Thứ tư, ngày 01/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Đổi mới công tác quản lý, phát huy vai trò, thế mạnh của hệ thống CQTT trong nước


(11/10/2016 10:07:56)

Tại Hội nghị cán bộ toàn ngành năm 2015, đồng chí Ngô Anh Văn, Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đã trình bày bản tham luận nêu thực trạng và đề xuất các giải pháp đổi mới công tác quản lý nhằm phát huy vai trò, thế mạnh và hiệu quả hoạt động của hệ thống 63 CQTT trong nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giai đoạn 2016 – 2020.

PV Dương Văn Giang, CQTT trọng điểm Đắk Lắk, trong một chuyến đi tác nghiệp

Qua mỗi giai đoạn phát triển của TTXVN trong 70 năm qua, công tác quản lý hệ thống phân xã trong nước (nay là CQTTTN) dù theo mô hình nào và trong thời kỳ nào cũng luôn được các thế hệ lãnh đạo TTXVN quan tâm chỉ đạo xây dựng, đáp ứng yêu cầu là đơn vị thông tin chủ lực của ngành. Và thực tế, hệ thống CQTTTN đã, đang và sẽ luôn luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu tổ chức của TTXVN.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, các CQTTTN luôn là những đơn vị đầu tiên trong quy trình tổ chức sản xuất thông tin nguồn, phản ánh hoạt động của các địa phương, phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện chức năng thông tấn nhà nước của TTXVN. Những năm gần đây, PV CQTTTN không chỉ làm tin văn bản truyền thống mà phải độc lập tác nghiệp thành thạo tất cả các loại hình thông tin của TTXVN.
Trước yêu cầu của tình hình mới và sự cạnh tranh gay gắt, để thông tin của TTXVN được nâng cao về chất lượng và tính cạnh tranh, ngoài việc nâng cao chất lượng chuyên môn của PV, cần phải tăng cường đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý các CQTT về nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ tốt hơn nữa cho công tác thông tin.
Hiện nay, công tác quản lý, chỉ đạo thông tin đối với hệ thống CQTTTN của TTXVN vẫn chưa thống nhất một đầu mối. Mỗi CQTT đang chịu sự quản lý, chỉ đạo từ nhiều đơn vị, trong đó quyền chỉ đạo cao nhất là Ban Quản lý chỉ đạo các CQTT trong nước, thông qua đơn vị thường trực là Ban Thư ký biên tập. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, đơn vị thường trực của Ban Quản lý chỉ đạo CQTTTN vẫn là Ban biên tập tin Trong nước, giúp việc là Phòng Quản lý CQTT trong nước. Các CQTT cũng chịu sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của các đơn vị như: Ban biên tập tin Trong nước, Trung tâm Truyền hình thông tấn, Ban biên tập Ảnh và các tòa soạn báo; riêng các CQTT ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên (B1) và phía Nam (B2) còn chịu sự phối hợp quản lý, chỉ đạo từ cơ quan đại diện của ngành tại hai khu vực B1 và B2. Chính vì vậy công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức sản xuất thông tin hàng ngày đối với các CQTT còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao; còn xảy ra tình trạng giữa các đơn vị sử dụng thông tin của ngành và CQTT khi tiếp cận, nhận định, đánh giá bản chất của một sự việc, sự kiện diễn ra tại địa phương dưới những góc nhìn khác nhau, thậm chí có trường hợp thông tin trái chiều nhau làm ảnh hưởng đến uy tín của TTXVN.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, theo quy chế, các CQTTTN còn là đại diện của TTXVN tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện chức năng đại diện cho TTXVN trong mối quan hệ với cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan ở địa phương, giải quyết những vấn đề của ngành có liên quan đến địa phương theo sự ủy nhiệm của Tổng giám đốc. Chức năng, nhiệm vụ này trùng với chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan khu vực B1 và B2.
