Thứ sáu, ngày 17/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

“Chat” với hai nhà báo tuổi Mùi


(13/02/2015 15:33:33)

 

1.Nhà báo Phạm Đình Quyền & ý tưởng Giờ "G" thông tấn

 

Năm nay, nhà báo Phạm Đình Quyền (ảnh), Trưởng Ban biên tập Ảnh, vừa đi hết một chu kỳ trong hệ lịch can chi Á Đông. Tự nhận mình "biết thanh thản ngay cả trong những lúc gian khó nhất", ông đã chia sẻ nhiều chuyện chung, riêng với Nội san Thông tấn trước thềm năm mới.

 

Xin ông cho biết đôi nét về Ban Biên tập Ảnh năm 2014

Điểm nhấn của Ban biên tập Ảnh năm 2014 là: Sự kiện dù xảy ra ở đâu, thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào, cơ bản, đều có thông tin bằng ảnh. Ảnh gửi về khi nào, trong hay ngoài giờ trực, đều được xử lý kịp thời; chủ động mở hướng mới, biên soạn, cung cấp ảnh cho các báo điện tử với kết quả bước đầu rất khả quan; đưa vào sử dụng hệ thống Tin - Ảnh tích hợp; hoàn thành chỉ tiêu phát hành ảnh tư liệu trước 5 tháng; nhiều PV Ban Ảnh hăng hái xung phong đi thường trú tại những địa bàn gian khó...

 Tham gia Ban phụ trách Ban Biên tập Ảnh trong một thời gian khá dài, hiểu tường tận về ảnh thông tấn, theo ông, đâu là thế mạnh của ảnh thông tấn?

Sức mạnh của ảnh thông tấn là sức mạnh của nguồn thông tin chính thống; là cuốn biên niên sử bằng ảnh, cơ bản đáp ứng mọi nhu cầu thông tin, tuyên truyền. Là phóng viên của hãng thông tấn quốc gia, chúng ta được trao quyền và có đủ điều kiện để đi đến bất cứ nơi nào, ghi hình bất kỳ sự kiện gì.

Vậy đâu là điểm yếu cần khắc phục? Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay, ảnh Thông tấn xã cần làm gì để vượt lên, thậm chí tạo ra xu hướng mới?

Xin nói về giai đoạn hiện nay. Ảnh thông tấn phản ánh khá đầy đủ và toàn diện các lĩnh vực của đất nước và đang được thể hiện ngày càng đa dạng, sinh động. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu những tác phẩm đi vào chiều sâu của cuộc sống, chiều sâu của mỗi số phận, mỗi cuộc đời. Chúng ta không thiếu những ảnh đẹp nhưng còn rất ít những ảnh "sắc", những bức ảnh có thể giúp các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận cuộc sống một cách chính xác giúp xã hội bớt đi sự vô cảm đang có xu hướng gia tăng ở nơi này, nơi khác. Theo cảm nhận của riêng tôi, ảnh chúng ta đang có một khoảng trống. Dường như chúng ta chỉ có hai loại: Ảnh thời sự chủ yếu tập trung phản ánh các sự kiện, các thành tựu; ảnh nghệ thuật thiên về trời mây, hoa lá, những cảnh làm say lòng người... những bóng hồng. Vậy còn những số phận, những mảng đời, cái chất liệu chính làm nên cuộc sống ai sẽ là người có trách nhiệm thể hiện, lẽ nào không phải là những nhà báo cầm máy? Chúng ta từng có một dòng văn học hiện thực nhưng dòng ảnh hiện thực - ai dám nói rằng chúng ta đã có? Với đội ngũ hơn 40 phóng viên ảnh chuyên nghiệp và lực lượng cầm máy tại 63 tỉnh, thành, chúng ta hoàn toàn có thể làm nên một một xu hướng mới trong ảnh báo chí nước nhà nếu như chúng ta dám và biết tạo ra xu hướng mới trong tư duy của những người quản lý và tạo ra sự thay đổi trong mỗi cách nhìn của phóng viên. Cuộc cạnh tranh trong nhiếp ảnh hiện nay, nhìn ở góc độ nào đó là iđáng ngạ , bởi ai cũng có thể chụp ảnh, thậm chí chỉ cần một chiếc điện thoại, song ở góc độ khác, lại có ích, bởi khi ưu thế về phương tiện bị "lột" đi, sẽ chỉ còn lại trần trụi tư duy,  đó là cái mà nếu làm tốt, chúng ta có thể mãi giữ độc quyền: Tư duy của một nhà báo cầm máy.

