Thứ sáu, ngày 17/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Đôi điều cần biết trong dựng hình


(05/08/2015 15:14:33)

Cuốn sách “Phóng sự truyền hình” của Brigitte Besse và Didier Desormeaux, những người Pháp giàu kinh nghiệm trong nghề báo, có thể coi là một giáo trình nho nhỏ về báo hình. Với mong muốn giúp sức cho nhiều đồng nghiệp trong ngành đang tác nghiệp truyền hình, Nội san Thông tấn xin trích giới thiệu một số nội dung hữu ích trong cuốn sách này.

Cũng như trong sản xuất điện ảnh, phóng sự truyền hình được thực hiện theo một logic sản xuất dây chuyền. Nguyên liệu (tư liệu phim gốc) sẽ tăng thêm giá trị khi qua tay người dựng phim, người dựng âm thanh, chuyên viên kỹ xảo hình ảnh...

Dựng phim là nghệ thuật và cũng là kỹ thuật. Sau đây là một số khái niệm cơ bản (tuy chưa đầy đủ) được sử dụng trong các phòng dựng phim.

 

Giá trị các cảnh

Cảnh ghép là cảnh tập trung vào một chi tiết. Trong phóng sự, cảnh này nhấn mạnh đến triệu chứng, dấu vết, đến đồ vật có thể giúp người ta hiểu sự kiện, bởi nó là nguyên nhân hoặc là hậu quả của sự kiện đó... Đó là một yếu tố của việc xây dựng phóng sự, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể là đoạn chuyển tiếp giữa hai cảnh.

Đặc tả là một hình thức nhấn mạnh. Đặc tả rất quan trọng, thường được dùng để giải thích.

Cận cảnh tập trung sự chú ý vào con người và xóa nhòa môi trường xung quanh. Nó có thể có ích khi bối cảnh bị nhiễu.

Cận cảnh rộng: Nói nôm na là "cận cảnh đến ngực", là cảnh lớn và cổ điển của phóng sự truyền hình. Nó mang tính báo chí vì cho phép cân đối những thành phần của hình ảnh, bối cảnh và nhân vật, cảnh trước và cảnh sau... Điều bất tiện là cận cảnh rộng thường cố định và khép kín khung cảnh. Dựng loại cảnh này thường thiếu nhịp độ.

Trung cảnh (còn được gọi là cảnh đến thắt lưng) cho phép đưa nhiều nhân vật lên sân khấu hoặc một người đang hành động, thường dùng khi tiến hành những cuộc phỏng vấn di động. Dưới dạng cố định, nó làm cảnh tượng thêm trịnh trọng. Khi có cảnh đi động, trung cảnh biểu lộ những tác động qua lại giữa những nhân vật hoặc giữa con người với môi trường xung quanh.

Toàn cảnh là cảnh mang dáng sân khấu để mô tả một tình hình. Cần phải cảnh giác bởi vì tất cả những gì nằm trong khung cảnh này đều được khán giả coi như đang tác động lẫn nhau và ngang hàng với nhau. Chính vì những yếu tố nhiễu này, mà một số cảnh toàn thể lại phản tác dụng đối với việc xây dựng phóng sự.

Cảnh rộng là cảnh điện ảnh, sử dụng nó cho truyền hình là việc làm tinh tế, vì nó thu nhỏ và có nguy cơ hòa tan các nhân vật và các yếu tố hợp thành hình ảnh, trong khuôn hình nhỏ hẹp. Nhưng về mặt báo chí, nó rất cần thiết để giới thiệu một khung cảnh chung của sự kiện, cung cấp những mốc xác định vị trí cho khán giả và giúp họ hiểu tình hình.

Cảnh lấy cả người hoặc cảnh trong hình là cảnh thu nhân vật đang hành động. Cân đối hóa con người trong hình sao cho có khá đủ khoảng trống phía trên và phía dưới màn hình. Đó là một trong những biến thể (xen kẽ với trung cảnh) của những cảnh "quay tình thế" của nhà báo.

Cảnh kiểu Mỹ là tên gọi tu từ của cảnh hành động. Trong thời sự, cảnh này mô tả tốt, tuy không cụ thể lắm (ví như cảnh những người đi biểu tình).

 

Những tác động của camera

Zoom (ống kính tiêu cự thay đổi) trước và sau: Cho phép kéo lại gần hoặc đẩy đối tượng ra xa (bằng cách biến đổi chiều dài của tiêu cự), cần phải sử dụng thật đúng mức. Tuy vậy, zoom vẫn có ích để hướng dẫn cách nhìn, nhấn mạnh hoặc trái lại hồi phục lại hướng nhìn, kết thúc một lớp cảnh.

