Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Càng đi xa, càng khó khăn, khi viết càng nhiều cảm xúc


(01/11/2019 14:10:26)

Để hoàn thành cùng một công việc, nếu đàn ông cố gắng một thì phụ nữ phải gắng gấp đôi. Thực tế, phụ nữ làm báo không thua kém đồng nghiệp nam cả về sự đam mê cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, để cân bằng cuộc sống, giữa gia đình và trách nhiệm với công việc là cả một vấn đề khó khăn mà chỉ có sự đam mê với nghề mới có thể vượt qua. Nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, Nội san Thông tấn giới thiệu những chia sẻ về nghề của phóng viên Lục Hương Thu, Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Lào Cai, một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc.

Phóng viên Lục Hương Thu thực hiện phóng sự về mô hình xóa đói nghèo từ cây sả tại huyện Bảo Thắng, tháng 4/2019

Tôi đến với nghề báo như cái duyên đã định, không dứt ra được, để rồi sau mỗi bài viết lại có thêm động lực, thêm yêu và gắn bó với nghề. Tôi hiểu rằng nghề nào cũng có thuận lợi và khó khăn. Nghề báo còn khắc nghiệt hơn bởi tính chất nghề nghiệp cần đến bản lĩnh, sự trung thực, dũng cảm và lòng nhân ái, đòi hỏi các phóng viên, nhất là phóng viên nữ phải không ngừng tự hoàn thiện mình.

Phụ nữ chúng tôi chọn nghề báo là đã đặt lên vai một gánh nặng. Một bên là áp lực công việc, là trách nhiệm với cơ quan, với xã hội và bên kia là gia đình, trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, nuôi dạy con cái. Xét ở góc độ được đi đây đó mà chẳng phải bó buộc bởi 8 tiếng mỗi ngày như những nghề khác, nghề báo quả là món quà của cuộc sống và là ước mơ của nhiều người. Nhưng để có những dòng tin thời sự đạt tiêu chí: Nhanh, đúng, trúng, hay, cũng như những bài phóng sự nóng hổi, sắc sảo, đòi hỏi phóng viên phải lăn lộn với cơ sở. Làm gì và làm thế nào để có những bài báo vừa kịp thời, vừa có chất lượng là yêu cầu đặt ra đối với mỗi phóng viên Bên cạnh sự thi vị và đầy lãng mạn kia, nghề báo có rất nhiều gian truân, vất vả với những thử thách, hiểm nguy đặc thù của nghề.
 
Phóng viên Lục Hương Thu và con gái

Là phóng viên nữ thường trú tại địa bàn miền núi đa dân tộc, kinh tế, giao thông còn nhiều khó khăn như Lào Cai, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt, tôi luôn đặt sự nỗ lực, cố gắng của mình lên cao nhất, đáp ứng yêu cầu thông tin ở cả ba loại hình báo chí: Tin văn bản, ảnh và truyền hình.

Làm tin thời sự đã khó, thực hiện những tác phẩm điều tra chống tiêu cực càng khó gấp bội. Tuy nhiên, không phải vì khó khăn, nguy hiểm mà lùi bước. Nữ phóng viên chúng tôi đã và đang làm tất cả những công việc như các nhà báo nam giới. Thường trú hơn 10 năm ở các tỉnh trung du và miền núi, thời gian và trải nghiệm giúp tôi có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống cũng như kinh nghiệm làm nghề.

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới cách Hà Nội trên 300km. Địa phương xa trung tâm tỉnh lỵ nhất cũng ngót nghét 200km, giao thông tuy đã khá hơn trước nhưng đa phần dốc núi quanh co. Những chuyến công tác của chúng tôi về cơ sở nhiều khi bắt đầu từ rất sớm, thậm chí đi trước một ngày để tranh thủ lên tới nơi kịp giờ làm việc.

