Thứ ba, ngày 14/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Sự học của người làm báo là vô hạn


(08/12/2015 14:47:42)

Nghề báo là một nghề đặc biệt, không những cần năng khiếu mà còn đòi hỏi phải tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm, nhiều thế hệ. Do đó, việc đào tạo tại chỗ, mang tính truyền nghề, việc tự đào tạo trở nên rất quan trọng. Nói như nhà báo lão thành Đỗ Phượng: "Riêng với nhà báo, chỉ khi nào thôi không làm nghề mới thôi bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Một nhà báo nổi tiếng, một cây bút giỏi có khi lại trở nên lạc lõng khi tiếp cận với một vấn đề mới mà mình chẳng biết gì về nó. Vì thế, việc học và tự học của người làm báo là vô hạn". Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Nội san Thông tấn xin được bàn về câu chuyện tự học của các nhà báo.

 

 

Đề cao lòng tự trọng nghề nghiệp (Nguyễn Thị Sự - Ban biên tập tin Trong nước)

 

Việc rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ trước hết tùy thuộc vào bản thân mỗi phóng viên, biên tập viên (PV, BTV). Đó là quá trình tự cập nhật kiến thức, rút kinh nghiệm trong thực tế tác nghiệp hàng ngày, rồi trao đổi, học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp. Ngoài ra còn thể hiện ngay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thông tin của từng PV, BTV.

Đối với phóng viên, không chạy theo số lượng, cốt hoàn thành định mức tin, bài, mà cần đầu tư nâng cao chất lượng tin, bài, thông tin theo chuyên đề, có chiều sâu; cùng với những thông tin theo sự kiện thời sự, cần tăng cường thông tin nêu vấn đề, phát sinh từ thực tế cuộc sống, tránh đi vào lối mòn sáo rỗng, đưa tin theo tiến độ, thông tin cùng chủ đề lặp lại theo quý, theo năm... Đối với biên tập viên, không được dễ dãi, cẩu thả mà cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính cẩn trọng trong biên tập, thẩm định thông tin, góp phần hoàn thiện mỗi tin, bài trước khi đưa lên mạng.

Rèn luyện nghiệp vụ còn thể hiện ở việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm duyệt, thẩm định thông tin và kỷ luật thông tin, đề cao lòng tự trọng nghề nghiệp, không đạo tin, copy tin của người khác.

 

Để xây dựng một ban biên tập chuyên nghiệp (Cao Thị Hoàng Hoa - Ban biên tập tin Đối ngoại) 

Công tác đào tạo tại chỗ được quán triệt tới toàn thể cán bộ phòng, hiệu đính viên của Ban biên tập tin Đối ngoại. Hàng ngày, trong việc phân tin, chữa bài, các cán bộ phòng và hiệu đính viên luôn sâu sát, cầm tay chỉ việc đối với từng biên tập viên, từ hướng dẫn chọn góc độ xử lý thông tin, sử dụng từ ngữ đến yêu cầu tra cứu, bổ sung tư liệu. Giao việc tuần tự từ dễ đến khó, chú ý phát huy điểm mạnh của mỗi biên tập viên, chữa tin bài và trao đổi rút kinh nghiệm trực tiếp được tiến hành hàng ngày, hàng giờ. Hình thức đào tạo tại chỗ vừa thường xuyên vừa quyết liệt như vậy phù hợp với đặc thù của Ban biên tập tin Đối ngoại.

Đào tạo hiệu đính viên được đặc biệt chú trọng vì đây là mấu chốt của công tác đào tạo tại chỗ. Xét thực lực cán bộ của mỗi phòng, lãnh đạo Ban đã mạnh dạn giao việc cho các biên tập viên trẻ, giúp họ làm quen với công tác xử lý thông tin và hiệu đính tin, bài. Một số biên tập viên được huy động tham gia chữa tin, bài sau khoảng ba năm làm công tác biên tập. Các hiệu đính viên tập sự luôn nhận được sự động viên, khích lệ của Ban phụ trách, sự chia sẻ, góp ý của các cán bộ hiệu đính dày dạn kinh nghiệm. Nhờ đó họ mau chóng trưởng thành, vững vàng trong công tác chuyên môn.

Chúng tôi xác định công tác đào tạo biên tập viên và bồi dưỡng hiệu đính viên trẻ là một nội dung quan trọng trong kế hoạch xây dựng một Ban biên tập chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

 

Học ở quanh ta (Đức Linh - Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn).
Phóng viên phải luôn biết tự lắng nghe xem mình còn thiếu những gì để bù đắp", lời khuyên chân thành của một nhà báo lão làng trong ngành luôn đúng với những người làm báo. Có một phương pháp học rất hữu ích mà phóng viên trẻ cần suy ngẫm, đó là mỗi người phải biết tự học ở quanh ta. Học từ những người đi trước, học từ đồng nghiệp, học qua mỗi buổi giao ban thông tin, rút kinh nghiệm thông tin và học trên chính từng sản phẩm thông tin...

