Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Trao đổi với các phóng viên thường trú trong nước: Viết cái gì?


(14/08/2006 08:47:56)

"QuÃắ sáỪỔt ruáỪỎt váỪỈi cháỨầt lẳồáỪặng cáỪậa tuyáỨƯn thÃƠng tin cÃắc phÃằn xÃặ trong nẳồáỪỈc, tÃƠi ẢỔÃặ yÃếu cáỨậu ẢỔẳồáỪặc "chen ngang" vào chẳồẳắng trÃểnh báỪỘi dẳồáỪắng nghiáỪẬp váỪầ quáỨặn lÃơ cho 15 trẳồáỪỲng phÃằn xÃặ phÃễa BáỨốc (táỪề 10-12/5/2006) ẢỔáỪẶ trao ẢỔáỪỚi váỪỈi anh cháỪỀ em máỪỎt tiáỨƯng ẢỔáỪỘng háỪỘ váỪẮ thÃƠng tin."

          Không sốt ruột sao được khi hàng ngày, trên các báo bạn, xuất hiện hầu hết là tin, bài phát hiện, nêu những vấn đề mà xã hội quan tâm, lại đưa rất nhanh; trong khi trên các bản tin của ta (tin trong nước và tin kinh tế), tin, bài phản ánh tiến độ hoặc biểu dương thành tích chung chung vẫn nhiều quá. Những tin, bài hay, kịp thời, nêu được vấn đề, đáp ứng trúng nhu cầu thông tin của xã hội cũng có, nhưng còn ít, chưa phải là phần nổi bật của các bản tin. Tôi nghĩ rằng, bản thân nhiều anh chị em phóng viên cũng chưa bằng lòng với chất lượng sản phẩm của mình, nhưng "cực chẳng đã" (do phải "chạy" điểm định mức) nên vẫn phải viết những tin, bài như vậy. Còn các ban biên tập thì vẫn "nể" phóng viên, chưa kiên quyết loại bỏ những tin, bài thuộc loại "vô thưởng vô phạt" như Quy chế đã quy định. Và thế là chúng ta vướng vào cái vòng luẩn quẩn: Tổng xã "chê" nhưng vẫn dùng thì phân xã vẫn chuyển về: phân xã chuyển về, Tổng xã lại "kêu"... Quả thật, nếu cứ như thế này thì không biết đến bao giờ chúng ta mới tạo được bước đột phá, nâng cao được chất lượng và sức cạnh tranh của thông tin TTXVN?

 

          Khi bàn về nâng cao chất lượng thông tin, chúng ta thường xoay quanh hai vấn đề: Viết cái gì và viết như thế nào? Trong bài này, tôi chỉ trao đổi về vấn đề thứ nhất. Đành rằng "viết như thế nào" (cách thể hiện) cũng rất quan trọng, nhưng theo tôi, phát hiện ra vấn đề để đưa tin đầu tiên vẫn là yêu cầu hàng đầu của tin thông tấn.

 

          Để đáp ứng trúng nhu cầu thông  tin của xã hội, tức là thông tin những vấn đề mà xã hội cần biết (chứ không phải cung cấp những thông tin mình có), trước hết phóng viên phải nắm được nhu cầu thông tin của xã hội. Khi hàng trăm ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi bị nạn trong cơn bão số 1 vừa qua, thì thông tin mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như nhân dân cả nước, nhất là nhân dân các địa phương có người bị nạn, cần biết trước hết là kết quả cứu nạn (bao nhiêu tầu cá, cụ thể là những tàu nào, bao nhiêu ngư dân được cứu, tìm thấy bao nhiêu thi thể những người xấu số và khi nào thì những tàu cứu nạn nhân cập bến, còn bao nhiêu tàu và ngư dân mất tích, công việc tìm kiếm tiếp tục ra sao, khi nào thì kết thúc?...). Tiếp đó là công tác cứu trợ như thế nào? Đảng và Nhà nước (Trung ương và địa phương) có những chủ trường gì giúp đỡ những gia đình bị nạn? (Khoanh nợ cho những người có tàu bị đắm, bị mất tích còn nợ ngân hàng, cho vay vốn để đóng mới và sửa chữa tàu sớm ổn định sản xuất, đặc cách xét tốt nghiệp cho con em những người bị nạn đang học lớp 12...).

