Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tin tức trong ngành

Cùng nhau vượt khó làm tốt thông tin


(05/01/2022 14:32:01)

Đợt mưa, lũ muộn cuối tháng 11/2021, tỉnh Phú Yên chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản với 8 người tử vong, hàng chục nghìn ngôi nhà ngập sâu trong nước lũ, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Nhận định tình hình mưa lũ sẽ diễn biến phức tạp, Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Phú Yên đã xây dựng kế hoạch thông tin cụ thể để kịp thời chuyển tải đến bạn đọc những thông tin nóng hổi nhất.

Phóng viên Phạm Văn Cường tác nghiệp trong đợt giải cứu 6 người dân mắc kẹt trên sông Ba, ngày 1/12

Linh động ứng phó
 
Từ đầu tháng 11/2021, tỉnh Phú Yên liên tục xuất hiện nhiều đợt mưa nhỏ kéo dài vào ban đêm. Hầu hết các hồ chứa nhà máy thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã tích đầy nước và đạt dung tích thiết kế. Tuy nhiên, từ ngày 29 đến ngày 30/11, Phú Yên bất ngờ nhận thêm một đợt mưa rất lớn với lưu lượng 400-600mm, gây ngập sâu, chia cắt nhiều địa phương trong tỉnh.
 
Sáng 30/11, CQTT đã họp, lên kế hoạch thông tin, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Trưởng CQTT tham gia nhóm Zalo dành phóng viên trên địa bàn do Chủ tịch UNBD tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế làm trưởng nhóm, thường xuyên cập nhập các thông tin cảnh báo, dự báo về mưa lũ, lưu lượng xả lũ của các nhà máy thủy điện trên địa bàn. Đồng thời, tham gia tác nghiệp trực tiếp tại vùng ngập lụt huyện Tuy An và TP.Tuy Hòa.
 
Phóng viên Vũ Xuân Triệu đi cùng đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Phú Yên, kiểm tra việc di dời người dân vùng trũng Sơn Hòa, Sông Hinh trước khi thủy điện xả lũ. CQTT tại Phú Yên chỉ có hai phóng viên trong khi mưa lũ gây thiệt hại tại nhiều địa phương. Vì thế, chúng tôi phải chia làm hai mũi để tác nghiệp, cùng nỗ lực hỗ trợ nhau để có những sản phẩm thông tin chất lượng tốt nhất.
 
Sáng 30/11, các nhà máy thủy điện trên sông Ba tại Tây Nguyên đồng loạt xả lũ. Lượng nước về hồ quá lớn, thủy điện sông Ba Hạ tại Phú Yên buộc phải xả lũ với lưu lượng 4.000m3/s, sau tăng lên 9.000m3/s, rồi 11.000m3/s vào lúc 15 giờ cùng ngày. Với lưu lượng nước khổng lồ đổ về vùng hạ du sông Ba, các địa phương Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và TP. Tuy Hòa của Phú Yên đã bị ngập sâu.
 
Trưa 30/11, nước lũ từ sông Ba dâng cao, chia cắt quốc lộ 25. Đoàn xe kiểm tra tình hình mưa lũ của UBND tỉnh Phú Yên lưu thông trên quốc lộ 25 đã bị chết máy do xe ngập nước sâu, phải dừng 4 tiếng tại huyện Sơn Hòa. Trên xe có phóng viên Vũ Xuân Triệu đi cùng và anh đã không thể di chuyển đến khu vực dự kiến tác nghiệp.
 
Sau khi trao đổi nhanh, chúng tôi thống nhất phương án: Triệu sẽ tác nghiệp ngay tại nơi đoàn xe dừng lại vì nước lũ và gửi thông tin thật nhanh về cho Trưởng CQTT tổng hợp. Với cách xử lý đó, CQTT Phú Yên đã có ngay thông tin ban đầu về tình hình mưa lũ trên địa bàn gửi về Tổng xã.
 
Trời về tối, nước lũ từ sông Ba dâng cao, TP. Tuy Hòa dần ngập sâu. Đến 19 giờ, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố đã ngập đến ngang ngực. Người dân TP. Tuy Hòa phải sử dụng ghe để vận chuyển tài sản, di dời người dân ngay trên các tuyến phố trung tâm sầm uất. Trời vẫn mưa, nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao, tôi đi bộ vào khu vực nước ngập sâu, ghi nhận hình ảnh người dân dùng thuyền chạy lũ ngay trong thành phố. Thông tin, hình ảnh được đăng tải kịp thời ngay sau đó và được nhiều đơn vị báo chí trong và ngoài ngành sử dụng.
 
