Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Qua cửa ải "ngoại ngữ" ...


(14/08/2006 08:35:54)

Kết thúc khoá học 6 tháng, một trong 10 người chúng tôi thốt lên: "Giờ thì mình tin là mình đã có thể hoàn thành khóa học này". Một khoá học đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức cho những học viên... chẳng có gì đặc biệt: Khoá học Anh ngữ cho các phóng viên, biên tập viên tin trong nước khu vực phía Nam.

 Vạn sự khởi đầu nan, 10 người (từ 5 phân xã phía Nam) tham gia lớp học có trình độc tiếng Anh chẳng ai giống ai. Người đã võ vẽ ít nhiều nhờ đã trải qua vài khoá luyện thi lấy chứng chỉ A, B tại các Trung tâm Ngoại ngữ, người đã hoàn tất bằng 2 đại học về Anh ngữ, người có thể nói trôi chảy khoảng 3 câu chào, cảm ơn và tạm biệt... bằng tiếng Anh.


          Buổi học đầu tiên, giáo viên đứng lớp bối rối, không biết nên bắt đầu dạy như thế nào. Thậm chí, đã có vài lá đơn xin nghỉ học được len lén phác thầm trong đầu vài học viên. Học tiếng Anh ư, mỏi tay chết đi được!


          Thế nhưng, những lo ngại, hồ nghi và ít nhiều chán nản ấy đã được xoá đi nhanh chóng chỉ sau vài buổi học. Nhớ lại ngày khai giảng, Giám đốc Văn phòng Đại diện B2 Lý Văn Tích đã nói rất ngắn gọn: "Đây là cơ hội đồng thời cũng là nhiệm vụ của các bạn. Tôi muốn thấy các bạn nghiêm túc và nỗ lực học tập hết mình". Chỉ đến khi đó, chúng tôi mới được biết, phía sau những lời ngắn gọn ấy là cả một quá trình dài xây dựng ý tưởng tổ chức lớp học với một quyết tâm: đào tạo những phóng viên nhưng tự tin khi phỏng vấn người nước ngoài, đủ khả năng đọc hiểu những tài liệu tiếng Anh phục vụ cho chính công việc hàng ngày của mình.


          Giai đoạn chuẩn bị cho lớp học (do Chi nhánh Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn chủ trì) tính ra còn dài hơn cả thời gian học. Song có lẽ, nhờ vậy, chúng tôi đã có một chương trình học được xây dựng công phu, thiết thực và đặc biệt hiệu quả. Chỉ có 10 học viên song đã có tới 7 giáo viên trực tiếp giảng dạy, trong đó có 2 giáo viên người nước ngoài. Số lượng giáo trình học và tham khảo cũng ngót nghét 20 cuốn chưa kể những giờ ngoại khoá và Câu lạc bộ tiếng Anh tổ chức theo từng chủ đề... Giờ học cũng được thiết kế sát sao: Sáng từ 7h30 đến 11 giờ; buổi chiều từ 14 giờ đến 16h30. Nội quy lớp ghi rõ: học lực chiếm 50%, tổ chức kỷ luật và tuân thủ nề nếp học tập chiềm 50% trong việc đánh giá kết quả học viên. Ai không hoàn thành coi như không hoàn thành việc thực hiện định mức tin, bài thông thường cho phóng viên, biên tập viên hàng tháng.


          Không phải những quy định có phần khắt khe, chặt chẽ ấy khiến chúng tôi chí thú với việc học mà cái tính ít nhiều ưa tự do, cái chân quen lang thang... đã được ghìm lại nhờ những bài học Anh ngữ đầy sống động. Chúng tôi học các giáo trình Cutting Edge, Waving it together, Listen in, Can you believe it. Chúng tôi thường xuyên hoa chân mua tay để trình bày đủ thứ ý tưởng từ phát triển giáo dục nước nhà đến làm thế nào để nấu ăn ngon, từ cúm gà đến thời tiết mùa này ra sao.


          Tháng đầu tiên, chỉ có một hai người dám lắp bắp vài câu chào hỏi nhưng ngay tháng sau, thầy Mike Klevert phải vất vả lắm mới chen vào được cái đám học viên ồn ào đang hứng chí tranh nhau nói tiếng Anh. Nhiều buổi dành riêng để trình bày topic, vài người chuyển sang tranh luận bằng tiếng Anh, mặt đỏ lên rất hăng hái.


