Thứ ba, ngày 14/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Một số giải pháp đối với dòng thông tin mang tính chủ lưu


(07/04/2016 10:55:48)

 

Giao diện trang dịch vụ thông tin của TTXVN
Với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thông tấn Nhà nước, là kênh thông tin chính thức, chính thống, TTXVN phải đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đúng định hướng cho hệ thống các cơ quan báo chí và công chúng. Việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin trong nước giữ vai trò là dòng thông tin chủ lưu có định hướng chính trị-tư tưởng cao là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các đơn vị thông tin nguồn (tin, ảnh, truyền hình...). Trong bài phát biểu tham luận của Ban biên tập tin Trong nước do đồng chí Hà Thị Mai An, nguyên Trưởng ban, trình bày tại Hội nghị toàn ngành TTXVN 2015 đã đề cập khá toàn diện về nội dung này.

Với thế mạnh đặc thù của TTXVN có đội ngũ phóng viên ở cả tổng xã và hơn 180 phóng viên ở 63 cơ quan thường trú trong nước, xét về tổng thể, thông tin trong nước của TTXVN đã đạt được tính bao quát, phản ánh khá tập trung và đầy đủ các sự kiện thời sự, các hoạt động trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng các loại hình thông tin, đảm bảo tính định hướng. Có thể điểm qua các lĩnh vực:

Thông tin chính trị - xã hội phản ánh khá kịp thời, phong phú các sự kiện thời sự chính trị - xã hội của đất nước và các hoạt động trong lĩnh vực này, nhìn chung tạo được sự tin cậy đối với các đối tượng sử dụng bởi sự chính xác và tính định hướng của thông tin thông tấn.

Thông tin kinh tế đã tuyên truyền, phản ánh, phân tích quá trình đưa chính sách kinh tế vào cuộc sống; trở thành nguồn tư liệu quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách phát triển và quản lý, điều hành của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Dương trao đổi với nhóm PV Ban BTT Trong nước tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Thông tin bằng ảnh báo chí có bước phát triển mạnh, phản ánh một cách toàn diện, đa dạng, đúng định hướng các sự kiện quan trọng diễn ra trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu tuyên truyền đối nội và đối ngoại.

Thông tin truyền hình đảm bảo phản ánh khách quan, nhanh nhạy, đúng định hướng những sự kiện và vấn đề thời sự nổi bật trong nước và quốc tế. Bên cạnh hệ thống các bản tin thời sự, thông tin truyền hình còn được thể hiện thông qua các chuyên mục, chuyên đề về các lĩnh vực với sự tham gia của các đơn vị thông tin trong ngành.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự phát triển, thông tin trong nước nói chung chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng, thế mạnh của TTXVN, chưa thực sự giữ vai trò định hướng đối với hệ thống báo chí trong nước, chưa có nhiều thông tin mang tính phát hiện, dự báo, nêu vấn đề, theo sát những vấn đề mà xã hội quan tâm. Thông tin phản hồi, định hướng dư luận được chú ý nhưng chưa thực sự nhạy bén, đúng tầm thông tin thông tấn. Thông tin đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, thù địch còn chưa nhanh nhạy, sắc bén, làm chủ trên mặt trận đấu tranh thông tin. Thông tin "nóng" hoặc thông tin các vụ việc đột xuất xảy ra ở địa phương, nhìn chung còn chậm hơn báo điện tử nên tính cạnh tranh chưa cao...

Phóng viên TTXVN cùng đồng nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Thông tin kinh tế mới tập trung phục vụ khách hàng là cơ quan truyền thông, chưa có nhiều kinh nghiệm khai thác và cung cấp thông tin kinh tế cho các khách hàng là doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế.

Thông tin bằng ảnh chưa có nhiều tác phẩm ảnh đi sâu vào cuộc sống, phản ánh những vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc; thiếu tác phẩm ảnh mang tính dự báo, tính phát hiện hay phản biện. Chất lượng ảnh từ khối PV tin tại các CQTT chưa cao, cơ bản mới đáp ứng được yêu cầu phản ánh sự kiện.

Thông tin truyền hình của các CQTTTN tuy tăng về số lượng, nhưng thiếu tính phát hiện thông tin. Việc chủ động đăng ký đề tài chưa được thực hiện nhiều. Đề tài làm phóng sự chưa thật sâu, chưa có tầm rộng khắp mang tính khu vực.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên thể hiện ở một số mặt như: Công tác chỉ đạo, tổ chức thông tin ở các cấp tuy có đổi mới nhưng hiệu quả chưa cao; Công tác xử lý thông tin qua khâu biên tập, hiệu đính đã được cải tiến nhưng chưa triệt để, góp phần nâng cao chất lượng tin bài của PV; Công tác tổ chức thông tin ở cấp phòng cũng như CQTT, có nơi, có lúc chưa thực sự bài bản, chủ động, chưa thực sự phát huy vai trò của trưởng phòng, trưởng CQTT gợi ý, định hướng đề tài, vấn đề thông tin cho PV. Bên cạnh đó, một bộ phận PV chưa phát huy khả năng trong việc tìm tòi, nắm bắt, phát hiện thông tin do tư duy thông tin chưa thực sự đổi mới, thiếu sự nhạy bén của người làm báo, chưa có sự đầu tư cho công tác thông tin...

Do yêu cầu về sự chuẩn xác, tính định hướng, chính thống của thông tin thông tấn nên có lúc việc thu thập thông tin của PV cũng như khâu biên tập, xử lý thông tin còn cầu toàn, thông tin chưa nhanh, chưa mang tính cạnh tranh. Cũng với yêu cầu đảm bảo tính cân bằng, toàn diện, khách quan trong thông tin, nên phần nào thông tin thông tấn chưa thực sự hấp dẫn do còn "khuôn mẫu"...

