Thứ hai, ngày 01/07/2024

Tin trong ngành

Đi về nơi có gió


(07/04/2023 10:53:35)

Chuyến công tác đầu tiên trong năm 2023 của tôi là hành trình theo tàu tuần tiễn của vùng 3 Hải quân tới hai huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị và Lý Sơn, Quảng Ngãi. Với một hải trình không quá dài như những chuyến đi Trường Sa mà tôi từng được nghe các đồng nghiệp kể lại, nhưng 4 ngày 3 đêm trên con tàu mang số hiệu 390 giữa mùa biển động cũng đủ “neo” lại trong tôi biết bao xúc cảm!

Phóng viên Yên Khương phỏng vấn Trạm phó Trạm Radar 540 Đào Quang Hiển trên đảo Cồn Cỏ, tháng 1/2023

Gặp ngày biển động - Nhớ hôm trăng rằm
 
Có lẽ, với nhiều đồng nghiệp, khi được hỏi về những chuyến công tác biển đảo, ám ảnh lớn nhất chính là say sóng. Trước khi lên đường, những người anh, người chị, người bạn từng có dịp trải nghiệm những cơn say sóng đã kể với tôi về đủ thứ trạng thái kinh hoàng khi bị say sóng và đưa ra rất nhiều lời khuyên cho chuyến đi. Tôi nghe thôi mà đầu óc đã choáng váng, nghĩ thôi đã có cảm giác chênh chao. Nhưng rồi, chẳng hiểu vì sao, từ giây phút đặt chân lên con tàu đưa mình ra đảo, tôi nhanh chóng nhận thấy kết nối mạnh mẽ giữa tôi với con tàu và với biển. Tàu dời cảng, nghi lễ chào tàu diễn ra trang nghiêm, đầy xúc động. Khi những hồi còi tàu rú lên đầy thúc giục, những người lính hải quân trên cảng giơ tay chào, giây phút ấy thật thiêng liêng.
 
Tối đầu tiên trên tàu, trong khi các đồng nghiệp đi cùng gần như đã nằm bẹp tại giường, cố chống chọi với cơn say sóng thì tôi - nữ phóng viên duy nhất vẫn ngồi lại uống trà cùng anh em phục vụ tàu. Họ đều là những cán bộ, chiến sĩ thuộc Chi đội kiểm ngư số 3, được phân công nhiệm vụ theo tàu tuần tra, kiểm soát. Cho đến giờ, tôi vẫn thấy mình may mắn, bởi tôi đã không say tàu, bởi tôi khỏe sóng và không hề mệt mỏi… nên có cơ hội được nghe biết bao câu chuyện từ những người lính biển. Có những câu chuyện hài hước rất lính, có những tâm sự rất đời, lại có những phút lắng đọng trầm sâu.
 
Tôi chú ý đến câu chuyện của Thiếu tá Ngô Quốc Tuấn, nguyên thuyền trưởng tàu 390, hiện anh đã “lên bờ” làm công tác tham mưu, nhưng trong suốt những năm lênh đênh trên những chuyến tàu, anh đã có một cuộc sống quân ngũ rực rỡ. Rực rỡ mà anh nói tới là những trận chiến với thiên nhiên và với kẻ thù. Thiếu tá Ngô Quốc Tuấn chính là một trong bốn thuyền trưởng đầu tiên chỉ huy tàu tiến vào cản phá giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014. “Với những người lính, không có sợ hãi, nhận nhiệm vụ là lên đường, mục tiêu duy nhất là bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...”. Thiếu tá Ngô Quốc Tuấn chia sẻ thêm: “Tụi anh đã có nhiều đêm chiến đấu với bão giông trong những chuyến cứu hộ cứu nạn, trong những chuyến tuần tra. Khi biết đâu đó giữa bão giông kia có những người dân đang chờ đợi, đang đặt hy vọng sống vào mình, thì khó khăn mấy, thậm chí đặt cược cả tính mạng, mình vẫn đi…”.
 
Tôi hỏi: Sau tất cả những điều ấy, đâu là khoảnh khắc đẹp nhất trong anh. Anh trả lời: “Đó là những đêm trăng sáng giữa biển khơi”. Tôi hơi bất ngờ với câu trả lời ấy! Một người chiến sĩ can trường, sống, chiến đấu với lý tưởng mạnh mẽ lại nói với tôi về một đêm trăng lung linh mà anh từng trải. “Đấy là khoảnh khắc đẹp đẽ, lung linh nhất, cho mình cảm giác yên bình nhất cũng cho mình biết ý nghĩa của những việc mình làm. Có ra khơi trong những ngày biển động mới thấy nhớ, thấy yêu tha thiết những đêm trăng sáng”.
 
Nhìn ra ngoài khoảng không trước mặt, biển trời một màu đen đặc, những con sóng cao dồn dập phía mạn tàu, tôi chợt thấy một thứ ánh sáng như lóe lên. Ấy là ánh mắt cười của người chiến sĩ đang ngồi đối diện với tôi!
 
Tình yêu nơi đảo gió
 
Sáu giờ sáng, tiếng báo thức vang lên. Tàu đã tới gần Cồn Cỏ. Đêm biển động không trăng sao, ngày Cồn Cỏ chỉ toàn là gió! Gió càng lớn, sóng càng cao. Chúng tôi phải di chuyển sang tàu nhỏ để lên Cồn Cỏ. Việc chuyển tàu vốn tưởng giản đơn lắm, gặp sóng to gió lớn lại trở nên gian khó, hiểm nguy biết chừng nào. Con sóng lớn quăng quật khiến chiếc tàu nhỏ liên tục trồi lên rồi lại bị nhấn xuống tạo nên những cú va đập mạnh có thể nghiến nát bất cứ thứ gì không may rơi xuống. Những người lính đứng hai bên tàu đỡ từng người, căng thẳng lựa theo nhịp sóng, căn đúng khoảng cách an toàn để đưa người qua. Đồng nghiệp đi cùng, sau một đêm say sóng, sợ hãi níu tay tôi lại. Tôi trêu: Chẳng mấy khi có được nhiều trai tráng trẻ khỏe thế kia bê đỡ, đi thôi!
 
