Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Dàn ý - Cái khung cho bài viết


(14/08/2006 09:45:35)

PV: Sau khi đi cơ sở về, tôi rất hào hứng, hình dung ra bài viết của mình rất hay, nghĩ ra bao nhiêu là ý, nhưng khi bắt tay vào viết bài, nó lại bay biến đi đâu hết, chẳng biết viết gì nữa, như thế là tại sao? Làm thế nào bây giờ?

          NVB: - Cái câu hỏi "Tại sao" của bạn nhắm mắt tôi cũng trả lời được ngay, bởi đó chính là cái lỗi tôi cũng đã mắc phải khi mới vào nghề: Chắc chắn là khi viết bài, bạn không lập dàn ý, có đúng không? Bạn còn nhớ khi học môn tập làm văn ở phổ thông, cô giáo thường dạy trước khi làm một bài văn phải lập dàn bài trước không? Và ngay trong bài giảng về "Quá trình hình thành tác phẩm báo chí" ở các lớp phóng viên, bạn cũng có thể được giới thiệu một trong những khâu quan trọng sau khi thu thập thông tin là phải lập dàn ý trước khi viết đó thôi? (Bạn có thể xem lại tài liệu nghiệp vụ của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn về vấn đề này).

          - À, tôi nhớ rồi, tức là ta phải xây dựng cấu trúc của một bài văn gồm 3 phần: Mở bài, thân bài, kết luận. Trong từng phần, đặc biệt là thân bài ta lại phải vạch ra các ý chính chứ gì. Nhưng đó là học sinh phổ thông làm văn; chẳng lẽ bây giờ là nhà báo rồi cũng phải làm cái động tác học sinh đó sao?
          - Khoan đã! Ở đây hình như có vấn đề gì đó không ổn thì phải. Tôi phải nói với bạn rằng, việc lập dàn bài, dàn ý thuộc về phương pháp làm việc và đây là một phương pháp làm việc khoa học. Mà đã là phương pháp khoa học thì sao lại còn phân biệt là học sinh với nhà báo. Chẳng lẽ là học sinh thì phải đi giày xong rồi mới chạy còn nhà báo thì lại... chạy xong mới đi giày hay sao? Cũng giống như khi làm một ngôi nhà, bạn phải hình dung trong đầu ngôi nhà đó như thế nào, rồi thể hiện trên bản vẽ, vạch kế hoạch xây dựng, trên đó thể hiện cấu trúc ngôi nhà đó ra sao, trình tự thực hiện các công việc như thế nào. Trên cơ sở đó, bạn mới tiến hành xây dựng được nhanh chóng, tiết kiệm, và quan trọng nhất là đúng ý đồ.

          Thực ra, việc xây dựng dàn ý cho một bài viết chẳng phải chỉ khi làm văn ở phổ thông hay viết bài báo mà khi làm luận văn tốt nghiệp đại học bạn cũng đã chẳng phải xây dựng đề cương là gì. Các nghiên cứu sinh, các nhà khoa học khi làm một đề tài cũng đều phải xây dựng đề cương cả đấy chứ. Đề cương, dàn ý giúp ta dựng một cái khung cho "ngôi nhà" bài viết trong đó thể hiện mục tiêu, cấu trúc, nội dung của bài. Không những thế, nó còn giúp bạn "nhặt trước" ra đó những chi tiết, con số cho "khỏi quên".

          Trở lại câu hỏi ban đầu của bạn, sở dĩ "khi đi cơ sở về bạn nghĩ ra bao nhiêu là ý nhưng lúc đặt bút viết nó lại bay biến đi đâu mất" là vì khi làm việc với cơ sở, bạn thu thập được rất nhiều thông tin. Những thông tin này có khi tồn tại dưới dạng những luận điểm, luận cứ; cũng có khi là những con số cụ thể hoặc những chi tiết hết sức sinh động; lại có khi là những ý kiến phản biện hoặc những câu nói hóm hỉnh, có sức khái quát, gây ấn tượng... tuy nhiên, những thông tin này còn mang tính hỗn độn. Ngay cả khi bạn đã nghĩ trong đầu về bài viết của mình thì những ý nghĩ ấy cũng chưa phải đã được chọn lọc và sắp xếp theo một trật tự khoa học, phục vụ cho mục đích cụ thể. Hơn nữa, cho dù bài viết của bạn chỉ nhằm một nội dung cụ thể nào đó rồi thì nó cũng bao hàm nhiều ý, nhiều chi tiết, con số. Vì vậy, nếu không định hình nó lại trong một dàn ý, đề cương cụ thể thì khi bắt tay vào viết, bạn sẽ rất dễ "quên" cái sự hình dung về bài viết của mình. Cũng có thể bạn nhớ được một ý nào đó nhưng khi mải tập trung vào ý đó, những ý khác sẽ "bay biến đi mất" như bạn nói. Thành thử, có lục bạn sẽ ngồi thừ ra chẳng biết viết gì nữa.

