Chủ nhật, ngày 19/05/2024

Tin tức trong ngành

Chuyện về T6 năm xưa


(11/10/2022 12:06:19)

Giai đoạn 1952-1954, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) đóng trụ sở tại thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với mật danh T6. Địa điểm này nằm ở vị trí trung tâm vùng chiến khu ATK, rất thuận lợi cho công tác thông tin, liên lạc. Khu làm việc của VNTTX có 10 ngôi nhà, làm bằng tranh tre nứa lá, gồm: hội trường, nhà làm việc kiêm nơi ở của lãnh đạo, nhà ăn (dựng ngay bên suối), nhà khách và nhà làm việc cho các bộ phận. Ông Nguyễn Tử Ánh, con trai cả của nhà báo Hoàng Tuấn (tên thật là Nguyễn Văn Minh, lúc đó là Phó giám đốc, sau là Giám đốc, Tổng biên tập VNTTX), đã ghi chép lại những sinh hoạt đời thường, những chi tiết nhỏ nhặt “góp phần làm nên lịch sử một cơ quan Thông tấn quốc gia, cũng như làm nên cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc” mà ông chứng kiến khi còn là một cậu bé 9 tuổi. Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập ngành, Nội san Thông tấn xin trích đăng bài viết của ông.

Giám đốc Hoàng Tuấn (áo trắng, đứng giữa) với cán bộ, phóng viên VNTTX trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp

1. Tôi sinh năm 1944. Trước Cách mạng Tháng Tám, bố tôi (nhà báo Hoàng Tuấn, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập VNTTX) là một công chức Sở Kiểm lâm Hà Nội. Sau ngày Tổng khởi nghĩa, ông tham gia cách mạng, làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, sau chuyển sang VNTTX thuộc Nha thông tin tuyên truyền. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, các cơ quan chính phủ chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Gia đình tôi theo cơ quan của bố di chuyển nhiều nơi, đến năm 1951 thì cố định ở xã Nông Tiến, gần thị xã Tuyên Quang. Bố tôi thường xuyên đi công tác, thỉnh thoảng mới về thăm nhà vài ngày.

Tết nguyên đán năm 1953, bố về ăn Tết với mẹ con tôi. Ông thông báo, tôi sẽ được đi học ở Trung Quốc, trước hết sẽ tập trung tại cơ quan của bố cùng một số con em cán bộ khác. Tôi rất háo hức nhưng nghĩ đến cảnh phải xa mẹ, xa các em, lại thấy bùi ngùi. Những ngày tháng qua, mẹ và các em đã trải qua bao nhiêu gian nan, vất vả, rời xa cuộc sống an nhàn ở thủ đô, cùng bố lên đường kháng chiến.

Những ngày Tết trôi qua, đã đến lúc bố con tôi lên đường. Bố đèo tôi trên chiếc xe đạp Folis mà ông thường rong ruổi khắp những nẻo đường kháng chiến. Tôi ngồi trên dóng xe. Con đường dài, lúc thì qua đoạn rải sỏi đồi màu đỏ, bánh xe bon rào rào; khi lại trên đường quốc lộ đã mất hết lớp nhựa đường, chỉ còn nền đá, xóc nẩy người; lúc lại thảnh thơi theo những dải đường đất len lỏi qua những thửa ruộng ven rừng. Sau gần một ngày đi đường, đến xế chiều, chúng tôi có mặt ở T6. Lội qua một con suối khá rộng, chúng tôi đến khu vực đóng quân của cơ quan. Sau này tôi được biết, T6 thuộc huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang nằm cách không xa quốc lộ 13.

