Thứ sáu, ngày 17/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

SOS – phóng viên chiến trường


(11/05/2015 11:35:53)

Hiện tượng phóng viên bị bắt cóc không phải là mới. Nhiều tổ chức nổi dậy, khủng bố đã sử dụng con tin - nhà báo để đòi tiền chuộc và buộc các nước phải thay đổi chính sách ngoại giao đối với họ. Nhưng số lượng không nhỏ phóng viên bị sát hại trong cuộc chiến với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) gần đây đã gióng lên hồi chuông khẩn thiết, cảnh báo về sự nguy hiểm mà các phóng viên chiến trường phải đối mặt.

Nhà báo Goran Tomasevic (Reuters) với các phần tử nổi dậy thuộc Phong trào 23 tháng 3 ở Cộng hòa dân chủ Congo, năm 2012

 

 

Còn nhớ, năm 1987, Charles Glass - phóng viên tự do kiêm nhà văn - bị bắt cóc tại Beirut, thủ đô của Lebanon, khi đang tác nghiệp. Tính ra, trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20, có tới gần 100 người nước ngoài mang quốc tịch Mỹ và châu Âu bị bắt cóc tại quốc gia này. Trong đoạn băng video mà những kẻ bắt cóc buộc anh phải thực hiện nhằm mục đích tống tiền, Charles Glass đã tỏ thái độ hợp tác. Bởi, không nằm trong khuôn hình của máy quay là một khẩu súng luôn chĩa vào đầu anh. Tiếng súng có thể vang lên bất cứ lúc nào nếu anh tỏ thái độ chống đối. Sau 62 ngày bị giam hãm, Charles Glass thoát khỏi bọn bắt cóc. Anh bỏ chạy với đôi chân trần.

Thoát chết, Glass vẫn không từ bỏ nghề phóng viên chiến trường đầy hiểm nguy. Anh tiếp tục tìm đến các điểm nóng ở Trung Đông. Chuyến công tác gần đây nhất của anh là vào tận tâm điểm của cuộc xung đột ở thủ đô Damascus, Syria. Hoạt động nghiệp vụ của anh ở đây được thực hiện dưới sự bảo vệ của các sĩ quan tình báo Syria. Nhưng Glass không tác nghiệp tại những khu vực mà các nhóm nổi dậy hay khủng bố đang nắm giữ, bởi nguy cơ bị bắt cóc, tống tiền là rất cao.

Charles Glass được đánh giá là một trong số rất ít các phóng viên tiếp tục tác nghiệp, đưa tin về cuộc xung đột ở Syria trong bối cảnh tính chất nguy hiểm tại khu vực này càng ngày càng gia tăng. Hầu hết các hãng tin lớn từ chối nhận tin, ảnh của các phóng viên tự do gửi về từ vùng chiến sự. Lý do là việc họ mua những tin, ảnh này đồng nghĩa với việc khuyến khích các phóng viên tự do tiếp tục lao vào "điểm nóng", mà điều này đôi khi làm họ phải đánh đổi cả mạng sống của mình.

Rõ ràng, các phóng viên chiến trường nhận thấy những hiểm nguy luôn rình rập họ, nhưng những địa bàn nóng luôn có sức hút kỳ lạ và họ dường như không cưỡng lại được. "Có người bảo tôi rằng: ‘Nếu bạn đi và có được thông tin chân thật, bạn là một anh hùng. Nếu bạn đi, lấy được tin và bạn bị sát hại, bạn là kẻ khùng’. Ranh giới giữa hai tình huống này thật sự rất mong manh", Deborah Amos, phóng viên của đài phát thanh NPR đang đưa tin về cuộc xung đột ở Syria, cho biết.

"Đó là vấn đề ở các vùng chiến sự. Bạn không thể biết khi nào một chỗ ở an toàn trở thành nguy hiểm", cô Amos nói. Nhớ lại việc mình đã đi đến những khu vực mà các bộ tộc ở Pakistan sinh sống, nơi mà phóng viên Daniel Pearl bị Al-Qaeda chặt đầu vào năm 2002, cô tâm sự "Tôi ngoảnh lại và tự hỏi: Có phải mình bị mất trí không? Nhưng rồi tôi vẫn đi và tiếp tục đánh liều với mạng sống của mình. Vì đó là công việc của tôi".