Giải cứu người dân mắc kẹt
 
Đáng nhớ nhất, sáng 1/12, nước lũ trên sông Ba dâng cao, chúng tôi nhận được tin có 6 người dân chăn thả gia súc trên các cồn cát giữa lòng sông bị mắc kẹt không thể về nhà, đang được lực lượng quân đội tìm cách giải cứu. Lúc này mưa đã dứt, nhưng nước lũ vẫn cuồn cuộn, đục ngầu, ào ạt đổ về. Chúng tôi cùng nhóm phóng viên VTV8 và báo Tuổi trẻ xin đi cùng đoàn công tác giải cứu người dân trên sông Ba. Nhóm phóng viên được trang bị áo phao, mang theo máy ảnh và máy quay, cùng đoàn công tác vượt lũ.
 
Sau hơn một tiếng di chuyển, chiếc xuồng chuyên dụng cỡ lớn vẫn không thể tiếp cận được khu vực người dân bị mắc kẹt. Nhiều lần xuồng bị chết máy, trôi giữa dòng, buộc cả đoàn phải quyết định quay trở về bờ. Lần thứ hai vượt sông, các chiến sỹ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đưa thêm một xuồng cứu hộ loại nhỏ đi cùng. Đến giữa sông, chiếc xuồng cứu hộ nhỏ được thả xuống, 4 chiến sỹ lần lượt lên xuồng. Để đảm bảo an toàn cho lần cứu hộ này, chỉ một phóng viên được lên thuyền theo đoàn. Với ưu thế tác nghiệp được ở cả ba loại hình, tôi đã xung phong cùng các chiến sỹ xuống thuyền nhỏ, di chuyển đến các cồn cát, đưa người dân bị mắc kẹt trên lòng sông Ba về nhà an toàn.
 
Cuộc giải cứu người dân bị mắc kẹt hoàn thành, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có được nhiều hình ảnh chân thực nhất về cuộc giải cứu của những người lính bộ đội cụ Hồ trên dòng sông Ba.
 
Cùng nhau vượt khó
 
Trong quá trình tác nghiệp, máy tính xách tay, máy tính để bàn của CQTT lần lượt bị sập nguồn do mưa, ẩm trong khi cửa hàng sửa chữa xung quanh cơ quan không thể hoạt động do bị ngập nước. Đã thế, hệ thống điện tại cơ quan lại gặp sự cố. Chúng tôi buộc phải di chuyển đi nơi khác, nhờ máy tính của các đồng nghiệp để hoàn thành nốt các tác phẩm của mình. Cùng lúc đối mặt với nhiều trở ngại do mưa lũ, ngập lụt nhưng phóng viên CQTT Phú Yên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin trên địa bàn.
 
Trong đợt mưa lũ cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021, CQTT tại Phú Yên đã phát gần 40 tin, bài văn bản, truyền hình, chủ đề ảnh. Để hoàn thành tốt tuyến thông tin quan trọng, bất thường ở cả ba loại hình, chúng tôi rất coi trọng việc nhận định, dự báo tình hình; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tác nghiệp cũng như sự phối hợp, chia sẻ giữa các thành viên. Bên cạnh đó, để đối mặt với mưa lũ hằng năm, CQTT tại Phú Yên luôn chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng cần thiết như áo mưa, đèn pin, khẩu trang để trang bị cho anh em phóng viên khi tác nghiệp.
 
Trong thời điểm cam go vì mưa lũ, giao thông chia cắt, trụ sở CQTT Phú Yên đã trở thành nơi tá túc cho các phóng viên xa nhà và phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí khác trên địa bàn. Những bữa cơm đơn sơ do chính phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vừa tác nghiệp vừa tự nấu giúp anh em đồng nghiệp “ấm bụng” sau những chuyến vượt lũ vất vả đã tạo được sự đoàn kết, gắn bó, cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Một số hình ảnh do phóng viên Phạm Văn Cường chụp trong đợt mưa, lũ cuối tháng 11/2021 tại Phú Yên:
 


 

 

Phạm Văn Cường - Trưởng CQTT tại Phú Yên
Nội san Thông tấn số 12/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021): Bộ đội Cụ Hồ và những tấm lòng với dân (05/01/2022 14:29:28)

Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021): 75 năm vang vọng lời hiệu triệu (05/01/2022 14:28:29)

Ký ức Hà Nội 1972 (05/01/2022 14:24:34)

5 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/ĐU của Đảng ủy TTXVN về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin đối ngoại”: Chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động (05/01/2022 14:23:51)

Đại hội toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (31/12/2021 17:04:53)

TTXVN và Đại sứ quán Liên bang Nga thúc đẩy hợp tác truyền thông (28/12/2021 18:46:26)

Tăng cường phối hợp công tác với Ban Kinh tế Trung ương (28/12/2021 15:07:36)

Công bố 10 sự kiện nổi bật trong nước và thế giới do TTXVN bình chọn (27/12/2021 11:12:55)

Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021): Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa (22/12/2021 21:30:27)

Phim tài liệu của báo Việt Nam News giành giải Nhất tại LHP phim ngắn của Mỹ (22/12/2021 17:40:03)