Bố tôi lúc đó là Phó giám đốc VNTTX, nhưng ít khi ông có mặt ở cơ quan. Ông thả tôi ở T6 rồi lại tiếp tục những chuyến đi dài ngày trên chiếc xe đạp. Ở đây, tôi gặp lại nhiều cô chú thân quen với gia đình tôi từ những ngày theo cơ quan di chuyển nhiều nơi. Đó là chú Đăng “Voi”, người đã gánh hai anh em tôi ngồi trong hai cái thúng những ngày mới tản cư lên Việt Bắc. Đó là bác Đậu, chú Hiền, chú Kính - những thợ vô tuyến điện lành nghề. Đó là chú Thuyên, chú Chân, chú Hải “đất”, chú Thanh Bình, những người thân thiết với gia đình tôi. Đó là cô Tám, cô Liêm, cô Hường, cô Tuyến. Cô Tuyến y tá mang một cái tang từ mấy năm trước mà tôi từng chứng kiến. Chú Nhạ, chồng sắp cưới của cô đã qua đời ngay trước ngày cưới do bị đuối nước khi qua một con ngòi vào mùa lũ…
 
Đánh máy bản tin VNTTX tại chiến khu Việt Bắc

2. T6 là nơi đóng quân của VNTTX, ngay gần trụ sở Hội văn nghệ Việt Nam; gồm nhiều căn nhà lá nằm rải rác trên những sườn đồi, trước đây là rừng với nhiều cây to còn sót lại, có cả một bãi rộng khá bằng phẳng là vườn tăng gia. Nhà ăn tập thể dựng bên suối ngay lối vào cơ quan. Các nhà lá dài được chia thành nhiều gian, có phòng làm việc và nhà ở. Mấy đứa con trai chúng tôi được bố trí ở một gian trong nhà lá dài. Gian đầu hồi khá rộng, mặt trông ra lối vào cơ quan được gọi là nhà “hành chính”, là trung tâm của cơ quan và cũng là trạm thường trực. Các cô các chú thường tụ tập ở đây bàn công việc. Lũ trẻ con chúng tôi hằng ngày cũng tụ tập ở đây để nhận bài tập trước khi tản ra các gian khác làm bài. Ngồi cố định ở đây có bác Cương, suốt ngày cặm cụi trước một cái máy chữ khổ rộng. Ở một góc khác, cô Tám liên tục đánh máy, lúc thì từng tập giấy pơ luya - giấy than, lúc thì trên một tờ giấy sáp cho bộ phận in lito. Giữa nhà, thường có hai người tập phát và thu tín hiệu morse trên máy “con ve”. Một người nhìn vào một bản viết và liên tục gõ manip để máy phát ra những tiếng vè vè dài ngắn. Người nghe cầm bút ghi lại từng chữ trên giấy, lâu lâu hai người đối chiếu bản phát và thu rồi đổi vị trí cho nhau.

Có bác chỉ nghe tín hiệu bằng ống nghe, không cần viết ra giấy, vẫn hiểu được nội dung bản tin đang phát. Tôi đến T6 ít ngày thì phòng hành chính có thêm chiếc máy điện thoại. Đó là loại điện thoại từ thạch dùng cho cả trục thông tin nhiều máy. Khi một máy quay gọi thì tất cả các máy trên trục thông tin đều đổ chuông. Có khá nhiều cơ quan dùng chung đường dây này nên những ngày đầu mới có điện thoại, chuông đổ liên tục, nhấc máy lên mới biết ai gọi ai. Sau vài ngày thì có quy định số hồi chuông xác định người nhận. Tôi còn nhớ, 3 hồi chuông ngắn là gọi T6. Chuông đổ suốt ngày nhưng chỉ khi nghe 3 hồi chuông ngắn mới có người nhấc máy: “A lô, T6 đây!”. Các chú hay dùng điện thoại này đọc bản tin cho những cơ quan khác, những bản tin đọc đi đọc lại nhiều lần mà tôi nghe đến thuộc. Cũng có khi nói chuyện với người ở cơ quan khác bằng thứ mật mã đơn giản là thứ tiếng lóng của trẻ chăn trâu ngày ấy mà trẻ con chúng tôi ai cũng biết.

