Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Tôi yêu Ninh Bình


(27/03/2006 15:40:01)

Bây giờ thì tôi có thể thanh thản khẳng định điều này vì đã có khoảng lặng cần thiết để chiêm nghiệm. Chứ cái ngày cuối tháng 12 năm 2000 ấy tôi buồn lắm và ngạc nhiên nữa. Chưa có phóng viên "thế giới" nào lại đi thường trú trong nước như tôi. Chẳng phải mình ngại khó, ngại khổ gì mà đơn giản là trong tư tưởng không có sự chuẩn bị, không quen công tác phóng viên và xây dụng các mối quan hệ "kiểu trong nước".

Đồng chí Trương Đức Anh, Phó Tổng giám đốc TTXVN đích thân đưa tôi về Ninh Bình ra mắt lãnh đạo tỉnh. Trên xe tôi cứ ngoái đầu lại phía sau, mong sớm đến ngày trở về. Với tâm trạng như thế tôi nghĩ chẳng thể 'đậu' được lâu ở một địa phương mà mình chỉ biết mù mờ trong tổng thể tỉnh Hà Nam Ninh cũ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau tôi đã bị 'bỏ bùa'. Tôi quyến luyến với mảnh đất này đến nỗi dẫu đã cầm trong tay quyết định của Bộ biên tập 'triệu hồi' về Hà Nội, tôi đã dềnh dàng. Vì sao tình cảm của tôi lại nhanh chóng thay đổi như vậy? Các động nghiệp sẽ hiểu nếu chịu khó đọc những 'trích đoạn' dưới đây trong vô vàn kỷ niệm suốt 3 năm 2 tháng 11 ngày 'trấn thủ Ninh Bình'.
 Tình người
 Người Ninh Bình không vồ vập khi mới gặp. Nhưng khi đã hiểu nhau và tôn trọng thì rất tình nghĩa, dẫu có bị 'phê' trên báo chí cũng không giận nhiều và không giận lâu. Phân xã thân thiết với các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh và các huyện, thị, nhưng với thị xã Ninh Bình, huyện miền núi Nho Quan và huyện chiêm trũng Gia Viên thì có mối quan hệ 'đặc biệt'. Thậm chí các anh chị lãnh đạo ở Nho Quan còn nhận vui Phân xã là 'xã thứ 28' (huyện có 27 xã và thị trấn). Cứ mỗi lần công tác lên Nho Quan bao giờ cũng phải có 2 phóng viên trở lên. Không chỉ vì đường xa mà vì cán bộ ở đó quý người Thông tấn lắm, mà quý nhau thì phải uốn rượu hết mình theo phong tục của người miền núi. Do đó, đi hai người để nếu một người 'hy sinh' bên bàn rượu còn có một người 'sống' mà làm việc. Nói vậy nhưng cũng có khi 'hy sinh' cả đôi. Bù lại, cán bộ Nho Quan hết sức nhiệt tình cung cấp tư liệu, kể cả những mặt yếu kém của địa phương. Còn những chuyến đi công tác ở huyện Gia Viễn, phóng viên thường xách về can mắm tép. Đó là món quà mang nặng 'dấu ấn' của vùng đất chiêm trũng.
 Hàng năm cứ vào dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán 21/6 và 15/9 là trụ sở Phân xã nườm nượp khách đến chúc mừng. 15/9 là ngày vui riêng của ngành Thông tấn nhưng trong thời gian tôi thường trú ở Ninh Bình thì đó cũng là ngày vui chung. Phân xã 'mở hội' 3 ngày liền, trụ sở ngập tràn hoa. Cảm động nhất là đoàn Cựu chiến binh và chi bộ tổ dân phố thuộc phường Vân Giang, nơi phân xã trú chân - các cụ, các bác trân trọng tặng bó hoa be bé với lời chúc tụng chân chất nhưng thắm đượm nghĩa tình. Đáp lại, Phân xã cũng tích cực tham gia các hoạt động của khu phố. Bây giờ trở lại Ninh Bình, tôi vẫn được sống trong tình cảm nồng hậu và thân thiết như xưa. 
