Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Những ngày "Sấm rền biển lửa" ở Thành phố Cảng Hải phòng


(27/03/2006 15:40:01)

Giữa năm 1965, rời Phân xã Phú Thọ về làm công tác biên tập ở Tổng xã được ít ngày, tôi được Bộ Biên tập điều động về làm Trưởng  phân xã  Hải Phòng thay anh Châu Quỳ- người Sài Gòn tập kết, chuẩn bị đi công tác ở chiến trường miền Nam...

Trước khi về Hải Phòng, anh Lê Bá Thuyên thay mặt Bộ biên tập giao nhiệm vụ, bày tỏ thông cảm sâu sắc hoàn cảnh gia đình. Anh nói rõ, Hải Phòng tới đây sẽ là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ bởi vì đây là hải cảng lớn nhất miền Bắc. Hải Phòng ví như cái 'cuống họng' tiếp nhận mọi viện trợ của các nước anh em, bạn bè cho cuộc chiến ở Việt Nam, cho miền Nam tiền tuyến lớn.
 Chuyến tàu đêm cuối cùng từ Hà Nội đưa tôi đến Hải Phòng vào một buổi sớm đầy nắng gió. Ấn tượng sâu đậm trong tôi về Hải Phòng khi ấy không chỉ là màu đỏ chói chang của những hàng cây phượng vĩ mà đó đây, nơi góc phố là màu hoa tím của loài cây gì đó như bằng lăng và sắc hoa vàng như loài bồ kết dại. Những người thợ tan ca, mình trần, khăn vắt vai hoặc áo đẫm mồ hôi lững thững trên hè phố. Trong quầy hàng mậu dịch, họ giải khát bằng những vại cà phê đá, tay ngoáy tít chiếc đũa tre to tướng... Các cô tự vệ kiêu hãnh trong trang phục màu xanh, mũ sắt chụp đầu, thấp thoáng trên mâm pháo trận địa của các nhà máy xi măng, đóng tàu Bạch Đằng, cơ khí Duyên Hải. Và, đêm đêm thao thức tiếng còi tàu ngoài cảng... Thành phố đang sục sôi trong tư thế chiến đấu. Bằng cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, đế quốc Mỹ mưu biến miền Bắc chúng ta trở lại thời ký đồ đá. Chúng tiến hành  'Chiến dịch sấm rền biển lửa' hòng cô lập thành phố Cảng như một ốc đảo, phong tỏa Hải Phòng bằng bom đạn, bằng ngư lôi trên biển.
 Ngày nào cũng vậy, thành phố báo động liên hồi, máy bay từ biển nhào vào rất nhanh, đánh phá ác liệt nhiều trọng điểm, có ngày tới ba bốn trận, mỗi trận kéo dài tới ba mươi phút như ở Sở Dầu, Quán Toan, Bãi Rác (Hạ Lý), Cầu Rào, Cầu Quay, Lạc Viên, Ngã Sáu. Nhớ lại trận đầu tiên chúng đánh vào cảng Hải Phòng. Hôm đó, chúng chỉ đánh có tính chất thăm dò vào chính diện Cảng.  Nhưng tại một số trận địa quanh Cảng lại hết sức ác liệt. Khoảng ba, bốn giờ chiều, chúng tôi được thông báo tàu King Ford quốc tịch Anh đang bốc hàng sang mạn ở phao số không ngoài cửa biển bị trúng đạn. Loay hoay mãi tận 8,9 giờ đêm Cảng chưa điều được ca-nô chở cánh nhà báo ra Phao số không. Trời càng đêm càng lạnh, lại sắp đổ mưa. Phóng viên các báo bỏ về cả. Tôi bàn với Thế Giáp, Bảo Hanh (PV ảnh) dù khuya, dù mưa rét cũng phải có mặt tại tàu King Ford chụp được ảnh, viết tin vì đây là một bước leo thang, một sự kiện mới của cuộc chiến, máy bay Mỹ đánh vào cảng dân sự và đánh cả vào tàu nước ngoài; cần thông tin nhanh khắp cả nước và đặc biệt trước dư luận quốc tế. Cuối cùng chúng tôi cũng ra được phao số không và chỉ duy nhất phóng viên phân xã chụp được ảnh tàu King Ford bị trúng đạn. Tôi điện về Hà Nội, trực tiếp liên lạc được với anh Đào Tùng- Tổng biên tập. Anh động viên chúng tôi và nói, ngay trong đêm sẽ cho người ra lấy 'phim sống' về cho chắc ăn.