Ông vừa nhắc đến lực lượng cầm máy ở 63 tỉnh, thành. Hiện Ngành chủ trương phát triển thông tin đa phương tiện, trong đó có thông tin bằng hình ảnh, tại các cơ quan thường trú (CQTT). Ban Ảnh có kế hoạch gì để thực hiện chủ trương này?

Với sự vào cuộc của các CQTT, đội ngũ làm thông tin bằng ảnh của Ban đã tăng gần gấp ba và có mặt tại khắp nơi. Sự thay đổi mang tính chiến lược cả về lượng và chất này đòi hỏi phải có một sự thay đổi chiến lược về tư duy và cách quản lý, điều hành. Ban Ảnh hiệnhai lực lượng: Lực lượng chủ lực (ở tổng xã) phản ánh những hoạt động, sự kiện, thành tựu quan trọng của Đảng, Nhà nước, các ngành, lĩnh vực,cơ động nhanh, tạo nên những tuyến thông tin có chất lượng cao theo những chủ đề nhất định. Lực lượng tại chỗ phản ánh những sự kiện quan trọng, sự kiện đột xuất mà dư luận quan tâm tại địa phương. Nếu biết phát huy sức mạnh tổng hợp này, chúng ta có thể tạo ra những "chấn động", góp phần "cải tạo xã hội" - một trong những nhiêm vụ của báo chí, bằng cách thức mà tôi tạm gọi là "Hiệu ứng giờ G": Ví dụ: Đúng giờ G ngày X, theo lệnh phát ra từ tổng xã, tất cả phóng viên cầm máy ảnh trong toàn quốc đồng loạt đến phản ánh hiện trạng làm việc đầu giờ, cuối giờ tại các cơ quan công quyền, cảnh tiếp dân tại các tuyến huyện, tuyến xã, xe quá tải hoạt động ban đêm trên các tuyến đường, tình trạng buôn lậu ngang nhiên tại các đường biên, thậm chí cả một bữa ăn ở một khu trọ công nhân... Mỗi giờ G, TTXVN (và chỉ có TTXVN làm được điều này) sẽ có một bức tranh toàn cảnh về một vấn đề cụ thể mà dư luận quan tâm để đặt lên bàn các nhà quản lý. Sẽ không còn chỗ cho những câu biện minh truyền thống "đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ". Tôi tin rằng xã hội sẽ "chuyển động" từ những giờ G thông tấn đó.

"Hiệu ứng giờ G", rất thú vị, thưa ông. Từ tháng 8/2014, tức là khi có quy chế định mức mới cho PV thường trú trong nước, đến nay, thông tin bằng ảnh của khối các CQTT đã có những chuyển động ra sao?

Lượng thông tin tăng gần 50% và có trách nhiệm hơn.

Với cá nhân ông, năm 2015 có ý nghĩa như thế nào?

Bắt đầu một chặng đường mới trong cuộc hành trình đời người - chặng đường mà "giá trị" bản thân được đánh giá qua những tiêu chí mới chứ không qua hệ thống lương, thưởng của nhà nước.

Dự định của ông cho 2015?

Xách máy đi đâu đó và cầm bút viết một cái gì đó.

Ông nghĩ gì về chặng đường đã qua?

Có lẽ, 60 tuổi chưa phải là thời điểm để nhìn lại, nhưng điều mà tôi cảm thấy có ý nghĩa nhất là: Hết mình với nghề và biết thanh thản, ngay cả trong những lúc gian khó nhất. Về điểm này, nghề nghiệp giúp cho tôi được rất nhiều: Biết nhìn cuộc đời và con người từ "góc nhìn" đẹp nhất.

Từ chính cuộc đời mình, ông có thể rút ra điều nổi bật nhất với đàn ông tuổi Mùi là gì?

Xin nói về một "Con dê" thôi. Dê luôn gắn liền với thiên nhiên, cây cỏ. Có những chuyến đi công tác miền núi, lúc rảnh rỗi, tôi có thể ngồi hàng giờ ngắm một màu xanh. Nhưng cũng có khi bừng tỉnh, thì...."thiên hạ" đã lên đường hết cả...

