Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Kỷ niệm 45 năm thành lập Phân xã Hà Nội (7/1961-7/2006)

Một thời để nhớ


(14/08/2006 08:15:35)

1. Về nhận công tác ở cơ quan, chúng tôi có dịp ghé qua căn nhà cũ kỹ ở phố Ngô Văn Sở, nơi có trụ sở phân xã mà mấy anh chị trong lớp phóng viên về đây thực tập trước khi giải tỏa đi các địa phương và ra chiến trường.

          Bẵng đi đến 5 năm, sau khi Hà Nội chuẩn bị bước vào những ngày tháng ác liệt nhất của chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, tôi mới về nhận công tác ở phân xã Hà Nội. Chị Hoàng Tường Vân, một trong "tứ đại mỹ nhân" của TTXVN lúc bấy giờ là Trưởng phân xã. Năm ấy, chúng tôi có: Trần Đình Thảo, Hữu Cứu, Vũ Như Chương, Nam Minh, Ngọc Quán, Duy Nhân, Nguyễn Các...Nhân sự của phân xã không có gì đáng ngại trừ việc chị Hoàng Tường Vân vừa tái hôn. Ông xã mới là anh Lê Hà, Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội. Chị đã có bầu nên được bác sĩ tư vấn là cần nghỉ ngơi. Tôi được giao thay chị Vân quán xuyến phần tin chiến sự. Tiếng rằng nghỉ nhưng chị Vân vẫn ở Hà Nội, phố Quang Trung, gần khu hầm tác chiến của Thành ủy. Từ dưới hầm, chị vẫn chỉ đạo tôi và anh em các công việc của phân xã.

          2. Một chút hồi ức về phân xã Hà Nội sau tuổi lên mười...Tôi nhớ lại dạo năm 1967, chúng tôi có dịp đến phân xã Hà Nội với mấy anh chị ở lớp phóng viên. Trưởng phân xã là anh Mè Hùng Đoan, người mà ban đầu chúng tôi coi là khó gần, khó hợp. Ông tiếp chúng tôi khá hững hờ, lạnh nhạt rồi lại cắm cúi vào tờ báo, bản tin. Sau này, gặp lại nhau, tôi mới thấy rằng mình đã nhầm. Ông Đoan là lớp đàn anh tận tình dìu dắt, bảo ban cho lớp phân xã trẻ...

          Dịp kỷ niệm 45 năm thành lập phân xã, anh Mè Hùng Đoan, chị Hoang Tường Vân và anh Nguyễn Bá Thành không thể về họp mặt vì họ đã đi về thế giới người hiền. Chúng tôi chỉ có thể gặp lại, trong lớp người đầu tiên gây dựng nên phân xã là ông Vũ Đảo, người Trưởng phân xã đầu tiên của phân xã Hà Nội, người anh, người thầy, bậc cha chú. Ông là Trưởng các phân xã: Hồng Quảng, Hà Nội, Khu V và sau này là Phó trưởng ban biên tập tin Trong nước, bao giờ cũng quý mến, hòa đồng với các phóng viên trẻ. Mấy năm trước, ông vẫn cộng tác với báo Tin Tức. Điều lý thú nhất là ông đã có cháu ngoại cũng là phóng viên TTXVN. Thế là, trong gia đình ông, đủ ba thế hệ cùng đội ngũ.

          3. Nói về phân xã Hà Nội là nói đến một cái nôi đào tạo cán bộ cho ngành. Từ phân xã Hà Nội, đã có cả một số lãnh đạo TTXVN từ Phó Tổng giám đốc đến các Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập các báo của ngành và Tổng biên tập báo bạn. Vững vàng về chính trị, giỏi chuyên môn, có uy tín rộng rãi...đó là những đặc điểm cơ bản nhất của các thế hệ phân xã phân xã Hà Nội.     

Nhà báo Nguyễn Hồng Hạnh, phóng viên Phân xã HN thắp hương mộ Anh hùng liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Từ Liêm trong chuyến đi công tác với thanh niên tình nguyên Hà Nội tháng 6/2006. (Ảnh: Đình Trân).