Để khắc phục những chồng chéo, chưa nhất quán nêu trên, từ góc nhìn trong lĩnh vực quản lý ở cơ sở, tôi xin đề nghị một số ý kiến sau:
Về công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức sản xuất thông tin đối với các CQTT: Nên tập trung vào một đầu mối là Trung tâm Điều độ thông tin. Riêng các CQTT thuộc khu vực MT-TN và phía Nam có sự tham gia phối hợp chỉ đạo của các Cơ quan khu vực B1, B2 với tư cách là thành viên Ban quản lý, chỉ đạo các CQTT trong nước, có điều kiện theo dõi sát sao tình hình thực tế ở địa phương và quản lý toàn diện hoạt động của các CQTT thuộc địa bàn quản lý. Như vậy, các đơn vị sử dụng thông tin của ngành sẽ trực tiếp yêu cầu, đặt hàng, gợi ý chủ đề cho CQTT; Trung tâm Điều độ thông tin truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan cho trưởng CQTT trong buổi giao ban trực tuyến hàng ngày để các đơn vị phối hợp đôn đốc phóng viên (PV) thực hiện.(Tuy nhiên, nội dung này còn có ý kiến khác nhau giữa các đơn vị liên quan).
Phóng viên thường trú trong nước phải thành thạo các loại hình thông tin của TTXVN
Về hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp: Từ khi ra đời kênh Truyền hình thông tấn, ngành đã tăng cường đầu tư cho CQTT khá tốt, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất thông tin từ địa phương chuyển về Tổng xã. Đặc biệt, gần đây, ngành đã ứng dụng phần mềm tích hợp tin, ảnh để phát mạng nhưng mới chỉ thực hiện ở khu vực Tổng xã. Nên chăng việc tích hợp thông tin cần được thực hiện nhiều hơn nữa; có thể cho phép triển khai phần mềm tích hợp nhiều loại hình thông tin ngay tại các CQTT sau đó chuyển về đơn vị biên tập ở Tổng xã xử lý phát mạng, như vậy thời gian sẽ nhanh hơn, hiệu quả sử dụng thông tin sẽ được nâng lên.
Tuy nhiên, để làm tốt công việc này, ngoài yếu tố về nhân sự, cần phải giải quyết những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị tại các CQTT. Vừa qua, việc mua sắm, cấp phát trang thiết bị phục vụ chuyên môn do nhiều đầu mối thực hiện, tài sản được hình thành từ nhiều nguồn, trong đó có những loại tài sản chưa đúng quy chuẩn theo quy chế chung. Cũng do các đơn vị khác nhau cấp phát, mua sắm, (quản lý trên hồ sơ) nhưng không theo dõi thực tế nên không đánh giá được hiệu quả khai thác, sử dụng, bảo quản tại CQTT, gây lãng phí. Một số CQTT được địa phương hỗ trợ kinh phí mua sắm tài sản, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn nhưng không đưa vào sổ sách theo dõi, quản lý theo quy định của ngành, tài sản hư hỏng, thất thoát chưa được xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân.
Về công tác quản lý nhân sự: Hiện nay, mỗi CQTT được định biên từ 2-3 PV, phần lớn có gia đình sinh sống tương đối ổn định tại địa bàn đã nhiều năm, vì vậy việc thực hiện luân chuyển công tác đối với những PV này rất khó khăn. Nhiều Trưởng CQTT đã có 10 - 15 năm, thậm chí trên 20 năm công tác tại một tỉnh nên tạo được mối quan hệ gắn bó với cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành ở địa phương, rất thuận lợi trong việc nắm chắc các đầu mối thông tin. Tuy nhiên, do quá quen thuộc địa bàn nên đôi khi nhìn nhận sự việc, sự kiện thường ở góc độ “không có gì mới”; một số PV do ở quá lâu trên địa bàn nên dễ bị “địa phương hóa” không thể hiện được vai trò là “tai mắt” của ngành tại địa phương. Vì vậy, thông tin thiếu sinh động, không phản ánh được tính đa chiều cũng như bản chất các sự việc diễn ra trên địa bàn.