Xin cảm ơn và chúc ông những điều tốt đẹp nhất! Mong rằng, những bức ảnh, bài viết mà ông dự định trong chặng đường mới tiếp tục gắn với Nội san Thông tấn.

 

"Hiệu ứng giờ G"

Đúng giờ G ngày X, theo lệnh phát ra từ tổng xã, tất cả phóng viên cầm máy ảnh trong toàn quốc đồng loạt đến phản ánh hiện trạng làm việc đầu giờ, cuối giờ tại các cơ quan công quyền, cảnh tiếp dân tại các tuyến huyện, tuyến xã, xe quá tải hoạt động ban đêm trên các tuyến đường, tình trạng buôn lậu ngang nhiên "tại các đường biên, thậm chí cả một bữa ăn ở một khu trọ công nhân... Mỗi giờ G, TTXVN (và chỉ có TTXVN làm được điều này) sẽ có một bức tranh toàn cảnh về một vấn đề cụ thể mà dư luận quan tâm để đặt lên bàn các nhà quản lý. Sẽ không còn chỗ cho những câu biện minh truyền thống "đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ". Tôi tin rằng xã hội sẽ "chuyển động" từ những giờ G thông tấn đó.

 

 

2. Nhà báo Nguyễn Khánh Chi & những cơ hội đến từ công việc

Mang theo nụ cười rạng rỡ quen thuộc, nhà báo Nguyễn Khánh Chi (ảnh), Trưởng phòng Thời sự- báo Việt Nam News, trò chuyện với Nội san Thông tấn về cái "duyên" du học và những vất vả của nữ nhà báo thông tấn làm thông  tin đối ngoại.

 

Chào chị! Thật khó giấu sự thèm muốn khi biết về những chuyến du học của chị!

(Cười lớn) Đấy là may mắn của tôi. Chính môi trường làm việc, chính công việc cho tôi nhiều cơ hội thực hiện đam mê "học, học nữa, học mãi!". Quả thực, thời gian vừa qua, tôi đã được tham gia khá nhiều khóa học ngắn hạn và dài hạn cả trong và ngoài nước.

Chuyến đi nào với chị là đáng nhớ nhất?

Mỗi chuyến đi đều cho tôi những trải nghiệm, những người bạn mới mà đến tận bây giờ hay về sau tôi vẫn trân quý. Với tôi, chuyến du học Thạc sỹ chuyên ngành báo chí tại Australia (niên khóa 2008-2010) là chuyến đi đáng nhớ nhất bởi nó cho tôi những trải nghiệm gần như đầy đủ của một du học sinh.

Chị học được điều gì về nghề từ những chuyến du học này?

"Observation!" (Hãy quan sát!), "Double check!" (Luôn luôn kiểm chứng thông tin!) là những kinh nghiệm mà thầy Richard, người Mỹ, truyền dạy cho chúng tôi tại khóa đào tạo nghiệp vụ báo chí cho các phóng viên trẻ đến từ Việt Nam, Cambodia, Myanmar, và Lào do Quỹ Báo chí Đông Dương phối hợp với Quỹ Báo chí độc lập của Mỹ tổ chức tại Cambodia. Đây là điều đầu tiên tôi học được và mãi ghi sâu trong tâm từ một khóa đào tạo nghiệp vụ.

Cũng tại khóa học này, một thầy giáo người Mỹ khác, thầy Peter, đã "thổi" cảm hứng cho chúng tôi khi khẳng định: "Là phóng viên, dù bạn ở bất kỳ đâu - một cuộc họp báo hay hiện trường - hãy là người nắm lấy micro và hỏi, bởi cơ hội sẽ tuột mất khi những người khác làm được việc đấy hoặc thời gian sẽ hết khi bạn do dự, ngập ngừng". "Be the first to ask!" (Hãy là người đầu tiên đặt câu hỏi!), thầy chốt lại một cách ngắn gọn.

Tôi cũng nhận thức rằng, việc "đặt câu hỏi và hỏi" (Ask, and ask!) là điều bắt buộc đối với những người làm công tác phóng viên ngay trong buổi học đầu tiên của tôi tại trường Đại học Công nghệ Sydney, chuyên ngành báo chí, khi giảng viên môn News reporting (đưa tin) nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần.

Và còn rất nhiều, rất nhiều những bài học khác như: Hãy nói làm ơn khi bạn muốn yêu cầu một điều gì đó; mỗi sáng thức dậy điểm lại những việc mình phải làm và sẽ bắt đầu thay vì ca thán, hay nhăn nhó về một ngày có quá nhiều việc phải làm!... đều mang lại cho tôi nhiều giá trị tích cực.

