Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức trong ngành

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Phóng viên ảnh nhận lệnh bất kể ngày đêm


(01/10/2021 15:36:37)

Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch lần thứ tư với những diễn biến rất phức tạp, cướp đi sinh mạng của hơn chục nghìn người, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân và kinh tế xã hội. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các phóng viên Ban biên tập Ảnh - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã tự đặt mình vào vị trí của người chiến sỹ trên mặt trận thông tin, sẵn sàng đối mặt với rủi ro để mang đến những hình ảnh nóng nhất, chuẩn xác nhất tại hiện trường, giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ, toàn diện về diễn biến và công tác phòng, chống dịch COVID-19.


Mặc dù đã có kinh nghiệm tác nghiệp từ ba đợt dịch trước, nhưng lần này, việc phải đối mặt với biến thể Delta thực sự là một thách thức rất lớn đối với đội ngũ chống dịch cũng như những phóng viên ảnh TTXVN. Số ca tử vong cả nước tính đến cuối tháng 9/2021 đã vượt hơn 18.000 ca, cho thấy mức độ nguy hiểm của biến chủng mới của SARS-coV-2… Được ra đường với đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị phòng hộ là một lợi thế, nhưng đâu đó tận sâu thẳm bên trong chúng tôi vẫn ẩn chứa nỗi lo lắng sợ bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng tới gia đình và đồng nghiệp. Và muôn vàn những câu chuyện, những kỷ niệm ghi lại trong quá trình tác nghiệp tại vùng dịch, xin được chia sẻ với các đồng nghiệp.
 

Phóng viên Trần Thành Đạt luôn sẵn sàng có mặt tại các điểm nóng dịch COVID-19

Sẵn sàng lên đường

Với Hà Nội, đợt dịch thứ tư gây hậu quả nằm ngoài mọi dự kiến. Các ổ dịch, khu cách ly, phong toả xuất hiện khắp thành phố với mật độ dày đặc. Với phóng viên Trần Thành Đạt, vật bất ly thân là chiếc điện thoại để sẵn sàng nhận lệnh chỉ đạo, điều động của cấp trên bất kể ngày hay đêm. “Đạt ơi! Đến ngay Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhé! Cách ly rồi”, “Phường Văn Miếu thành ổ dịch, chú ra xem ngay!”, “Xét nghiệm cho toàn bộ dân khu HH Linh Đàm, em có mặt nhé!”... là những mệnh lệnh nóng, cần lên đường nhanh nhất có thể. Với hành trang gọn nhẹ, cơ động là chiếc máy ảnh và bộ đồ bảo hộ y tế sẵn sàng trong cốp xe, anh phi thật nhanh đến hiện trường.

Đạt kể, thường thì cách hiện trường khu cách ly, phong tỏa khoảng 100m, theo thói quen, anh dừng lại, chui vào bộ đồ bảo hộ kín mít rồi bước vào tâm dịch. Nhiều lần, dưới cái nóng hơn 40 độ, tác nghiệp quần quật 3-4 tiếng, mồ hôi vã ra như xông hơi, cảm giác bức bối, chỉ muốn tháo chiếc khẩu trang ra để thở… Ấy thế mà mặc mãi cũng thành quen, lại thấy có tác dụng tích cực, giúp mình yên tâm tác nghiệp mà không còn nỗi sợ bị lây nhiễm. Cánh phóng viên chúng tôi hay nói vui, mặc bảo hộ như tập thể dục ép cân, vã mồ hôi thải độc, giảm béo miễn phí.

Có lần, khi đang tác nghiệp tại phường Văn Chương, quận Đống Đa, thời điểm xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ dân vùng dịch, thấy Đạt mặc đồ bảo hộ luồn lách vào một con hẻm, nhiều người hỏi: “Bác sỹ ơi, đã đến lượt chúng tôi xét nghiệm chưa? Đứng nóng quá rồi!”. Anh động viên: “Bà con cứ đứng giãn cách, chờ 5 phút nữa nhé. Chúng cháu đang mang đồ xét nghiệm đến đây ạ”. Thế là tự nhiên, anh trở thành bác sỹ nhờ bộ đồng phục màu xanh này.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Đạt trong đợt dịch này là những lần vô tình trở thành F1, F2. Hôm đó, ngày 25/7, anh đến đưa tin công an phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội xử lý vi phạm Chỉ thị 16. Hai ngày sau, nhận được tin một đồng chí công an phường có kết quả dương tính, cả phường trở thành F1, anh trở thành F2. Trần Thành Đạt đã báo cáo lãnh đạo Ban và thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày.
 
