Thứ ba, ngày 23/04/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Nhớ cái Tết thường trú


(13/02/2015 15:13:37)

Mỗi khi tuyết rơi lạnh/Trên nhánh mai cành đào/Là vác máy cầm mic/Quay tết Việt kiều ta.

Năm ngoái nghệ sĩ Xuân Hinh sang phục vụ cộng đồng người Việt ở Mỹ, cùng biểu diễn văn nghệ trong ngày Tết với phóng viên TTXVN (người đúng giữa)

Sau ba năm ở Mỹ, tôi tạm tổng kết cho công việc của một phóng viên thường trú ở nước ngoài vào mỗi dịp tết qua vài... dòng thơ chế như thế.

 

Đó là một công việc thú vị. Tôi xếp nó vào top những việc tạo hứng thú hàng đầu, thương gồm những việc như đi tác nghiệp ở hiện trường một vụ xả súng, hay lễ nhậm chức tổng thống Mỹ với cả triệu người tham dự.

Năm ngoái, tôi nhớ là đã đi tới ba cái chợ Tết khi vẫn còn ở Cơ quan thường trú Washington (Hoa Kỳ). Đi chợ Tết của cộng đồng người Việt ở Mỹ không khác đi chợ Tết ở Việt Nam là mấy. Vì nó có tất cả. Đủ cho đám trẻ thích thú với phần lễ hội vui chơi và ẩm thực. Đủ cho người lớn làm những mâm cỗ Tết thờ cúng tổ tiên và mời bạn bè.

Chợ Tết ở Mỹ thường hay tổ chức trong một trường học nào đó, là không gian của một nhà tập thể thao hay một hội trường thật lớn. Và chỉ có ở trong nhà chứ không phải ngoài trời. Tết Ta hay đến vào lúc nước Mỹ lạnh giá và có tuyết rơi. Tổ chức ngoài trời nguy hiểm, thường cảnh sát ít cho phép. Tết năm kia, có chợ Tết định mở cửa lúc 9 giờ sáng thì 8 giờ được lệnh của cảnh sát phải hủy vì lo ngại sự an toàn của mọi người khi đi lại trong khu vực. Thế là mất chợ Tết. Tôi cũng ghi hình lại, nhưng nghĩ mãi rồi quyết định không phải về nhà, dù cảm nhận đó là một câu chuyện hay, mọi người hiểu thêm cuộc sống của cộng đồng người Việt trong xã hội Mỹ rộng lớn và còn ít nhiều bị chi phối bởi vấn đề kỳ thị sắc tộc.

Chợ nhất định phải là ngày cuối tuần cuối cùng trong năm. Chỉ có thứ Bảy hay Chủ nhật người Việt mới có cơ hội đi chợ Tết, vì ngày thường phải đi làm. Mà ngay cả Tết Tây, người Mỹ cũng chỉ được nghỉ đúng ngày mùng 1 đầu năm.

Chợ Tết ở Mỹ có đặc thù là có đủ phong vị của ba miền Bắc-Trung- Nam. Nhưng cũng có chút đặc tính vùng miền, như chợ ở vùng Cali (California) nhiều người gốc Nam nên đượm chất Sài Gòn hơn, còn chợ vùng Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C) nhìn phảng phất hương vị Bắc và cũng có cả nét tinh tế của những bà những mẹ người Huế, hay cùng con gái trổ tài làm bánh mứt dịp Tết.

 

Vừa chơi Tết vừa tác nghiệp

Chợ Tết của cộng đồng người Việt ở Mỹ chỉ diễn ra một ngày, cùng lắm là hai ngày. Thế nên, chúng tôi phải tranh thủ vừa đi làm phóng sự, vừa đưa cả nhà đi chơi chợ và sắm Tết. Bấm máy, cầm mic phỏng vấn người đi chợ Tết xong, phóng viên cất máy, kết thúc việc tác nghiệp là đến lượt "sự nghiệp sắm Tết".