Để khắc phục tồn tại này, việc luân chuyển PV phải được thực hiện kiên quyết, có kế hoạch định kỳ theo quy chế, kèm theo đó, ngành cần có chính sách thỏa đáng hỗ trợ cán bộ, PV luân chuyển địa bàn để họ yên tâm công tác. Ngoài ra, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ PV, trưởng CQTT cũng chưa được kịp thời, nên khi bổ nhiệm không ít trường hợp thiếu các tiêu chuẩn quy định về chức danh.
Trụ sở CQTT Lâm Đồng được đầu tư xây mới khang trang, đáp ứng các yêu cầu sản xuất thông tin
Một thực trạng khác là hầu hết các CQTTTN đều có trụ sở được xây dựng ở những vị trí đắc địa, nhưng nhiều CQTT chưa quan tâm đến công tác quản lý, bảo quản trụ sở dẫn đến tình trạng có không ít trụ sở để hư hỏng xuống cấp. Tình trạng cho thuê một phần mặt bằng trụ sở CQTT để sử dụng vào các mục đích khác nhau còn diễn ra ở nhiều nơi, thậm chí một số CQTT còn giao gần hết phần mặt tiền trụ sở ở những vị trí “đất vàng” cho tư nhân thuê mướn kinh doanh không đúng với quy định của ngành. Trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, nâng cấp hàng năm rất eo hẹp, vì thế nhiều trụ sở CQTT ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Qua tham khảo số liệu thống kê, trừ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước có 28 tỉnh có diện tích từ dưới 1.000 km2 - 5.000 km2, giao thông đi lại rất thuận tiện, khoảng cách giữa trung tâm các tỉnh không xa, có những tỉnh chỉ cách nhau chừng 20 - 30 km. Từ số liệu trên, xét về vị trí địa chính trị của từng tỉnh, thành thì việc xây dựng ở mỗi tỉnh một trụ sở và bố trí định biên mỗi CQTT từ 2 - 3 PV rải đều như hiện nay là chưa thật hợp lý.
Về thực hiện Quy chế định mức sản phẩm thông tin: Từ tháng 8/2014 đã hòa nhập quỹ thù lao nhuận bút và thu nhập tăng thêm của ba loại sản phẩm tin văn bản, ảnh thời sự và tin truyền hình là chủ trương đúng đắn mang tính đột phá. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện quy chế, qua thống kê hằng tháng cho thấy, việc thực hiện điểm định mức bắt buộc theo lương (tính chung cả CQTT là 60% cho tin văn bản, 40% cho ảnh, truyền hình và bài viết cho các báo) cũng như việc sử dụng thang điểm và cách chấm điểm cho cùng một chủ đề sản phẩm thông tin giữa các loại hình còn có sự chênh lệch khá lớn, nên thu nhập của những PV không có khả năng tác nghiệp cả ba loại hình bị ảnh hưởng (có người bị giảm sút, có người được tăng rất cao), thiếu công bằng, chưa đạt hiệu quả mong muốn như mục đích, yêu cầu của quy chế đề ra. Việc thanh toán chế độ công tác phí cho PV cũng còn những bất cập cần phải cải tiến, nên chăng nhập số kinh phí này vào quỹ thù lao nhuận bút để tính cho hiệu quả sản phẩm thông tin tuyến huyện, xã của PV.

 

Theo Nội san Thông tấn, số 8/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tin truyền hình giảm – Nhìn từ thực tế khu vực phía Nam  (14/06/2016 14:25:30)

Sức trẻ Việt Nam News (10/06/2016 15:37:52)

Cùng lắng nghe nhau (11/05/2016 14:58:23)

Một số giải pháp đối với dòng thông tin mang tính chủ lưu (07/04/2016 10:55:48)

Ghi nhận từ một cuộc tọa đàm: "Bàn giải pháp nâng cao chất lượng thông tin ảnh khu vực phía Nam" (12/01/2016 10:36:01)

Chung tay nâng tầm thương hiệu (12/01/2016 10:29:18)

Tiêu chí đánh giá chất lượng thông tin của TASS (08/12/2015 15:37:24)

Thực hiện tốt chức năng thông tấn nhà nước từ sự gắn kết (08/12/2015 15:01:15)

“Phân vai” thông tin  (08/12/2015 14:54:58)

Sự học của người làm báo là vô hạn (08/12/2015 14:47:42)