Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Bệnh à ơi


(14/08/2006 09:22:46)

Làm việc phải có mục đích. Mục đích càng cụ thể càng tốt

          Hỏi: Không hiểu sao khi đi cơ sở, tôi thấy ngồn ngộn những tài liệu, bao nhiêu là vấn đề có thể viết bài nhưng khi về nhà đặt bút viết thì đụng vào đâu cũng thấy thiếu?

          Trả lời: À, tôi biết rồi. Đây là cái mà tôi thường gọi là bệnh à ơi, bệnh chủ quan, thói làm việc được chăng hay chớ. "Căn bệnh" này tương đối phổ biến, thường gặp ở những phóng viên mới vào nghề. Nhưng tôi nói thật, ngay cả các phóng viên lành nghề, nếu chỉ lơ đễnh, chủ quan một tí là "nó" cũng không chừa đâu.

 

          Nguyên nhân căn bệnh này thường là do trước khi đi cơ sở, bạn chỉ xác định một cách chung chung là đến cơ quan A, địa phương B làm việc; cùng lắm cũng chỉ xác định được đề tài là đến cơ quan A viết về công tác tổ chức cán bộ, đến địa phương B viết về làng nghề truyền thống mà chưa xác định được chủ đề, lại càng chưa hình dung mình định viết cụ thể cái gì, vấn đề gì, viết như thế nào.

 

          Ừ thì viết về công tác cán bộ, nhưng công tác cán bộ cũng có bao nhiêu là khía cạnh, vấn đề như việc luân chuyển cán bộ; trẻ hoá cán bộ; vấn đề quy hoạch, tạo nguồn; hoặc vấn đề tuyển dụng, sử dụng cán bộ; thậm chí là vấn đề dân chủ trong công tác cán bộ. Nếu xác định rõ từ nhà thì khi làm việc, bạn có thể nắm sơ qua về tình hình công tác cán bộ của cơ quan nọ, sau đó tập trung khai thác vào vấn đề bạn định viết (có thể là một trong những khía cạnh nêu ở trên, như tuyển dụng và sử dụng chẳng hạn), lật đi lật lại vấn đề khi về nhà đặt bút viết bạn sẽ cảm thấy rất dễ dàng.

 

          Ngược lại, nếu không xác định chủ đề, vấn đề cụ thể, thường bạn sẽ khai thác tài liệu theo công thức sau: tình hình, đặc điểm; những thuận lợi, khó khăn; biện pháp khắc phục; kết quả... Hoặc bạn sẽ hỏi những câu hỏi hết sức chung chung để được nghe những câu trả lời còn chung chung hơn; đại khái là "Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn như chất lượng cán bộ không đồng đều, vừa thừa vừa thiếu; chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập nhưng nhờ có sự lãnh đạo của đảng uỷ cộng với phát huy dân chủ ở cơ sở nên chúng tôi đã..." rồi sau đó liệt kê ra một lô những thành tích. Do đó về nhà bạn cũng chỉ viết được một tin hoặc bài hết sức chung chung như một... bản báo cáo.

 

          Cũng có khi bạn còn bị đối tượng dẫn dắt, dây cà ra dây muống. Cũng có thể bạn khai thác được nhiều thông tin cụ thể, thậm chí rất đắt, rất thú vị mà như bạn viết là "ngồn ngộn những tài liệu, có bao nhiêu vấn đề có thể viết bài" nhưng những thông tin, chi tiết mà bạn có được lại "mỗi thứ một tí" chứ không tập trung vào một vấn đề nào cụ thể. Vì vậy, khi viết sâu vào một vấn đề, lập tức bạn sẽ thấy thiếu thông tin.