Cạnh nhà hành chính là gian in lito. Dụng cụ in lito là một khung gỗ có gắn tấm lưới sắt, trên đó gắn một tờ giấy sáp đã đánh máy bản in. Khung gỗ áp lên một bàn phẳng để từng tờ giấy in. Người in quét lên khung gỗ một ít mực sau đó dùng một cái lu bằng đá lăn trên khung gỗ. Nhấc khung gỗ lên, bản in được lấy ra. Các chú bảo, muốn cho bản in được rõ nét, cần quét mực đều, ấn lu đá vừa phải. Ấn mạnh thì bản in bị nhòe khó đọc, ấn nhẹ thì bản in bị mờ. Việc lăn cái lu bằng đá tưởng như đơn giản nhưng thực ra không dễ chút nào, ít người có tay nghề cao trong công việc này. Mãi về sau tôi mới biết chữ lito có nghĩa là đá và in lito còn gọi là in thạch bản.

Trước nhà hành chính là một khoảng đất bằng khá rộng, có cột và lưới căng làm sân bóng chuyền. Buổi chiều, sau giờ làm việc, các chú thường tụ tập đánh bóng chuyền rất sôi nổi, thu hút nhiều người cổ vũ. Luật bóng chuyền ngày ấy quy định, bên giao bóng thắng thì được một điểm còn nếu đánh hỏng thì chỉ bị mất bóng chứ bên đỡ chưa được ghi điểm. Séc đấu thường kéo dài vì có khi hai bên liên tục đổi bóng cho nhau. Các cổ động viên luôn hô “cắt, cắt” để khuyến khích bên đỡ bóng. Sân bóng chuyền cũng là nơi thỉnh thoảng tổ chức lửa trại hoặc chiếu phim, một loại giải trí mà ai cũng mong chờ. Ở góc sân có dựng một cái chòi khá cao, gọi là chòi phát thanh. Không có máy tăng âm, phát thanh viên trèo lên chòi cao, đọc to qua một cái loa bằng mo cau, hướng về các dãy nhà của cơ quan. Chiều tối, núi rừng yên tĩnh, tiếng loa vang rất xa. Hằng ngày, phát thanh viên đọc các bản tin do cơ quan xuất bản, từ tin chiến sự, tin quốc tế đến cả các bài báo tường của cơ quan.

Song song với dãy nhà hành chính, ở trên bậc cao hơn của sườn đồi là một dãy nhà làm việc khác. Các gian nhà này có máy thu tin, bên ngoài mắc dây ăng ten. Các chú, các bác ngồi trước máy thu tin, tai đeo ống nghe, tay xoay núm dò sóng, tay cầm bút ghi liên tục. Bút lá tre học trò chấm mực tím viết trên giấy giang của ta sản xuất, màu nâu, dầy và cứng, có một mặt nhẵn và một mặt ráp. Tôi nhìn những trang giấy ấy, thường thấy nhằng nhịt những dòng tiếng nước ngoài. Giấy loại xếp vào các bồ rác, tôi thường nhặt để gấp máy bay.

Trong dãy nhà này có một gian chuyên sửa chữa các máy vô tuyến điện. Bác Đậu, chú Hiền, chú Kính suốt ngày cặm cụi bên những khối máy tháo ra cùng những bàn cuốn cuộn dây đồng. Giữa nhà là một lò than lúc nào cũng nung vài cái mỏ hàn than, mùi nhựa thông cháy thơm. Trước đây, tôi đã biết cái máy thu thanh gọi là radio, có loa phát ra tiếng nói nhưng các máy thu tin ở đây khá đồ sộ, không có loa, chỉ có ống nghe đeo tai. Tôi hỏi bác Đậu đây có phải cái radio không, bác Đậu vui tính trả lời, nó là cái “Ra-đi-ô” không có loa, vậy ta gọi nó là cái “Về-đội-nón”.
 