 Vì mọi ngả đường vào thành phố lúc này bị phong toả nên đi lại rất khó khăn. Rạng sáng, anh Lương (nay đã mất) mới lái xe ô tô luồn lách về được tới Phân xã. Ngay hôm ấy, từ Hà nội, ảnh của TTXVN tố cáo đế quốc Mỹ đánh vào cảng dân sự được phát đối ngoại cùng với bản tin. Nhưng cũng cần nói, trong chuyện này, phân xã chúng tôi phải ' đối sách' khá căng thẳng với địa phương. Bởi vì cũng ngay trong đêm ấy, từ Hà Nội đồng chí Tố Hữu và tướng Song Hào (Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) chỉ thị Hải Phòng phải cung cấp ngay ảnh máy bay đánh vào Cảng để Bộ Ngoại Giao có tài liệu đấu tranh đối ngoại. Nếu cần, sẽ cho máy bay trực thăng ra Hải Phòng lấy gấp. Đồng chí Tô Thiện lúc đó là Phó Bí thư Thường trực thành uỷ Hải Phòng yêu cầu Sở Văn Hoá - Thông Tin cung cấp. Sở không có, bí quá sang Phân xã đề nghị mượn phim để tráng và phóng ảnh. Nhưng chúng tôi phải bảo đảm phim 'sống' gửi về Tổng xã, nên trả lời: Các anh yên tâm, cứ báo cáo với Tổng cục Chính trị và Bộ Ngoại giao rằng TTXVN chịu trách nhiệm cung cấp ảnh. Có thể sợ thành uỷ 'xạc' nên đồng chí Hoàng Thao, thành uỷ viên, Giám đốc Sở Văn Hoá Thông Tin cử đồng chí Thuỵ, Bí thư Đảng bộ (khi ấy đảng viên Phân xã sinh hoạt với chi bộ Đài Phát thanh Hải Phòng thuộc Đảng uỷ Sở) một lần nữa tới Phân xã, dùng tiếng nói có tính 'áp lực' buộc chúng tôi phải đưa phim. Tôi vững vàng bảo lưu ý kiến của mình vì đã có chỉ thỉ trực tiếp từ đồng chí Đào Tùng.
 Sau 'vụ' này mối quan hệ giữa Phân xã với Ban Tuyên huấn và Sở Văn hoá- Thông Tin Hải Phòng cũng có phần ' sóng gió' một thời gian. Một số cuộc họp của thành phố liên quan đến nghiệp vụ, Phân xã không được mời và tôi mang tiếng là người ' có quan điểm báo chí tư bản, độc quyền tin tức!.
 Bằng những sản phẩm tin, ảnh của Phân xã, được báo chí Trung ương và Đài Tiếng nói Việt Nam đăng tải nhiều, liên tục, lâu dần mối quan hệ giữa phân xã với các đồng nghiệp ở địa phương được hàn gắn lại. Lãnh đạo thành phố tôn trọng và tạo điều kiện tốt cho Phân xã làm việc.
 Phân xã chúng tôi thời kỳ ấy toàn lực lượng trẻ. So với tổ phóng viên thường trú báo Nhân dân gồm các lão tướng: Anh Vũ, Trần Việt, Hoàng Minh, Vũ Hải và chị Thanh Thảo (phóng viên ảnh) thì tuổi nghề, tay nghề chúng tôi còn thua kém. Song từ anh Trần Mai Hạnh, Thế Giáp, Ngô Hữu, Bảo Hanh, Vũ Hanh... đến lớp về sau Kim Hải, Hương Quỳnh, Cảnh Khanh, Duy Nhân rồi tiếp nữa Thu Nga, Khúc Nga, Kim Điệp đều sôi nổi bầu máu nóng 'tuổi hai mươi', yêu nghề, năng nổ, và rất xông xáo. Từng đợt, Tổng xã lại tăng cường lực lượng ảnh gồm các anh Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, Hứa Kiểm (phóng viên phân xã Quân đội), Xuân Lâm (sau này là Trưởng Ban Biên tập-Sản xuất ảnh báo chí), nên Phân xã rất mạnh. Chúng tôi sống với nhau gần như anh chị em một gia đình, chính vì vậy mà đảm đương khá xuất sắc nhiệm vụ chính trị của một phân xã nơi đầu sóng ngọn gió.
 Trong chiến đấu, tình đồng chí đồng đội ngày càng bền chặt. Hôm ấy, trên trận địa pháo Bãi Rác (khu vực cầu Hạ Lý) anh Nghĩa Dũng hùng hồn tuyên bố: 'Hôm nay, tao nhất quyết 'bắt sống' một 'Con ma' hoặc 'thần sấm (tên của náy bay Mỹ) trên bầu trời thành phố biển!.' Anh phục suốt ngày ở bãi pháo với bộ đội phòng không. Quả nhiên, xế chiều, máy bay Mỹ đánh phá thành phố rất dữ dội. Lưới lửa phòng không ta đánh trả quyết liệt. Một chiếc bốc cháy như bó đuốc lao xuống biển. Nhanh như chớp, anh Nghĩa Dũng nhảy lên mô đất cao, bấm máy. Anh bị bom vùi lấp, chúng tôi xông ra vực ngay anh vào bệnh viện Lê Chân cấp cứu. Rất tiếc, mát ảnh và phim đều bị hỏng (đau đớn thay, sau này, anh đã hy sinh ở mặt trận Quảng Trị). Xin nói thêm rằng, chụp được ảnh máy bay rơi, bắt giặc lái ở Hải Phòng rất khó vì thành phố gần biển, bọn giặc lái quỷ quyệt, khi bị bắn cháy chúng vẫn cố lao ra biển để được cứu sống.