          - Tôi hiểu rồi. Đúng là nhiều lúc ngồi hình dung về bài viết thì quên hẳn thật hoặc nhớ mang máng có một ý nào đó nhưng lúc đó vắt óc mãi cũng không tài nào nhớ ra được nữa. Để rồi, khi bài đã phát xong thì cái ý hay ho đó mới lù lù hiện về như trêu ngươi mình. Hoặc cũng có khi viết xong thì kịp nhớ ra ý đó nhưng bài viết đã hoàn chỉnh, bây giờ chèn thêm một ý vào có khi phải dỡ tung cả bài ra hoặc có cố chèn vào thì nó cũng không khớp với bài lắm, làm cho bài không được nhuyễn, nếu không muốn nói là cọc cạch.
          - Không cứ là ý lớn, ngay cả khi bạn "quên" mất một câu trích dẫn, một chi tiết hay thậm chí một con số cũng rất tai hại. Mặc dù những yếu tố này chủ yếu chỉ nhằm minh hoạ, chứng minh cho một luận điểm, luận cứ nào đó nhưng nếu bạn "nhớ ra", đưa được vào đúng chỗ trong bài nó sẽ có hiệu quả rất lớn.

          - Khoang đã, chỗ này thì tôi chưa được tâm phục lắm. Những chi tiết, con số chỉ mang tính minh hoạ nên kể cả khi viết bài xong rồi, sực nhớ ra, tôi vẫn có thể chèn vào một cách thoải mái chứ.

          - Bạn nói không sai. Thế nhưng bạn cũng nên biết rằng, câu trích dẫn, chi tiết, con số đưa vào bài viết không phải chỉ mang tính minh hoạ đơn thuần. Nhiều khi, những yếu tố này được đưa vào bài viết còn nhằm để phân tích, thậm chí cả bình luận chúng để nhằm mục đích chứng minh hoặc bác bỏ một luận điểm nào đó. Vì vậy, nếu viết xong bài rồi bạn mới "sực nhớ" ra sẽ rất khó "chèn" vào nữa. Thậm chí, nếu lúc viết bài, nếu bạn "không quên" để đưa kịp những ý, những câu trích dẫn, những chi tiết số liệu vào những chỗ thích hợp, có khi bài viết đã đi theo một chiều hướng khác.

          - Có vẻ tôi đã nhận thức ra tầm quan trọng của việc lập dàn ý rồi đấy. Nhưng từ đầu đến giờ Người Viết Báo vẫn chưa nói cách lập dàn ý như thế nào? Chẳng lẽ cũng như dàn bài tập làm văn hồi học phổ thông à?
          - Về nguyên tắc thì đúng như thế đấy. Tất nhiên cũng chẳng nên cầu kỳ quá làm gì. Mặt khác, mỗi người lại có những cách làm dàn ý riêng. Tuy nhiên, cách làm thông thường là như thế này:

          Đầu tiên, bạn hãy xác định chủ đề của bài viết, nói một cách nôm na là bài viết này nhằm nêu lên vấn đề gì, giải quyết vấn đề gì, nhằm mục đích gì? Sau đó bạn hãy xác định nội dung đó bao hàm những ý chính gì; hoặc giải quyết vấn đề đó cần những ý nào (có thể coi đây là những luận điểm). Bạn hãy gạch đầu dòng những ý lớn đó ra một tờ giấy; giữa các ý để cách một khoảng trống để sau này phát triển các luận cứ.

          Tiếp theo, bạn hãy lục lọi trong sổ tay, trong máy ghi âm, trong tư liệu... những ý, những lý lẽ, những lập luận để chứng minh cho các ý lớn đó (có thể coi đó là những luận cứ) và đánh dấu "cộng" (+) cho mỗi luận cứ đó sau các ý lớn (luận điểm) để chứng minh, phân tích, lý giải... cho các luận điểm đó.

          - Thế còn những câu trích dẫn, những chi tiết, số liệu thì để ra đâu cho khỏi "quên"?
          - Ấy đấy, có vẻ bạn đã "vào guồng" với phương pháp lập dàn ý rồi đó. Bây giờ đến lượt chúng đây. Nếu bạn thấy các chi tiết, con số và những câu trích dẫn nào phù hợp, có thể lấy để minh hoạ, hoặc có thể lấy "nó" để phân tích chứng minh, làm cơ sở cho luận cứ nào đó... bạn hãy ghi nó vào bên cạnh các luận cứ. Như vậy, bạn đã có một phác thảo ban đầu cho bài viết của mình. Bây giờ, bạn hãy xem lại một lượt cái "thiết kế sơ bộ" ấy xem các ý lớn (luận điểm) đã đầy đủ chưa; các lý lẽ, lập luận (luận cứ) đã vững chắc, chặt chẽ chưa; các câu trích dẫn, các chi tiết, số liệu đã đủ sinh động, thuyết phục không. Nếu thấy ý nào, chi tiết nào thừa, không phục vụ cho chủ đề bài viết thì kiên quyết gạch bỏ. Đồng thời nếu thấy ý nào chưa đầy đủ hoặc chưa chặt chẽ, vững chắc, chưa đủ sức thuyết phục thì bổ sung, "chèn" thêm vào. Bạn cũng có thể cân nhắc đảo lại các ý để bài viết chặt chẽ, sinh động và dễ hiểu hơn... Như vậy, bây giờ bạn đã có trong tay bộ xương tương đối hoàn chỉnh cho bài viết của mình rồi, chỉ còn việc đắp da thịt thế nào cho nó hay ho, hấp dẫn mà thôi.

          Bạn hãy làm thử xem. Nếu có vấn đề gì kỳ sau chúng ta lại trao đổi tiếp nhé.

 

Người viết báo
(Theo Nội san Thông tấn, số 7-2006)