Thứ ba, ngày 14/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

“Phân vai” thông tin


(08/12/2015 14:54:58)

Với một mạng lưới phóng viên thường trú trải rộng khắp 63 tỉnh, thành trong nước và 30 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc tất cả các châu lục trên thế giới, cùng các ban biên tập thông tin nguồn, tòa soạn báo, trung tâm thông tin... TTXVN có ưu thế nổi trội hơn tất cả các cơ quan báo chí khác ở Việt Nam. Phàm là dân thông tấn, ai cũng đều nói vanh vách như vậy về những lợi thế của nhà mình. Nhưng nếu hỏi: Cần phải làm gì và làm như thế nào để khai thác tối ưu, biến những lợi thế đó thành sức mạnh trên "đấu trường" thông tin thì không mấy ai đưa ra câu trả lời một cách thỏa đáng.

Không ít người giữ các trọng trách quan trọng trong các khâu sản xuất thông tin của ngành trăn trở trước khối "tài nguyên" quý giá về nguồn lực, về độ "phủ sóng" rộng khắp của mạng lưới, nhưng còn chưa được khai thác một cách thực sự hiệu quả. Có trong tay một "đống vàng", biết là vô giá, nhưng việc vận hành, khai thác, sử dụng, đầu tư sao cho đúng và trúng nhất hẳn không đơn giản. Đã không ít lần, tại các diễn đàn, chúng ta nghe được nhận định: "TTXVN tuy đông nhưng chưa thực sự mạnh". Vậy làm thế nào để biến lợi thế thành thế mạnh! Câu chuyện phát huy sức mạnh tổng lực của ngành đã nhiều lần được đưa ra bàn thảo nhưng vẫn chưa thực sự có được cái kết đủ sức thuyết phục.

Trưởng Ban Thư ký biên tập (TKBT) có lần đưa ra một dẫn chứng sinh động cho sự đông nhưng chưa ổn ấy: Đơn cử đợt thông tin về mưa lũ ở Quảng Ninh hồi giữa năm, lãnh đạo ngành chỉ đạo chung, lãnh đạo các đơn vị thông tin chỉ đạo trực tiếp, cử phóng viên của đơn vị mình tham gia tổ đặc nhiệm, Trưởng CQTT tại địa phương vừa thực hiện thông tin vừa kết nối giữa các thành viên... Tuy nhiên, những chỉ đạo của các cấp, các đơn vị lại không thống nhất dẫn đến hiện tượng mạnh nhóm nào, nhóm đó tác nghiệp.

Theo Ban TKBT, nên chăng ở sự kiện này, chúng ta cần xác định thứ tự ưu tiên: Thứ nhất là thông tin nguồn, thứ hai là xuất bản; phóng viên của bất kỳ đơn vị thông tin nào khi tham gia nhóm đặc nhiệm cần ưu tiên phối hợp với các thành viên khác thực hiện nhiệm vụ thông tin nguồn; còn nếu phóng viên tham gia chỉ với một tư cách của đơn vị xuất bản cũng cần rõ ràng. Chỉ đạo của lãnh đạo ngành (trực tiếp hoặc thông qua Ban TKBT) chỉ nên truyền đạt đến đầu mối được giao chủ trì để tránh tình trạng lộn xộn: Ai cũng được chỉ đạo và ai cũng đang thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Mặt khác, qua thực tế cho thấy, các đơn vị thông tin chưa tận dụng triệt để nguồn lực chung của ngành; còn xảy ra hiện tượng nhiều đơn vị tham gia thực hiện thông tin cùng loại hình về một sự kiện, dẫn đến lãng phí nhân lực, vật lực; thậm chí có thể dẫn đến sự không thống nhất trong nội dung thông tin. Trong khi đó, lại có những sự kiện, sự việc chỉ có một hoặc một vài, thậm chí không đơn vị nào thông tin nên bị sót, lọt thông tin và chưa tạo ra được luồng thông tin chung của ngành.

Từ dẫn chứng trên cho thấy, là đội quân cùng chí hướng chưa đủ mà đòi hỏi tất cả phải cùng nhìn về một hướng. Chỉ có vậy mỗi đơn vị thông tin, dù là ban biên tập hay tòa soạn báo, dù là báo viết tay hay báo điện tử, ảnh báo chí hoặc truyền hình; dù là phóng viên tổng xã hay phóng viên thường trú, phóng viên trong nước hay ngoài nước...rất cần có sự phối hợp một cách thống nhất, nhịp nhàng và bài bản, nhất là trong các sự kiện thông tin quan trọng, đột xuất. Có vậy, thông tin thông tấn mới thực sự chiếm lĩnh được "mặt trận" thông tin. Khi đó, nhìn vào là thấy ngay ý đồ thông tin của TTXVN với lớp lang, trình tự rõ ràng, bài bản. Thông tin nguồn ra sao; các loại hình thông tin khác (ảnh, truyền hình, báo giấy, báo ảnh, báo điện tử) liều lượng thế nào; phân định rõ ràng thời gian đăng phát... Qua đó thể hiện tính chính thống, chuyên nghiệp của cơ quan thông tấn quốc gia.
Tăng cường trao đổi, phối hợp trong tất cả các công đoạn của quá trình thực hiện, sản xuất thông tin chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thông tin cao hơn. Muốn làm được điều này trước hết lãnh đạo ngành phải siết chặt hơn nữa kỷ luật thông tin và cần có sự chỉ đạo, điều độ, "phân vai" rất cụ thể trong từng sự kiện cần tập trung thông tin lớn. Đối với mỗi đơn vị thông tin, mỗi phóng viên, biên tập viên nhất thiết phải tuân thủ chặt chẽ kỷ luật thông tin, trên cơ sở phát huy tính chủ động, sáng tạo, không thể theo kiểu mạnh ai nấy làm. Có như vậy, thông tin thông tấn mới tạo dựng thương hiệu, tính chính thống, sự tin cậy và độ lan tỏa rộng khắp trong báo giới, được công chúng tin yêu đón nhận.

Theo Nội san Thông tấn, số 11/2015