Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Phiếm luận về nghề báo


(27/03/2006 15:40:01)

Ngày nay, giáo dục và đào tạo đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của xã hội. Người ta đã nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng "đáng báo động" của nền giáo dục. Mọi nguyên nhân đều được phân tích sâu và kỹ - từ cơ chế, chính sách giáo dục đến chương trình học và chế độ đãi ngộ giáo viên. Tuy nhiên, nhiều người lại bỏ qua một yếu tố cực kỳ quan trọng nếu không nói là mang tính quyết định - đó là sự hiếu học của học sinh và sinh viên. Liệu ngày nay,

Giảng viên Steve Northup hướng dẫn các phóng viên lớp ảnh báo chi. Ảnh: CTVThỉnh thoảng báo chí lại nêu lên tấm gương của những học sinh nghèo nhưng học giỏi, bố mẹ đã phải chắt chiu từng đồng bạc để nuôi con từ nghề mưu sinh vất vả hàng ngày : quét rác, bán rau hay làm ruộng. Không ít người thành đạt và uy tín ở nước ta xuất thân từ những gia đình nghèo khó và đã đi lên bằng sự hiếu học.
 Việc đào tạo những nhà báo giỏi cũng không vượt ra ngoài quy luật chung của nền giáo dục. Tuy nhiên, sự "hiếu học" phải được hiểu trong một bối cảnh khác, với một biểu hiện khác. Đó là sự đam mê nghề nghiệp, sự phấn đấu không ngừng để nâng cao trình độ tay nghề.Trao đổi kinh nghiệm chụp ảnh chiến sự. Ảnh: TTXVN
 Rõ ràng là ngày nay người làm báo đang phải bám đuổi đến "bở hơi tai" nhu cầu của thông tin ngày càng cao, càng kén chọn và phong phú, đa dạng của xã hội.
Trong cuộc đua xe đạp nước rút, vận động viên về nhất nhiều lúc chỉ hơn vận động viên về nhì nửa bánh xe đạp. Chỉ nửa bánh xe đạp nhưng là kết quả của hàng chục năm rèn luyện gian khổ và phấn đấu không mệt mỏi.
 Tính kịp thời của tin tức cũng tương tự như đua xe đạp. Để đưa một cái tin quan trọng, sự nhanh chậm một vài phút nhiều khi không phải do phương tiện chở phóng viên là một "con Mẹc" hiện đại hay chiếc xe đạp cà tàng quyết định mà là sự sắc bén nghề nghiệp, khả năng thể hiện và cả những thủ thuật "moi tin". Nhà văn Xô Viết nổi tiếng, đồng thời là một nhà báo lỗi lạc I-li-a E-ren-bua cho rằng, kiến thức của một nhà báo phải tương đương với một Viện sĩ hàn lâm. Nói một cách đơn giản thì phóng viên đưa tin về khoa học, kỹ thuật không thể là một người "ấm ớ" về khoa học, kỹ thuật. Đưa tin về văn học nghệ thuật thì không thể là một người "không thuộc nổi một câu Kiều" hay "mù tịt" về âm nhạc. Những phóng viên đưa tin về kinh tế tài chính không thể không có những hiểu biết nhất định về "học thuyết Keynes" hay hệ số GINI. Để có được vốn kiến thức cần thiết cho nghề làm báo, không có cách nào hơn là "học ở trường học, ở ngoài đời và vừa làm vừa học ".
Nhưng học cái gì và như thế nào? Hãy học cái gì cần cho công việc và sau đó nếu có điều kiện hãy học sang các lĩnh vực khác : ngoại ngữ, triết học... Không học vội vàng mà chậm rãi, thường xuyên. Kiến tha lâu đầy tổ theo cách Bác Hồ học tiếng Anh. Rất tiếc, nhiều bạn trẻ ngày nay, những thời gian nhàn rỗi lại chỉ được dùng vào việc chơi game trên máy vi tính cơ quan hoặc "buôn dưa lê". Đương nhiên, trong thời hiện đại, thời gian dành cho sự "giao lưu" phi nghiệp vụ và "tâm tình" là không thể thiếu. Những người suốt ngày chỉ dán mắt vào sách báo và công việc sẽ dễ dàng trở thành một thứ "người Việt cô đơn" trong một thế giới sôi động và muôn hồng ngàn tía. Hơn ai hết, người làm báo phải sống rất "đời" thì mới có thể viết cho đời đọc và thích thú. Và đó cũng là học!
