Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Tin tức trong ngành

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Bệnh viện dã chiến - Y bác sỹ vừa điều trị vừa phục vụ người nhiễm COVID-19


(30/07/2021 12:52:50)

Những ngày trung tuần tháng 7, ổ dịch TP. Hồ Chí Minh ghi nhận con số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tăng lên từng giờ, từ vài trăm lên tới một nghìn, hai nghìn, thậm chí gần sáu nghìn người mỗi ngày. Trong gian khó ấy, các phóng viên, biên tập viên đã luôn sát cánh, đồng hành với lực lượng tuyến đầu, có mặt tại những điểm nóng, để người dân được cập nhật thông tin về sự khó khăn, vất vả và nguy hiểm mà các y bác sỹ đang phải đối mặt. Phóng viên Xuân Khu, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã có mặt tại một trong những địa điểm được thành phố khẩn cấp cải tạo thành bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng, chống dịch - Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 3, TP. Thủ Đức.

Trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và môi trường tác nghiệp tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh, việc chuẩn bị cho chuyến tác nghiệp tại một bệnh viện cách cơ quan chỉ 3-4 km trở nên phức tạp hơn mọi lần. Những thứ bắt buộc phải mang theo là giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu để qua được những trạm kiểm soát phòng dịch trên khắp các đường phố và trang thiết bị bảo hộ, đồ dùng tác nghiệp mà bình thường không bao giờ dùng đến như: túi zip đựng điện thoại, bao nilon bọc balo, kính chống giọt bắn…
 

Phóng viên Xuân Khu (bên trái) - CQTT TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh - phỏng vấn bác sỹ Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 4, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, tháng 7/2021

Khi đến Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 3, mặc dù đã liên hệ trước, tôi vẫn phải đứng chờ ngay dưới tầng hầm gửi xe của tòa nhà để đợi bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện, xuống tận nơi đưa vào. Khác với vẻ bề ngoài bề thế, bên trong là sự cập rập, ngổn ngang của một bệnh viện hình thành từ sự chuẩn bị gấp rút để ứng phó với tình huống y tế khẩn cấp của thành phố. Vừa hướng dẫn tôi tránh những thùng đồ đạc ngổn ngang dọc hành lang hướng đến khu vực hành chính, bác sỹ Trần Văn Khanh vừa tranh thủ giới thiệu về quá trình hình thành bệnh viện. Được cải tạo “thần tốc” từ một khu chung cư tái định cư tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, Bệnh viện dã chiến số 3 đã gần đạt công suất dự kiến 3.000 giường chỉ sau gần một tuần đón bệnh nhân.

 Giới thiệu nhóm cán bộ làm công tác nhập liệu với bàn làm việc là chính chiếc giường xếp dùng để ngủ và những chiếc ghế làm từ thùng đựng giấy vệ sinh, bác sỹ Khanh cảm thán: “Vừa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, lắp đặt thiết bị y tế, bổ sung, củng cố nhân lực, vừa tiếp nhận, điều trị bệnh nhân khiến anh em y tế phải làm việc hết khả năng có thể của mỗi người”. Câu chuyện giữa tôi và bác sỹ Khanh thường xuyên bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại liên quan đến việc đón tiếp bệnh nhân, giải quyết các sự cố kỹ thuật tại phòng bệnh, thậm chí cả việc lên thực đơn cho bữa ăn tối của bệnh nhân... 

Ngần ngừ một lát, bác sỹ Khanh cũng đồng ý cho phép tôi theo chân các bác sỹ, điều dưỡng vào khu vực bệnh nhân nhiễm COVID-19 không triệu chứng với điều kiện: “Chỉ được chụp ảnh từ xa và chỉ đứng ở ngoài hành lang, không được vào phòng”. Dường như không thật sự yên tâm với bộ đồ bảo hộ y tế tôi mang theo, các bác sỹ Bệnh viện dã chiến số 3 chuẩn bị cho tôi nguyên một “combo” đồ bảo hộ y tế cấp độ 4. Khó khăn đầu tiên đến ngay với tôi khi phải lồng mỗi tay ba chiếc găng tay cao su. Trong cái nóng nực của buổi chiều mùa hè phương Nam, mồ hôi tay nhanh chóng dính vào phần bên trong chiếc găng khiến việc xỏ găng không hề dễ dàng. Trước khi có sự hỗ trợ của một bác sỹ, tôi đã làm hỏng hai chiếc găng tay do sự vội vàng và không đúng cách. Vừa giúp tôi xỏ găng, đội mũ, mặc bộ quần áo bảo hộ, đeo tấm chống giọt bắn, bác sỹ Đài (biết được nhờ dòng chữ ghi trên lưng áo) dặn dò: “Anh hết sức cẩn thận nhé! Không được hở chút nào ra ngoài và tuyệt đối phải theo hướng dẫn của tụi em. Bệnh nhân không triệu chứng nhưng mức độ lây nhiễm rất cao và rất nguy hiểm”. 
 
