Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Đà Nẵng Những ngày khói lửa


(13/05/2008 10:49:27)

Xúc cảm trào dâng khi tôi ngồi xem truyền hình trực tiếp đêm thi bắn pháo hoa quốc tế vừa tổ chức tại Đà Nẵng. Mảnh đất đó đã gắn với nhiều kỷ niệm trong tôi cho dù một phần ba thế kỷ đã trôi qua...

Ngày 15 tháng 3 năm 1973, chúng tôi - lớp phóng viên GP10 - được lệnh lên đường vào chiến trường miền Nam (B2). Khi ấy Hiệp định Pa-ri đã được ký kết, Mỹ đã ngừng bắn phá miền Bắc. Chúng tôi đi bằng nhiều phương tiện khác nhau - tàu hoả, ôtô, sà lan - đến miền Tây tỉnh Quảng Bình. Rồi từ đó đi tiếp bằng ôtô trên đường Tây Trường Sơn. Từ vĩ tuyến 17 trở vào địch bắn phá dữ dội nên người và xe phải nguỵ trang rất cẩn thận. Có đoạn đường chỉ được đi ban đêm để tránh máy bay địch oanh tạc. Đường Tây Trường Sơn lắm dốc, nhiều đèo, quanh co, khúc khuỷu, ổ trâu, ổ gà chi chít, người trong xe bị xóc như xóc cua trong giỏ. Những lúc xe leo đèo dựng đứng, chúng tôi tưởng như được bay lên trời, còn những lúc xuống dốc lại có cảm giác rơi xuống vực sâu. Xe chạy tới đâu bụi cuốn mù mịt tới đó. Thỉnh thoảng chúng tôi nhìn nhau lại bật cười vì người nào cũng đỏ hoe bụi đất, chỉ còn hai con mắt hấp háy sau hàng mi trĩu bụi.

Đến mỗi trạm nghỉ tối, chúng tôi vội vàng tìm nơi mắc võng và chuẩn bị nấu ăn. Mọi người chặt cành tươi đóng cọc làm bếp và đi tìm củi khô nhóm lửa nấu nướng... Đêm Trường Sơn vang vọng tiếng muông thú kêu, thỉnh thoảng nghe thấy cả tiếng gầm của hổ, báo. Do hành quân suốt ngày mệt mỏi nên mọi người quên cả sợ hãi, ngả lưng là ngủ thiếp đi.

Sau hơn hai tuần hành quân chung với nhiều đơn vị trên đường tây Trường Sơn, ngày 6-4-1973 chúng tôi chia tay với họ để đi về chiến trường Khu V. Chúng tôi tới Kon Tum sau một tháng trời đi bộ. Đường hành quân xuyên qua những khu rừng đầy ruồi "vàng", muỗi "bạc", vắt "kim cương". Chỉ cần dừng chân một tí là các chú ruồi vàng đến hỏi thăm ngay. Chúng đốt rất êm, nhưng khi đã no bụng bay đi thì ở những vết chích máu chảy thành dòng, sau đó đóng vẩy cứng và rất ngứa, nếu gãi nhiều sẽ bị lở loét khắp người. Muỗi bạc là loại muỗi nhỏ có vằn màu trắng trên thân, đuổi theo người rất dai dẳng. Hễ ngồi xuống giải lao là chúng bu lại, xông vào đốt khắp người, để lại vết sưng to như đầu ngón tay và ngứa kinh khủng.

Sông Hàn, ngổn ngang xác tàu địch năm xưa, trở lên lộng lẫy trong Đêm thi pháo hoa quốc tế 27/3/2008. (Ảnh: Xuân Quang).