Nhưng có lẽ không phải ai cũng may mắn như Deborah Amos hay Glass khi họ vẫn giữ được an toàn tính mạng. Anthony Loyd, một phóng viên chiến trường kỳ cựu làm việc cho tờ The Times of London, thực hiện chuyến đi đến Syria vào năm 2013. Đây cũng là chuyến đi cuối cùng bởi Anthony Loyd bị bắt có khi đang lái xe vượt qua biên giới của nước này. Trước đó, vào cuối năm 2012, James Foley và John Cantlie, phóng viên ảnh người Anh, bị bắt cóc taị biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Được biết, trước khi bị bắt cóc, Loyd đã áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng trong thời gian làm việc ở Syria. Anh thường xuyên gọi điện thoại liên lạc với các nhân viên tư vấn rủi ro mà báo anh đã ký hợp đồng. 15 phút trước khi bị bắt cóc, anh gọi điện để thông báo anh sắp đi ra đường. Loyd được trang bị một thiết bị định vị vệ tinh để phát đi tín hiệu khẩn cấp về một cơ sở đặt ở nước Anh. Tuy nhiên, thật không may, thiết bị định vị này đã không hoạt động vào thời điểm anh cần sử dụng.

Nhà báo James Foley cũng có một thiết bị định vị vệ tinh. Nicole Tung, một đồng nghiệp của anh cho biết. "Anh ấy có một điện thoại vệ tinh và một điện thoại iPhone... Tôi không hiểu tại sao họ không thể tìm ra dấu vết của anh".

James Foley, Anthony Loyd... đã bị IS chặt đầu một cách man rợ rồi tung video lên mạng. Trong ba năm qua, hơn 100 phóng viên chuyên nghiệp nghiệp dư bị giết khi đang đưa tin ở Syria; hơn một chục người bị các nhóm phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant (ISIL) và cả các nhóm khác, bắt cóc, trong đó có ít nhất bốn trường hợp bị chặt đầu. Al-Qaeda và các chi nhánh của tổ chức này trên khắp thế giới đã công khai ý định tập trung bắt cóc người phương Tây để buộc các chính phủ phải nộp tiền chuộc. Theo tờ The New York Times, ước tính từ năm 2008 đến nay, các nhóm khủng bố đã kiếm được hơn 125 triệu đô la Mỹ từ việc bắt cóc con tin.

Anh và Mỹ đã tỏ thái độ tức giận với những chính phủ đồng ý trả tiền chuộc con tin theo yêu cầu của các nhóm khủng bố. Cục điều tra liên bang Mỹ FBI đã cảnh báo các nhà báo phải tránh xa Syria, các khu vực biên giới xung quanh nước này và cả miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, với máu nghề nghiệp, bất chấp mọi rủi ro, nhiều phóng viên vẫn không từ bỏ việc đưa tin về các cuộc xung đột. Lần gần đây nhất, Goran Tomasevic, phóng viên ảnh chuyên nghiệp của Reuters, tác nghiệp tại Syria là vào năm 2013, thời điểm nhiều hãng tin bắt đầu rút phóng viên ra khỏi nước này và chấm dứt việc nhận tin bài của các nhà báo tự do. Tomasevic cho biết: "Tôi yêu thích công việc của mình, chụp ảnh nhằm phản ánh một cách chân thực những gì đang diễn ra. Tôi vẫn tin, mình có thể tạo ra được sự thay đổi nào đó".

Theo Nội san Thông tấn, số 4/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đối ngoại bằng tiếng nước ngoài (03/04/2015 09:59:56)

Liên kết vùng để có thông tin hay (02/04/2015 15:10:20)

“Chat” với hai nhà báo tuổi Mùi  (13/02/2015 15:33:33)

Biến lợi thế thành thế mạnh (13/02/2015 10:44:43)

Nâng cao chất lượng thông tin kinh tế của TTXVN (08/01/2015 09:53:23)

Quét sạch "tin nhái" (07/01/2015 11:20:51)

Nâng cao hiệu quả thông tin thông tấn tại Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ (04/12/2014 10:28:36)

Thông tin cho đồng bào "ưng cái bụng, sáng cái lòng" (04/12/2014 10:21:13)

Thông tin truyền hình: Phát huy thế mạnh từ cơ quan thường trú tại địa phương (05/09/2014 15:26:39)

Đông càng phải mạnh (05/09/2014 14:22:41)