 Nghề báo được trân trọng
 Trao đổi với đồng nghiệp thường trú tại các địa phương khác, tôi thấy Ninh Bình đặc biệt cầu thị và coi trọng báo chí. Tôi rất tự hào là phóng viên Thông tấn và đôi khi cảm thấy 'oai' trước sự tôn trọng mà cán bộ, nhân dân Ninh Bình dành cho mình.
 Những bài báo công phu của các phóng viên Phân xã Ninh Bình về các vấn đề tương đối quan trọng ở tỉnh như phá rừng ngập mặn, là hồ sơ giả thương binh TNXP, giải phóng mặt bằng, lộn xộn ở các điểm du lịch, bất cập trong thu hút đầu tư, xuất khẩu ... thường tạo nên sự kiện có sức sống hàng năm. Tờ báo đăng tải các bài này được chuyền tay nhau đến nhàu nát, được copy, trở thành chủ đề trong câu chuyện hàng ngày ở quán nước, các cuộc họp đoàn thể và được nêu trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh. Lãnh đạo Tỉnh ủy UBND tỉnh cũng rất quan tâm đến các vấn đề mà báo chí nêu ra và có phản ứng rất nhanh.
 Tôi nhớ, ngày hôm trước bản tin của TTXVN và các báo đăng bài báo 'Rừng ngập mặn biến thành đầm tôm' thì hôm sau đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh triệu tập hội nghị khẩn cấp về vấn đền bảo vệ rừng, thành lập tổ công tác đặc biệt... Chỉ trong một tháng Công an tỉnh đã hoàn tất việc điều tra. Hơn một tháng sau rừng được trồng lại. Tôi được trân trọng mời dự ngày hội ra quân trồng lại rừng của thanh niên huyện Kim Sơn.
 Sau bài báo 'Phiền nhiễu du khách...', UBND tỉnh lấy 2002 là năm  'Chấn chỉnh an ninh, trật tự ở các điểm du lịch', thành lập tổ công tác, hàng tháng tiến hành sơ kết. Tôi cũng được mời dự các buổi sơ kết, tổng kết và phát biểu ý kiến như là một 'nhân chứng' không thể thiếu.
 Để giải quyết các vấn đề 'nghịch lý xuất khẩu', 'hợp đồng với nông dân có như không', thu hút đầu tư - trên rải thảm, dưới rải ... chông'... UBND tỉnh đã thành lập Ban khuyến dứa (nguyên liệu hàng xuất khẩu) do đích thân Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, gắn trách nhiệm của chính quyền xã với hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp...
 Những vấn đề nhỏ hơn được nêu trên báo chí, ví dụ như 'sa đà chuyện cầu lông' cũng không bị bỏ qua. Tại hội nghị thường vụ Tỉnh uỷ đồng chí Bí thư đã nghiêm khắc phê phán việc chơi cầu lông trong giờ hành chính lạm dụng chuyện giao hữu thể thao gây lãng phí thời gian ... Ngay sau đó tình trạng này được chấm dứt.
 Dân tin
 Tôi và các anh chị em trong Phân xã chỉ phát hiện được một số vụ tiêu cực, giúp một số người thoát khỏi oan sai, thúc đẩy một số vụ án đã tuyên mà chậm thi hành, tham gia một số hoạt động từ thiện... Nhưng sự tin tưởng của người dân thì lớn và họ thường xuyên đến với chúng tôi. Tôi đã nhiều lần giải thích rằng mọi người phải tới trụ sở tiếp dân của tỉnh còn phân xã có chức năng khác. Nhưng bà còn hỏi: 'Các anh có phải nhà báo của Đảng, của Nhà nước không, có nhiệm vụ nắm bắt và phản ánh tâm tư của người dân không?. Thế là chúng tôi chịu, nhưng thoả thuận trước là chỉ gặp với tư cách nhà báo với bạn đọc, Phân xã không phải là nơi khiếu kiện.
 Thứ tư hàng tuần, đúng ngày tiếp dân của tỉnh, bà con lại kéo đến Phân xã. Tôi hầu như không thể làm việc gì khác trong ngày đó. Nếu có việc cần đi đâu đó thì phải 'trốn' từ sáng sớm vì trước giờ làm việc đã có người đợi trước cửa. Kỷ lục 'xếp hàng' trong một ngày trước cửa Phân xã là gần 50 người. Bà con tự chia thành từng nhóm nhỏ và quy ước chỉ 'tâm sự' không qúa 10 phút về một vấn đề. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng được như thế. Ai cũng muốn kéo dài thời gian để 'trình bày' cho kỹ hơn.