Sa bàn trụ sở VNTTX tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (T6)

Ở bậc cao hơn nữa của sườn đồi cũng có một nhà lá nhiều gian, có dây ăng ten, gọi là đài phát sóng. Tôi ít khi lên khu vực ấy. Các nhà đều có hầm dài bao quanh phía sườn đồi. Các chú gọi là tăng xê tránh bom máy bay. Thực ra, trong suốt thời gian ở T6, tôi ít thấy có máy bay dòm ngó, khác hẳn những ngày ở Nông Tiến, luôn luôn có máy bay địch bay qua. Lũ trẻ con chúng tôi phân biệt được máy bay khu trục “cổ ngỗng”, máy bay ném bom “bê-vanh-xít” hoặc máy bay thám thính “bà già”. Hồi ấy, gần thị xã Tuyên Quang, máy bay địch thường xuyên đánh phá. Chúng bắn đạn “đui-xết”, dây tiếp đạn rơi loảng xoảng ngay cạnh nhà tôi. Tôi nhặt được những xích tiếp đạn bằng thép rất tốt, gọi là cái “xắc-xờ”, đánh thẳng ra mài sắc thành những con dao rất tốt. Những trận máy bay địch quần đảo dai gọi là máy bay “cù”. Ở T6, chúng tôi không bị máy bay “cù” lần nào cả.

Các máy thu tin ở đây chạy bằng bình ắc quy. Ngày nào cũng thấy mọi người khiêng ắc quy lên, xuống nhà máy nổ để nạp điện. Nhà máy nổ nằm bên trái lối vào cơ quan, cách nhà hành chính vài trăm mét. Máy nổ đặt dưới một hố sâu, mái che sát ngay mặt đất, có các bậc thang dẫn xuống chỗ đặt máy nổ. Bình ắc quy xếp thành từng dãy. Cái máy nổ hiệu Berna chạy liên tục, hai cái cần cứ đẩy lên, đẩy xuống nhịp nhàng theo tiếng máy nổ. Máy nổ kéo một cái máy phát điện bằng dây curoa. Chú Xuân giảng cho tôi là máy phát điện “đi-rếch cua-răng” gọi là cái Dynamo. Dynamo dùng để nạp ắc quy, còn nếu muốn chạy điện đèn phải dùng cái “An-tec-na-tơ”. Máy nổ được làm mát bằng hệ thống nước gồm nhiều thùng phuy. Nhiều người dùng nước này để tắm trong những ngày trời lạnh vì nước rất ấm…

3. Nhà ăn dựng bên bờ suối. Đó là một nhà lá khá rộng kiểu nhà trống, không có vách liếp, chỉ có hàng đố thấp. Có một trái nhà được ngăn bằng liếp, là chỗ để kho và nơi ở của bác Ban bếp trưởng. Vách liếp được dán các tờ báo tường với nhiều nội dung phong phú, các trang báo dán chồng lên nhau. Cơ quan rất nhiều người có tài văn thơ kí họa nên báo tường lúc nào cũng đẹp và nhiều bài viết. Giữa nhà là các dãy bàn ăn dài, đóng cọc tre, mặt bàn ghép bằng những cây tre hoặc nứa dài, không phẳng nhưng lại thích hợp với những dụng cụ đựng thức ăn ở đây. Không có đĩa và bát to, thức ăn đựng trong máng và mõ. Máng là một dóng vầu, vạc đi một nửa và có cán cầm. Mõ cũng giống máng nhưng to hơn và chỉ vạc đi một phần ba, trông y như cái mõ trâu của đồng bào dân tộc. Mõ dùng đựng canh, thay cho bát to; máng để rau xào hay các thứ thay cho đĩa. Cơm đựng trong rá tre, có những cái muôi và thìa to đẽo bằng gỗ rất khéo.

Đến giờ ăn cơm, mọi người mang bát đũa riêng của mình đến nhà ăn. Bát thì đủ loại, mỗi người một kiểu: có người dùng bát sứ đẹp gọi là bát mẫu, mang từ thủ đô đi từ ngày đầu kháng chiến, có người dùng bát sắt tráng men và nhiều người dùng những cái bát đàn thô sản xuất ở vùng tự do. Lũ trẻ chúng tôi mỗi người được phát một cái bát sắt tráng men, đồ quân sự viện trợ của Trung Quốc, đũa thì tự vót lấy. Chú Xuân máy nổ có một bộ bát ăn độc đáo mà tôi rất hâm mộ. Bát của chú là một cái chén to bằng nhôm có quai cầm và đôi đũa cũng bằng nhôm. Có lần, tôi năn nỉ chú cho dùng thử bộ đồ ăn. Thực ra, trông hay thế thôi chứ dùng cũng không tiện lắm, vì xới cơm vào là bị nóng đến tận chỗ quai cầm.