 Chẳng thua gì nam giới, phóng viên nữ thời ấy cũng xông xáo ra trò. Khi có báo động cũng xông ra trận địa pháo 'săn tin, 'săn' ảnh. Có khi còn nằm phục tại chỗ như Kim Hải, Thanh Thảo (báo Nhân Dân).
 Phân xã được phân một 'mô tô con thỏ'. Thời buổi ấy thế là quý lắm rồi bởi vì nó giúp ích rất nhiều trong việc chở phóng viên đi làm tin, ảnh, nhiều khi phải tận dụng chở 2-3 người. Quên cả mình là phận gái, các em ngồi ép ở giữa, xe phóng như bay, đôi khi lao lên cả hè phố, sợ xanh mắt. Mục tiêu tối thượng là lấy được tài liệu và đưa tin nhanh nhất.
 Thành thực mà nói, vì 'màu cờ sắc áo' Phân xã phải cạnh tranh tin, ảnh với đội ngũ các phóng viên Trung ương thường trú ở Hải Phòng lúc bấy giờ. Viết đến đâu điện ngay về Tổng xã đến đó. Có lúc mất điện không thể chờ, chia nhau đạp, quay tay máy phát để bác Dư, chú Từ (chú Từ sau hy sinh ở chiến trường Thừa Thiên- Huế), chú Cư đánh morse về. Sức trẻ, nhiều hôm ăn chẳng đủ no, đạp máy quay tay toát mồ hôi hột. Tin, bài truyền được về Tổng xã kịp thời là mừng vô kể. Tối tối, tôi và mấy bạn thường có cái thú đeo đài Xiêng- Mao rủ nhau ra vườn hoa Nhà kèn ngồi, nhâm nhi cái quẩy, uống cốc sữa đậu nành nóng chờ đến 9 giờ nghe buổi phát thanh Quân đội Nhân dân, rồi cuối bản tin 9 giờ 30 tối của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài tường thuật chiến đấu của quân dân thành phố Cảng vừa điện về hồi chiều. Cứ thế, từng ngày, từng ngày chúng tôi vui với niềm vui chờ đợi...
 Ôi kỳ lạ thay, cuộc sống gian khổ, gần gũi với bom đạn, kề bên cái chết hàng ngày, hàng giờ mà sao phơi phới, yêu đời đến thế! Có đôi bạn trẻ đi chơi với nhau ngồi vườn hoa bị mất cắp túi xách về tiếc ngẩn ngơ mà chẳng dám kêu. Đêm trăng vằng vặc (thành phố mất điện), trên sân Nhà bảo tàng thành phố, nơi phân xã tạm trú, anh em thường ngồi bên nhau tán ngẫu, chia nhau từng điếu thuốc. Tiếng ghi-ta cùng với chất giọng trầm của Cảnh Khanh tiễn một người mai xa rời thành phố:
 Chỉ còn đêm nay chúng ta sẽ chia tay
 Đường mòn lối cũ đừng có quên nơi này...
 Hoặc nghêu ngao tiếng hát của Trần Mai Hạnh:
 Trên đường ta đi đánh giặc
 Dù vào Nam hay ta ra Bắc
 Ở đâu cũng gặp...cũng gặp
 Những ngọn đèn đứng gác đêm thâu...
 Và, cả thơ nữa, những câu thơ tình do mấy bạn trẻ yêu thơ ngân nga:
 Người yêu hỡi phải bao nhiêu đường sá
 Mới sau cùng đi tới được cái hôn
 Phải bao nhiêu ngập ngừng và tê tái
 Mới có được em làm bạn tâm hồn...
 Nhớ nhiều giữa trưa hè ngoài hiên, tiếng nạng gỗ khô khốc của anh bạn nhà thơ trẻ Vũ Châu Phối (tác giả bài thơ Cỏ Non, được giải báo Văn Nghệ) tìm gọi bạn mà chẳng nể ai trong giờ nghỉ. Rồi có những khuya, trời rét, chăn mỏng, dưới tầng hầm Nhà bảo tàng ẩm mốc, lạnh thấu xương, mấy thằng rủ nhau ra đầu ngõ Phan Bội Châu làm chén rượu với đĩa thịt chó...
 Lương tháng phần lớn anh chị em mới ra trường còn thấp, thiếu thốn đủ bề. Chúng tôi bàn nhau tổ chức cuộc sống cho đàng hoàng hơn một chút; mở đợt viết tin, bài cho báo và Đài phát thanh Hải Phòng lấy tiền nhuận bút mua xong nồi, cặp lồng, bát đĩa và thỉnh thoảng 'tươi' một bữa. Hồi ấy, một số lãnh đạo rất khắt khe, cho rằng cộng tác với các báo là 'ngoại tình'!./.