Và khi tất cả đã an toàn chuyển qua tàu nhỏ, chúng tôi bắt đầu hành quân lên Cồn Cỏ. Anh em quay phim trong đoàn khệ nệ máy móc, thiết bị tác nghiệp, anh chị em làm thời sự cũng phải mang theo máy tính xách tay lên đảo, tranh thủ Internet gửi tin, bài… Tôi thấy mình “nhẹ tay” nhất khi chỉ mang theo một chiếc áo dài cờ đỏ sao vàng lên đảo. Tôi dự định mặc chiếc áo dài ấy để dẫn hiện trường cho một phóng sự truyền hình phát vào đúng dịp Tết với tựa đề: “Mùa xuân trên Cồn Cỏ”.  Và phóng sự của tôi bắt đầu bằng gió: “Gió. Gió. Gió. Và gió! Đó chính là đặc sản của Cồn Cỏ mùa này…”
 
Phóng viên Yên Khương gói bánh chưng cùng các chiến sĩ Hải quân trên đảo Lý Sơn, tháng 1/2023

Khác hẳn với mùa du lịch, Cồn Cỏ mùa gió chỉ có tàu tránh bão, những ngôi nhà xơ xác, những quán lá trơ vơ và những con sóng cao đánh dồn dập vào những bãi đá. Khi những đợt gió mùa Đông Bắc kéo dài, tàu cung ứng lương thực thực phẩm ra đảo rất khó khăn. Tết với người dân Cồn Cỏ là nỗi lo làm sao chuẩn bị cho đủ đầy nhu yếu phẩm. Nhưng những người con của biển luôn biết cách thuận hòa với biển, để có một cái Tết ấm no giữa sóng gió. Và họ không đơn độc, bởi có những tấm lòng từ đất liền gửi ra đảo và luôn có lực lượng cán bộ, chiến sĩ vẫn túc trực ngày đêm trên đảo, bất kể nắng mưa, cả trong những dịp Tết đến Xuân về.
 
Trong chuyến công tác tới Cồn Cỏ cùng đoàn công tác Bộ tư lệnh vùng 3 Hải quân, chúng tôi đã tới thăm Trạm Radar 540 thuộc Trung đoàn 351 vùng 3 Hải quân. Năm nay, trên trạm Radar, cán bộ chiến sĩ ăn Tết trên đảo cũng có đầy đủ đào, quất cảnh, bánh mứt… Đặc biệt, trong báo cáo về hoạt động năm qua, Trạm Radar 540 có thêm một tin vui, đó là Trạm phó Đào Quang Hiển, sau gần một năm công tác tại đảo, đã nên duyên cùng cô giáo trường mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba của đảo. Tết này là Tết đầu tiên họ hạnh phúc cùng gia đình nhỏ của mình trên đảo. Tình yêu đôi lứa và tình yêu Tổ quốc đã giữ họ lại nơi đảo tiền tiêu phong ba bão táp. Với họ, đảo là nhà, biển cả là quê hương, màn hiện sóng là chiến trường.
 
Xuân về trên Cồn Cỏ, giữa mùa gió chướng cùng những người dân, những lực lượng ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển quê hương. Cột cờ Cồn Cỏ đứng hiên ngang trước biển, lá cờ đỏ sao vàng căng gió giữa đảo thiêng. Tôi đứng dưới chân cột cờ, với chiếc áo dài cờ đỏ sao vàng, cảm thấy rất tự hào là một người Việt Nam, một phóng viên có cơ hội được đến với những vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
 
Bài viết của tôi, phóng sự của tôi có thể chỉ chuyển tải được phần nào những hình ảnh, những câu chuyện, những hy sinh thầm lặng giữa bao la biển khơi… Nhưng tôi tin rằng, mỗi người trong chúng ta, bằng những việc làm nhỏ của mình, luôn có cách để thể hiện sự tri ân với những người đã quên mình bảo vệ sự bình yêu của Tổ quốc, cũng như thể hiện tình yêu đối với đất nước mình./.

Yên Khương - Phóng viên báo Thể thao và Văn hóa
Nội san Thông tấn số 3/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Báo Tin tức “đồng hành” cùng học sinh vùng biên giới Lai Châu (07/04/2023 10:46:58)

Tự hào danh hiệu GP10 (04/04/2023 16:46:34)

Giải A - Giải Búa liềm vàng năm 2022: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu (04/04/2023 16:42:54)

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Những thông điệp nhân văn (03/04/2023 15:11:10)

Thăm và tặng quà công nhân vùng mỏ Quảng Ninh (03/04/2023 14:52:44)

Vinh danh các nghệ sĩ, cầu thủ tại Giải thưởng Cống hiến 2023 (31/03/2023 09:18:47)

Trao tặng “Tủ sách Đinh Hữu Dư” tại Tuyên Quang (29/03/2023 19:10:24)

TTXVN là Cơ quan thường trực Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX (29/03/2023 15:05:00)

Tập huấn kỹ năng làm chương trình Podcast (25/03/2023 13:03:44)

Triển khai nhiệm vụ công tác Liên chi hội năm 2023 và Giải báo chí TTXVN năm 2022 (25/03/2023 10:50:13)