Chủ nhật, ngày 28/04/2024

Tin tức trong ngành

Đi và viết để khỏa lấp nỗi nhớ nhà


(23/01/2023 10:37:34)

Tâm trạng nhớ nhà, nhớ không khí gia đình quây quần đầm ấm bên mâm cơm ngày Tết chắc hẳn đều là tâm trạng của mọi phóng viên thường trú kể từ khi Việt Nam Thông tấn xã thành lập phân xã đầu tiên đầu thập niên 1950. Nhưng bù lại là những tình cảm đầy xúc động, những niềm vui trong cuộc sống chợt vô tình khám phá, những câu chuyện rong ruổi trên đường tác nghiệp ngày Tết mà không phải nghề nào cũng được trải nghiệm.

Nhà báo Lê Vũ Hội, Cơ quan thường trú TTXVN tại Tel Aviv, phỏng vấn tu nghiệp sinh đón Giao thừa tại Idan, miền Nam Israel, tháng 2/2022

Tản mạn đôi dòng vì tôi đã từng đón Tết xa nhà khi còn làm phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) trong nước, cái thời vẫn tâm sự với đồng nghiệp câu “buồn như đón Tết tại phân xã”. Tâm trạng này lặp lại trong các nhiệm thường trú ở ngoài nước, tất nhiên với một sắc thái và cảm nhận khác.
 
Tết với phóng viên thường trú ở ngoài nước, nhất là một quốc gia có văn hóa, truyền thống khác hẳn trong nước là một dịp đặc biệt. Trong lúc quê nhà mỗi ngày cận Tết đều nhộn nhịp với đào, quất, thì ở nước sở tại, nhịp sống và công việc của phóng viên vẫn diễn ra bình thường. Cách duy nhất để được hưởng không khí Tết là… đi viết bài về không khí đón Tết của các gia đình người Việt tại địa bàn.
 
Tết Nhâm Dần 2022 là cái Tết đầu tiên tôi công tác tại Israel - nơi cộng đồng người Việt vừa ít, vừa thưa thớt. May mắn làm quen với chị Nguyễn Sơn Zaide - một Việt kiều định cư ở đây đã được 20 năm, nhưng năm nào cũng duy trì mâm cỗ cổ truyền dân tộc trong ngày Tết. Chị Sơn sống ở TP. Haifa, miền bắc Israel, cách CQTT gần hai tiếng chạy xe. Tôi thuyết phục chị xin nghỉ làm, đi chợ chuẩn bị mâm cỗ Giao thừa sớm một ngày, để vừa có hình ảnh tư liệu viết bài, dựng hình gửi về các đơn vị thông tin ở trong nước, cũng là để hôm sau tôi có thời gian chạy xe xuống miền Nam đón Giao thừa cùng các tu nghiệp sinh.
 
Rất vất vả mới có được một mâm cỗ Tết theo đúng phong tục truyền thống. Chẳng hạn, để gói bánh chưng, chị Sơn phải dùng lá chuối, giòn và dễ gẫy, đòi hỏi sự cầu kỳ và khéo léo mới ra được tấm bánh vuông vức. Chị cũng dạy con gái cách làm nem. Động lực để chị duy trì việc này hằng năm là do chị xa quê từ năm 18 tuổi, mỗi lần gói bánh chưng là một lần nhớ về những cái Tết xưa, thời ông bà, bố mẹ ở quê gói bánh chưng và chuẩn bị mâm cỗ Giao thừa.
 
Israel là một quốc gia nhỏ, dân số ít, người Do Thái chiếm đa số. Xung quanh bao bọc bởi các quốc gia Hồi giáo. Cứ đến thứ Bảy hằng tuần, người dân nghỉ lễ Shabbat, đường phố vắng tanh, hàng quán đóng cửa, giao thông công cộng ngừng hoạt động. Giữa mênh mông các tôn giáo và truyền thống xa lạ mới cảm nhận được tầng sâu giá trị của truyền thống dân tộc Việt qua mâm cỗ ngày Tết. Cảm nhận này tôi đã đưa vào bài viết với tiêu đề Hơn 20 năm giữ gìn Tết Việt ở đất nước Do Thái, đăng trên báo Tin tức, với dòng kết: “Những người con nặng lòng với quê hương như chị đang góp một phần nhỏ bé tạo nên dòng chảy văn hóa Việt khắp nơi trên thế giới”.
 
Sau khi đọc bài này, chị Sơn gọi điện cho tôi, xúc động đến trào nước mắt, vì lâu nay nhiều người không hiểu tại sao chị cứ phải tự mình vất vả gói bánh chưng. Chị tâm sự thêm một số điều không tiện nói hôm đến nhà phỏng vấn, nhất là cảm giác ân hận từng đánh vào tay con gái phạt tội không chịu học tiếng Việt. Dường như giữa sự cố này với việc gần đây chị tham gia lớp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài do Bộ Ngoại giao tổ chức, có một “sợi dây quê hương” ẩn sâu trong lòng mà bài viết đã chạm tới.
 
