Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Dàn ý - Sự cần thiết cho mọi thể loại


(18/09/2006 09:11:50)

PV trẻ: - Lần trước, Người Viết Báo có trao đổi về sự cần thiết của việc lập dàn ý trước khi bắt đầu một bài viết. Tôi thử áp dụng và thấy quả thực có tác dụng; đúng là có mất công khi lập dàn ý nhưng đổi lại, lúc viết bài lại nhanh hơn, bài đủ ý mà ngắn gọi...Nhưng tôi xin hỏi: Chẳng lẽ khi viết tin cũng cần lập dàn ý à?

          Người Viết Báo: - Về nguyên tắc thì đúng như thế đấy. Cũng như khi xây dựng một ngôi nhà, dù nhà to, nhà nhỏ cũng đều cần phải thiết kế chứ. Ngay cả đến cái lều chăn vịt ở ngoài đồng, bạn đừng tưởng bác nông dân làm một cách bừa bãi đâu. Cho dù không cần đến kiến trúc sư, cho dù không có bản vẽ thì trước khi làm, bác nông dân cũng đã phải hình dung trong đầu cái lều định làm nó như thế nào rồi; Hình thù nó ra sao, gồm nhưng nguyên liệu gì, thứ tự công việc thế nào...

 

          Cũng như thế, khi viết một cái tin, bạn cần phải lập dàn ý; chỉ có điều, nó không cầu kỳ như khi viết bài. Có thể bạn chỉ cần vạch ra một số ý chính, những chi tiết, số liệu cần thiết cho khỏi quên; sau đó nghĩ câu mào đầu rồi viết. Cũng có thể bạn chỉ cần nghĩ trong đầu cái tin đó ta sẽ đưa nội dung gì, thứ tự ra sao rồi vừa suy nghĩ vừa viết là được, nhất là đối với những tin đơn giản, tin ngắn.

 

          - Thực ra như thế cũng là đã lập dàn ý rồi đấy chứ; có điều là không viết dàn ý ra giấy mà là sắp xếp nó trong đầu...

          -  Bạn nói hoàn toàn đúng. Vì một cái tin thường không dài, không quá phức tạp; không cần phải lập luận, chứng minh... nên ta hoàn toàn có thể xắp sếp nó trong đầu mà không sợ quên, không sợ lẫn lộn các chi tiết, số liệu.

 

          - Nếu vậy thì thực ra, từ trước đến nay phóng viên nào cũng đã lập dàn ý khi viết tin rồi đấy.

          - Bạn tưởng thế thôi chứ thực ra không phải phóng viên nào cũng làm được như thế đâu. Tôi biết có rất nhiều phóng viên không hề suy nghĩ, chứ chưa nói đến lập dàn ý - dù là trong đầu - cho cái tin mình định viết bao giờ. Chỉ đến khi ngồi vào máy mới bắt đầu nghĩ đến nó, và thế là nhớ gì viết nấy; vì vậy mà tin hầu như không có mào đầu, tin viết rất lộn xộn, không rõ nội dung, thậm chí có các chi tiết, số liệu còn "phản" lại nhau, tin viết dây cà ra dây muống dài lê thê mà thông tin chẳng có là bao. Vì vậy bạn đừng chủ quan ngay cả khi viết một cái tin ngắn. Bạn cũng nên nhớ một điều, ngay cả khi lập dàn ý trong đầu thì bạn cũng phải chú ý sắp xếp các chi tiết theo cấu trúc hình tháp ngược; tức là, đưa những thông tin quan trọng nhất lên trên, thông tin ít quan trọng xuống dưới theo hướng giảm dần. Sở dĩ tôi phải nhắc lại điều này bởi vì hầu như ai bước chân vào nghề báo cũng đều được học điều này đầu tiên nhưng trong thực tế tác nghiệp thì hầu như chẳng có mấy ai chú ý và thực hiện được điều này, kể cả các phóng viên mang tiếng là gạo cội. Vì vậy nên các tin của ta thường dài và kém hấp dẫn.

 

          - Nghe Người Viết Báo nói thì tôi thấy việc lập dàn ý quả là quan trọng thật; dù chỉ là kỹ năng thao tác nhưng nó lại đóng góp nhiều cho sự thành công của một bài báo. Nhưng trong thực tế, tôi thấy có không ít nhà báo không cần lập dàn ý mà bài viết vẫn rất hay, ngắn gọn và chặt chẽ?