Nếu tôi không nhầm thì số tiền Tổng xã thưởng Tết cho phóng viên thường trú ở nước ngoài chừng ba triệu đồng. Vậy là đủ để làm một cặp bánh chưng, một cân giò, một con gà với một mâm ngũ quả, mỗi thứ có giá chừng 20 đồng tiền Mỹ. Muốn một cành đào (thường là một loại hoa của Nhật Bản hơi giống hoa đào của ta), một cây quất (vùng Cali trồng khá nhiều, hoặc quất từ Florida- ở phía Nam nắng ấm, chuyển lên) cũng phải cân nhắc. Còn nếu muốn có thêm vài tấm bánh chưng nữa thì tự làm. Cũng may là ở Mỹ, bà con Việt kiều cũng theo nếp của người Mỹ, dịp Tết ít khi tăng giá mà còn giảm giá để kích thích tiêu dùng.

Gói bánh chưng ở Mỹ cũng có cái thú. Tôi chưa từng gói bánh chưng khi còn ở nhà nên học cách gói từ Youtube. Lá dong không có thì mua lá chuối nhập khẩu từ Thái Lan, rồi bọc giấy bạc - loại giấy chuyên để gói thực phẩm nướng, ra ngoài.

Thậm chí chúng tôi còn tự làm cả giò (giò xào và giò lụa), nem chua, hoặc đơn giản hơn thì làm một ít thịt bò khô. Thế là tạm đủ để mời anh em trong cơ quan thường trú, hay khách bên đại sứ quán và bạn bè Việt kiều.

 

Ăn Tết chỉ một bữa

Nhưng vẫn chưa hết phải tác nghiệp. Vẽ cho được một bức tranh toàn cảnh ngày Tết cổ truyền của cộng đồng người Việt phải có thêm câu chuyện đi chùa đầu năm, du Xuân và bữa cơm gia đình.

Ở Mỹ nhiều chùa. Đông nhất là chùa Giác Hoàng ở Washington D.C nằm trên một con phố kéo dài từ vùng ráp ranh với bang Maryland chạy thẳng tới sân trước Nhà Trắng. Đi chùa là một trong những dịp hiếm hoi mà người Việt diện những bộ đẹp nhất trong khi cả năm họ lam lũ quần quật làm ăn.

Tất thảy những điều đó nhiều khi chỉ được thực hiện trong vòng một ngày nếu như Tết lại rơi đúng vào ngày thường. Năm ngoái, tôi hơi thiếu may mắn khi liên hệ được một gia đình để đến quay hình bữa cơm đầu Xuân, nhưng rồi chị chủ nhà (một Việt kiều gốc Hà Nội) thông báo, bữa cơm bị hủy vì cả nhà bỗng nhiên lăn ra cúm. Họ phải khất bạn bè người Mỹ vì không muốn ai lây bệnh. Thế là trở tay không kịp. Kịch bản phải thay đổi...

Sau những phóng sự chợ Tết chỉ còn đúng một phóng sự đi chùa gửi về cho Vnews. Rồi nhắn với gia đình là mở tivi xem phóng sự Tết.

Năm nay thì tôi chờ xem tin tức Tết của ta ở Tây từ các đồng nghiệp...

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ba trong một... (07/01/2015 15:51:56)

Làm tin hình về biểu tình ở Hong Kong - sự phối hợp mang lại thành công (04/12/2014 09:56:08)

Một năm làm quen với nghề, với ngành (04/12/2014 09:51:25)

“Đoảng như ba “chàng” phóng viên Đồng Tháp (31/10/2014 10:36:01)

Mảnh đất, con người An Giang thúc giục chúng tôi lên đường (05/09/2014 15:07:03)

Làm báo ở "trời Tây" (31/07/2014 09:43:43)

Khi phóng viên thường trú làm cầu nối cộng đồng (01/07/2014 10:46:28)

Phóng viên thường trú yêu ngành và mong ngành yêu mình (01/07/2014 10:38:57)

Vụ " MH -370" và những cuộc họp báo trường kỳ  (02/06/2014 10:27:40)

Hành trình vào vùng chiến sự (01/04/2014 10:47:29)