Chủ nhật, ngày 06/10/2024

Trao đổi - Thảo luận

Chuyên nghiệp hóa "đội" làm fanpage


(08/11/2016 14:50:06)

Nhóm quản trị trang fanpage báo Thể thao&Văn hóa


Nhiều độc giả đang thay đổi thói quen, thay vì vào trang chủ của một tờ báo lựa chọn bài muốn đọc, họ lại tiếp cận thông tin qua những bài báo riêng lẻ xuất hiện trên news feed của Facebook. Tần suất xuất hiện trên news feed của một bài báo nào đó phụ thuộc hoàn toàn vào thuật toán của Facebook. Đồng nghĩa, báo chí hiện đại phải “cộng sinh” với Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung. Người làm báo càng không thể “nói không” với trào lưu này.

Từ tòa soạn Thể thao & Văn hóa
Thể thao & Văn hóa lập fanpage cuối năm 2011, từ sáng kiến của một nhóm phóng viên để post link bài của mình lên Facebook. Lúc đầu chỉ có vài trăm thành viên, sau khoảng hai năm, đến tháng 8/2013 trang có 16 nghìn thành viên.

Hiện tại, Facebook “phủ sóng” 1/5 dân số thế giới (khoảng 1,3 tỷ người). Trang mạng xã hội này điều hướng 20% độc giả toàn cầu sang những trang thông tin khác. Ở Việt Nam, Facebook vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất, áp đảo các ứng dụng khác. Vì thế, yêu cầu đưa thông tin lên fanpage là tất yếu đối với các tờ báo lúc này.

Năm 2013, nhận thấy vai trò ngày càng quan trọng của mạng xã hội, tòa soạn quyết định thuê một bạn sinh viên làm admin. Công việc chủ yếu là share link lên fanpage và tương tác với độc giả. Thời gian này lượng thành viên cũng có tăng trưởng, bởi thuật toán Facebook lúc đó vẫn tương đối “thoáng”, chỉ cần like fanpage thì thông tin sẽ hiển thị trên news feed thành viên. 
Đến tháng 3/2015, trang đạt khoảng 77 nghìn thành viên. Sau một năm vẫn làm theo phong cách cũ, lượng tăng trưởng không cao, đến tháng 3/2016 mới tăng lên được 88 nghìn thành viên. 
Thế nhưng, từ tháng 4/2016 đến tháng 8/2016, fanpage đã tăng lên 132 nghìn, tăng gấp rưỡi, trong bối cảnh Facebook “siết” rất chặt với các fanpage để thu lợi nhuận. Dấu mốc cho sự phát triển vượt bậc đó là việc lập đội chuyên trách làm fanpage gần 20 tiếng mỗi ngày, từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm; những đêm có trận đấu lớn hay sự kiện nóng thì không kể thời gian.
Có thể kể ra một số ví dụ cho thấy sự thành công của fanpage Thể thao & Văn hóa như: live stream trực tiếp thảm đỏ Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, đạt 1,7 triệu reach (lượt tiếp cận), 277 nghìn lượt xem, 10 nghìn like, 651 share. Trực tiếp Lễ trao Giải Cống hiến đạt 800 nghìn reach, 111 nghìn xem, 156 share và 5,3 nghìn like.
Vụ việc máy bay Casa-212 và Su 30-MK2 rơi: có 1,4 triệu reach, 7.490 share, 26 nghìn like và trở thành hastag chung cho cả cộng đồng mạng. Ảnh và bài trên post đó đều có bản quyền của phóng viên Thể thao & Văn hóa.
Hay post Những người ăn bún chả cùng ông Obama là ai? Có 111 nghìn reach, gần 3 nghìn share, 24 nghìn like. Thành viên đội social media của Thể thao & Văn hóa tới trực tiếp hiện trường, sản xuất riêng cho facebook, viết văn phong facebook nên dễ đọc.
Hiện nay, mỗi tuần fanpage Thể thao & Văn hóa có khoảng 250 post, liên tục bền bỉ trong tất cả các ngày.