Còn nhớ, trong câu chuyện nghề của nhiều bậc phóng viên đàn anh, đàn chị, họ thường kể về những thời học làm tin qua "bút xanh, bút đỏ". Học qua bản tin đã có bút đỏ (biên tập, duyệt tin) của trưởng xã, biên tập viên là cách học nhanh và hiệu quả nhất. Rất thấm thía! Từ những nét gạch, xóa, thêm bớt bằng bút đỏ, thậm chí chi chít, trên một trang tin tưởng chừng như lạnh lùng đó mà phóng viên học được nhiều điều hay.

Nhưng bây giờ, mọi chuyện không hẳn thế. Thời đại công nghệ thông tin, làm tin trên máy tính, nên trưởng cơ quan thường trú rồi biên tập viên ở Tổng xã có chữa, có đảo, có thay từ này, bỏ từ kia, thêm đoạn này, bớt đoạn nọ... nếu phóng viên vô tình sẽ rất khó nhận ra. Thế nên, chuyên mục "Dọn vườn tin", "Góc ảnh" trên Nội san Thông tấn thường xuyên nhắc nhở về một số lỗi phóng viên thường mắc khi viết tin, chụp ảnh, nếu chịu khó đọc, để tâm tới chắc chắn phóng viên sẽ tránh được các lỗi cơ bản về nghiệp vụ. Chuyện của đồng nghiệp nhưng sẽ rút kinh nghiệm cho chính mình.

Vậy nên, sự học quan trọng vẫn là học ở quanh ta. Cần nhất là mỗi người phải luôn biết "tự lắng nghe" xem mình còn thiếu những gì để bù đắp, có vậy mới giúp ta tự tin, trụ vững với nghề.

 

Đào tạo qua mạng xã hội (Hoàng Nhật - Báo điện tử VietnamPlus) 

Báo chí hiện đại, đặc biệt là báo điện tử luôn phát triển, thậm chí là từng ngày. Vì thế, việc thu nạp kiến thức là điều không ngừng nghỉ, không chỉ qua các khóa đào tạo, những buổi trao đổi chuyên môn, mà còn qua cả tương tác mạng xã hội!

Ở tòa soạn VietnamPlus, nếu như trước đây, các PV, BTV đã quen với cảnh Tổng biên tập đứng lớp truyền đạt kiến thức cho nhân viên vào giờ ăn trưa thì điều đó đã được thay bằng đứng lớp qua... Facebook. Kiểu học bằng cách lướt "status," "chat," "share link," "share video" đã trở thành chuyện thường ngày ở "nhóm Tầng 8" tại tòa nhà Trung tâm Thông tấn quốc gia. Cách dạy theo phong cách thấm dần như thế được các PV, BTV đánh giá là có hiệu quả hơn cả việc tập trung trong phòng dễ gây buồn ngủ và tù túng. Phương châm của làm báo điện tử là "live", do đó kiến thức vừa thu nạp sẽ được thực nghiệm ngay trong công việc hàng ngày và hiệu quả được kiểm chứng ngay lập tức bằng lượt người xem, người "like", hiệu quả quảng bá thông tin tăng lên thấy rõ.

Hơn nữa, tương tác qua mạng xã hội cũng là một trong những xu hướng nổi trội của báo chí hiện đại. Hầu như tất cả các hãng thông tấn, cơ quan báo chí lớn đều có tài khoản Facebook, Twitter hay trên các mạng xã hội phổ biến khác. Trên tinh thần đó, quan điểm của VietnamPlus là luôn đón đầu những xu thế mới, nhưng vẫn giữ vững vai trò "người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa". Do vậy, ngay cả với những chủ đề khô khan mang tính định hướng thông tin, vốn là kiến thức căn bản đối với người làm báo thông tấn, thì việc truyền đạt kiến thức qua mạng xã hội cũng dễ được tiếp nhận hơn rất nhiều với các PV, BTV.

 

Bệ đỡ nghề nghiệp cho những người làm báo trẻ (Nguyễn Trọng Chính - Báo ảnh Việt Nam). 

Trong "bếp núc" Báo ảnh Việt Nam là hàng loạt những công việc liên quan đến quy trình xử lý biên tập tin, bài, ảnh đăng trên cả báo điện tử và báo in. Với đặc thù đa ngữ, lại chủ yếu thông tin bằng ảnh nên ngoài đội ngũ phóng viên ảnh, biên tập bài viết, Báo ảnh Việt Nam có hẳn một đội ngũ biên dịch trẻ nhưng làm việc chuyên nghiệp.

