Thứ sáu, ngày 17/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đối ngoại bằng tiếng nước ngoài


(03/04/2015 09:59:56)

 

Nói về công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, chúng ta phải khẳng định đây là lĩnh vực rất rộng lớn, đang chịu tác động mạnh mẽ bởi xu thế tương tác, giao thoa và hội tụ của công nghệ truyền thông. Khi ranh giới truyền thống giữa đối ngoại và đối nội đang mờ dần, chúng ta càng phải xác định rõ những đối tượng, những công cụ ưu tiên để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho công tác tuyên truyền đối ngoại đạt hiệu quả mong muốn.

Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại của Đảng ta nêu rõ: Cần tăng cường thông tin từ Việt Nam ra thế giới, đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa các tuyến thông tin bằng tiếng nước ngoài. Nhận thức rõ vai trò đầu tàu trong việc thực hiện chủ trương quan trọng này trong quá trình phát triển hướng tới một tập đoàn truyền thông đa phương tiện hiện đại, TTXVN đã đặc biệt chú trọng xây dựng khối truyền thông đối ngoại trở thành một tổ hợp nhiều đơn vị với một lực lượng chuyên ngữ hùng hậu nhất cả nước: Ban biên tập tin Đối ngoại; Báo ảnh Việt Nam, các tờ báo Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam, Thời báo Việt- Hàn, tạp chí Vietnam Law & Legal Forum, báo điện tử VietnamPlus... Từ đầu năm 2011, TTXVN trực tiếp sản xuất các bản tin thời sự hàng ngày bằng tiếng Anh, tiếng Trung, các bản tin tuần tiếng Pháp, Tây Ban Nha và các chương trình Khám phá Việt Nam, Không gian Pháp ngữ phát trên Truyền hình thông tấn Vnews.

Những con số thống kê, đánh giá khảo sát cho thấy, khối truyền thông đối ngoại TTXVN đang làm tốt chức năng thông tấn nhà nước, tức là cung cấp thông tin nguồn cho hệ thống báo chí, cho công chúng trong và ngoài nước. Điều này cũng nói lên sự chủ động, vai trò đầu tàu phối hợp hành động của TTXVN với các cơ quan báo chí, các bộ, ngành, địa phương trong thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài. Đây là đánh giá của chính những khách hàng tiêu biểu của TTXVN tại một hội nghị truyền thông tổ chức ở Hà Nội giữa tháng 11/2014.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhận định là, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong bối cảnh mới, các đơn vị thông tin bằng tiếng nước ngoài trong ngành cần tiếp tục gia tăng liều lượng, đổi mới nội dung, sao cho thông tin ngày một phong phú, sâu sắc, hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ hơn, để hình ảnh của Việt Nam được quảng bá tương xứng với tầm vóc, vị thế của đất nước. Tuyến thông tin phản bác, phản biện cần được tổ chức tốt hơn, đảm bảo tính chủ động, kịp thời, sắc sảo và thuyết phục. Có thể nói đây là những tiêu chí kinh điển mà thông tin bằng tiếng nước ngoài cần lưu tâm một cách thường xuyên. Trong năm 2015, khối truyền thông đối ngoại TTXVN chủ trương:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin nguồn tiếng nước ngoài, tập trung vào các nội dung cơ bản phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại là giới thiệu, quảng bá hình ảnh quốc gia; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; điều chỉnh thông tin sai lệch và đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái: Hiện nay TTXVN đang phát mỗi ngày từ 160- 180 tin chuyên ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Trung (ngày cuối tuần từ 80- 90 tin, bài), là liều lượng cao so với thực lực nhưng cần tiếp tục đổi mới nội dung, bám sát độc giả của từng ngữ để áp dụng văn phong phù hợp, uyển chuyển nhằm tăng tính hấp dẫn hướng tới mức lan tỏa cao hơn.

Thứ hai, tiếp tục đa dạng hóa các loại hình, các phương thức thông tin, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông trong việc phổ biến nguồn thông tin bằng tiếng nước ngoài hết sức phong phú của TTXVN ra các nước trên thế giới: Định hướng này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa 6 đơn vị trực tiếp sản xuất thông tin bằng tiếng nước ngoài trong ngành (Ban biên tập tin Đối ngoại, Ban biên tập Ảnh, Báo ảnh Việt Nam, Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam, Vietnam Law & Legal Forum) cùng hai đơn vị tham gia chuyển tải thông tin (VietnamPlus và Truyền hình Thông tấn). Nó còn đòi hỏi sự kết nối hệ thống với các cơ quan báo chí trong nước, các trang web bằng tiếng nước ngoài của các bộ, ban, ngành, địa phương, của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đặc biệt là 40 tổ chức báo chí quốc tế và hãng thông tấn mà TTXVN có quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin.

Thứ ba, củng cố và tăng cường các chuyên trang, chuyên mục về chủ quyền biển đảo, dân chủ nhân quyền, tôn giáo tín ngưỡng... trên các tờ báo và trang điện tử chuyên ngữ.

Thứ tư, từng bước chuyên nghiệp hóa các bản tin truyền hình bằng tiếng nước ngoài, chú trọng các sản phẩm đặc thù đối ngoại.

 

Các sản phẩm thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài của TTXVN đang được hệ thống báo chí trong và ngoài nước sử dụng ở mức cao. Đơn cử, tin văn bản bằng tiếng Anh của TTXVN trong tháng 11/2014 chiếm 50% lượng thông tin của VOV điện tử, trên 40% ở Nhân Dân và Website Đảng Cộng sản. Tin văn bản tiếng Trung của TTXVN chiếm tới 55% liều lượng thông tin của Quân đội Nhân dân; 50% ở tạp chí Quốc phòng toàn dân, 40% ở Cục Thông tin Đối ngoại, 25% Nhân dân điện tử và được đăng tải tại Cổng Thông tin điện tử nhiều tỉnh, thành.

Thông tin bằng tiếng nước ngoài của TTXVN được hệ thống báo chí ngoài nước sử dụng ngày một rộng rãi. Trong báo cáo khảo sát chuyên đề tháng 11/2014, Cơ quan thường trú tại Bắc Kinh cho biết, thông tin tiếng Trung từ TTXVN đang gia tăng sức lan tỏa tại Trung Quốc đại lục, đặc biệt khi có sự kiện nóng.

Đỗ Văn Hợp -Trưởng Ban biên tập tin Đối ngoại
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2015