Đến việc làm fanpage của hãng thông tấn
Đặc thù tin tức TTXVN là thông tin thời sự chính trị, đối tượng độc giả tương đối lớn tuổi, họ cũng sử dụng facebook nhưng không thường xuyên và không tương tác nhiều như người trẻ. Vì vậy, khi đưa thông tin của TTXVN lên mạng xã hội, chúng ta phải hướng tới độc giả trẻ hơn. Thông tin đưa lên phải là những vấn đề nóng, gần gũi, mang tính xã hội và hướng tới xã hội. 
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã buộc báo chí hiện đại vào thế phải “cộng sinh”. Ở thời kỳ dư luận nhanh nóng, nhanh nguội này, các loạt bài điều tra công phu đang chịu sức ép rất lớn bởi những sự kiện tưởng chừng lãng xẹt. 
Hoặc trong một sự kiện lớn, điều được “dư luận Facebook” quan tâm không phải chủ thể của sự kiện mà bởi những vấn đề bên lề. Ví dụ, sự kiện được coi sôi nổi nhất trên mạng xã hội từ đầu năm 2016 là chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam tháng 5 vừa qua. 
Theo thống kê của trang BuzzMetrics, các chủ đề thảo luận nổi bật trên mạng xã hội về chuyến thăm là: Cuộc sống cá nhân của ông Obama, từ tình cảm vợ chồng ông chủ Nhà Trắng, tới cách dạy con; ông Obama ăn bún chả; thực đơn chiêu đãi ông Obama; cô gái tặng hoa ông Obama...
Các vấn đề chính sách, ngoại giao, hợp tác giáo dục... trong chuyến thăm của ông Obama không vào “hot trend”. Đồng nghĩa, thuật toán của Facebook cũng góp phần điều hướng thông tin khiến những người làm báo “nhạy cảm với thị trường” phải sản xuất nhiều hơn những thông tin bên lề để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Hay nói như Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus Lê Quốc Minh: Ban đầu, các trang fanpage phải sử dụng nhiều tin bài để tăng like; sau khi đã có một lượng thành viên tương đối, sẽ dần bổ sung thông tin xen kẽ, thậm chí tăng tối đa những thông tin muốn tuyên truyền để định hướng công chúng.
 

Đề cao tính chuyên nghiệp
Làm fanpage tốt nhất phải có đội chuyên nghiệp, không kiêm nhiệm. Đội có thể là ba người: Một người làm thiết kế ảnh, video clip, một share link và một làm viral hoặc đội hai người kết hợp các việc với nhau. Facebook ưu tiên lượng người tiếp cận theo thứ tự từ video clip, ảnh, text cuối cùng mới là link liên kết, nhưng trên hết vẫn là live streaming. Từ đó, cần tính toán đẩy mạnh làm viral để tăng lượng thành viên, khi đạt đến ngưỡng nào đó mới tăng cường share link.
Do thông tin trên fanpage hướng tới các độc giả trẻ, nên cần chọn những người trẻ hiểu tâm lý, nắm bắt nhanh  xu hướng để trực tiếp làm. Qua đó, tạo những nội dung gần gũi với người đọc. 
Việc phổ biến thông tin trên mạng xã hội là cần thiết, tuy nhiên TTXVN còn có một số trang dịch vụ tin ảnh. Cần có hướng giải quyết vấn đề có vẻ mâu thuẫn này. TTXVN có thế mạnh là hệ thống các cơ quan thường trú trong và ngoài nước, thế mạnh thông tin breaking news, trực tiếp từ hiện trường, nhất là vùng sâu, vùng xa. Khi tiếp cận các sự kiện nóng, phóng viên từ hiện trường chỉ cần post một bức ảnh hoặc một clip với vài dòng status ngắn gọn lên trang fanpage TTXVN. Việc này rất nhanh, không ảnh hưởng đến quy trình tác nghiệp và tiến độ làm tin bài. Sau đó, trang thông tin dịch vụ TTXVN sẽ cập nhật thông tin vụ việc sớm nhất, mời các bạn tìm đọc. Như thế fanpage vẫn có tin nóng mà không mâu thuẫn, thậm chí quảng bá được cho trang dịch vụ.
Cụ thể như vụ ngạt lò hơi ở Hải Dương vừa qua, phóng viên TTXVN có mặt đầu tiên, có thể đưa nhanh lên fanpage một bức ảnh nóng và status ngay khi tiếp cận hiện trường, đảm bảo hiệu ứng lớn và quảng bá được cho tin TTXVN. Vấn đề lớn nhất là làm sao để các quản trị viên của fanpage có cơ chế liên hệ trực tiếp với các phóng viên thường trú qua group Facebook là “tiện” nhất.
Việc làm fanpage cần đảm bảo giảm xuống mức thấp nhất các khâu trung gian. Các admin ngồi cùng với đội làm nội dung để trực tiếp trao đổi với nhau. Đội social media làm fanpage được phép tác động ngược trở lại đội ngũ phóng viên làm nội dung, thậm chí bên nội dung có thể sản xuất theo yêu cầu của social media./.
 

Theo Nội san thông tấn số 10/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những sắc màu mới (08/11/2016 11:34:45)

Con người - điều kiện tiên quyết để nâng tầm thông tin (08/11/2016 10:03:36)

Làm thế nào để đoạt Giải báo chí quốc gia (13/10/2016 10:12:46)

Kinh nghiệm sử dụng Snapchat của Thời báo Hindustan  (11/10/2016 10:11:44)

Đổi mới công tác quản lý, phát huy vai trò, thế mạnh của hệ thống CQTT trong nước  (11/10/2016 10:07:56)

Luật Báo chí 2016 và quyền tự do ngôn luận (10/10/2016 16:35:38)

“Bức tường phí” - thành công và thất bại  (10/10/2016 15:12:50)

Hồ sơ Panama: Cuộc "cách mạng" trong hợp tác báo chí (14/06/2016 14:34:44)

Tin truyền hình giảm – Nhìn từ thực tế khu vực phía Nam  (14/06/2016 14:25:30)

Sức trẻ Việt Nam News (10/06/2016 15:37:52)