Và chị đã áp dụng tất cả những điều đó vào công việc và cuộc sống?

Tôi đã, đang và sẽ áp dụng. Chúng như "kim chỉ nam" trong công việc và cuộc sống của tôi. Tuy nhiên, chị cũng biết đấy, công nghệ làm báo của Việt Nam khác nhiều so với các nước phát triển, đòi hỏi mình phải có cách ứng dụng "mềm". Tôi tin, những kiến thức mới sẽ giúp tôi vững vàng, thành thạo hơn khi được tòa soạn giao đảm đương những nhiệm vụ mới.

Phụ trách Phòng Thời sự của Việt Nam News- tòa soạn báo tiếng Anh ra hàng ngày- công việc có khiến cho chị cảm thấy áp lực không?

Với tôi, dù ở vị trí nào cũng sẽ có những áp lực nhất định. Đấy là lẽ tự nhiên. Vì thế, dù là phóng viên, biên tập viên hay phụ trách - tôi cũng luôn nỗ lực để làm tốt và làm hết trách nhiệm được giao phó. Với nhiệm vụ mới được giao tại Phòng Thời sự, tôi hiểu trách nhiệm trên vai mình nặng hơn, nhiều hơn nhưng không vì thế mà tôi chùn bước.

Chị cũng biết đấy, do đặc thù công việc, phần lớn đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Việt Nam News là nữ. Việt Nam News, không chỉ riêng tôi mà các PV, BTV khác đều luôn cảm thấy thiếu thời gian. Giống như đa phần phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện đại, chúng tôi vừa phải "đảm" việc nhà vừa "lo" việc cơ quan - vốn không theo quỹ đạo hành chính thông thường. Và một phần trong công việc hàng ngày mà chúng tôi phải đảm nhiệm, điều có lẽ "không muốn" nhất lại cũng là điều tâm niệm "phải làm" vì sự phát triển của tờ báo, đó là việc trực đêm, sớm thì 11 giờ, muộn thì 12 giờ thậm chí là 1 giờ sáng, mới có thể được nghỉ ngơi. Và thông thường, phải mất hai tiếng sau khi ca trực kết thúc chúng tôi mới có thể ngủ. Đôi khi công việc còn theo vào cả trong những giấc mơ.

Sắp Tết rồi, tập trung hầu hết thời gian cho công việc, chị dành thời gian sắm Tết như thế nào?

Tôi không cầu kỳ nên việc mua sắm cũng đơn giản thôi. Tôi thiên về tinh thần hơn là vật chất. Mỗi khi Tết đến Xuân về, tôi thích dành thời gian để hòa mình và hưởng trọn cái không khí tất bật, đông vui của người và xe, của đất - trời và vạn vật. Nói vậy không có nghĩa tôi không chú ý đến việc dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa và sắm những thứ thật cần thiết để cùng gia đình đón năm mới.

Nếu được ước một điều cho năm mới, chị sẽ ước điều gì?

Tôi cầu chúc sức khỏe đến cho tất cả mọi người. Ngoài ra, tôi có một mong ước nhỏ cho cá nhân là tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho hai thiên thần đang lớn của mình.

Cảm ơn chị. Năm mới, chúc chị và gia đình sức khỏe và hạnh phúc.

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Biến lợi thế thành thế mạnh (13/02/2015 10:44:43)

Nâng cao chất lượng thông tin kinh tế của TTXVN (08/01/2015 09:53:23)

Quét sạch "tin nhái" (07/01/2015 11:20:51)

Nâng cao hiệu quả thông tin thông tấn tại Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ (04/12/2014 10:28:36)

Thông tin cho đồng bào "ưng cái bụng, sáng cái lòng" (04/12/2014 10:21:13)

Thông tin truyền hình: Phát huy thế mạnh từ cơ quan thường trú tại địa phương (05/09/2014 15:26:39)

Đông càng phải mạnh (05/09/2014 14:22:41)

Những "mỏ vàng" Thông tấn (30/07/2014 16:14:41)

Nâng đỡ phóng viên trẻ (03/06/2014 08:53:15)

“Phóng sự, ký sự” thu hút sự quan tâm của các nhà báo trẻ (06/05/2014 10:34:13)