Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Trao đổi - Thảo luận

"Đơn thương độc mã” ở sự kiện đa phương


(02/04/2018 15:32:41)

Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, trong khi chị em đồng nghiệp tại Tổng xã ở Hà Nội đang hân hoan không khí kỷ niệm, thì ở bên kia bán cầu, Trưởng CQTT Argentina Đào Diệu Hương lại tất bật cho loạt thông tin về lễ ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile. Nội san Thông tấn giới thiệu cùng bạn đọc cuộc trao đổi với nhà báo Đào Diệu Hương về chuyến công tác đặc biệt này.

Nhà báo Diệu Hương đưa tin lễ ký kết CPTPP tại Chile, ngày 8/3/2018

* Nhận nhiệm vụ bất ngờ, chỉ một ngày trước khi diễn ra lễ ký kết Hiệp định CPTPP tại Chile, trong khi sắp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại nước bạn, tâm trạng chị thế nào? 

Nói thật, lúc nhận được quyết định tôi cũng hơi ngại, bởi tôi đã hoàn thành mọi thủ tục bàn giao và chỉ nghĩ tới việc chuẩn bị về nước. Bên cạnh đó, tôi cũng băn khoăn bởi chưa từng có kinh nghiệm đi tác nghiệp một mình tại một hội nghị đa phương bên ngoài Argentina, địa bàn tôi thường trú. Trước đây, tôi cũng đã đi tác nghiệp một mình tại Brazil và Peru, nhưng đều đưa tin hoạt động song phương của các đoàn lãnh đạo cấp cao nước ta. Việc tác nghiệp tại một hoạt động quốc tế quan trọng như lễ ký kết CPTPP quả là một thách thức. 

* Lên đường tác nghiệp trong tình trạng “tay không bắt giặc”, chị đã xoay xở ra sao?

Ngay sau khi nhận được quyết định, tôi đã vùi đầu đọc kỹ mọi thông tin về CPTPP và soạn sẵn các tài liệu cần thiết. Trên thực tế, những vấn đề liên quan tới CPTPP tôi cũng đã nắm cơ bản, bởi hồi tháng 11/2017, khi Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng, tôi cũng đã thực hiện phỏng vấn các Thứ trưởng Ngoại giao Peru và Chile về nhiều vấn đề liên quan tới APEC và đặc biệt là vai trò của nước ta trong việc thúc đẩy đàm phán một hiệp định thay thế cho TPP sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này. 

Điều khiến tôi lo lắng là không biết tới hội nghị sẽ phỏng vấn ai, khi không còn thời gian để đặt lịch phỏng vấn với trưởng phái đoàn ta tham dự lễ ký kết CPTPP, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, hay như quan chức nước chủ nhà, quan chức các nước tham dự lễ ký, đặc biệt là Nhật Bản, nước đi đầu trong việc cứu vãn TPP hoặc các chuyên gia nước ngoài. 

Ở Tổng xã, các Ban biên tập tin Thế giới, Kinh tế và Vnews liên tục điện sang “đặt hàng” rất nhiều loại hình thông tin, từ phóng sự truyền hình, phỏng vấn cho tới tin văn bản. Tôi đã trao đổi với các đơn vị chuẩn bị sẵn kịch bản, rồi liên hệ trực tiếp với từng hiệu đính, biên tập viên được giao nhiệm vụ xử lý thông tin. 

Một yếu tố rất quan trọng trong cả quá trình chuẩn bị đó là việc liên hệ với Đại sứ nước ta tại Chile Nguyễn Ngọc Sơn và anh em trong Đại sứ quán để nắm bắt thông tin. Bên cạnh lễ ký kết còn có rất nhiều hoạt động song phương của đoàn Việt Nam, tất cả chỉ gói gọn trong ngày 8/3. 

Sáng sớm 7/3, khi rời Buenos Aires, cho dù kế hoạch những công việc cần làm đã có sẵn trong đầu, nhưng mọi công việc với tôi vẫn là ẩn số! 

* Tham gia đưa tin về sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng như Lễ ký kết CPTPP tại nước ngoài, lại không phải địa bàn thường trú, hẳn chị đã gặp không ít khó khăn?

