Giải phóng" NXB Thông tấn 2010). Còn ông Phạm Nhật Nam, nguyên Phó giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại TP Hồ Chí Minh, thì nhớ mãi lần được Phó trưởng ban B7/3 (biên tập tin) Đức Giáp biên tập tít một bài ghi nhanh (vào năm 1974). Ông Nhật Nam kể: "Lúc đó, do vội và cũng do thiếu kinh nghiệm, tôi đặt một cái tít rất chung chung: Giặc Mỹ lại gây thêm tội ác dã man với đồng bào vùng giải phóng... Anh sửa là "Bom Mỹ lại rơi xuống võng em thơ, xuống trang sách học trò". Tít này không chỉ hay về câu chữ mà nó làm xúc động lương tri loài người, tạo nên sự căm phẫn trước tội ác tột cùng của quân giặc. Thật khâm phục việc xử lý nhanh nhạy và sắc sảo của anh Đức Giáp" (trích cuốn "Hồi ức Thông tấn xã Giải phóng").

Trở lại Tổng xã năm 1976, ông lần lượt đảm nhiệm nhiều mảng công tác của ngành, từ công tác thông tin (lãnh đạo Ban Thế giới, chỉ đạo việc biên tập ở các ấn phẩm Tuần Tin Tức, Thể thao & Văn hóa, Khoa học – Công nghệ, làm Tổng biên tập báo Le Courrier du Việt Nam (tiếng Pháp), báo Viet Nam Courrier (tiếng Anh), cho đến những việc "cơm áo gạo tiền" ("thủ lĩnh" Công ty Thu phát tin ảnh tổng hợp, phụ trách công tác tài chính của ngành). Dù việc "đạo" hay việc "đời", ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với rất nhiều cống hiến cho đất nước, cho ngành thông tấn, nhà báo Nguyễn Đức Giáp đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Thành đồng hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng nhì, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huy chương vì sự nghiệp báo chí, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thông tấn và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Anh chị em Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn nhớ mãi cuộc gặp với vị "nguyên Phó Tổng" Nguyễn Đức Giáp cách đây hơn hai  năm. Khi ấy ông vừa bình phục sau một cơn bệnh nặng nhưng đã phần nào lấy lại được vẻ ngoài phóng khoáng và linh hoạt. Trao tặng Phòng truyền thống của cơ quan những hiện vật quý, như tấm bản đồ Nam bộ mà ông đã sử dụng trong những ngày ở TTXGP, bản thảo bài báo về Campuchia, bộ sưu tập những số Tin nhanh đầu tiên của báo Thể thao & Văn hóa, ông kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về thời gian "nằm lán" trên Cứ, những ngày sôi động giải phóng Sài Gòn mà ông phụ trách tổ tin mũi nhọn của Giải phóng xã, rồi buổi đầu làm báo Thể thao & Văn hóa... Câu chuyện cuốn hút chúng tôi, phần vì vẻ đẹp hào hùng trong quá khứ oanh liệt của ngành, phần vì bề dày tri thức và kinh nghiệm của người kể chuyện- một nhà báo tài giỏi và "dạn dày trận mạc".

Là một người "thông kim bác cổ", ham đọc ham học (nguyên Tổng giám đốc Đỗ Phượng cho rằng, Nguyễn Đức Giáp là người tự học giỏi bậc nhất), lại từng làm nghề giáo (trước khi gia nhập đội ngũ những người làm báo thông tấn năm 1954) ông có mối quan tâm đặc biệt với công tác đào tạo của ngành. Ông có một bài báo viết về sự học của nhà báo, về Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn trên Nội san Thông tấn tháng 6/ 2005:

"Để có được vốn kiến thức cần thiết cho nghề làm báo, không có cách nào khác hơn là "học ở trường học, ở ngoài đời và vừa làm vừa học"... Rất tiếc, nhiều bạn trẻ ngày nay, thời gian nhàn rỗi lại chỉ được dùng vào việc chơi game trên máy vi tính cơ quan hoặc "buôn dưa lê".