Phóng viên Phan Tuấn Anh tại một điểm tiêm vaccine COVID-19 của quận Thanh Xuân, Hà Nội

 “Chuyên trách” ổ dịch

“May mắn” khi nhà riêng ở trong địa bàn quận Thanh Xuân, đối diện với ổ dịch nóng nhất Hà Nội - ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, Phan Tuấn Anh đã trở thành phóng viên “chuyên trách” theo dõi địa điểm này. Anh hầu như không bỏ sót, bỏ lọt bất kỳ thông tin quan trọng nào liên quan đến diễn biến và công tác dập dịch của thành phố, của quận Thanh Xuân tại điểm nóng đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ấn tượng nhất với anh là hàng trăm chuyến xe, cả ngày lẫn đêm, chở hơn 400 F0 đi cách ly và di dời 1.200 người dân đang sinh sống tại hai ngõ đến khu cách ly Hòa Lạc để giảm mật độ dân cư, tránh lây nhiễm chéo. Những em bé mới hơn hai tuổi, trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, ánh mắt ngơ ngác, líu ríu bám chân mẹ bước đi; những cụ già không giấu nổi sự lo lắng, mệt mỏi, bước lên xe trong sự hỗ trợ nhiệt tình của các chiến sỹ công an; những y bác sỹ làm việc không ngừng nghỉ từ sáng sớm đến nửa đêm, vào từng nhà dân lấy mẫu xét nghiệm và động viên, dặn dò các trường hợp nghi mắc… đã được ghi lại chân thực qua ống kính của phóng viên Phan Tuấn Anh.

Miệt mài có mặt tại các ổ dịch lớn, điều anh rút ra được là muốn làm thật tốt công việc, trước hết phải đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Việc tuân thủ quy trình bảo hộ khi tác nghiệp trong vùng dịch, khử khuẩn mỗi khi hoàn thành công việc, giữ an toàn cho gia đình và nơi làm việc luôn được anh thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ.
 
Phóng viên Bùi Cương Quyết tại điểm lấy mẫu xét nghiệm cho người dân quận Hai Bà Trưng trở về từ Đà Nẵng (trong đợt dịch thứ hai)

Gửi vợ con về quê, toàn tâm cho công việc

Nghe rất “hoàn cảnh” nhưng là thực tế cuộc sống của phóng viên ảnh Bùi Cương Quyết từ tháng 4/2021 đến nay. Vợ sinh con trai thứ hai chưa đầy tháng thì tình hình dịch bệnh tại Hà Nội bắt đầu diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện thêm các ổ dịch mới ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây, Quyết phải gửi vợ con về nhà ngoại, một mình trụ lại Hà Nội để tập trung cho công việc. Kể từ đó đến nay, anh chưa một lần được về quê thăm gia đình.

Là phóng viên ảnh được phân công theo dõi Bộ Y tế, anh luôn cố gắng cập nhật, truyền tải thông tin, hình ảnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhanh và chính xác nhất. Thường xuyên tác nghiệp tại các bệnh viện, khu cách ly, phong tỏa, khu lấy mẫu xét nghiệm... anh luôn xác định mình là người có nguy cơ lây nhiễm cao. Đầu tháng 5, Bùi Cương Quyết tham gia đưa tin cuộc gặp mặt của lãnh đạo Bộ Y tế với đoàn y bác sỹ chuẩn bị sang nước bạn Lào hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ngày hôm sau, nhận được thông tin một cán bộ trong đoàn dương tính với SARS-CoV-2, Quyết được thông báo tự cách ly và theo dõi sức khoẻ tại nhà trong 21 ngày. Ba tuần phải ở trong nhà, nhờ đồng nghiệp tiếp tế thực phẩm, hằng ngày ngắm cậu con trai mới sinh qua các cuộc gọi Facetime là quãng thời gian dài nhất trong cuộc đời mà anh từng trải qua.
 
