Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Cảm hứng làm phóng sự Tết


(23/01/2017 09:24:32)

Nhóm phóng viên CQTT Bắc Kinh (Trung Quốc) tác nghiệp tại tỉnh Cát Lâm


Đã là phóng viên đi thường trú nước ngoài, ai cũng xác định sẽ khó mà có cơ hội được về nước ăn Tết nguyên đán. Không nhiều nước có Tết âm lịch như nước ta, nên không khí đón Tết tại Trung Quốc luôn là đề tài được khai thác triệt để vào mỗi dịp đầu năm mới.

Với tôi, đi làm phóng sự Tết luôn đem đến thật nhiều cảm hứng, bởi đơn giản vì trong suốt cả năm, khó khăn lắm mới có thể xin được phỏng vấn chuyên gia này, học giả kia, còn đi làm phóng sự Tết thì luôn được mọi người hồ hởi nhận trả lời phỏng vấn. Ai nấy đều có tâm trạng hân hoan và sẵn sàng chia sẻ cảm xúc mong đợi một năm mới tốt đẹp hơn trước ống kính máy quay. 

Tôi nhớ lần đầu tiên đi làm phóng sự về lễ hội đèn lồng đỏ ở công viên Bát Đạt Xứ cách trung tâm thành phố hơn 30km. Hôm đó trời nắng trong nhưng rất lạnh, nhiệt độ ban ngày cũng xuống dưới 00C. Nhưng đến lúc được ngắm nhìn 2.014 chiếc đèn lồng đỏ treo rợp trời tại con đường dẫn vào công viên thì chúng tôi quên ngay cái lạnh và bắt tay vào công việc. 

Du khách đến công viên đông ngoài dự kiến nên chúng tôi đã phỏng vấn được một gia đình trẻ và một bạn gái xinh xắn. Sau đó, tôi phải quay hình dẫn hiện trường. Việc đầu tiên là cởi bỏ chiếc áo bông to sụ, chỉ mặc chiếc áo dạ đỏ gọn nhẹ để lên hình cho tươm tất. Vậy mà nước mắt cứ chảy, nói run cầm cập, quay đi quay lại nhiều lần càng mất thời gian. 

Khi đó, có ba người phụ nữ trạc ngoài 60 tuổi đứng nhìn chúng tôi ghi hình và bắt chuyện: Các cháu nói tiếng gì thế? Làm ở đài truyền hình nào? Đến đây đưa tin gì?... Không để mất cơ hội, tôi quay ngược mic lại và xin phỏng vấn. Kết quả thu được là rất nhiều thông tin thú vị về phong tục treo đèn lồng tại gia đình, phố xá, cũng như cách người dân Trung Quốc đón Tết.  
   
Nhớ lần đi làm phóng sự đúng vào mùng Một Tết Ất Mùi (2015), hôm đó, những hạt tuyết bé xíu đã rơi sau nhiều ngày đông mong đợi. Hình ảnh rất sinh động quay dòng người đi trảy hội ở công viên Địa Đàn, một trong bốn công viên nằm hướng chính Bắc của trung tâm thành phố Bắc Kinh, đã được phát ngay trên Vnews trong ngày đầu Xuân. 

Giống như Hà Nội, mấy năm gần đây, không khí  trước và trong Tết nguyên đán tại Bắc Kinh luôn là sự đối lập. Đó là cảnh người dân làm việc ở Bắc Kinh có cuộc “đại di cư” về quê ăn Tết, mà nước này vẫn gọi là “Xuân vận” với biển người ở sân bay, nhà ga, bến xe… Ngược lại, vào mấy ngày Tết, thành phố trở nên vắng lặng.

Theo phong tục của người Bắc Kinh, chiều tất niên, cả gia đình quây quần ăn bánh chẻo (cách gọi của người miền Bắc, còn miền Nam gọi là há cảo); đến giao thừa cùng ngắm pháo hoa; sáng mùng Một đi chùa Ung Hòa Cung và công viên Địa Đàn. 

