Thứ tư, ngày 03/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Nhìn lại vai trò của truyền thông trong cuộc xâm lược Iraq


(05/12/2016 10:57:07)

Trang bìa của tờ The Sun ngày 7/7/2016


Năm 2003, những tờ báo thuộc sở hữu của Murdoch - ông trùm truyền thông toàn cầu, người sở hữu tập đoàn News Corp - đã “nổi trống” cho cuộc chiến tranh xâm lược Iraq của lực lượng đa quốc gia do Mỹ đứng đầu. Bên cạnh đó, một vài nhân vật chủ chốt khác cũng được đề cập đến trong báo cáo điều tra vai trò của Anh trong cuộc chiến tranh xâm lược Iraq (Báo cáo Chilcot) mới được công bố hồi tháng 7/2016. 

Dòng tít nổi bật trên trang đầu của tờ báo The Sun hôm 7/7/2016 “Vũ khí dối trá hàng loạt” là một đòn giáng mạnh vào uy tín vốn đã bị tổn thương nặng nề của ông Tony Blair - nguyên Thủ tướng Anh. Nhận xét này có thể hơi quá nếu tính đến vai trò của The Sun và phần còn lại của đế chế truyền thông toàn cầu thuộc sở hữu của Robert Murdoch trong giai đoạn trước khi xảy ra cuộc chiến tranh Iraq.

Paul Dacre, biên tập viên của tờ Daily Mail, trình bày tóm tắt bằng chứng của ông trước Ủy ban điều tra Leveson: “Tôi không chắc chính phủ của Tony Blair có thể dẫn dắt người dân Anh ủng hộ cuộc chiến này nếu không có sự tham gia nhiệt tình từ các tờ báo của Murdoch”.

Kênh truyền hình Fox News, thuộc sở hữu của Murdoch, cũng giúp gia tăng sự ủng hộ của công luận cho cuộc xâm lược Iraq. Tính đến cuối tháng 3/2003, họ có 5,6 triệu người xem truyền hình tại “giờ vàng”, so với 4,4 triệu của kênh CNN. 

Ở phía kia của đại dương, bốn tờ báo của Murdoch cũng thực hiện một chức năng tương tự. Đấy là chưa đếm hết những tờ báo khác trong “đế chế” của Murdoch. Một nhà phân tích ước tính, có khoảng 175 biên tập viên trên toàn thế giới vui vẻ chia sẻ nhiệt huyết của Murdoch đối với cuộc xâm lược này với độc giả.

Mười bốn năm trước đây, Murdoch đã giúp chuẩn bị dư luận hai bờ
Đại Tây Dương cho cuộc xâm lược Iraq

Rupert Murdoch
Mối quan hệ của Tony Blair với Washington trong thời gian trước khi diễn ra cuộc chiến tranh không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một phe cánh trong Nhà Trắng bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld không quan tâm việc Anh có tham gia cuộc chiến Iraq hay không.

Tám ngày trước khi cuộc xâm lược bắt đầu, trong tháng 3/2003, Rumsfeld khiến Blair thất vọng khi tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng, Mỹ có thể bắt đầu cuộc chiến tranh mà không cần có Anh. Buổi tối hôm đó, Thủ tướng Anh nhận được một cú điện thoại không mong chờ từ Rupert Murdoch. Báo cáo Chilcot cho biết, trụ sở Chính phủ Anh không ghi nhận cuộc gọi này, có nghĩa là Murdoch đã không cần phải đi qua tổng đài của Chính phủ Anh.

Theo nhật ký của Alastair Campbell, phụ tá của Blair: “Murdoch nhấn mạnh đến lựa chọn thời điểm, nói Tập đoàn truyền thông News International sẽ ủng hộ chúng ta như thế nào. Cả Tony Blair và tôi cảm thấy điều đó bị hối thúc bởi Washington”.

Rupert Murdoch có các mối quan hệ lâu dài với Đảng Cộng hòa ở Mỹ, điều hết sức thuận lợi cho công việc kinh doanh cũng như thiên hướng cánh hữu của ông. Mười bốn năm trước, Murdoch đã giúp chuẩn bị dư luận cả hai bờ Đại Tây Dương cho cuộc xâm lược Iraq và thậm chí còn bày tỏ quan điểm rằng một lợi thế của cuộc chiến tranh này sẽ là giá dầu rẻ hơn. 

Rebekah Wade 
Rebekah Wade, biên tập viên của tờ báo The Sun, dường như còn thích thú với “cuộc chiến chống khủng bố” hơn người tiền nhiệm trước đây của bà là David Yelland. The Sun nhận định: Một cuộc chiến chớp nhoáng và thành công chứng tỏ cho thế giới thấy Saddam là mối đe dọa lớn như thế nào từ nhiều năm nay sẽ củng cố vững chắc vị trí của Blair trong lịch sử. 