 

          Khi xảy ra một sự kiện cụ thể (thiên tai, hoả hoạn, tai nạn giao thông v.v...), các phân xã thường đưa tin khá tốt, vì nắm được yêu cầu thông tin. Nhưng thường ngày, nhất là dịp cuối tháng, anh chị em lại chuyển về Tổng xã quá nhiều tin, bài không đáp ứng nhu cầu thông tin. Nguyên nhân của tìn trạng này là gì?

 

          Trước hết, phải khẳng định rằng tay nghề của phòng viên TTXVN không yếu (trừ một số đang trong thời gian thử việc hoặc hợp đồng ngắn hạn). Nhưng phương pháp tác nghiệp, lòng say nghề và nhất là "kỹ nghệ" săn tin, lại là câu chuyện chúng ta cần bàn. Không cơ quan báo chí nào, trừ TTXVN, có mạng lưới phóng viên thường trú ở tất cả các tỉnh, thành phố. Vậy mà rất nhiều vấn đề, rất nhiều hiện tượng nảy sinh trong cuộc sống, các báo phát hiện được, còn chúng ta thì rất ít khi phát hiện được. Phóng viên một số báo đóng giả làm lơ xe, làm hành khách rong ruổi suốt từ Nam ra Bắc để có được những phóng sự nóng bỏng tính thời sự phanh phui những vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực giao thông vận tải mà cả xã hội quan tâm ("cơm tù", "xe nhốt", nạn "mãi lộ..."). Trong chiến dịch cứu nạn bão số 1 vừa qua, phóng viên một số báo bám theo tàu cứu hộ ra tận ngoài khơi viết tương thuật tại chỗ. Khi xảy ra bão số 7 năm ngoái hoặc khi xảy ra sự cố lún sụt đường dẫn lên cầu chui Văn Thánh đầu năm nay, phóng viên các báo bạn tác nghiệp suốt đêm, chuyển tin, ảnh về toà soạn lúc 2-3 giờ sáng. Còn chúng ta? Tôi không nói là tất cả (vì cũng có không ít phóng viên các phân xã địa phương từng lăn lộn tác nghiệp tại hiện trường, nhất là khi xảy ra thiên tai; trong đợt cứu nạn bão số 1 vừa qua chẳng hạn, phóng viên phân xã Đà Nẵng đến 12 giờ đêm vẫn có mặt ở cầu cảng đợi các tàu cứu nạn về để đưa tin, ảnh kịp thời), nhưng rất nhiều anh chị em phóng viên chưa chịu đổi mới tư duy thông tin, chưa thay đổi phương thức làm việc (còn thụ động chờ giấy mời, chờ người ta thông báo qua điện thoại mà không chủ động đi "săn tin" để phát hiện vấn đề).

 

          Xin nêu một ví dụ: Từ khi triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ cho nhập ô tô cũ (từ ngày 01/5/2006), các báo phát hiện ra bao nhiêu vấn đề. Nhiều ô tô cũ nhập về đến cảng không có trong danh mục loại xe mà Bộ Tài chính thống kê để áp mức thuế. Hải quan không chấp nhận giá khai của doanh nghiệp nhập khẩu vì cho rằng họ khai qúa thấp để trốn thuế. Thế là không thông quan được. Trong khi chờ hải quan truy cập Internet tìm giá xe cũ cùng loại ở các thị trường để tham khảo (việc này tốn không ít thời gian), các doanh nghiệp nhập khẩu xe phải oằn lưng chịu phí bến bãi cho xe đã nhập về đến cảng ... Cuối cùng, hải quan đành tháo gỡ bằng cách cho các doanh nghiệp nhập khẩu đưa xe về, thủ tục thông quan làm sau. Rõ ràng đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, từ các nhà hoạch định chính sách ở Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng Cục Hải quan, các doanh nghiệp nhập khảu ô tô cũ, các cơ sở lắp ráp xe ô tô trong nước và nhất là người tiêu dùng đang "phập phồng" chờ giá xe ô tô giảm khi xe cũ nhập về v.v ... Vậy mà trừ phân xã Hải Phòng có một bài, các phân xã ở các địa phương khác có cảng lại không đưa được tin, bài phản ánh những vấn đề rất đáng quan tâm nêu trên.

