Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin đối ngoại

Để thông tin đối ngoại của TTXVN luôn đi đầu trong truyền thông


(01/03/2017 17:29:19)

Từ ngày thành lập đến nay, thông tin đối ngoại của TTXVN luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần giới thiệu với bạn bè thế giới đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, Nhà nước ta; quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam thông minh, thân thiện, yêu chuộng hòa bình; một Việt Nam trên đà phát triển, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Xin giới thiệu với bạn đọc cuộc trò chuyện của phóng viên Nội san Thông tấn với nhà báo Nguyễn Như Kim, nguyên Trưởng ban biên tập tin Đối ngoại về vấn đề thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài trên một số sản phẩm của TTXVN.

Bản Tuyên ngôn Độc lập bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Pháp do VNTTX phát đi ngày 15/9/1945, thông báo với toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới. Đây là bản tin phát sóng đầu tiên của VNTTX


Xin ông cho biết hoàn cảnh ra đời của thông tin đối ngoại TTXVN?
Kể từ khi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập ngày 15/9/1945, tuyên truyền đối ngoại của TTXVN nói riêng và của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nói chung đã gửi lời chào của nước Việt Nam mới tới nhân dân thế giới. Đó là màn ra mắt ngoạn mục của bộ máy thông tin truyền thông của Việt Nam ta. Tuyên ngôn độc lập ra đời từ ngày 2/9/1945, nhưng phải 13 ngày sau mới được phát lên sóng công bố với thế giới và bè bạn khắp năm châu là do chúng ta phải tìm người giỏi tiếng Anh để dịch và kỹ thuật của đài phát sóng Bạch Mai lúc bấy giờ.

Người dịch bản Tuyên ngôn độc lập là anh Trần Văn Chương, một thanh niên người Huế, trước cách mạng là phiên dịch tiếng Anh cho vua Bảo Đại. Sau cách mạng tháng 8/1945, anh tham gia đoàn thanh niên cứu quốc ở Huế rồi được điều động ra công tác tại Nha Thông tin Việt Nam, cơ quan quản lý TTXVN thời đó. TTXVN lấy ngày 15/9/1945 làm ngày thành lập cơ quan và từ đó tới nay luôn tự hào đã góp phần quan trọng vào công tác đối ngoại của chính quyền cách mạng non trẻ cũng như trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
 
Thông tin đối ngoại của TTXVN có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc kháng chiến giành độc lập tự do của dân tộc?
Kể từ ngày 15/9/1945, hằng ngày TTXVN đã truyền ra thế giới những tin tức nóng hổi của cách mạng Việt Nam. Bạn bè các nước biết đến một nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, dù còn gặp muôn vàn khó khăn nhưng đã có những quyết sách đúng đắn, vừa “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt” vừa phải lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, chính phủ cách mạng trở lại chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo quân dân cả nước đánh giặc. Tin đối ngoại của chúng ta lúc này phản ánh cuộc sống kháng chiến của quân dân ta ở khắp ba miền. Tại các chiến dịch mà cao điểm là chiến dịch Điện Biên Phủ, TTXVN đều có phóng viên đi theo các đoàn quân ra trận và qua tin tức của họ, thế giới được biết một Việt Nam đang chiến đấu kiên cường, vượt qua mọi khó khăn để làm nên trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Sau hiệp định Genève năm 1954, đất nước bị chia cắt ở vĩ tuyến 17. Miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam. Trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước kéo dài 21 năm ấy, thông qua các bản tin đối ngoại hàng ngày phát ra thế giới, nhân dân các nước, nhất là nhân dân Mỹ và Tây Âu thấy rõ được bản chất của cuộc chiến tranh ở Việt Nam là cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn nên họ tổ chức các cuộc biểu tình phản đối, các cuộc phản chiến của thanh niên và binh lính Mỹ chính là do tác động của thông tin đối ngoại của chúng ta.
 