Trong điều kiện các loại hình báo chí ngày càng phát triển mạnh mẽ và sự bùng nổ của các loại hình truyền thông xã hội, thông tin được khai thác từ nhiều nguồn, khiến nhiều lĩnh vực thông tin của TTXVN không còn "độc quyền" như trước, việc giữ vai trò chi phối thông tin sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, với sự phát triển các loại hình báo chí của các bộ, ngành, cũng ảnh hưởng lớn tới tính ưu tiên của các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho TTXVN. Mặt khác, nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TTXVN với tư cách một Cơ quan thông tấn quốc gia, cung cấp thông tin thời sự chính thống cho các cơ quan thông tin đại chúng, cũng chưa thực sự thấu đáo, nên việc tạo điều kiện ưu tiên cung cấp thông tin cho TTXVN chưa được như mong muốn.

Trước những thách thức đó, để thông tin trong nước của TTXVN luôn giữ vai trò dòng thông tin chủ lưu, nguồn thông tin chính thức, chính thống cung cấp cho hệ thống truyền thông báo chí, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Ban biên tập tin Trong nước

* Về chỉ đạo thông tin: Công tác quản lý, chỉ đạo thông tin đối với các đơn vị thông tin nguồn, các CQTTTN cần đảm bảo sâu sát, kịp thời, toàn diện, thống nhất, cần có cơ chế phối hợp để tận dụng tối đa sức mạnh tổng hợp của các đơn vị và các loại hình thông tin.

- Các đơn vị thông tin nguồn (tin, ảnh, truyền hình...) là đơn vị đầu mối trực tiếp chỉ đạo, tiếp nhận, xử lý thông tin của các CQTTTN, theo yêu cầu của đơn vị và của ngành, bởi vậy, cần tránh nhiều tầng nấc trung gian trong công tác chỉ đạo thông tin, để đảm bảo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo thông tin và tiếp nhận, xử lý thông tin. Đối với các sự kiện, vấn đề cần huy động sự phối hợp tham gia của các đơn vị thông tin nguồn và CQTTTN, thống nhất đầu mối điều phối thông tin theo chỉ đạo của lãnh đạo ngành.

- Các đơn vị thông tin nguồn có đội ngũ PV theo dõi ngành, lĩnh vực, trên cơ sở nắm bắt tình hình từ công tác quản lý của các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị thông tin nguồn và các CQTT cần chủ động, đề xuất phối hợp trong công tác tổ chức thông tin theo các loại hình, chú ý những vấn đề thông tin mang tính khu vực.

* Về tổ chức xử lý thông tin: Tiếp tục cải tiến quy trình xử lý thông tin, đảm bảo thông tin được xử lý, phát kịp thời. Hiện nay, theo quy trình, tin từ PV qua trưởng CQTT duyệt, qua khâu biên tập tại Ban biên tập, tới hiệu đính, duyệt phát nhằm đảm bảo chất lượng thông tin khi xuất bản. Đối với thông tin "nóng", mang tính cạnh tranh cao, cần rút ngắn thời gian xử lý qua các khâu hoặc phân cấp về thẩm quyền phát tin khi cần thiết với yêu cầu đảm bảo chất lượng, định hướng thông tin.

* Về tổ chức nguồn nhân lực: Có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ nhà báo có năng lực, kinh nghiệm, được đào tạo kỹ lưỡng, chuyên sâu về các lĩnh vực, làm nòng cốt thực hiện dòng thông tin mang tính chủ lực phản hồi - phản bác - phản biện.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của phóng viên CQTTTN đáp ứng yêu cầu thông tin đa phương tiện, trong đó chú trọng tới CQTT trọng điểm tại các khu vực, đặc biệt là vai trò chủ trì, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ thông tin, điều phối tổ chức thông tin của các CQTT trong khu vực khi cần thiết.

- Tăng cường nhân lực cho đơn vị thông tin nguồn, đảm bảo về số lượng và chất lượng; xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống CQTTTN và CQTT trọng điểm, có kế hoạch điều động, luân chuyển PV thường trú, gắn với đào tạo, tạo nguồn PV cho các đơn vị thông tin ở tổng xã; nghiên cứu, củng cố tổ chức bộ máy ban biên tập theo hướng đảm bảo thông tin thời sự, thông tin chuyên sâu, đa dạng các thể loại thông tin.

- Có chế độ, chính sách, nâng cao thu nhập cho PV, tạo động lực, khuyến khích PV phát huy khả năng đi đôi với thực hiện nghiêm chế tài đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ...

Theo Nội san Thông tấn, số 3/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ghi nhận từ một cuộc tọa đàm: "Bàn giải pháp nâng cao chất lượng thông tin ảnh khu vực phía Nam" (12/01/2016 10:36:01)

Chung tay nâng tầm thương hiệu (12/01/2016 10:29:18)

Tiêu chí đánh giá chất lượng thông tin của TASS (08/12/2015 15:37:24)

Thực hiện tốt chức năng thông tấn nhà nước từ sự gắn kết (08/12/2015 15:01:15)

“Phân vai” thông tin  (08/12/2015 14:54:58)

Sự học của người làm báo là vô hạn (08/12/2015 14:47:42)

Câu chuyện "Tiếp dân" của Trung tâm Kỹ thuật thông tấn (04/11/2015 14:57:04)

Dư âm tháng 9 (03/11/2015 15:50:09)

Báo chí chính thống- Người già, người trẻ đều tin (05/08/2015 15:23:34)

Đôi điều cần biết trong dựng hình (05/08/2015 15:14:33)