 

          Nhân nói về đổi mới phương thức tác nghiệp, tôi thấy cần trao đổi về một vấn đề tồn tại từ lâu. Đó là "lối mòn" khi đưa tin về hội thảo, hội nghị. Phóng viên chúng ta, khi đến hội thảo, hội nghị, thường tìm cách nhanh chóng lấy cho được tài liệu (báo cáo) rồi về dựa vào tài liệu đó viết tin, bài, thậm chí "chẻ" tài liệu đó "chế" ra nhiều tin, bài, sử dụng vào nhiều dịp khác nhau. Vì vậy, tin, bài về hội thảo, hội nghị rất công thức, không hấp dẫn. Ít phóng viên dự đến cùng, lắng nghe và ghi lại các ý kiến phát biểu, nhất là các ý kiến tranh luận nhau, thậm chí trái ngược nhau để có thể nảy ra các vấn đề cần thông tin. Lại càng ít người chịu khó nghiên cứu tài liệu tại chỗ, kết hợp với nghe ý kiến các đại biểu, rồi tranh thủ phỏng vấn người chủ trì hội nghị và các đại biểu có ý kiến khác nhau để ngoài việc đưa tin, có thể viết bài phân tích, lý giải sâu về những vấn đề hoặc chuyên đề mà hội thảo hoặc hội nghị đề cập. Thông tin mà người dân quan tâm nhất là hội thảo, hội nghị đó bàn về cái gì, thông  qua chủ trương hoặc kế sách gì và những chủ trương, kế sách đó ảnh hưởng thế nào (có lợi hay không có lợi) đối với họ. Thế mà tin, bài của chúng ta về hội thảo, hội nghị thường ít đáp ứng trúng nhu cầu thông tin này. Cũng xin lưu ý, hội thảo hoặc hội nghị là một dịp rất tốt để phóng viên tiếp xúc với các đại biểu, nắm tình hình ở các địa phương (quận, huyện, xã, phường) và các ngành. Nếu không tận dụng những dịp như vậy để khai thác nắm tình hình cơ sở thì thật phí, nhất là trong bối cảnh không  mấy khi chúng ta đi cơ sở được.

 

          Mảng tin, bài phản ảnh tình hình thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ở các địa phương chưa được các phân xã của ta quan tâm. Mà chủ trương, chính sách thì nhiều vô kể. Cuộc sống lại muôn hình, muôn vẻ. Phóng viên cần lăn lộn với thực tiễn cuộc sống, thường xuyên tiếp xúc với lãnh đạo địa phương, hỏi chuyện cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tiếp xúc với các doanh nghiệp, các ngành để tìm hiểu xem việc triển khai thực hiện một chủ trương, chính sách có gì khó khăn, vướng mắc. Nếu có khó khăn vướng mắc thì có giải pháp gì để tháo gỡ, vấn đề gì không thể tháo gỡ. rồi người ta "lách luật" như thế nào khi thực hiện các chủ trương, chính sách hoặc lợi dụng chủ trương, chính sách để làm bậy ra sao? Chính vì biết cách "săn tin" mà VTV và một số báo phát hiện ra vụ "chôn" rơm và trấu thay cho gà, vịt bị dịch ở Đông Anh (Hà Nội) để lấy tiền hỗ trợ của Nhà nước. Và mới đây nhất, khi dịch lở mồm long móng đang lan mạnh, các báo lại phát hiện những giấy chứng nhận: đã kiểm dịch, tiêm phòng" được cấp tùy tiện cho gia súc mắc bệnh ở Hà Nội, Nghệ An và Long An, tạo điều kiện để người dân bán chạy những gia súc này sang địa phương khác. Hậu quả là dịch bệnh lây lan một cách hết sức nguy hiểm.

 

          Một sự kiện xảy ra thường có nhiều tác động, ảnh hưởng đối với cuộc sống. Tuy nhiên, thông tin của chúng ta lại chỉ tập trung phản ánh sự kiện chính mà không bao quát hết được tác động, ảnh hưởng của nó (chưa kể tình trạng khá phổ biến là nhiều phóng viên không theo dõi sự kiện đến cùng, tức là chỉ đưa một, hai tin rồi bỏ lửng, không biết kết cục ra sao). Chẳng hạn khi xảy ra dịch cúm gia cầm, các phân xã hầu như chỉ phản ánh các địa phương bị dịch như thế nào, xử lý ra sao hoặc người chăn nuôi gia cầm bị thiệt hại những gì, rồi ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm đối với thị trường hoặc thị trường thực phẩm. Ít ai chú ý đến tác động của dịch cúm gia cầm đối với thị trường bánh ngọt, nhất là bánh ga-tô (vì trong bánh có trứng) hoặc ảnh hưởng của nó đối với nghề làm cầu lông, nghề làm gối lông chim (do thiếu nguyên liệu là lông ngỗng, lông vịt, lông chim). Như vậy, khi một sự kiện xảy ra, nếu phóng viên chịu khó suy nghĩ, đổi mới tư duy thông tin, thì sẽ tìm được nhiều vấn đề để phản ánh, phân tích, lý giải.