 

          Cũng như vậy, nếu bạn định viết về một làng nghề truyền thống thì đừng nghĩ một cách đơn giản là "viết về một làng nghề truyền thống" một cách chung chung mà ít nhất bạn cũng phải xác định được là bạn viết để báo động về nguy cơ mai một của làng nghề; hay biện pháp để giữ nghề và phát triển nghề truyền thống; hoặc đi sâu vào sự tinh xảo, nét tài hoa của người thợ làng nghề. Nếu xác định viết về nguy cơ mai một của làng nghề, khi lấy thông tin, ngoài việc nắm những nét khái quát về nghề và làng nghề nói chung, bạn sẽ phải đi sâu tìm hiểu những khó khăn (cả chủ quan và khách quan) mà làng nghề đang gặp phải: Chẳng hạn như do chạy theo lợi nhuận nên chất lượng sản phẩm giảm, mất uy tín; lớp trẻ không muốn học nghề; những bất cập về cơ chế, chính sách... Sau đó, lấy ý kiến đại diện làng nghề để xác định hướng đi cho làng nghề, nên duy trì hay không? Nếu duy trì thì duy trì ở mức độ nào? Các giải pháp là gì?... Còn nếu đi sâu vào sự tinh xảo, nét tài hoa của làng nghề thì bạn lại phải lân la trò chuyện với các nghệ nhân, các bậc cao niên tìm hiểu những nét đặc sắc của nghề, của sản phẩm, sự khổ luyện của người thợ, bí quyết của những nghệ nhân. Đặc biệt, bạn phải quan sát tỉ mỉ lao động của người thợ để có thể miêu tả một cách sinh động làm cho bạn đọc hình dung được cái hay, cái đẹp của một làng nghề, một nghề và lao động vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang chất nghệ thuật của các nghệ nhân.

 

          Chúng ta hãy hình dung thế này: Bạn vào một kho chứa khổng lồ những chi tiết của những sản phẩm đồ mộc đã được tháo rời. Bạn sẽ choáng ngợp trước ngồn ngộn những chi tiết, cái nào cũng đẹp, cũng thấy hay và bạn cứ tuỳ hứng, thích cái nào là nhặt chất lên xe. Khi về nhà, bạn có đủ các chi tiết của bàn, ghế, giường, tủ nhưng định lắp ghế thì lại thiếu một chân, lắp tủ thì không có cánh và lắp giường thì thiếu giát. Thành thử, chi tiết thì nhiều nhưng lại không đủ để lắp hoàn chỉnh một sản phẩm nào. Nhưng nếu trước khi đi, bạn xác định mục đích để lắp một cái bàn thì bạn phải bằng mọi cách tìm kiếm cho đủ 4 chân bàn, 4 vai bàn, một mặt bàn, một số ngăn kéo hoặc hộc bàn tuỳ theo mục đích sử dụng. Nếu còn điều kiện, bạn có thể chọn thêm chi tiết để lắp một chiếc ghế... Như vậy, bạn sẽ thực hiện được mục đích của mình một cách rất nhanh chóng, nhẹ nhàng.

 

          Tóm lại, mỗi khi đi làm việc với cơ sở, bạn cần xác định rõ mục đích của mình: Viết cái gì và viết thế nào? Xác định mục đích càng cụ thể, nội dung buổi làm việc càng rõ ràng, cả bạn và đối tượng càng thấy thoải mái và bạn sẽ thu thập được thông tin cần và đủ cho bài viết của mình. Bạn sẽ hỏi những câu hỏi cần phải hỏi và có những chi tiết cần phải có; khi về đặt bút viết sẽ không có tình trạng "đụng vào đâu cũng thấy thiếu" nữa.

 

          Tất nhiên, cũng có khi bạn xác định chủ đề rồi, nhưng khi đến cơ sở tình hình thực tế lại khác. Đây là chuyện thường vẫn xảy ra. Khi đó bạn đừng hoang mang mà hãy nhanh chóng nắm bắt tình hình, xác định bản chất vấn đề và lập tức xác định lại chủ đề để chuyển hướng khai thác thông tin theo chủ đề mới.

 

          Một lời khuyên chân thành, cho dù sau này bạn đã là một nhà báo kỳ cựu thì cũng đừng bao giờ quên việc xác định mục đích của chuyến đi, chủ đề của bài viết. Mục đích, chủ đề càng cụ thể, bạn càng chủ động trong khai thác thông tin, làm việc càng thuận lợi và bạn thực hiện bài viết càng dễ dàng, bài viết của bạn càng sâu, càng sinh động và thuyết phục được bạn đọc. Còn làm việc theo cái lối à ơi thì bạn chỉ càng tốn thời gian, viết rất khó nhọc mà cũng chỉ cho ra những bài viết chung chung, hời hợt, nhạt nhẽo.

Người viết báo
(Theo Nội san Thông tấn, số 6-2006)