Toàn cảnh (pano): Là cảnh quét cả hiện trường, tương ứng với con mắt người nhìn thấy. Do vậy, đây là cái nhìn chủ quan. Trong báo hình, nó rất có ích trong việc cung cấp thông tin về quy mô, không gian và địa điểm.

Di động: Là cảnh thuần túy chủ quan, tương ứng với những gì một người đang đi nhìn thấy. Phóng sự có thể sử dụng nó khi nhân vật chính là một nhân chứng hoặc nằm trong khuôn khổ một chân dung. Nó đặt khán giả vào vị thế nhân vật chủ chốt ngay trong khung cảnh phóng sự.

 

Vị trí của camera

Cảnh và nghịch cảnh: Cùng một vật được xem xét dưới hai điểm nhìn đối nhau. Đó là một trong những quy tắc cổ điển của việc dựng phim nhằm đưa ra những mặt khác biệt của sự kiện. Nó cho người ta ảo ảnh là quay với nhiều camera; cho phép dựng xen kẽ những hình ảnh để tạo ra một đối thoại. Tuy nhiên phải chú ý tôn trọng quy tắc 180° (camera phải ở cùng một phía với một đường tưởng tượng được vạch ra giữa hai nhân vật dược quay phim).

Khơi mào: Một chủ đề hay một vật đặt ở phía trước không phải là chủ đề chính của cảnh, nhưng khi tạo ra chiều sâu hiện trường, nó phân cho khán giả vai trò một nhân chứng.

Chúc xuống và chếch lên: Trục của camera được hướng từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên so với vật được nhìn thấy. Cách làm này là có chủ đích bởi vì nó là một trong những biểu thức của thuật hùng biện về hình ảnh, bao giờ cũng có một ý nghĩa rõ ràng.

 

Những chuyển động trong hình ảnh

Vào và ra: Đây là cách làm thay đổi các động tác của camera. Hai động tác này làm cho hình ảnh sắc nét hơn bằng cách làm sống dậy cái khung cảnh bên trong. Một nhân vật hay một phần tử trở vào, trở ra hay đi qua khung cảnh. Hình ảnh thu được vẫn tiếp tục sống động; sự vào và ra khỏi phim trường đem lại cho hình ảnh sự năng động và khi dựng, sẽ tận dụng được tính năng động này.

Ngoại cảnh: Mỗi thành phần của khung cảnh gợi ra một hành động, một đồ vật hay một con người. Thành phần ấy có thể là hình ảnh, hoặc âm thanh. Trong thời sự, nó được sử dụng để gợi lên những hình ảnh mà người ta không thể quay hay những con người mà người ta không thể đưa vào phim.

 

Liên kết các cảnh

Đoạn nối: Về mặt kỹ thuật, đoạn nối là sự chuyển tiếp từ cảnh này sang cảnh khác. Có cả một bộ quy tắc về hình ảnh và âm thanh để cho sự tiếp nối này khỏi lủng củng: nên ưu tiên nối những cảnh nằm trong hướng trục của camera (người ta có thể thay đổi giá trị của cảnh mà không thay đổi hướng của camera chẳng hạn) hoặc trong chuyển động của camera. Còn việc nối kết cảnh này đến cảnh khác (cùng một giá trị và cùng một hướng) thì nên tránh. Cảnh cắt ra dùng để nối các cảnh không thể liên kết bằng một cách nào khác. Mối liên kết giữa hai cảnh này trước hết chỉ là về hình thức nhưng sẽ đưa tới một ý nghĩa. Đó chính là nguyên lý của dựng phim. "Hiệu ứng Koulechov" đã xác định rõ nguyên lý này: một cảnh trung lập nằm giữa hai cảnh đầy ý nghĩa sẽ mang đủ ý nghĩa của hai cảnh kèm bên...

Kỹ xảo: Phóng sự thời sự cũng phải cần đến những kỹ xảo về hình ảnh, được vận dụng giữa các hình ảnh hoặc trong các hình ảnh, như mờ chồng, hình nối tiếp nhau, hình biến dần đi, lộ sáng, dựng hình chậm... Tuy nhiên, cần chú ý, nếu sử dụng kỹ xảo một cách tùy tiện, chúng sẽ mất hết ý nghĩa và trở thành nhiễu loạn.

Theo Nội san Thông tấn, số 7/2015