Sau hôm tới nhà chị Sơn, tôi lại xách máy, vác ba lô lên đường tới Idan, một moshav (hợp tác xã) ở miền nam Israel, để viết bài về không khí đón Giao thừa của một nhóm tu nghiệp sinh Việt Nam. Từ Tel Aviv, tôi mất khoảng 3 tiếng chạy xe trên những con đường ngoằn ngoèo, xuyên qua những quả đồi giữa sa mạc Negev, phía Nam của biển Chết. Nằm sát biên giới với Jordan, nơi đây mùa Hè nhiệt độ lên đến gần 50 độ C, nhưng mùa đông nhiệt độ xuống thấp, lạnh hơn miền núi phía Bắc Việt Nam.
 
Hầu hết các tu nghiệp sinh đều đang là sinh viên hoặc vừa tốt nghiệp Đại học ở trong nước, sang đây thực tập nông nghiệp 10 tháng theo chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ. Lần đầu tiên đón Tết xa nhà ở nước ngoài, quây quần cùng nhau đón Giao thừa, mỗi sinh viên là cả “một bầu trời tâm sự” đầy náo nhiệt. Tôi đặc biệt chú ý tới một nam sinh viên nhỏ nhắn, gày gò, ngồi một mình với thanh củi đang tời đống lửa để sưởi ấm. Câu chuyện đưa đẩy hé lộ một hoàn cảnh đầy trăn trở: ba Nguyên (tên cậu sinh viên, quê Bình Định) bị tai nạn, gia đình mất trụ cột lao động, em phải rất tằn tiện để có tiền đi học trên thành phố. Trước khi lên máy bay sang Israel, em còn không đủ tiền để về nhà thăm gia đình. Mọi chi phí gia đình đều phải đi vay, Nguyên không giấu mục tiêu sang đây làm thêm kiếm tiền giúp ba mẹ trả nợ.
 
Chị Sơn Zaide (trái) dạy con gái gói bánh chưng đón năm mới, tháng 2/2022

Ngoài phóng sự hình gửi VNews, tôi còn viết thêm bài gửi đăng chuyên mục Mega Story của báo điện tử VietnamPlus, thể hiện dưới dạng bài ghi chép để có thể đưa được nhiều nhân vật vào bài viết, trong đó lấy điểm nhấn là trường hợp của Nguyên. Với các sinh viên, mỗi bức ảnh, câu chuyện của cá nhân được xuất hiện trên báo là một món quà vô giá gửi về gia đình trong dịp Tết.
 
Sau Tết, các bạn cùng trường đã tổ chức quyên góp để hỗ trợ thêm giúp Nguyên yên tâm học tập. Tháng 8, trước khi về Việt Nam kết thúc khóa thực tập, Nguyên bắt xe lên Tel Aviv thăm tôi, món quà mang theo là vài cân chà là khô, đặc sản của vùng sa mạc. Em hứa trở về quê hương sẽ theo đuổi ước mơ áp dụng kiến thức học được để giảm bớt tình trạng dùng hóa chất độc hại trong canh tác và bảo quản rau quả.
 
Viết về phóng viên thường trú đón Tết xa nhà, không thể không nhắc đến tâm trạng man mác buồn nhớ Tết, nhớ quê hương. Nhưng bù lại là những tình cảm đầy xúc động, là những niềm vui trong cuộc sống chợt vô tình khám phá, mà không phải nghề nào cũng được trải nghiệm./.

Lê Vũ Hội - Trưởng CQTT tại Tel Aviv (Israel)
Nội san Thông tấn Xuân 2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Báo điện tử VietnamPlus: Hiểu rõ người dùng để có giải pháp phù hợp (23/01/2023 10:34:35)

Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa: Luôn cần làm mới để phát triển (23/01/2023 10:33:48)

Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn: Khẳng định năng lực công nghệ  (22/01/2023 12:50:59)

Báo Le Courrier du Vietnam: Thành công nối tiếp thành công (22/01/2023 12:50:14)

Ban biên tập Ảnh: Những thách thức chưa có tiền lệ (22/01/2023 12:47:35)

Tết miền biên viễn (22/01/2023 12:46:04)

Ban biên tập tin Đối ngoại TTXVN: Chú trọng hiệu quả thông tin (21/01/2023 16:39:21)

Cơ quan khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Những kết quả đáng khích lệ (21/01/2023 16:37:56)

Báo ảnh Việt Nam: Một năm bình thường “đặc biệt” (21/01/2023 16:36:32)

Ban Tổ chức - Cán bộ TTXVN: Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả (21/01/2023 16:35:57)