Phóng viên Hoàng Hiếu có mặt trong đợt xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 diện rộng tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 12/9

Suýt bị “nhốt” trong khu phong tỏa

Sáng 21/7, ngay khi nhận được thông tin lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng tiến hành phong tỏa khu vực Trại Găng để truy vết, xét nghiệm toàn bộ người dân trong vùng dịch, phóng viên Hoàng Trung Hiếu đã nhanh chóng có mặt. Sau khi lấy thông tin, chụp ảnh hoạt động xét nghiệm cho người dân, anh di chuyển ra bên ngoài khu phong tỏa để chuyển ảnh về Tổng xã. Lúc này, lực lượng chức năng đã chốt chặt nhiều lớp, khắp mọi hướng. Hướng gần nhất ra ngoài là phố Bạch Mai, chốt kiểm soát thuộc phường Cầu Dền. Sau khi trình bày và xuất trình giấy tờ, rất bất ngờ, anh nhận được câu trả lời: “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong 14 ngày. Anh đi lòng vòng trong khu phong tỏa, trong đầu đã xuất hiện ý nghĩ “không quen biết ai, tạm thời ở lại đây rồi” thì gặp lại anh chiến sỹ trực chốt lúc vào, nhờ vậy, anh mới có thể ra khỏi khu phong tỏa.

Ngày 28/8, khi phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai trở thành điểm nóng do có nhiều ca nhiễm COVID-19, Hoàng Trung Hiếu cũng đã có mặt để ghi lại các hoạt động khám sàng lọc, xét nghiệm cho người dân. Phát hiện thấy phía xa, ở góc ngã tư đường có hai công nhân môi trường đô thị đang làm nhiệm vụ, anh đã ngay lập tức quay ống kính về phía các chị, nhanh chóng ghi lại những khoảnh khắc lao động ấn tượng này. Anh kể lại: tôi mặc đồ bảo hộ y tế, đeo kính, giữa trưa nắng gay gắt, mồ hôi chảy xuống mắt rất khó chịu, màn hình máy ảnh lại lóa, nên chụp được một lúc là phải di chuyển vào bóng râm, xem lại ảnh rồi ra chụp tiếp. Vậy mà các chị phải mặc đồng phục công ty, khoác bộ đồ bảo hộ y tế quá khổ, đeo tấm chắn giọt bắn, cần mẫn đi từng ngõ, ngách, gom hết rác - chất thải có nguy cơ lây nhiễm - vào từng túi. Tôi vừa khâm phục vừa xót xa trước những hy sinh thầm lặng, không ngại nguy hiểm để làm sạch môi trường, góp phần giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm tại các ổ dịch.

Hà Nội còn thực hiện giãn cách xã hội, các phóng viên ảnh vẫn phải “ẩn mình” trong bộ đồ bảo hộ bất kể thời tiết mưa nắng để tiếp tục bám trụ các điểm nóng, những khu vực có nguy cơ cao. Những trải nghiệm đã qua càng khiến các anh thêm thấm thía những cực nhọc, hiểm nguy mà các chiến sỹ áo trắng, trong bộ đồ bảo hộ cấp 4 miệt mài ngày đêm chiến đấu, giành giật sự sống, chữa trị cho bệnh nhân COVID-19. Hy vọng, tuyến thông tin bằng ảnh của TTXVN về diễn biến và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên mặt trận thông tin sẽ góp sức cùng cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân chiến thắng dịch bệnh, sớm trở lại với cuộc sống bình thường mới.

Nhóm phóng viên ảnh chuyên đề
Nội san Thông tấn số 9/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Trên cả sự sợ hãi (01/10/2021 15:36:09)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Sẵn sàng đối mặt (01/10/2021 15:35:33)

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Phát huy sức mạnh tổng hợp (01/10/2021 15:20:18)

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Thương hiệu Góc nhìn Tin tức (01/10/2021 15:03:53)

Giải báo chí TTXVN năm 2020: “Trái ngọt” từ sự phối hợp (01/10/2021 15:01:55)

Giải báo chí TTXVN năm 2020: Tâm dịch Đà Nẵng và những chuyện chưa kể  (01/10/2021 14:59:50)

Danh sách giải báo chí TTXVN năm 2020 (01/10/2021 14:55:40)

Giải mã những thách thức trong kỷ nguyên số (01/10/2021 14:45:20)

Mạng xã hội và hiệu ứng lan tỏa thông tin (01/10/2021 14:42:41)

Chất liệu quý từ cuộc sống (01/10/2021 14:34:27)