Nhưng nếu nhấn mạnh đến mặt "tự phấn đấu, tự rèn luyện, tự học" của từng cá nhân thì việc đề cao vai trò của Trung tâm BDNVTT - bộ phận chuyên trách về bồi dưỡng nghiệp vụ - lại càng trở nên cần thiết. Trung tâm BDNVTT cần có cuộc điều tra một cách khoa học và khách quan trình độ nghiệp vụ và tâm lý nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên và biên tập, những mặt mạnh và mặt yếu của họ để đề ra một kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lâu dài. Có ý kiến cho rằng, phóng viên Thông tấn xã giỏi về làm tin nhưng chưa giỏi về các thể loại khác, phẩm chất và tư cách đàng hoàng nhưng năng lực quản lý một tờ báo thì còn yếu. Suy nghĩ kỹ thì thấy người ta nói vậy cũng có phần đúng. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần một bộ sách giáo khoa nghiệp vụ dành riêng cho TTX căn cứ vào kinh nghiệm của chúng ta và các sách giáo khoa hiện đại các nước.
Xét cho cùng thì việc đào tạo nên những phóng viên, biên tập giỏi đòi hỏi phải có một chính sách mạnh dạn, khuyến khích sự "bứt phá", sự "vươn lên" của từng cá nhân để có được những "sản phẩm" tốt. Muốn thế cần phải biết "vô tư" phát hiện những tài năng còn tiềm tàng, thưởng phạt một cách thích đáng những tin hay và tin dở, nâng niu những nỗ lực, những bước đi chập chững và nghiêm khắc với những sai sót vì tắc trách.
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 60 năm ngày thành lập TTXVN. Đã có nhiều lớp người kế tiếp nhau. Lớp phóng viên, biên tập chủ yếu hiện nay thuộc thế hệ thứ tư. Trong thế hệ thứ tư này đã thấy xuất  hiện những cây bút sắc sảo và đầy triển vọng. Kể ra, kẻ viết bài này nên không tiếc lời khen ngợi vì họ xứng đáng được khen ngợi trong lúc mà cơ quan chưa có thể động viên được nhiều bằng vật chất và sự đề bạt. "Ngựa hay đường dài" và "gái có công chồng không phụ". Tuy nhiên, một điều mà tôi vẫn tâm niệm là câu chuyện trong tác phẩm "Lều chõng" của Ngô Tất Tố, một nhà văn kiêm nhà báo mực thước. Ngô Tất Tố kể rằng : một vị khoa bảng nọ, làm chánh chủ khảo một cuộc thi hương, đã đánh hỏng con mình tuy bài thi rất xuất sắc. Người cha từng trải trong cuộc đời và chốn quan trường đó lập luận rằng, con mình còn quá trẻ, có văn tài nên thành đạt sớm dễ trở nên kiêu ngạo. Lỡ một khoa thi nhưng sẽ không lỡ bước đường đời.
Để kết thúc bài phiếm luận này, xin nêu một tấm gương của thế hệ phóng viên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những sinh viên tốt nghiệp ở Hà Nội nhưng đã đầu quân vào TTXGP. Đó là anh Đức Hoằng, phóng viên đi theo Sư đoàn 7 trong những trận đánh ác liệt của mùa hè năm 1970. Cho đến bây giờ, những bài viết của anh dưới đầu đề "Lá thư tháng 5", "Hoàng hôn trên vai người lính" vẫn còn đọng mãi trong ký ức đầy xúc động của tôi. Mẹ mất sớm, nhà nghèo, thời trung học, anh phải học dưới ánh đèn đường. Sự hiếu học của anh cứ làm tôi nhớ đến tấm gương của người học trò ở chùa Long Tuyền ngày xưa./.