Khi lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Charles Kennedy nổi lên như là người phản đối hàng đầu cuộc chiến, The Sun đăng tải trên trang bìa tấm hình ông cùng với một con rắn ở phía sau và dòng chú thích “Nhận biết sự khác biệt. Một là loài bò sát không xương. Một là con rắn độc”. Những người khác phản đối cuộc xâm lược - nguyên Tổng thống Pháp Jacques Chirac, cựu Ngoại trưởng Anh Robin Cook, cựu Bộ trưởng phát triển quốc tế Anh Clare Short - cũng bị The Sun lên án kịch liệt.

Robert Thomson
Cựu biên tập tờ báo The Times người Australia được cho là có mối quan hệ gần gũi với Murdoch hơn so với bất kỳ người nào. Trong giai đoạn 2002 - 2003, ông đẩy tờ The Times vào “nỗ lực” tuyên truyền ủng hộ cuộc chiến.

Theo báo cáo Chilcot, John Williams, Trưởng phòng báo chí Bộ Ngoại giao Anh đề cập với vẻ hài lòng tới hoạt động đưa tin của tờ báo The Times trong một bức điện gửi Văn phòng Ngoại trưởng Anh Jack Straw (ngày 11/3/2003). Ông viết trong bức điện: Quá trình chuẩn bị truyền thông và dư luận cho một cuộc xâm lược Iraq đang được thực hiện. Tờ báo của Thomson vẫn đưa tin nhiệt tình khi cuộc xâm lược đang diễn ra, ngày 10/4/2003 tờ báo giật tít: Chiến thắng trong cuộc chiến 21 ngày.

Michael Gove
Năm 2003, Gove là trợ lý biên tập của tờ báo The Times và cũng là người ủng hộ một cuộc can thiệp quân sự. Trong một bài viết đăng ngày 3/12/2002, ông cho rằng: Đáng buồn thay cho phe không ủng hộ. Sự ác cảm của họ đối với chính sách của phương Tây biến họ thành những kẻ ngu ngốc hữu ích của Saddam .

John Scarlett
Ít ai được đề cập đến trong Báo cáo Chilcot lại mạnh mẽ như Chủ tịch Ủy ban tình báo liên hợp hồi đó, người đã bị chỉ trích nặng nề về việc bỏ qua khả năng  Iraq có thể không sở hữu bất kỳ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào.

“Không khi nào tồn tại giả thiết Iraq có thể không sở hữu vũ khí hóa học. Vũ khí hay chương trình vũ khí sinh học hay hạt nhân được xác định và kiểm chứng bởi Ủy ban tình báo liên hợp…”. Scarlett, người cũng chịu trách nhiệm cho việc dựng lên hồ sơ đó, sau này được phong tước và trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội MI6.

Kể từ khi rời khỏi vị trí đó vào năm 2009, ông đã nắm giữ hàng loạt những vị trí béo bở - bao gồm làm giám đốc công ty báo chí Times Newspaper

Jose Maria Aznar
Nguyên thủ quốc gia châu Âu duy nhất cạnh tranh với Tony Blair trong việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Washington là Thủ tướng Tây Ban Nha.

Theo các cuộc thăm dò, 91% người dân người Tây Ban Nha phản đối cuộc chiến tranh, nhưng Aznar đã sử dụng chiếc ghế của Tây Ban Nha trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ủng hộ Mỹ.

Ông rời nhiệm sở trong một cuộc bầu cử năm 2004. Tây Ban Nha được đề cập 7 lần trong Báo cáo Chilcot, luôn là một đồng minh vững chắc của Mỹ và Anh.

Năm 2006, Aznar tham gia ban giám đốc của Tập đoàn truyền thông News Corporation.
(tổng hợp)
 

Theo Nội san thông tấn số 11/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tăng sức hút của Truyền hình thông tấn (01/12/2016 16:00:25)

Báo in chật vật để tồn tại (08/11/2016 15:07:45)

Chuyên nghiệp hóa "đội" làm fanpage  (08/11/2016 14:50:06)

Những sắc màu mới (08/11/2016 11:34:45)

Con người - điều kiện tiên quyết để nâng tầm thông tin (08/11/2016 10:03:36)

Làm thế nào để đoạt Giải báo chí quốc gia (13/10/2016 10:12:46)

Kinh nghiệm sử dụng Snapchat của Thời báo Hindustan  (11/10/2016 10:11:44)

Đổi mới công tác quản lý, phát huy vai trò, thế mạnh của hệ thống CQTT trong nước  (11/10/2016 10:07:56)

Luật Báo chí 2016 và quyền tự do ngôn luận (10/10/2016 16:35:38)

“Bức tường phí” - thành công và thất bại  (10/10/2016 15:12:50)