Bác sỹ Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 3 (TP. Thủ Đức) thông đêm tiếp nhận bệnh nhân. Ảnh Xuân Khu

Sự tò mò xen lẫn e dè vì được “xúng xính” trải nghiệm trong bộ quần áo mới đã nhanh chóng thay bằng sự khó chịu bởi bộ đồ vừa kín như bưng, vừa nóng, vừa khó di chuyển. Theo các bác sỹ đi dọc hành lang có các phòng bệnh nhân mắc COVID-19, tôi chụp tất cả những gì có thể và cố gắng hạn chế các tiếp xúc. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã kịp ghi lại một phần những công việc của các y, bác sỹ tại Bệnh viện dã chiến số 3, không chỉ là khám, chữa bệnh mà còn cả những công việc không liên quan đến ngành y như: vác đồ, đưa cơm, dọn rác… Những đôi tay mềm mại của các nữ bác sỹ trẻ đã bị nhăn nheo vì đeo găng tay cao su nay thêm phần tấy đỏ bởi những công việc nặng nhọc không quen. Những đôi mắt của nam điều dưỡng thêm thâm quầng vì những đêm thiếu ngủ. Nhưng trên hết, họ vẫn toát lên tinh thần quyết tâm, lạc quan và yêu đời của tuổi trẻ.

Tất bật chỉ đạo tiếp nhận bệnh nhân mới trong ánh đèn đường của thành phố lúc 21 giờ, bác sỹ Nguyễn Trọng Khanh tạm biệt tôi với lời chia sẻ: “Chúng tôi luôn nỗ lực hết mình, vì lòng đam mê nghề nghiệp và trách nhiệm với cộng đồng. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của báo chí, truyền thông để người dân biết, hiểu, thông cảm, cùng đoàn kết vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Chúng tôi rất cảm ơn báo chí đã luôn đồng hành cùng lực lượng y tế trong cuộc chiến chống dịch lần này, cho dù có khó khăn hay nguy hiểm”.

Lời nói của bác sỹ Khanh theo tôi suốt chặng đường về. Đó không chỉ là lời động viên cho những nỗ lực vì sức khỏe của người dân mà còn là sự khẳng định về niềm tin tất thắng với dịch bệnh. Trong cuộc chiến chống COVID-19 hôm nay, cũng như lực lượng y tế, những nhà báo chúng tôi đã và đang sẵn sàng tâm thế chấp nhận khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ, vì những điều tốt đẹp của cuộc sống hôm nay và mai sau./.
 
 

Xuân Khu - Phóng viên CQTT tại TP. Hồ Chí Minh
Nội san thông tấn số 7/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Hai tuần giữa tâm dịch  (30/07/2021 12:46:10)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: ITAXA - Đảm bảo sản xuất để dòng tin không “đứt gãy” (30/07/2021 12:43:29)

Những trải nghiệm đầy kịch tính (30/07/2021 11:49:51)

Bạo loạn chưa qua COVID đã đến (30/07/2021 11:31:14)

Nhà xuất bản Thông tấn: Dấu ấn hai mươi năm (30/07/2021 11:23:05)

Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020: Kỳ EURO đặc biệt nhất! (30/07/2021 11:20:18)

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (29/07/2021 16:50:26)

Hoàn thiện hơn 1.000 hồ sơ đổi thẻ và kết nạp hội viên mới (29/07/2021 16:48:19)

Giới thiệu bộ ảnh vinh danh các liệt sỹ Thông tấn (29/07/2021 16:47:21)

Giao ban cấp ủy triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021: Vượt qua khó khăn, chủ động, tích cực hoàn thành nhiệm vụ (29/07/2021 16:45:24)