 

          Một mảng nữa chúng ta làm chưa được nhiều (nếu không nói là thiếu) là thông  tin dự báo. Thông tin dự báo rất cần đối với các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, những người làm công tác quản lý, các doanh nghiệp v.v... Có nhiều lĩnh vực cần được thông tin dự báo: Dự báo những khả năng có thể xảy ra đối với an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một địa bàn vào một thời điểm nhất định nào đó, dự báo hướng phát triển và kết quả (hoặc hậu quả) của một sự kiện, một hiện tượng xảy ra trong tự nhiên hoặc xã hội, dự báo về những khó khăn, vướng mắc có thể nảy sinh khi thực hiện một chủ trương, một dự án lớn, dự báo sự phát triển của khoa học công nghệ, dự báo nhu cầu của xã hội đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó, dự báo khả năng phát triển của một loại dịch bệnh hoặc sâu bệnh, dự báo những biến động về giá cả, dự báo tình hình khí tượng thuỷ văn (khác với dự báo thời tiết hàng ngày) và nhiều lĩnh vự khác. Cái khó của thông tin dự báo là làm sao phải đạt độ chính xác cao và có cơ sở. Để có được thông tin dự báo tốt, ngoài kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, phóng viên phải tham khảo nhiều kênh thông tin khác nhau, phải dựa vào quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội và nhát là phải dựa vào nhận định của các chuyên gia, các nhà khoa học, và có những lĩnh vực phải dựa vào kinh nghiệm lịch sử, thậm chí cả kinh nghiệm dân gian.

 

          Hiện nay, trên một số báo đôi lúc xuất hiện những tin, bài phản ánh không chính xác, thậm chí sai sự thật về một số tình hình ở địa phương và các ngành, hoặc đúng sự thật nhưng không đúng định hướng thông tin, gây tác động xấu trong dư luận. Trong những trường hợp như vậy, phóng viên TTXVN thường trú ở địa phương cần điều tra, xác minh, phản ánh lại cho chính xác để cải chính, chỉnh hướng thông tin. Ví dụ, ngày 1/5, một số báo đưa tin đã  có 200 xe ô tô cũ cập cảng Sài Gòn. Phân xã TP.Hồ Chí Minh điều tra, xác minh rõ không có số xe như vậy, thì phát tin dưới dạng cải chính, chẳng hạn: Vừa qua, một số báo đưa tin đã có 200 xe ô tô cũ cập cảng Sài Gòn. Vấn đề này, TTXVN đã làm việc với các cơ quan chức năng của cảng Sài Gòn và xin chính thức thông tin: Cho đến nay, chưa có một xe ô tô cũ nhập khẩu nào về đến cảng Sài Gòn" (Phân xã TP HCM có đưa tin và khẳng định không có 200 xe nhập về, nhưng không viết theo dạng cải chính thông  tin như ví dụ tôi nêu. Tôi nêu ví dụ này để đề xuất một phương thức thông tin mới - cải chính và chỉnh hướng thông tin, chứ không có ý phê bình phân xã TP Hồ Chí Minh). Thường xuyên làm được như vậy, chúng ta sẽ khôi phục và nâng cao được vị thế của TTXVN và chắc chắn sẽ được các địa phương, các ngành tin cậy, hoan nghênh. Nhưng muốn làm được như vậy, trước hết thông tin của TTXVN phải tuyệt đối chính xác và đúng định hướng. Đó là một thách thức.

 

          Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, đó là vai trò tổ chức thông tin của các Trưởng phân xã. Căn cứ sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo cơ quan, đặc biệt là căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, mỗi Trưởng phân xã cần chủ động lên kế hoạch thông tin cho từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng qúi và cả kế hoạch thông tin cho từng lĩnh vực, từng vấn đề, từng sự kiện cần thông tin. Có kế hoạch thông tin rồi, lại phải phân công thực hiện sao cho hợp lý để phát huy được thế mạnh của từng phóng viên, và phải kiểm tra, đôn đốc. Chất lượng thông tin ở  mỗi phân xã tùy thuộc hoàn toàn vào Trưởng phân xã. Tôi đặt niềm tin tuyệt đối vào đội ngũ các đồng chí Trường phân xã hiện nay.

Nguyễn Quốc Uy
Q.Tổng Giám đốc
(Theo Nội san Thông tấn, số 6-2006)