Khó khăn lớn nhất là thời gian và áp lực công việc. Sang tới nơi, tôi lập tức liên hệ với Đại sứ quán và phái đoàn Việt Nam, gặp gỡ các đồng nghiệp VTV, VOV và quyết định ở cùng với đoàn tại khách sạn sẽ diễn ra lễ ký kết để thuận tiện trong tác nghiệp.

Tôi quan sát vị trí có thể đứng dẫn hình, phòng họp nơi sẽ diễn ra lễ ký kết, khu vực dành cho các phóng viên tác nghiệp, rồi thử dẫn và lên hình nội dung những phần được chuẩn bị trước. Khi thử chất lượng đường truyền, điều nằm ngoài dự báo của tôi là tốc độ mạng quá chậm, việc gửi hình qua FileZilla không khả thi. Tôi báo về kỹ thuật đề nghị hỗ trợ, nhưng cũng không thể kết nối teamviewer, nên phải truyền qua wetransfer dù sau đó, vẫn phải “đánh vật” cắt hình ra thành từng đoạn nhỏ để gửi về.
 
Nhà báo Diệu Hương phỏng vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, tham dự lễ ký kết CPTPP tại Chile

Ngày 8/3, ngay sau khi lấy thẻ hoạt động báo chí, tôi đã thực hiện tin dẫn hiện trường đầu tiên. Tiếp đến là liên tục áp sát Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại thương Canada để thực hiện các cuộc phỏng vấn; theo sát lịch làm việc của đoàn Việt Nam để ghi hình các buổi làm việc giữa Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với Ngoại trưởng nước chủ nhà, Bộ trưởng Nhật Bản và Bộ trưởng Mexico. Tiếp đến là lễ ký kết và họp báo, phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn về quan hệ song phương.

Trong chuỗi công việc dày đặc diễn ra từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều, không phải việc nào cũng diễn ra thuận lợi. Trước khi phỏng vấn Bộ trưởng Nhật Bản, phái đoàn bạn cho biết Bộ trưởng chỉ trả lời bằng tiếng Nhật. Tôi đã nhắn ngay cho anh Hữu Thắng, Trưởng phòng Quốc tế Vnews và trao đổi cách phối hợp để khi gửi hình về có thể dịch ngay và thực hiện talk sớm nhất. 

Một khó khăn khác là công tác an ninh của nước chủ nhà. Tại buổi hội đàm giữa đoàn Việt Nam và đoàn Mexico, chúng tôi phải xách máy chạy thục mạng để kịp ghi hình. Trước đó, an ninh Chile nhất quyết không cho báo chí vào phòng họp. Mỗi lần vào quay hình chúng tôi chỉ có đúng một phút để tác nghiệp. Mọi thao tác phải thực hiện rất nhanh, chính xác. Tôi luôn nhẩm trong đầu 60 giây để sao cho kịp đủ các khuôn hình cần thiết. Đó là chưa kể tới việc, làm sao để vừa tác nghiệp, vừa trông coi không làm mất các thiết bị mang theo như máy quay, chân máy, máy ảnh và máy tính... Quả thực, với một phóng viên không chuyên về quay phim như tôi, chuyến tác nghiệp tại Chile lần này là thách thức có một không hai.

* Khó khăn là vậy, nhưng chị từng chia sẻ với bạn bè qua Facebook rằng, luôn có niềm tin sẽ hoàn thành công việc vì có cả một đội ngũ hậu phương vững chắc đồng hành từng phút với chị ở “tiền tuyến”. Chị có thể cho biết cụ thể hơn được không?

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tôi và các đồng nghiệp tại CQTT Argentina đã cùng thảo luận, thống nhất những nội dung tôi sẽ thực hiện tại Chile và những nội dung anh chị em sẽ hỗ trợ tại Buenos Aires. Bên cạnh đó, từ Tổng xã, lãnh đạo Ban biên tập tin Thế giới đã trao đổi rất kỹ với tôi về nội dung tin lễ ký kết. Ban cũng đã phân công hai hiệu đính từng đi thường trú nước ngoài là các anh Việt Hải và Tiến Trung trực ca đêm, đồng hành với tôi tại hiện trường. Việc thực hiện tin dẫn hình lễ ký khiến tôi và anh Việt Hải được một phen hú vía, vì việc gửi hình về vô cùng khó khăn, chỉ lo không kịp phát bản tin 6 giờ sáng 9/3. Chị Đỗ Vân của chương trình Thế giới 360 độ cũng thường xuyên liên hệ với tôi để tiến hành phỏng vấn chuyên gia.

