Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Viết báo có khó không?


(14/08/2006 08:15:35)

Làm phóng viên thật thích, được đi đây đi đó, được tiếp cận với những tin tức nóng hổi, được viết cho cả hàng triệu người đọc và bao nhiêu là điều thú vị, thậm chí là tự hào nữa. Nhưng là một phóng viên trẻ mới vào nghề, nhiều lúc bạn cũng vấp phải những vấn đề không dễ giải quyết:

Bạn luôn phải đối mặt với những báo cáo tổng kết, những hội nghị, hội thảo, khởi công, khánh thành...; làm thế nào để tránh được những tin nhạt nhẽo và nhàm chán? Tại sao bạn viết bài đã rất dài rồi nhưng vẫn thấy chưa hết ý mà vẫn bị xếp chê là tham lam? Lúc nghĩ về bài viết, bạn rất hào hứng, trong đầu nảy ra bao nhiêu là ý hay nhưng khi đặt bút viết được một đoạn thì tự nhiên nó lai bay đâu hết; làm thế nào bây giờ? Nhiều khi viết xong rồi bạn không biết phải đặt tít như thế nào vì luôn bị sếp chê là tít chung chung, nhạt nhẽo...


Tại sao lại như thế?

Biết hỏi ai bây giờ?


          Từ số này, Người Viết Báo sẽ luôn ở bên cạnh bạn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi với bạn những vướng mắc trong quá trình tác nghiệp của bạn thông qua việc trả lời những câu hỏi và những thắc mắc về những vấn đề cụ thể.


          Tuy nhiên, Người Viết Báo không có tham vọng tất cả những câu trả lời đều làm bạn hài lòng; lại càng không dám nghĩ nội dung các câu hỏi là những bài giảng lý thuyết về nghiệp vụ báo chí mà chỉ mong muốn chia sẻ chút ít kinh nghiệm trong quá trình làm báo và nghiên cứu về báo chí với hy vọng để các bạn trẻ tham khảo trong quá trình tác nghiệp của mình mà thôi.


          Vì là kinh nghiệm và ý kiến cá nhân nên không thể tránh khỏi mang tính chủ quan, Người Viết Báo rất mong được các bạn trẻ và đồng nghiệp cùng trao đổi để được nâng cao trình độ nghiệp vụ và hiểu biết vẫn còn hạn hẹp của mình.


          Trước tiên, ta hãy thử bắt đầu bằng câu "Viết báo có khó không?"
    

 Câu hỏi này đặt ra có vẻ hơi thừa. Bằng chứng là các bạn đã học xong, đã ra trường và viết báo rồi đó thôi. Và tin hàng ngày, tin bài của bạn vẫn đang được phát trên bản tin, được các báo, đài sử dụng đó thôi.


          Hàng ngày bạn vẫn nhận giấy mời hoặc nhận sự phân công của sếp đi dự hội nghị, lễ cắt băng, khánh thành; hoặc đến một nơi diễn ra một sự kiện, xảy ra một sự cố nào đó; hoặc chủ động đến làm việc với một cơ quan, doanh nghiệp nào đó...thế là tối về có ngay một cái tin; nếu có vấn đề, có thể thâm canh được một bài. Thậm chí chỉ cần xin cái báo cáo, nếu chịu khó cũng có thể chẻ được vài ba cái tin.


          Thế thì, viết báo quả là dễ.


          Không dễ sao có bạn sinh viên đang học báo chí đã trở thành cộng tác viên của hàng loạt tờ báo, thậm chí còn giật được giải thưởng này giải thưởng nọ?


          Không dễ sao có người trước đó chẳng hề viết một cái tin, làm công việc chẳng liên quan gì đến nghiệp vụ viết báo, cũng chẳng học qua một trường lớp nào về báo chí ấy thế mà khi về hưu lại trở thành một nhà báo cũng được nhiều người biết đến như nhà báo Bùi Đình Nguyên?
          Không dễ sao có bác nông dân có chuyện bức xúc viết ngay một lá thư cho một tờ báo, ấy thế rồi cũng được đăng?