Phóng viên VNTTX Nguyễn Như Kim (người mang máy ảnh) đang phỏng vấn đại biểu Canada trong Ủy ban quốc tế về việc giám sát rút quân Mỹ năm 1973

Ông có thể kể một số sự kiện ghi dấu ấn của thông tin đối ngoại TTXVN trong thời kỳ kháng chiến cứu nước?
Trong vô vàn tin tức về cuộc chiến tranh khốc liệt đang diễn ra ở Việt Nam, thì những hình ảnh về các cuộc gặp gỡ đầy tính nhân văn mà thông tin đối ngoại của TTXVN gửi tới bạn đọc toàn thế giới có một sức mạnh to lớn. Có thể kể tới chuyến thăm Hà Nội của nghệ sĩ Mỹ nổi tiếng Jane Fonda, với hình ảnh cô đi thăm đê sông Hồng - nơi có thể là mục tiêu đánh phá hòng gây ngập lụt của không quân Mỹ, ảnh cô đội mũ sắt ngồi trên mâm pháo cùng các pháo thủ phòng không đã làm chấn động dư luận Mỹ.

Các buổi nói chuyện của chị Phan Thị Quyên, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi ở các nước Bắc Âu và Tây Âu đã làm sôi sục thêm các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Bên cạnh đó, còn phải kể tới cuộc hòa đàm ở Paris kéo dài hơn 4 năm. Một tổ phóng viên của TTXVN do nhà báo Lê Chân phụ trách, nhà báo Dương Thị Duyên (sau này là Trưởng Ban biên tập tin Thế giới) tham gia phái đoàn, đã trở thành điểm thông tin đối ngoại lớn ngay giữa Tây Âu, góp phần đưa tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam tới châu Âu và thế giới. 
 
Thưa ông, từ sau chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, thông tin đối ngoại của TTXVN đã được tổ chức như thế nào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới?
Đất nước thống nhất, thông tin đối ngoại của TTXVN tập trung phản ánh rõ nét những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, hội nhập khu vực và thế giới. Từ một nước nghèo, vừa trải qua hàng chục năm chiến tranh, thông tin đối ngoại của TTXVN đã góp phần mang đến cho bạn bè thế giới hình ảnh một Việt Nam đổi mới, kinh tế phát triển với tốc độ khá cao, diện mạo nông thôn, thành thị có nhiều khởi sắc; con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình…

Đáp ứng yêu cầu thông tin đối ngoại trong tình hình mới, khẳng định sự lớn mạnh của cơ quan thông tấn quốc gia, cùng với Ban biên tập tin Đối ngoại, các ấn phẩm, sản phẩm thông tin của Báo Ảnh Việt Nam đa ngữ, báo điện tử VietnamPlus, Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam, Vietnam Law & Legal Forum, Truyền hình Thông tấn, những tin tức, hình ảnh từ các CQTT TTXVN tại 63 tỉnh thành và 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới cung cấp hằng ngày, tạo thêm sức mạnh cho thông tin đối ngoại của TTXVN.
 
Một góc làm việc của Ban biên tập tin Đối ngoại hiện nay

Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới. Để khẳng định vị thế của TTXVN với vai trò là cơ quan đối ngoại chủ lực quốc gia, theo ông những người làm công tác thông tin đối ngoại cần phải làm gì?
Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030  đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định TTXVN là cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực quốc gia. Đây là thời cơ và cũng là thử thách mới đặt ra cho cơ quan thông tấn quốc gia, đặc biệt là khối thông tin đối ngoại của ngành. Có thể nói ở mỗi thời kỳ khác nhau, người làm công tác báo chí nói chung và những phóng viên, biên tập viên đối ngoại nói riêng đều xác định được cho mình những yêu cầu nghề nghiệp. Điều quan trọng là phải nêu bật được lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ đất nước qua hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm; phải nêu được  bản chất con người Việt Nam thông minh, năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh…

Để làm được điều đó, cùng với đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thông tin, đổi mới nội dung và hình thức các sản phẩm thông tin, đội ngũ các phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên làm công tác thông tin đối ngoại, ngoài việc giỏi ngoại ngữ, hơn bao giờ hết phải nắm chắc đường lối đối ngoại của Đảng trong từng thời kỳ, hiểu rõ nhu cầu của các đối tượng để cung cấp thông tin đúng, đủ và chính xác.

Và tôi nghĩ truyền thống tốt đẹp của các lớp cha anh đi trước không chỉ là niềm tự hào, mà còn tiếp thêm sức mạnh, để các thế hệ làm báo của TTXVN tiếp tục phấn đấu, khẳng định vị thế hàng đầu của thông tin đối ngoại của TTXVN trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
 

Theo Nội san thông tấn số 2/2017