          Trong các câu chuyện thuần túy nghiệp vụ, kinh nghiệm tác nghiệp của phóng viên phân xã Hà Nội của thời bao cấp trước đây cũng như thời mở cửa hiện nay, từ thời cọc cạch máy chữ đến thời phát tin online bây giờ, luôn là bài học sống động. Hồi đó, báo chí chưa nhiều, tính độc quyền của TTXVN đâu phải chỉ là của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam mà chính là nhờ nghiệp vụ tinh thông. Bây giờ mỗi khi hàn huyên, chúng tôi vẫn nhớ lại hồi B52 đánh phá ở Hà Nội. Hành nghề sao mà cực thế. Cả một cơ quan chỉ có mấy cái giấy phép của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân dành cho phóng viên ảnh. Cánh phóng viên tin chúng tôi toàn "ăn theo" Văn Bảo, Chu Chí Thành. Một ngày có máy bay rơi là một ngày vất vả vô cùng. Từ sáng sớm những hôm có dự báo máy bay địch đến đánh phá, tôi đã lên xe đi cùng với anh Văn Bảo đi phục vụ trận địa tên lửa. Đã không dưới một lầm chúng tôi bị chỉ huy các phân đội "đuổi đi" bởi vì lo lắng cho chúng tôi sẽ dính rốc két địch. Trong khu chuẩn bị chiến đấu, tranh thủ lúc máy bay còn ở xa tôi đã phỏng vấn như "ăn cướp" để có tư liệu trích ngang và "mớm" lời để các chiến sĩ phòng không phát biểu khi được công nhận bắn rơi máy bay. Bây giờ kể lại cho cánh phóng viên trẻ, các em đều "ngạc nhiên chưa?" và "chịu thày". Khoảng từ 18 giờ có thông tin từ bộ Tư lệnh PKKQ cho biết đã công nhận đơn vị này bắn rơi máy bay chẵn. Chỉ cần như vậy là tôi bắt đầu viết tường thuật cho Tổng xã. Sau đó là một bài khác dài hơn, "ê a" hơn cho đài Hà Nội. Và rồi tôi tổng hợp cả hai bài này thành một bài cho báo Hà Nội mới. Tất cả chỉ trong vòng 2-3 giờ đồng hồ...Bây giờ đọc lại, tôi không hình dung được rằng sao hồi đó mình làm nhanh thế! Hàng chục bài báo loại "đinh" tường thuật, đặc tả, ghi nhanh đã ra đời trong dịp ấy là kỷ niệm của một thời không thể nào quên.

          4. Thoắt một cái đã đến tuổi 45. Kỷ niệm về những ngôi nhà ở phố Ngô Văn Sở, Nguyễn Du,  Hàng Ngang từng là trụ sở phân xã đã lùi vào dĩ vãng. Một tháng đôi lần ghé qua 33 Lê Thánh Tông thăm phân xã, trong cảnh chung cư, vẫn mừng vì thế hệ thứ ba, thứ tư của phân xã bây giờ xinh đẹp, giỏi giang và năng nổ lắm. Một tập thể phóng viên nữ-trừ Nguyễn Văn Hải, Trưởng phân xã nay đã U60 - đang hành nghề trong sự cạnh tranh dữ dội hơn xưa nhiều lắm. Hồi tôi làm phóng viên, Phó trưởng phân xã rồi Trưởng phân xã đã phải cạnh tranh ra trò (nhưng là cạnh tranh trong thế thượng phong)... Nay thì "khủng khiếp" hơn. Chỉ riêng nội bộ ngành, giả sử có một cuộc họp báo, phần giờ thiệu đại diện các báo của TTXVN đã quá một tiểu đội...

          Tuy nhiên, nếu có ai đó tỉ mẩn tìm cho hết các thông tin được chuyển tải sau sự kiện đông đảo ấy, chắc sẽ bâng khuâng hồi lâu. tự dưng tôi đâm lo cho vai trò của phân xã Hà Nội trong mạng lưới thông tin dày đặc này. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu không đổi mới thông tin, thực hiện thông tin những gì mà các báo cần, các ấn phẩm của TTXVN cần, bạn đọc cần thì thông tin của phân xã Hà Nội nói riêng, mạng lưới phân xã trong nước nói chung sẽ ách tắc và lãng phí.

          5. 45 năm phân xã Hà Nội - một thành viên nhỏ, tiêu điểm chiến đấu và trưởng thành của ngành đáng để tự hào lắm chứ! Nếu tạm tính 10 năm là một thế hệ thì phân xã đã có hơn 4 thế hệ đóng góp, dựng xây. Những ngày này chợt nhớ lại các bậc đàn anh từng một thời gắn bó, chỉ bảo, giúp đỡ phân xã. Đó là các nhà báo đã đi xa rồi: Đào Tùng, Nguyễn Mạnh Hào, Cao Quang Tín, Trần Hữu Năng, Trịnh Văn Hải, Đoàn Dũng, Lê Quang Bảo, Hoàng Ngọc Yến, Mè Hùng Đoan...và các nhà báo bậc đàn anh, cha chú: Đỗ Phượng, Lê Lâm, Nguyễn Văn Trường, Mai Thanh Hải thỉnh thoảng vẫn gặp lại vấn an và hàn huyên. Buồn vui lẫn lộn khi nhớ về một thủa xa rồi. Phân xã là điểm hẹn vui vẻ, hợp tác của các báo Nhân dân, Hà Nội mới, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Người của phân xã đang phụ trách một vài tờ báo bạn. Phân xã trở thành tọa độ hạnh phúc với ít nhất là 3 cặp uyên ương: Các-Oanh, Hưởng-Vân, Khánh-Chi...

          Chuyện đời, chuyện nghề ở phân xã chắc còn dài. Ước gì có một lần tổng sum họp.

Trần Đình Thảo
Nguyên Phó Trưởng ban biên tập tin Trong nước, Trưởng Phân xã Hà Nội
(Theo Nội san Thông tấn, số 7-2006)