 Tiếp xúc với hàng trăm, hàng trăm con người, chúng tôi nghiệm ra rằng để người dân tin tưởng thật khó mà cũng dễ, chỉ cần có sự cảm thông thực sự, chịu khó lắng nghe, hiểu được tâm tư và cuộc sống của họ. Thật ra trong hàng trăm nỗi bức xúc chỉ có rất ít trường hợp cần được phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng, nhiều trường hợp cần có sự trao đổi với chính quyền và các cơ quan chức năng, và rất, rất nhiều trường hợp chỉ cần nghe, an ủi, tư vấn, hướng dẫn. Có không ít 'ngòi nổ' được 'rút kíp' chỉ sau một cuộc chuyện trò. Chúng tôi chỉ làm  được có thế nhưng một đồn mười, mười đồn một trăm... thành ra đi đâu chúng tôi cũng được tiếng là 'nhà báo Thông tấn chân chính'.
 Chẳng biết bằng nguồn thông tin nào mà một số bà con biết được ngày tôi từ biệt Ninh Bình. Họ đến phân xã lưu luyến chia tay và còn định 'thưa' với cơ quan để tôi lưu lại địa phương một nhiệm kỳ nữa. Tôi ra Hà Nội, nhận công việc mới, số điện thoại thay đổi nhưng người dân Ninh Bình vẫn 'truy' được. Bà con vẫn đến số 5 Lý Thường Kiệt thăm hỏi luôn.
 Như đôi tri kỷ
 Bài viết đã dài, nhưng tôi viết cố ít dòng vì nghĩ trường hợp đã xảy ra với tôi ở Ninh Bình khó có thể lặp lại. Cách đây 3 năm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh có vụ tiêu cực gây bức xúc trong dư luận. Bác sĩ P.C.K., Trưởng khoa chấn thương, là 'nhân vật chính' trong vụ này. Anh ta đến Phân xã, nhũn nhặn 'xin tha' vì biết chúng tôi đang tập hợp tư liệu để viết bài. Tôi cũng đã động lòng. Nhưng K, phạm sai lầm khi để lại chai rượu Tây có giấu xấp tiền ở dưới đáy. Phân xã lập biên bản niêm phong số tiền này và trả lại lãnh đạo bệnh viện ngay trong đêm, còn chai rượu giữ lại làm 'vật chứng'. Mấy ngày sau bài báo 'Vụ quay vòng thuốc...' được phát trên bải tin TTXVN, được Đài tiếng nói VN và một số báo trung ương sử dụng. Phải nói là một quả bom dư luận vì ở khắp nơi, kể cả những xã hẻo lánh, xa xôi nhất người ta cũng bàn tán về việc này hàng tháng trời, nhiều hội nghị ở tỉnh cũng nêu ra vấn đề y đức một cách gay gắt. Tên tôi được gắn với K. như một cặp bài trùng. Cụm từ 'khoa chấn ... Không thương' trở thành 'thành ngữ' ở tỉnh.
 Thật lạ lùng, K. dù bị khốn đốn vì bài báo nhưng có vẻ không giận tôi. Tình cờ chạm mặt nhau, thậm chí còn gật đầu chào. Đêm cuối cùng của tôi ở Ninh Bình, K. đến Phân xã, lặng lẽ ngồi thật lâu, uống với tôi mấy ly Wishky cay xè, quá khuya mới ôm vai bá cổ chia tay rất lưu luyến như đôi tri kỷ. Tôi cũng chẳng biết nói gì, chỉ chai rượu Tây đang uống dở: 'Còn nhớ món quà năm xưa?'. Cả hai cùng cười vang, như thể đó là kỷ niệm vui...
 Thử hỏi, sao tôi lại không bịn rịn với mảnh đất, nơi mà ngay cả người lẽ ra phải hận tôi mà cũng quyến luyến tôi như vậy?./.