          Không dễ sao có không ít em nhỏ còn đang ngồi trên ghế nhà trường, thậm chí cả trung học cơ sở, đã trở thành cộng tác viên ruột, thường xuyên có bài, thậm chí còn tổ chức cả trang, đứng cả chuyên mục cho những tờ báo chuyên nghiệp hẳn hoi dành cho các em?


          Hóa ra, viết báo dễ đến mức ai cũng có thể viết và ai cũng có thể trở thành nhà báo.


          Ấy thế nhưng, lại có không ít nhà báo có hàng chục năm trong nghề, thậm chí cả cuộc đời làm báo, có đến hàng ngàn tin bài được đăng nhưng rút cuộc chẳng có tin bài nào đọng lại, chẳng để lại dấu ấn nào trong lòng độc giả?


          Ấy thế nhưng, ngay cả tôi, phóng viên thực thụ rồi đấy, nhà báo thực thụ rồi đấy, đã từng ăn mòn đũa thiên hạ rồi đấy mà nhiều lúc vẫn ngồi cắn bút, không biết bắt đầu bài viết của mình từ đâu, viết đi lại xóa; và nếu có cố cho xong thì khi đọc lại, bản thân mình cũng thấy chán nói gì đến độc giả.


          Và bạn, những phóng viên trẻ chắc cũng không ít lần loay hoay không biết viết cái gì, viết như thế nào. Viết xong rồi thì không muốn đọc nữa.


          Vậy viết báo dễ hay khó?


          Như trên đã dẫn chứng, viết báo quả là rất dễ, dễ đến mức ai cũng có thể viết được và cũng có thể trở thành nhà báo. Nhưng, để trở thành nhà báo chuyên nghiệp, để có những bài báo hay, để trở thành những cây bút giỏi thì quả không dễ chút nào. Nhưng, không dễ không có nghĩa là không làm được. Nếu cứ ngồi không mà chờ thành công đến thì sẽ chẳng có thành công nào đến với bạn cả; nhưng cũng không có điều gì khó đến nỗi con người không làm được, huống hồ là viết báo.


          Thực ra viết báo cũng không dễ nhưng cũng chẳng khó, miễn là bạn phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định.


          Người Viết Báo cũng có vinh dự được hướng dẫn thực tập và tập sự cho một số sinh viên báo chí và phóng viên trẻ mới ra trường. Đối với những người thực sự muốn học hỏi, tôi từng tâm sự rằng: Viết báo trước hết là cần có năng khiếu; nếu không có năng khiếu thì phải say mê, say mê đến mức đam mê thì càng tốt; nếu không thì chí ít cũng phải chịu khó, cần cù, cầu thị. Nếu có được cả ba yếu tố ấy thì sẽ trở thành nhà báo giỏi. Còn nếu không có được một yếu tố nào thì tốt nhất nên chuyển sang một nghề khác để khỏi lãng phí cho giá đình, lãng phí cho xã hội và lãng phí cả cuộc đời mình.


          Làm nghề gì thì cũng phải yêu nghề mới mong phát triển và thành công được.


          Với lòng yêu nghề, muốn học hỏi, bạn sẽ thấy viết báo chẳng có gì là khó và Người Viết Báo sẽ giúp bạn dễ dàng trả lời các câu hỏi, tháo gỡ các vướng mắc mà hàng ngày bạn vẫn gặp phải trong quá trình tác nghiệp.


          Nào! Chúng ta bắt đầu.


          Có một bạn phóng viên trẻ hỏi: "Không hiểu sao khi đi cơ sở, tôi thấy ngồn ngộn những tài liệu, có bao nhiêu vấn đề có thể viết bài nhưng khi về nhà đặt bút viết thì đụng vào đâu cũng thấy thiếu?"


          Tại sao vậy? Và làm thế nào khắc phục tình trạng này?


          Chúng ta hãy cùng suy nghĩ và trao đổi trong kỳ sau nhé.


          Và bạn, nếu có thắc mắc hay vướng mắc gì, bạn hãy gửi cho Nội san để chúng ta cùng trao đổi.

Người Viết Báo
(Theo Nội san Thông tấn, số 5-2006)