          - Thực ra họ không viết dàn ý ra giấy thôi chứ họ đều lập dàn ý trong đầu cả đấy; thậm  chí còn là một dàn ý rất hoàn chỉnh, đầy đủ và chặt chẽ hơn cả cái dàn ý mà chúng ta viết ra giấy nữa là đằng khác. Đó là những người có bộ nhớ tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu không viết ra giấy, nhiều khi vẫn có thể nhãng quên một ý, một chi tiết, một câu trích dẫn...nào đó. Do vậy, tốt nhất là vẫn nên lập dàn ý, có mất thời gian một chút nhưng khi viết bài lại rất nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu không, mỗi khi đến một ý nào đó, một câu dẫn, số liệu nào đó, ta lại phải lục tìm rất mất thời gian và trong lúc ấy, những ý ta đang viết lại lồng chạy đi mất. Hơn nữa, nếu bạn không phải là người có bộ nhớ siêu phàm mà lại cố lập dàn ý trong đầu thì khi viết bài, bạn vừa phải tư duy về bài viết, vừa phải "canh chừng" để "dàn ý" trong đầu khỏi "chạy mất", như thế sẽ rất mệt và tư tưởng sẽ bị phân tán, không tập trung hoàn toàn vào việc viết bài được.

 

          - Điều Người Viết Báo vừa nói làm tôi nhớ lại câu chuyện bà ngoại tôi kể về việc thổi cơm thi ngày xưa. Mỗi người dự thi phải vừa nấu một niêu cơm bằng bếp rơm, vừa phải chăn một con cóc không được để cho nó nhảy ra khỏi một cái vòng tròn vẽ trên mặt đất. Thành thử nhiều khi mải chăn cóc nên để bếp bị tắt hoặc lửa liếm cả vào tay, còn nếu mải nấu cơm có khi lại để con cóc nhảy ra khỏi vòng, cũng thua cuộc.

          - Hình ảnh bạn so sánh thật là đắt. Vậy mà trong khi đó, ta lại có một cái rá bên cạnh và hoàn toàn được phép thì tội gì ta không lấy cái rá úp con cóc lại để tập trung vào việc thổi cơm. Việc lập dàn ý chẳng qua là chúng ta đã phân chia thao tác viết bài thành những công đoạn khác nhau một cách khoa học. Thay vì việc vừa viết bài  vừa chọn và sắp xếp ý, trước tiên, chúng ta tập trung suy nghĩ, hình dung ra bài viết rồi cố định những ý tứ lộn xộn trong đầu theo một trình tự logic cho nó khỏi chạy mất như những con ngựa hoang. Sau đó mới tập trung vào việc thể hiện những ý tứ đó thành bài viết. Ngày nay, hầu  hết chúng ta viết bài trên máy vi tính thì việc lập dàn ý càng trở nên cần thiết bởi thao tác trên máy vi tính phức tạp  hơn viết bằng bút; đầu óc ta bị chi phối bởi rất nhiều thao tác nên lại càng dễ quên những ý ta đã nghĩ ra từ trước.

 

          - Đến đây thì tôi đã hiểu tại sao ta phải lập dàn ý, nhất là khi viết những bài mang tính khoa học hoặc về lĩnh vực pháp lý; hoặc những bài bình luận điểm nào đó. Tuy nhiên tôi xin hỏi, vậy những bài phóng sự, những bài viết theo cảm xúc có cần lập dàn ý vốn như một thao tác kỹ thuật đơn thuần, liệu có làm cho bài viết xơ cứng, khô khan đi không?

          - Lập dàn ý chỉ là phương pháp và cho dù là phương pháp khoa học thì nó cũng không hề ảnh hưởng đến cảm xúc. Thậm chí nó còn giúp nâng tầm cảm xúc bởi bài viết sẽ mạch lạc, chặt chẽ hơn. Mặt khác, nếu lập được dàn ý rồi thì khi viết bài đầu óc ta được tự do phát triển cảm xúc theo mạch của bài viết chứ không phải chăm chăm nhớ những ý, những chi tiết cần đưa vào, do đó, cảm xúc càng dồi dào.

 

          - Nhưng dàn ý là một cái khung đóng chết cứng. Vậy trong khi viết bài tôi nảy ra những cảm xúc mới thì chả lẽ lại bỏ phí đi à?

          - Điểm này thì bạn hiểu sai rồi, dàn ý không phải là một cái khung đóng mà là một cái khung mở. Do đó trong quá trình viết bài, không cứ là phóng sự, nếu bạn phát hiện một ý mới thì bạn cứ phát triển vào bài đó, miễn là nó phù hợp với chủ đề và làm cho bài viết hay hơn.

 

          Nhân đây cũng xin nói thêm một điều này, khi lập dàn ý, không phải bạn chỉ ghi các luận điểm, luận cứ, các chi tiết, số liệu hay câu trích dẫn một cách tóm tắt mà nếu bạn nghĩ được một cách lập luận, một cách diễn đạt hay, thậm chí kể cả một từ "đắt", bạn cũng ghi ngay lại cho khỏi quên. Ngay cả trong khi đang viết bài, bạn chợt nghĩ ra được một ý, một chi tiết, một câu hay...thì bạn cũng nên ghi ngay lại để sử dụng khi viết đến phần đó. Và đó cũng chính là một trong những lợi thế của việc lập dàn ý khi viết bài.

(Theo Nội san Thông tấn, số 8-2006)