          Cứ đùa với nhau rằng tiếng Anh là "terrible language" (ngôn ngữ khủng khiếp) nhưng cứ đến cuối tuần, chúng tôi lại làm bài kiểm tra một cách rất nghiêm túc và hào hứng. Nhờ vậy, kiến thức mới học trong tuần được ra soát lại cẩn thận, số lượng từ mới món khó nhằn nhất - đã được nạp từ từ rất hiệu quả. Những học viên mới làm quen với tiếng Anh như Trần Thanh Bình (phân xã Tiền  Giang), Nguyễn Văn Hiếu (phân xã Sóc Trăng)... đã chứng tỏ một nỗ lực vượt bậc, không quá thua kém so với những nguời đã học tiếng Anh trước đây khi cùng "tải" một khối lượng bài tập khổng lồ hàng tuần. Mỗi tuần, chúng tôi được xem một bộ phim phụ đề Anh ngữ và nhiều người đã có thể kể lại trôi chảy nội dung và ý tưởng của bộ phim sau khi xem. Thỉnh thoảng, cả lớp lại "vượt rào" bằng một buổi ngoại khoá, chuyện trò với một bạn trẻ người nước ngoài.


          Ngoài quyết tâm học hành "cho thật đàng hoàng" như lớp trưởng Trần Tràng Dương (phòng Ảnh B2) đã hứa, chúng tôi đã thực sự học bằng sự say mê, hứng thú trong suốt 6 tháng liền. Khác với những buổi học trầm tĩnh trong kỷ luật sư  phạm, chúng tôi vẫn có thể nói đùa, kể chuyện cười trong những giờ học. Có lẽ vì vậy mà các bài học, đặc biệt là các bài học ngữ pháp "phong ba bão táp" đã trở nên dễ tiếp thu hơn hẳn.


          Dĩ nhiên, không thể không nhắc tới những thầy giáo, cô giáo đã "lấy hết tinh thần kiên nhẫn" để dạy chúng tôi, những người đã công phu soạn thảo từ khung chương trình đến chuẩn bị từng bài giảng mỗi ngày một mới mẻ trên lớp: thầy Trung dạy ngữ pháp, thầy Mike và cô Julie giúp chúng tôi nói chuyện trôi chảy, thầy Tuấn và cô Quỳnh Tiên dạy Cutting Edge, cô Bội Hoàng dạy pronunciation và Listen in, thầy Thái giúp chúng tôi trình bày ý tưởng và học thành ngữ. Cả những giáo viên tham gia giảng dạy tại lớp một vài buổi như cô Oanh, cô Thanh Trang, thầy Grank... đều là những giáo viên tận tụy mặc dù đã phải đổi không ít mồ hôi vì đám học trò "chẳng  giống ai". Khoá học kết thúc trong sự ngạc nhiên của chính các thầy, cô giáo khi phần lớn học viên đều đã đạt kết quả kiểm tra cuối khoá ở mức khá và trung bình khá, cả 10 người với 10 xuất phát điểm Anh ngữ khác hẳn nhau đã cùng về đích một cách tự tin, cảm nhận được tiếng Anh của mình đã khá lên "nghe" thấy.


         Có thể bạn sẽ hỏi, vậy giờ đây trình độ tiếng Anh của chúng tôi đến đâu rồi? Có thể nói, khoá học 6 tháng - sự thử nghiệm đào tạo Anh ngữ tập trung cho phóng viên, biên tập viên khu vực trong nước lần đầu tiên áp dụng đã đạt được thành công hơn mong đợi. Không chỉ trao lại những bài học, cách luyện nghe nói và tăng cường giao tiếp,... khoá học đã tạo cho chúng tôi một nền tảng ngữ pháp tương đối vững, một phương pháp học và quyết tâm học tập. Nhiều người trong chúng tôi tiếp tục tham gia các khoá học Anh ngữ nâng cao ngay khi kết thúc khóa học này.


          Cá nhân tôi cho rằng, việc tổ chức các khoá học Anh ngữ tập trung cho phóng viên, biên tập viên sẽ đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa nếu chương trình học được thiết kế đi sâu hơn vào phần nội dung liên quan công việc thực tế như kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng nghe dịch báo chí. Nói 6 tháng dài mà ngắn là vậy.

Thi Cầm
(Theo Nội san Thông tấn, số 5-2006)