Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin đối ngoại

Lan tỏa thương hiệu VNA


(03/10/2017 10:10:16)

Sau 5 năm không ngừng đổi mới, Ban biên tập tin Đối ngoại (BTTĐN) đang trên con đường rộng mở trở thành đơn vị tin nguồn đa phương tiện. Bên cạnh mảng thông tin truyền thống cung cấp cho hệ thống các cơ quan báo chí ở trong nước và ngoài nước, các sản phẩm thông tin mới của Ban đang lan tỏa rộng khắp trên các kênh truyền hình, báo điện tử và mạng xã hội.

Vững vàng trên hai “chân”

Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại Đại hội chi bộ Ban biên tập tin Đối ngoại nhiệm kỳ 2017 - 2020, tháng 8/2017
 
Phát biểu tại Đại hội chi bộ Ban BTTĐN nhiệm kỳ 2017 - 2020, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, khẳng định: Chưa bao giờ thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài của Ban BTTĐN lại xuất hiện nhiều trên các trang thông tin và báo điện tử của các bộ, ngành trung ương và địa phương như hiện nay.
 
Thời gian qua, Ban BTTĐN đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt công tác. Trong ba năm, thông tin văn bản của Ban tăng gấp hơn hai lần, từ 24.000 tin, bài (năm 2012) lên khoảng 50.000 tin, bài (năm 2015) và hiện đang duy trì ở mức hơn 51.000 tin, bài mỗi năm. Do được tăng cường nhiều kíp trực đêm từ xa, thông tin thời sự của Ban được cập nhật liên tục và được bổ sung thông tin background nên đã hấp dẫn độc giả hơn.
 
Ban BTTĐN đã tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thông tin mới như: Tin truyền hình, tin đồ họa, tin video, tin ảnh chuyên ngữ, sử dụng lợi thế các trang mạng xã hội Facebook, Twitter và Weibo để phổ biến các sản phẩm thông tin đối ngoại chuyên ngữ. Trung bình, mỗi tuần, Ban phát khoảng 150 tin văn bản, tin ảnh, tin đồ họa và video clip lên các mạng xã hội. Ban cũng đang nghiên cứu áp dụng kỹ thuật phát trực tiếp trên Facebook để tiếp cận cộng đồng mạng xã hội đang ngày một đông đảo.
 
Tháng 5/2017, thực hiện chỉ đạo của Ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã triển khai sản xuất tin, ảnh thời sự đối ngoại bằng ba ngữ: Trung, Pháp và Tây Ban Nha phát trên trang thông tin dịch vụ vnanet.vn, giúp đồng bộ hóa phần tin, ảnh thời sự đối ngoại vốn từ trước đến nay chỉ có tiếng Anh với số lượng hạn chế. Tính ra mỗi tuần, Ban BTTĐN biên dịch và phát mạng trên 1.000 tin, bài văn bản, khoảng 30 tin đồ họa chuyên ngữ, hơn 50 video clip và 30 chủ đề ảnh (tương đương 300 ảnh) bằng 4 ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc lên trang vnanet.vn và VietnamPlus.
 
Tháng 6/2017, Ban đã xây dựng bốn kênh riêng biệt các ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Trung  trên Youtube.
Ở mảng tin truyền hình, đơn vị đã thực hiện cải tổ mạnh mẽ, từng bước chuyên nghiệp hóa các bản tin. Bên cạnh việc tăng cường công tác phóng viên, cập nhật video clip lên các trang VietnamPlus, đầu năm 2017, Ban đã điều chỉnh format các bản tin truyền hình theo hướng rút ngắn thời lượng tin chính trị, ngoại giao xuống dưới 30%, tăng phóng sự và tin sâu để gần gũi hơn với người nước ngoài.
 
Tổng thời lượng phát sóng của hai bản tin truyền hình hằng ngày tiếng Anh (15 phút/ngày) và tiếng Trung (15 phút/ngày và 20 phút vào mỗi Chủ nhật), cùng hai bản tin hằng tuần bằng tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha là 245 phút/tuần, cập nhật kịp thời khoảng 160 tin và phóng sự các loại.
 
