Thứ tư, ngày 03/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Chữ và Nghĩa (số 4/2017)

Đã đêm sao lại còn ngày?


(30/05/2017 10:30:25)

Hiện nay trên báo chí, nhất là trên phát thanh, truyền hình, các MC, phát thanh viên, biên tập viên hay dùng cụm từ “đêm ngày hôm qua”, “tối ngày hôm nay…” khi đề cập đến sự kiện nào đó.

Ví dụ: “Một vụ đánh bom liều chết xảy ra đêm ngày hôm qua tại thủ đô A đã làm X người thương vong”; “Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh T cho biết sẽ có N đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn trong Lễ hội diễn ra tối ngày hôm nay…”.

Tại sao biên tập viên không nói “xảy ra đêm qua” hay “diễn ra tối nay”? Và việc sử dụng cụm từ “đêm ngày hôm qua”, “tối ngày hôm nay” có gì sai hay không?

Thứ nhất, phải nói rằng, việc sử dụng cụm từ “đêm ngày hôm qua”, “tối ngày hôm nay” hoàn toàn không sai. Tuy nhiên, ở đây có điều chưa ổn.

Nếu đi sâu phân tích, từ “ngày” ít nhất có hai nghĩa:

Nghĩa thứ nhất: Để chỉ khoảng thời gian trái đất tự quay chung quanh nó đúng một vòng, tức 24 giờ. Ví dụ: Một tháng có 30 ngày; Ngày 30 tháng tư năm 1975; Ngày này năm xưa…

Nghĩa thứ hai: Để chỉ khoảng thời gian từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Nghĩa này để phân biệt với “đêm”, chỉ khoảng thời gian từ khi mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc. Với nghĩa này, có khi dùng thêm yếu tố phụ thành “ban ngày”, “ban đêm” và được tính một cách ước lệ mỗi ngày và mỗi đêm có 12 giờ. Ví dụ: Canh phòng cẩn mật cả ngày lẫn đêm; Đời người ngắn tựa gang tay/Ai hay ngủ ngày còn có nửa gang (ca dao); Xưa là rừng núi, là đêm/Giờ thêm sông biển, lại thêm ban ngày (thơ Tố Hữu); Khu vực Bắc Bộ ngày nắng, đêm không mưa…

Như vậy, từ “ngày” trong nghĩa thứ nhất gồm 24 giờ, đồng thời cũng bao hàm một đêm và một ngày theo nghĩa thứ hai. Do đó, khi sử dụng cụm từ “đêm ngày hôm qua” thì từ “ngày” dùng theo nghĩa thứ nhất nên hoàn toàn không sai. Tuy nhiên, trong trường hợp này có hai điều bất lợi:

Thứ nhất, làm cho câu dài dòng, trong khi có thể sử dụng câu ngắn hơn mà vẫn đủ nghĩa, thậm chí rõ nghĩa hơn câu dài. Ví dụ, sử dụng “đêm qua” thay cho “đêm ngày hôm qua” và “tối nay” thay cho “tối ngày hôm nay”.

Thứ hai, mặc dù về nghĩa không sai, nhưng xét về mặt hình thức thì cụm từ “đêm ngày hôm qua” lại có vẻ “phi logic”; vì, đã “đêm” sao lại còn “ngày” (là cái đối lập với “đêm”). Sở dĩ có sự “phi logic” này là bởi vì, mặc dù từ “ngày” sử dụng theo nghĩa thứ nhất (với nội hàm rộng) nhưng vì đặt liền với từ “đêm” nên lại hướng bạn đọc, người nghe đến cặp từ “ngày – đêm” mà trong đó, từ “ngày” được hiểu theo nghĩa thứ hai (12 giờ, từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn), đối lập với “đêm”.

Trong trường hợp này, tốt  nhất là nói ngắn gọn, vừa rõ nghĩa, vừa dễ hiểu:

Một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra đêm qua tại thủ đô A đã làm X người thương vong;

Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh T cho biết sẽ có N đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn trong Lễ hội diễn ra tối nay tại trung tâm thành phố…
 
 

Theo Nội san thông tấn số 4/2017