Cũng vì thế, khi chúng tôi tới cổng công viên là biết ngay mình sẽ có một phóng sự Tết vô cùng rực rỡ. Không khí Tết ở Bắc Kinh đây rồi! Nào cờ hoa, chong chóng, đèn lồng đỏ… và dòng người đổ về công viên ngày một đông. Ở đó tái hiện nhiều không gian văn hóa truyền thống và trò chơi dân gian, thu hút không chỉ người dân bản địa mà còn rất đông người nước ngoài làm ăn, sinh sống và học tập tại Trung Quốc. 

Gia đình nhỏ của chúng tôi đã quá quen với việc ăn chơi trong những dịp lễ tết bị đẩy xuống hàng thứ yếu để nhường chỗ cho các hoạt động tác nghiệp. Thật may mắn, việc ghi hình, phỏng vấn cho phóng sự Tết nhanh chóng được hoàn tất để tôi trở lại, hòa trong niềm vui cùng gia đình. 

Để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa được ở bên gia đình, chúng tôi không có lựa chọn nào tối ưu hơn, nhất là trong dịp Tết. Đôi khi người nhà còn là cứu cánh cho chúng tôi. Lần đó, chuẩn bị đêm Giao thừa, chúng tôi ra phố Vương Phủ Tỉnh ghi hình “Chào Tết”. Dù đã trình bày là chúng tôi dẫn hiện trường về không khí đón Tết ở Trung Quốc, chúng tôi là người Việt Nam v.v và v.v, tuy nhiên cảnh sát vẫn kiên quyết không cho ghi hình vì lý do “cản trở” giao thông ở phố đi bộ.
 
Không trình bày nữa, tôi lẳng lặng nháy mắt cho đồng nghiệp dựng máy quay và đứng đúng tư thế dẫn hiện trường trong khi người nhà vẫn đang mải nói lý với cảnh sát. Đến lúc ghi hình xong, tôi mới biết, anh cảnh sát đó đã vào ngõ ăn xiên thịt cừu nướng với người nhà tôi. Tôi hiểu, chúng tôi không “cản trở” giao thông nữa không chỉ vì có xiên thịt, mà đơn giản là vào thời khắc này ai cũng muốn trở về nhà ăn cơm tất niên cùng gia đình, người thân, anh cảnh sát cũng chỉ mong được cùng ăn gì đó với một ai đó.

Còn rất nhiều, rất nhiều kỷ niệm khó quên khi chúng tôi thực hiện các phóng sự Tết ở địa bàn này. Chuyến công tác đến tỉnh Cát Lâm, nơi lạnh nhất ở miền đông bắc Trung Quốc, vào những ngày giáp Tết, trong cái rét -200C, chúng tôi vẫn cố gắng để có hình quay dẫn hiện trường. Rồi bữa cơm tất niên ấm áp tại gia đình người dân Bắc Kinh; những lễ hội mừng Xuân dù không có vé vào cửa, phóng viên nhất định đứng lì ngoài cửa chịu rét để Ban tổ chức phải chiếu cố cho vào ghi hình; cả cuộc gặp gỡ hội chị em lấy chồng người Trung Quốc trong bữa cơm tất niên mang đúng phong vị Việt Nam hay phỏng vấn diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng trước Tết Bính Thân… 

Phóng viên Tường Thu phỏng vấn diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng trước tết Bính Thân

Có điều thật may mắn là chúng tôi ở đây luôn nhận được sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Cứ mỗi dịp Tết đến, chúng tôi lại được tham gia gói bánh chưng, đi chợ hoa, trẻ con và ông bà đều được nhận lì xì đầu năm của Đại sứ…
 
Đón Xuân trong tiết trời khắc nghiệt song chúng tôi luôn cảm nhận được những tình cảm mà người xa xứ dành cho nhau, cầu chúc cho nhau một năm mới tốt lành, an khang, thịnh vượng.

Theo Nội san thông tấn số Xuân 2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Từ điểm nóng Trung Đông… (01/12/2016 09:55:06)

Đưa tin bầu cử ở xứ cờ hoa (01/12/2016 09:46:56)

Đưa tin từ tâm lũ miền Trung (08/11/2016 09:58:18)

Nơi rừng nghiến trăm tuổi bị đốn hạ  (04/11/2016 18:19:49)