Với mục tiêu tự đào tạo tại chỗ, tòa soạn thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt nghiệp vụ, "bình ảnh" hàng tháng, hàng quý, phân tích rút kinh nghiệm từng sản phẩm của các PV, BTV, biên dịch viên. Việc tổ chức đều đặn các buổi trao đổi nghiệp vụ là một yếu tố góp phần để Báo ảnh Việt Nam thực hiện thành công nhiệm vụ chuyên môn và làm tốt công tác đào tạo PV, BTV, biên dịch viên trẻ. Kết quả là, các bài viết đã được rút tít hay hơn, viết sapo ngắn gọn, hiện đại hơn, mạch kể chuyện trong phóng sự hấp dẫn- với phóng viên viết; kỹ thuật, phong cách thể hiện mới mẻ bằng những góc máy đắt, táo bạo, tạo được ấn tượng mạnh- với phóng viên ảnh và cách trình bày các trang báo cũng hiện đại, gần gũi với độc giả hơn- với họa sĩ...

Việc thành lập CLB Ảnh báo chí của Báo ảnh Việt Nam mang tên Khoảnh Khắc Vàng (tháng 8/2013) đã mở ra một sân chơi nghiệp vụ mới cho các PV, BTV, biên dịch viên và họa sĩ. Không chỉ là nơi các thành viên chia sẻ những khoảnh khắc đẹp qua ống kính, những chuyến đi sáng tác của CLB tại Hà Giang, Yên Bái, Mộc Châu, Sa Pa, Mù Cang Chải,... đã cho ra đời các phóng sự ảnh, nhóm ảnh tốt, cập nhật đều trên Báo ảnh Việt Nam tạo nguồn cho các triển lãm ảnh sau này.
Có thể nói, các sinh hoạt chuyên môn thiết thực đã tạo thành bệ đỡ nghề nghiệp cho những người làm báo trẻ của Báo ảnh Việt Nam.
 
Cán bộ phụ trách cũng là một người thày (Bùi Văn Doanh -Tạp chí Khoa học và Công nghệ)

Cái ý nghĩa "làm thày" của người cán bộ phụ trách được bộc lộ đầy đủ và thực sự trong việc chỉ bảo, hướng dẫn, kèm cặp trực tiếp cho phóng viên.

Ở đây có việc giao đề tài cho phóng viên. Bình thường cán bộ phụ trách chỉ cần nêu ra một đề tài nào đó rồi phân công phóng viên đi viết. Cao hơn một mức là giao đề tài rồi gợi ý nên triển khai theo hướng nào, giải quyết vấn đề gì, lấy tài liệu ở đâu; thậm chí là cần đặt câu hỏi thế nào và phương pháp thể hiện ra sao. Ở mức cao hơn nữa là sau khi giao đề tài, yêu cầu phóng viên làm kế hoạch, lên đề cương rồi cùng trao đổi với phóng viên để thống nhất ý đồ, kế hoạch. Qua việc trao đổi ấy vừa để phóng viên phát huy sức sáng tạo của họ, vừa để nắm chắc phóng viên, cũng là dịp để truyền nghề, từ kỹ năng phát hiện vấn đề đến cách thu thập, khai thác tài liệu. Khi phóng viên viết bài xong, bình thường chỉ cần biên tập, nếu được thì sử dụng, không được thì yêu cầu viết lại. Nhưng nếu chú tâm đào tạo thì cần có sự nhận xét sâu từ việc xác định mục đích của bài viết đã trúng chưa, cách trình bày đã đạt được mục đích đặt ra chưa, tại sao đạt, tại sao chưa đạt... Thậm chí phải khắt khe với phóng viên cả về ngữ pháp, chính tả và cách hành văn, bởi nếu muốn trở thành cây bút giỏi thì ngôn ngữ và cách hành văn cũng phải đạt đến độ tinh sảo và phải hình thành một phong cách riêng.

Thực ra thì tất cả những việc làm công phu, cụ thể kể trên không phải lúc nào, bài nào cũng tiến hành được; cũng không phải chỉ nhằm giải quyết một đề tài, một bài viết cụ thể đó, mà mục đích là qua những cách truyền nghề cụ thể ấy mà dần dần hình thành những kỹ năng làm báo cho phóng viên. Một khía cạnh khác: Truyền nghề là để phóng viên biết cách để hành nghề chứ không phải là bắt "trò" phải làm đúng theo "thày"; là hướng phóng viên trên cơ sở những nguyên tắc, mẹo mực và cả kinh nghiệm của người đi trước mà nhào nặn, sáng tạo ra cách làm của riêng mình. Cần mạnh dạn cho phóng viên thử sức trên nhiều lĩnh vực, nhiều thể loại khác nhau, để phát hiện ra thế mạnh, sở trường của họ và có kế hoạch, phương pháp bồi dưỡng cho phù hợp.

Để có được cây bút giỏi thì vai trò của người cán bộ phụ trách là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc này lại không thể "giao nhiệm vụ" được, mà phải xuất phát từ lòng yêu nghề, trách nhiệm với nghề, trách nhiệm với thế hệ sau. Muốn thế điều căn bản là người lãnh đạo vừa phải có tâm, vừa phải có tầm và nhiều khi phải biết vượt lên chính mình.

Theo Nội san Thông tấn, số 11/2015