Từ chân Tây Trường Sơn leo lên đỉnh để vượt sang Đông Trường Sơn. Sao nhiều núi, nhiều đèo, nhiều dốc đến thế! "Núi cao chi lắm núi ơi, để người leo núi rụng rời chân tay". Nhiều đoạn núi đá dốc thẳng đứng, người leo nối tiếp nhau, nhìn từ xa cứ tưởng chân người trên đạp lên đầu người dưới. Vai đeo ba lô nặng gần 40 ki-lô, vai đau nhức, mồ hôi ướt như tắm, tôi cố gắng vững bước leo lên theo đoàn quân, để lại đám mây vờn lưng chừng núi phía sau xa mờ. Cuộc hành quân ra mặt trận đã biến tôi - một sinh viên 24 tuổi mới tốt nghiệp khoa Sinh trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - trở nên rắn rỏi.

Sau khi phục vụ chiến dịch Kon Tum và chiến dịch Đông Sơn, Trung Phước (Quảng Nam) diễn ra cuối năm 1974 đến tháng 2-1975, tôi nhận lệnh của Khu ủy khu V tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.

Ba lô trên vai, tôi và người bạn đường hòa mình vào dòng quân giải phóng nườm nượp tiến về Đà Nẵng. Người giao liên đưa hai chúng tôi đến một chiếc cầu cách Đà Nẵng khoảng 40 km thì dừng lại, chiếc cầu đã bị bọn địch cố thủ tại Đà Nẵng phá sập. "Các đồng chí phải tự lo đoạn đường tiếp theo thôi", người giao liên nói và quay lại căn cứ. Chúng tôi tìm thuyền vượt sông rồi đi tiếp bằng xe Honda. Rất đông người di tản ngược ra khỏi thành phố. Hai chúng tôi được người lái xe "thả" xuống bờ sông Hàn. Trước mắt chúng tôi là một thành phố hoang tàn. Địch tháo chạy trong hoảng loạn, bỏ lại ngổn ngang xe tăng, thiết giáp, súng ống, quân trang, quân dụng...

Người bạn đi cùng bị lạc. Một mình với khẩu súng con đeo bên sườn và chiếc máy ảnh bất ly thân, tôi lang thang khắp nơi trong thành phố. Tận dụng khoảng thời gian quý báu đó, tôi kịp thời ghi lại được rất nhiều ảnh thời sự nóng hổi của chiến trường Đà Nẵng: Vũ khí, quân trang, quân dụng của địch chất đống khắp nơi; tàu địch bốc cháy trên sông Hàn; những xác chết của lính ngụy; nhân dân Đà Nẵng treo cờ giải phóng trước hiên nhà, hồ hởi đón chào quân cách mạng. Tiếng súng thưa dần. Tuy nhiên, một tàu lớn của địch đậu ngoài cảng Tiên Sa vẫn liên tục nã pháo vào thành phố. Tôi lao ngay ra cảng. Tiếc là do khoảng cách quá xa và hạn chế của máy ảnh nên trong ảnh chỉ thấy một chiếc tàu rất nhỏ, không rõ các chi tiết trên tàu... Quân giải phóng tiếp tục tiến vào thành phố mỗi lúc một đông.

Tối đến, tôi tìm đường về Ban chỉ huy quân sự đóng tại trụ sở Toà án Đà Nẵng tìm chỗ ngủ qua đêm. Gặp lại một số anh em của VNTTX ở đó, ai cũng vui mừng khôn xiết.

Ngày hôm sau bộ phận in, phát, tráng ảnh của Chiến khu V mới vào Đà Nẵng. Tôi liền nhờ tráng và rửa 5 cuộn phim chụp thành phố ngày đầu tiên giải phóng. Thật vui và cảm động khi thấy ảnh chụp Đà Nẵng ngày đầu tiên giải phóng của tôi được dùng nhiều trên các báo trong cả nước...

Các thế hệ cha anh đi trước đã chịu đựng vô vàn gian khổ, hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nếu ví công lao của họ như hòn đá tảng thì thế hệ chúng tôi chỉ là những viên sỏi nhỏ. Nhưng dù sao chúng tôi cũng đã được đi, được đến, được biết, được đóng góp sức lực của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc và được chứng kiến ngày đại thắng của dân tộc... Những năm tháng đó mãi mãi không thể nào phai trong tâm trí tôi, một phóng viên chiến trường trẻ tuổi của VNTTX.

Hà Mùi
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2008