Thỉnh thoảng, vào những ngày lễ như: Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cứu quốc hay ngày Quốc tế lao động, nhà bếp mổ lợn, cơ quan được bữa ăn tươi. Thịt lợn luộc thái mỏng bày trên lá chuối, thịt kho tàu để trong máng, canh xương nấu su hào để trong mõ. Bác Ban bếp trưởng tự hào với tác phẩm của mình. Bác hồ hởi mời mọi người “vào mâm đi, vào mâm đi, cứ bốn một tám hai”. Mọi người được thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn. Sau vài ngày còn có món thịt rán ướp ngũ vị hương. Hết thịt, lại tiếp tục món ăn trường kì: các loại rau nấu với chút mỡ và muối. Có rau cải xanh, bắp cải xào cà chua, những thứ rau trồng được ở vườn tăng gia. Nhiều hôm cả cơ quan ăn đu đủ xanh kho tương, các chú hài hước gọi là món cà lào xào đu đủ. Tiếng dân tộc ở đây gọi quả đu đủ là cà lào. Thực ra, từ ngày theo gia đình đi kháng chiến, tuy nhiều khó khăn, gian khổ nhưng chưa bao giờ tôi bị đói ăn và cũng chưa bao giờ phàn nàn vì ăn uống kham khổ.
 
Cán bộ, phóng viên VNTTX và gia đình tại chiến khu Việt Bắc, năm 1953

Một hôm trên báo liếp có dán một bài thơ và ngay tối hôm đó được đọc trên chòi phát thanh. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ nhiều câu trong bài báo ấy :

Rau cải đã hết

Cải bắp chỉ còn hoa

Cà chua quả chưa già

Dền con còn chờ mệt

Mưa dầm ròng rã ngày đêm

Anh ơi cố gắng tiến lên đi nào

Ta bón phân cho rau

Ta tỉa cành cà xấu

Hố sắn ta cố đào...

Đúng cảnh vườn tăng gia cơ quan những ngày cuối đông. Các cô các chú trong cơ quan đã bỏ nhiều công sức cho vườn rau. Chúng tôi cũng tham gia trồng rau, được phân công mỗi đứa chăm tưới 5 củ su hào. Tôi cố gắng lắm, múc cả nước giải, nước phân chuồng lợn tưới cho những gốc su hào của mình. Tuy nhiên, do đã hết mùa rét, những gốc su hào ấy vẫn không lớn được bao nhiêu, cuối cùng phải thu hoạch sớm. Chúng tôi được hưởng thành quả lao động của mình, bác Ban xào riêng cho chúng tôi một mẻ su hào nhiều mỡ./.

Nguyễn Tử Ánh
Nội san Thông tấn số 9/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Gieo mầm ước mơ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Bình Phước (11/10/2022 11:26:27)

Triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh, video clip "Hà Nội mát xanh" (10/10/2022 20:29:39)

Trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15 (07/10/2022 09:58:00)

Chủ tịch nước gửi thư biểu dương TTXVN (05/10/2022 16:57:22)

Những nhà báo Thông tấn ghi danh trên dặm dài đất nước (04/10/2022 15:49:12)

Liên hoan Truyền hình Thông tấn lần thứ V - năm 2022: Sự trưởng thành của các nhà báo trẻ (04/10/2022 15:48:47)

Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập TTXVN (15/9/1945-15/9/2022): Phía sau sàn diễn (04/10/2022 15:42:30)

Phòng, chống thông tin xấu độc, phát huy vai trò của báo chí chính thống (30/09/2022 18:39:39)

Đoàn cựu cán bộ Đài minh ngữ khu V thăm Tổng xã (29/09/2022 14:40:15)

Nâng cấp và ra mắt 3 trang web (16/09/2022 15:53:20)