Đo hiệu quả bằng sức lan tỏa
 
Giao diện bản tin đối ngoại bằng tiếng Anh trên trang thông tin dịch vụ vnanet.vn

Kết quả của những nỗ lực đổi mới cả về chất, lượng, loại hình thông tin và phương thức chuyển tải nói trên là mức truy cập cao, khá ổn định, cũng như độ phổ cập của thương hiệu VNA trên các phương tiện truyền thông.
 
Các cuộc khảo sát thường kỳ do Ban BTTĐN thực hiện cho thấy, sản phẩm thông tin của đơn vị được các báo đối ngoại, các website trong và ngoài nước trích dẫn ngày càng nhiều. Riêng tin văn bản bằng tiếng Anh của Ban hiện chiếm khoảng 50 - 70% lượng tin, bài của báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam, được báo Nhân Dân điện tử, báo Quân đội Nhân dân và báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam... khai thác, đăng tải. Ví dụ, trong tuần từ 24 - 30/7/2017, báo Nhân Dân điện tử tiếng Anh có 52% lượng tin bài khai thác của Ban BTTĐN; trong khi con số này trên Quân đội Nhân dân điện tử lên tới 70%.
 
Tỷ lệ sử dụng tin văn bản tiếng Trung cũng khá cao, khoảng 20% - 70%, thậm chí 100%. Tin đồ họa tiếng Trung được nhiều website, trang mạng doanh nghiệp đăng tải như: Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam (vietchina.org), Công ty lữ hành quốc tế toàn cầu Bắc Hải (zylyzx.com), Ủy ban xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (ccpit.org), Triển lãm ASEAN - Trung Quốc (caexpo.org), Mạng xuyên Á (fanyatong.net), Tin tức ASEAN (news.news-com.cn), Hiệp hội thương mại Đài Loan tại Việt Nam (ctcvn.vn)…
 
Tin văn bản bằng tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha được các cơ quan báo chí trung ương và một số báo địa phương sử dụng triệt để. Nhiều đài phát thanh và truyền hình địa phương khai thác hoặc phát nguyên văn các chương trình truyền hình đối ngoại bằng tiếng Anh và tiếng Trung do Ban sản xuất. Đặc biệt, các sản phẩm thông tin chuyên ngữ, trong đó có tin văn bản, tin truyền hình, tin đồ họa và video clip được sử dụng để trao đổi trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác giữa TTXVN với các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài như: Kyodo (Nhật Bản), Tân Hoa xã (Trung Quốc), Yonhap (Hàn Quốc), Notimex (Mexico), APS (Algeria), Prensa Latina (Cuba)…
 
Ngoài lượng truy cập khá lớn trên trang thông tin dịch vụ vnanet.vn, trên website của Truyền hình thông tấn và các trang mạng xã hội, số lượng trang được đọc (pageview) hằng tháng của 4 bản tin tiếng nước ngoài trên báo VietnamPlus đạt trung bình 360.000 - 400.000 trang. Tính đến ngày 31/7/2017, các trang fanpage tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Trung trên mạng xã hội Facebook đã có gần 11.000 thành viên.Số lượt tiếp cận độc giả (reach) của 4 trang fanpage này hiện đạt khoảng 35.000 - 40.000 lượt/tuần. Trang Weibo tiếng Trung hiện có từ 6.000 – 8.000 lượt người đọc/tuần.
 
Theo thống kê của Google Analytics, hiện truy cập bản tin tiếng Anh của Ban xuất phát từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó từ nước ngoài chiếm 48%. Các tỷ lệ tương ứng ở bản tin tiếng Pháp là 164 quốc gia, vùng lãnh thổ và 73%; tiếng Tây Ban Nha là 142 quốc gia, vùng lãnh thổ và 75%; tiếng Trung là 143 quốc gia, vùng lãnh thổ và 65%.
 
Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/12/2016 xác định TTXVN là cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực quốc gia. Đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ này, Ban BTTĐN sẽ phải tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với vai trò đơn vị “chủ lực của chủ lực” trong hệ thống thông tin đối ngoại quốc gia.
 
 

Theo Nội san thông tấn số 9/2017