... Hơn ai hết, người làm báo phải sống rất "đời" thì mới có thể viết cho đời đọc và thích thú. Và đó cũng là học!

Nhưng nếu nhấn mạnh đến mặt "tự phấn đấu, tự rèn luyện, tự học" của từng cá nhân thì việc đề cao vai trò của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn lại càng trở nên cần thiết.... Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần hoàn thành một bộ sách giáo khoa nghiệp vụ dành riêng cho TTX căn cứ vào kinh nghiệm của chúng ta và các sách giáo khoa hiện đại các nước.

Xét cho cùng thì việc đào tạo nên những phóng viên, biên tập viên giỏi đòi hỏi phải có một chính sách mạnh dạn khuyến khích sự bứt phá, sự vươn lên của từng cá nhân để có được những "sản phẩm’ tốt".

Những ý kiến đó của ông, cách nay đã gần chục năm, giờ vẫn giữ nguyên giá trị và tính thời sự.

 

Hẳn những ai quen biết nhà báo Nguyễn Đức Giáp đều ấn tượng với vẻ ngoài của ông. Từng đảm nhiệm đến chức vụ cao: Phó Tổng giám đốc TTXVN, lĩnh nhiều trọng trách, nhưng ông không hề mang dáng vẻ quan cách mà lại rất dung dị, có phần phóng khoáng mang tính nghệ sĩ. "Chất nghệ" ấy thể hiện từ buổi ở chiến khu, khi "người nhạc trưởng Nguyễn Đức Giáp với cây đàn ghi ta cũ mèm, vẫn chỉ huy chúng tôi hát theo các bè cao, trầm, rượt đuổi nhau khá bài bản" (Đinh Thị Minh Huệ- cuốn "GP10- Bốn mươi năm, một danh hiệu", NXB Thông tấn 2013); thể hiện trong câu chuyện mà ông hay kể với anh em đồng nghiệp, rằng nhờ tật nghiện thuốc lá nặng mà ông được bạn tặng một chiếc bật lửa Zippo có dòng chữ "Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thân tặng"....

Cũng bởi mang chất nghệ sĩ nên khi rời cương vị lãnh đạo ngành về nghỉ hưu, không làm báo nữa nhưng ông vẫn cầm bút. Cầm bút để viết văn. Ông đã xuất bản tập truyện ngắn "Về miền thùy dương cát trắng"- năm 2006, tiểu thuyết "Hương quê"- năm 2013, truyện dài "Ngõ tịch dương"- năm 2014. Đó  không phải là những cuốn "best seller", nhưng nhiều độc giả đồng cảm và thích thú với những chia sẻ văn chương của ông.

 

Vĩnh biệt nhà báo tài ba và tâm huyết Nguyễn Đức Giáp, xin mượn lời Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Dương để kết thúc bài viết này: "... dấu ấn Nguyễn Đức Giáp vẫn còn mãi trong nhiều trang tin, bài báo và trong lòng nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên TTXVN".

Theo Nội san Thông tấn, số 6/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Vũ Tín - nhà báo của nông nghiệp, nông thôn (30/05/2014 15:51:32)

Nhà báo - chiến sĩ Đào Tùng, như tôi được biết  (10/02/2014 16:18:15)

Nhà báo Đào Tùng - Cả cuộc đời cho báo chí và sự nghiệp Thông tấn (05/11/2013 09:56:21)

Nhớ nhà báo Trần Thanh Xuân (08/07/2013 10:17:24)

Một nén hương cho người đã hy sinh (05/04/2013 11:20:06)

Người con anh dũng đất Thành đồng (03/01/2013 15:27:41)

Nguý»…n Đức Nhân - Người con anh dÅ©ng Xứ Dừa  (01/11/2012 16:41:57)

Cựu PV chiến trường TTXVN Chu Chí Thành giành Giải thưởng Nhà nước : Lột tả chiều sâu giá trị của hòa bình và chiến thắng  (29/06/2012 10:05:43)

NICK ÚT: Ảnh báo chí không chấp nhận kỹ xảo (02/05/2012 17:56:11)

Trần Ấm - Nhà báo hết lòng với nghề, với đời (28/02/2012 16:00:53)