Còn nhớ lần tôi và mấy bạn đồng nghiệp báo Lào Cai đến làm việc tại xã biên giới A Lù, huyện Bát Xát để viết bài về xây dựng nông thôn mới. Ngày đó chưa có đường giao thông thuận lợi như bây giờ. Từ thị trấn Bát Xát lên đến xã A Lù khoảng 60km nhưng đi xe máy rất vất vả. Khi chúng tôi đến địa phận giáp ranh hai xã A Lù và Ý Tý, đứng trên điểm cao có thể nhìn thấy bản làng của người Hà Nhì, nếu tính đường chim bay chỉ vài kilomet, nhưng đi được đến đó phải mất nửa ngày. Người dân địa phương nói vui rằng, “đứng ở nơi giáp với xã Ý Tý nhìn thấy dưới chân đèo người dân xã A Lù đang mổ trâu làm cỗ, nhưng khi xuống được đến đó, dân làng đã phá cỗ xong”, đủ để biết đường đi quanh co khó khăn và hiểm trở như thế nào.

Là phụ nữ, nhiều khi tôi thấy mình thật liều lĩnh. Hầu hết những chuyến đi xa, dài ngày dọc các xã biên giới đều phải nhờ đến cán bộ thôn bản dẫn đường, với muôn vàn khó khăn phải đối mặt. Thế nhưng, những vất vả không làm tôi chùn bước, trái lại càng khiến tôi thêm hăng hái lên đường. Bởi càng đi xa, càng khó khăn thì bù lại khi đặt bút viết sẽ càng có nhiều cảm xúc. Không đi là sẽ “cùn” - chúng tôi thường đùa nhau như thế. Trước những chuyến đi dài ngày tôi thường lo chu tất công việc gia đình sau đó mới yên tâm lên đường.
 
Phóng viên Lục Hương Thu (thứ hai bên trái) cùng các đoàn viên TTXVN trong dịp khánh thành “Sân chơi chắp cánh ước mơ” tại Lào Cai, tháng 11/2018

Công bằng mà nói, phái nữ làm báo có nhiều khó khăn nhưng cũng có lợi thế nhờ sự dịu dàng, cởi mở nên rất dễ thâm nhập thực tế, cảm nhận đa chiều hơi thở cuộc sống và nhạy cảm trước các vấn đề đang xảy ra. Nữ phóng viên cũng dễ dẫn dắt nhân vật vào câu chuyện để khai thác thông tin, thậm chí những thông tin nhạy cảm. Nghề báo cho tôi thêm thực tế khi nhìn nhận bản thân, nhìn nhận cuộc sống xung quanh, để tự điều chỉnh và cân bằng cuộc sống.

Khi đã dấn thân, đam mê với nghề, tôi đã có những tác phẩm nhiều cảm xúc và chất lượng hơn. Nếu không yêu, không đam mê với nghề sẽ không thể có được vinh quang của người làm báo.

Lục Hương Thu
Nội san Thông tấn số 10/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tiến vào nơi ngùn ngụt cháy (01/10/2019 10:19:26)

Trong guồng quay thông tin về EVFTA (01/08/2019 14:45:19)

Công đoàn TTXVN: Một năm khởi sắc (31/01/2019 15:02:52)

Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn: Xây dựng nền tảng công nghệ tiên tiến (31/01/2019 15:02:14)

Báo Việt Nam News: Chấp nhận thách thức để phát triển (31/01/2019 15:01:33)

Báo Tin tức: Đổi mới, cứ đi là tới! (31/01/2019 15:00:23)

Báo Thể thao và Văn hóa: Những cột mốc mới (31/01/2019 14:58:12)

Trung tâm Truyền hình Thông tấn: Nâng cao niềm tin với độc giả (31/01/2019 14:56:49)

Cơ quan khu vực miền Trung - Tây Nguyên: "Đòn bẩy" để tăng tốc  (31/01/2019 14:56:19)

Cơ quan khu vực phía Nam: Nỗ lực thi đua với chính mình (31/01/2019 11:05:58)