Thứ ba, ngày 30/04/2024

Tin tức trong ngành

Tết miền biên viễn


(22/01/2023 12:46:04)

Với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thường trú, Tết luôn có một cảm xúc đặc biệt. Những ngày Tết, khi người người, nhà nhà thảnh thơi sắm sửa, du xuân vui Tết cùng gia đình thì các phóng viên, đặc biệt là phóng viên thường trú, vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng làm việc, đảm bảo theo sát sự kiện tại địa bàn.

Phóng viên CQTT Lạng Sơn Nguyễn Quang Duy tác nghiệp trên đỉnh Mẫu Sơn ở thời tiết âm 2 độ C, năm 2019

Tôi được phân công về công tác tại Cơ quan thường trú (CQTT) Lạng Sơn từ đầu năm 2018, sau quãng thời gian dài thường trú tại CQTT Lai Châu. Lạng Sơn là tỉnh miền núi có trên 230km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, có kinh tế biên mậu phát triển. Chính vì vậy, tuyến thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, những diễn biến xoay quanh phát triển kinh tế biên giới luôn được CQTT tại Lạng Sơn theo dõi sát sao.

Tôi không bao giờ quên được những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019. Trời đông lạnh thấu xương kèm mưa phùn lất phất. Một buổi tối, bất chợt có số điện thoại lạ gọi cho tôi với giọng gấp gáp: “Biên phòng và Hải quan chặn xe hàng không cho doanh nghiệp qua cửa khẩu. Nhà báo lên cửa khẩu Tân Thanh phản ánh giúp!”. Nghĩ rằng, chắc chắn có sự vụ “nóng” đang xảy ra, trong đầu tôi xuất hiện nhanh nhiều câu hỏi: tại sao lực lượng chức năng không cho hàng hóa qua biên và nhất là tại sao thời điểm đêm tối mà cửa khẩu vẫn mở? Điều này khiến tôi băn khoăn, ngay lập tức, tôi gọi điện thoại báo cáo tình hình với Trưởng CQTT tại Lạng Sơn Đặng Thái Thuần và nhanh chóng chuẩn bị đồ nghề lên đường đi biên giới.

Khoảng 22 giờ, tôi có mặt tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh giáp biên giới. Trời mưa nặng hạt khiến cái lạnh thấm sâu vào da thịt. Dù đã quen biết từ trước nhưng khi qua Đồn biên phòng Tân Thanh, tôi vẫn giới thiệu theo đúng thủ tục, vừa để họ tạo điều kiện tác nghiệp và cũng để đảm bảo an toàn cho bản thân tại khu vực cửa khẩu vì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tôi và đồng chí Phó đồn trưởng biên phòng Tân Thanh di chuyển đến khu vực đường ra biên giới. Trên đường đi, Phó đồn trưởng liên tục dặn dò hai cán bộ biên phòng phải theo sát tôi và cũng không quên dặn tôi phải cẩn trọng trong quá trình tác nghiệp.
 
Phóng viên Lê Hữu Quyết, CQTT Sơn La, phỏng vấn doanh nghiệp trà Tây Bắc, tháng 12/2022

Ngoài đường biên lúc này, xe hàng đã đỗ thành nhiều dãy dài, người đông như nêm, tiếng ồn hỗn loạn. Thấy có nhà báo cầm máy ảnh, cỡ hơn chục người là chủ hàng và tài xế bủa vây lấy tôi và tranh nhau trình bày bức xúc. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước song bản thân tôi vẫn khá hoang mang vì đang tiếp xúc với toàn dân “chợ búa”. Sau một hồi lắng nghe, tôi cũng đã nắm qua được tình hình. Hóa ra là do đã giáp Tết, phía Trung Quốc thông báo thời điểm không nhận nhập khẩu hàng nông sản qua Tân Thanh. Nhiều xe hàng của người dân từ các tỉnh phía Nam đưa lên muộn nên khả năng cao sẽ không xuất khẩu được nữa. Điều này khiến bà con hoang mang, lo sợ không tiêu thụ được nông sản, cộng với một số đối tượng kích động dẫn đến sự việc trên. Nhiều người muốn dỡ hàng để vác thẳng qua biên giới và điều này là vi phạm pháp luật, buộc lực lượng chức năng phải sử dụng các biện pháp, từ tuyên truyền đến nghiệp vụ cứng rắn để ngăn chặn hành vi đó.

Sau khi ghi nhận đầy đủ tình hình thực tế, tôi cùng hai đồng chí biên phòng ra khỏi hiện trường. Trên đường đi bộ len lỏi qua dãy xe hàng, bất chợt có người lao vào giật máy ảnh của tôi. Đồng chí biên phòng đi sau hô to: “Ai, ra đây!”. Nghe thấy vậy, đối tượng liền bỏ chạy vào đêm tối. Cũng may tôi có thói quen quấn dây máy ảnh vào cổ tay chứ không thì mất luôn máy với rất nhiều tài liệu trong thẻ nhớ. Về đến thành phố Lạng Sơn lúc kim đồng đồ chỉ đúng 2 giờ sáng, tôi húp vội bát cháo nóng ở vỉa hè cho ấm dạ rồi tới cơ quan, ngồi viết một mạch cho kịp thông tin thời sự.

Nhiều năm là phóng viên thường trú miền núi biên giới, tôi đã có nhiều kỷ niệm cho riêng mình với những chuyến tác nghiệp trước, trong và sau Tết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Đó là những chuyến theo các đoàn tặng quà cho trẻ em nghèo vùng cao, đồng bào vùng khó hay đến các đồn biên phòng, chia sẻ với cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trực Tết… Trong những chuyến đi khó quên ấy luôn có những khó khăn, vất vả song cũng không thiếu hạnh phúc, niềm vui với nghề.
 
Phóng viên Vũ Minh Đức, Ban biên tập Ảnh, cùng bà con dân tộc vùng cao A Pa Chải, Mường Nhé, Điện Biên, tháng 12/2022

Một mùa Xuân mới đang đến, mỗi phóng viên thường trú chúng tôi đã có một năm bận rộn bám theo các sự kiện. Gác lại những lo âu, vất vả trên những nẻo đường tác nghiệp, mỗi tin, bài, phóng sự được độc giả chào đón, được đồng nghiệp ghi nhận là niềm vui, động lực giúp chúng tôi tiếp tục lên đường thực hiện những tác phẩm mới./.

Nguyễn Quang - Duy Phóng viên CQTT tại Lạng Sơn
Nội san Thông tấn Xuân 2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ban biên tập tin Đối ngoại TTXVN: Chú trọng hiệu quả thông tin (21/01/2023 16:39:21)

Cơ quan khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Những kết quả đáng khích lệ (21/01/2023 16:37:56)

Báo ảnh Việt Nam: Một năm bình thường “đặc biệt” (21/01/2023 16:36:32)

Ban Tổ chức - Cán bộ TTXVN: Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả (21/01/2023 16:35:57)

Ban biên tập tin Kinh tế TTXVN: Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau! (20/01/2023 17:34:09)

Ban Thư ký biên tập và Quan hệ đối ngoại TTXVN: Những dấu ấn đối ngoại của ngành  (20/01/2023 17:32:49)

Văn phòng TTXVN: Những con số ấn tượng (20/01/2023 17:31:41)

Làm phóng sự Tết (20/01/2023 17:30:45)

10 sự kiện nổi bật năm 2022 của Thông tấn xã Việt Nam (do Nội san Thông tấn bình chọn) (19/01/2023 10:30:59)

Xuân trên đường tác nghiệp (18/01/2023 14:52:35)