Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Trao đổi - Thảo luận

"Bức thư Da cam" kết nối những tấm lòng


(30/05/2017 15:44:58)

Trong số 7 giải A được vinh danh tại Lễ trao Giải báo chí TTXVN năm 2016, có hai chùm tác phẩm: “Phát triển bền vững Tây Nguyên” của tác giả Nguyễn Quang Vinh - Ban biên tập tin Trong nước (thể loại Bình luận) và “Bức thư Da cam” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Yến, Lê Thị Bảo Ngọc, Phùng Thị Phương Chi, Nguyễn Lưu Niệm và Hoàng Minh Nga - Ban biên tập tin Đối ngoại (thể loại Truyền hình). Nội san Thông tấn giới thiệu bài viết của các tác giả về quá trình tác nghiệp, sáng tạo nên tác phẩm và những giá trị nhân văn trong nghề báo.

Phóng viên Bảo Ngọc (bên phải), tác giả “Bức thư Da cam”, làm phiên dịch trong cuộc gặp gỡ giữa chị Nhí và bà Susan Schnall


Sáu tháng - đó là khoảng thời gian chúng tôi hoàn thành phóng sự tài liệu truyền hình “Bức thư Da cam” vừa được trao  Giải báo chí TTXVN năm 2016. Ý tưởng xuất phát từ bức thư của chị Phạm Thị Nhí gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama được đăng trên mạng vào đúng dịp Tổng thống đang ở thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016.
 
Câu chuyện cuộc đời của chị Nhí với những khát khao bình dị không thể trở thành hiện thực vì chất độc da cam, cứ ám ảnh trong tâm trí tôi. Đau xót hơn, chị chỉ là một trong số hơn ba triệu nạn nhân của Việt Nam đang hằng ngày, hằng giờ chịu đựng nỗi đau hành hạ thể xác và tinh thần do thứ chất độc chết người đó gây ra.
 
Trăn trở một điều gì đó giúp các nạn nhân chất độc da cam, tôi đã quyết định liên hệ với tác giả của bức thư. Qua trò chuyện, tôi nhận thấy ở chị một nghị lực phi thường, một tấm lòng bao dung, sống và cống hiến hết mình. Chị đã quyết định viết bức thư, cất lên tiếng nói đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hy vọng nhận được sự lắng nghe, chia sẻ từ Tổng thống Mỹ về vấn đề hỗ trợ các nạn nhân vì họ đã phải trải qua nhiều năm tháng đấu tranh mà chưa có kết quả.
 
Suy nghĩ phải làm sao để bức thư có thể đến tay người nhận, hay chí ít thì thông điệp của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam có thể tới được các cấp thẩm quyền của Mỹ cứ trở đi trở lại trong tôi. Tôi quyết định viết kịch bản cho một phóng sự dựa trên những tư liệu trong và ngoài ngành. Rất mừng khi trình bày ý tưởng, tôi đã nhận được sự ủng hộ từ thủ trưởng đơn vị. Như được tiếp thêm sinh lực, tôi tiếp tục đeo đuổi câu chuyện bức thư gửi Tổng thống Mỹ của chị Nhí, thảo luận và trao đổi với các đồng nghiệp để lập một kế hoạch sản xuất chi tiết.
 
Tháng 8/2016, chúng tôi tác nghiệp cùng nhân vật là chị Phạm Thị Nhí tại buổi mít tinh kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam được tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, chúng tôi đã gặp bà Susan Schnall, y tá của Hải quân Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Lời xin lỗi chân thành trong bài phát biểu gửi tới nhân dân và đặc biệt là các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã làm xúc động tất cả mọi người, trong đó có chị Nhí và các thành viên trong nhóm chúng tôi. Riêng tôi còn may mắn có cơ hội làm phiên dịch, cầu nối cho cuộc gặp gỡ giữa chị Nhí và bà Susan sau buổi mít tinh hôm đó. Hai con người ở hai chiến tuyến – một y tá Hải quân Mỹ từng chứng kiến nhiều tổn thất, mất mát trong cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra, còn người kia lại mang trong mình di chứng của cuộc chiến. Và giờ đây, họ đang cùng nhau vun đắp cho tương lai, cho tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác trong thời bình. 
 
Nỗi đau da cam là một vấn đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Việc bức thư của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được một cựu binh Mỹ tiếp nhận, để chuyển tới các cấp có thẩm quyền ở Mỹ được cho là một thành công bước đầu, mở ra hy vọng cho sự mòn mỏi chờ đợi của các nạn nhân trong nhiều thập kỷ qua. Chúng tôi chủ trương tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng, nhân văn, giúp khán giả có cái nhìn chân thực về tác hại và di chứng nặng nề của chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
 
Khởi quay từ tháng 8, nhưng phải mất hơn ba tháng chúng tôi mới hoàn thành phóng sự với thời lượng 20 phút, do sức khỏe của nhân vật và phải quay ở nhiều địa điểm khác nhau như: Hà Nội, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, New York (Mỹ)… Đó là nhiệm vụ bất khả thi nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Truyền hình thông tấn, Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam và CQTT tại  New York, Mỹ.
 
Qua Nội san Thông tấn, chúng tôi chân thành cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ đầy tâm huyết đó. Và hy vọng “Bức thư Da cam” sẽ góp thêm tiếng nói cho hành trình đi tìm công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Theo Nội san thông tấn số 5/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tây Nguyên không chỉ là một địa danh (30/05/2017 15:37:18)

Những từ hay viết sai (30/05/2017 10:50:45)

Đã đêm sao lại còn ngày? (30/05/2017 10:30:25)

Để các trụ sở luôn khang trang, sạch đẹp  (04/04/2017 09:39:01)

Hiệu quả từ công tác chỉ đạo, tổ chức thông tin (23/01/2017 11:24:55)

Chùm bài “Hệ lụy do lũ không về tại ĐBSCL”: Sự phối hợp đầy trách nhiệm  (05/12/2016 11:01:28)

Những sắc màu mới (08/11/2016 11:34:45)

Làm thế nào để đoạt Giải báo chí quốc gia (13/10/2016 10:12:46)

Đổi mới công tác quản lý, phát huy vai trò, thế mạnh của hệ thống CQTT trong nước  (11/10/2016 10:07:56)

Tin truyền hình giảm – Nhìn từ thực tế khu vực phía Nam  (14/06/2016 14:25:30)