Tại phòng Quốc tế của Vnews, anh Hữu Thắng, chị Hải Thanh và chị Nguyễn Hoa luôn túc trực để nhận hình và dịch phỏng vấn, với tiêu chí kịp làm talk trong bản tin sáng, cũng như phát phỏng vấn của Bộ trưởng Nhật Bản ngay trong ngày. Đến tận nửa đêm chị Hải Thanh còn nhắn tin trao đổi giả thiết thực hiện thông tin ra sao nếu CPTPP không được ký kết vào phút chót... Ban biên tập tin Kinh tế cũng cử các biên tập viên Trà My và Trang Nhung giữ liên hệ với tôi trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. 

Mặc dù tác nghiệp một mình tại Chile, nhưng rất đông các đồng nghiệp ở hậu phương luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ tôi, không quản đêm hôm. Đó là chưa kể tới đội ngũ kỹ thuật viên làm việc thầm lặng, luôn túc trực để chuốt từng khuôn hình, kịp thời phát sóng. Qua đây, tôi muốn chuyển lời cảm ơn tới tất cả những anh chị em đã hỗ trợ tôi trong đợt thông tin về lễ ký kết CPTPP.
 
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (trái) cùng đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP trong cuộc họp báo sau lễ ký tại Chile, ngày 8/3

* Lễ ký kết CPTPP diễn ra đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, các anh em đồng nghiệp có dành cho chị sự ưu ái nào không?

Thú thật là hôm đó tôi không còn thời gian để nghĩ tới ngày 8/3. Tôi tác nghiệp cùng bốn phóng viên của VTV và VOV đều là nam giới. Cũng giống như tôi, các anh cũng quá bận rộn với công việc của mình. Tất cả chúng tôi đều dồn hết tâm trí và sức lực vào việc thực hiện thông tin. Không chúc mừng bằng lời, nhưng trong công việc, các anh đã hỗ trợ tôi rất nhiều, đặc biệt là phóng viên Phạm Huân của VOV. Bằng hành động, các đồng nghiệp nam đã dành cho tôi, đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ, để có một ngày 8/3 vô cùng ý nghĩa. Trở về Argentina, anh em CQTT đã có một buổi liên hoan nhỏ ấm cúng, chúc mừng cánh chị em.

Chuyến công tác đúng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay đã cho tôi những trải nghiệm vô cùng quý báu, thực sự là kỷ niệm đẹp và đáng nhớ với tôi, khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ba năm trên đất bạn.

* Xin cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị!
 

Cẩm Tú
Theo Nội san thông tấn số 3/2018

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhà báo Trần Ngọc Thiện, Trưởng CQTT tại Cần Thơ: Chuyện nghề ở cơ quan thường trú trọng điểm (13/02/2018 16:04:20)

Nhà báo Nguyễn Khánh Linh, Trưởng CQTT tại Sydney: Sẵn sàng cho 2018! (13/02/2018 15:59:10)

Biết sớm, phát sớm, không để sót lọt thông tin  (03/01/2018 16:04:53)

Liên hoan ảnh khu vực phía Nam lần thứ III (01/11/2017 15:01:34)

Sát nhập và sáp nhập, Giành và dành (03/10/2017 15:09:39)

"Nghề chơi" và "Thú chơi" (05/09/2017 10:02:09)

Cứu cánh, Vị tha và Yếu điểm (03/08/2017 11:18:06)

"Bức thư Da cam" kết nối những tấm lòng (30/05/2017 15:44:58)

Tây Nguyên không chỉ là một địa danh (30/05/2017 15:37:18)

Những từ hay viết sai (30/05/2017 10:50:45)