Thứ ba, ngày 14/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Ghi nhận từ một cuộc tọa đàm: "Bàn giải pháp nâng cao chất lượng thông tin ảnh khu vực phía Nam"


(12/01/2016 10:36:01)

Trong khuôn khổ Liên hoan ảnh TTXVN khu vực phía Nam lần thứ I - 2015, Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam tổ chức cuộc tọa đàm "Bàn giải pháp nâng cao chất lượng thông tin ảnh khu vực phía Nam". Tại đây, nhiều vấn đề bức thiết đã được đề cập, nhiều điểm nghẽn trong công tác thông tin ảnh của các cơ quan thường trú đã được "nhận diện" và qua đó, một số giải pháp có tính khả thi đúc rút từ thực tiễn cũng đã được đưa ra.

 

Thời gian gần đây, thông tin ảnh của các CQTT phía Nam, các phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển biến tích cực. Số lượng ảnh báo chí tăng vọt, chất lượng cũng ngày càng được nâng cao hơn. Một số phóng viên (PV) đã có những tác phẩm ảnh chất lượng, hiệu quả thông tin tốt.

Đó không chỉ là kết quả từ việc thay đổi nhận thức, xác định hướng đi đúng của Lãnh đạo ngành, từ việc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam quyết tâm trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin ảnh bằng những việc như: tăng cường chỉ đạo thông tin, cấp phát đồng loạt máy ảnh thế hệ mới cho các CQTT..., mà đó còn là sự đam mê nghề nghiệp, nỗ lực học hỏi, tinh thần trách nhiệm của hầu hết PV khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế của ngành cũng như nhu cầu của đối tượng tiếp nhận thông tin, thì vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để nâng cao chất lượng thông tin ảnh. Đối với PV ảnh chuyên nghiệp, việc này không quá khó nhưng đối với đội ngũ PV "đa năng" ở các cơ quan thường trú thì không hề đơn giản.

Cuộc tọa đàm đã tập trung thảo luận sâu những vấn đề như: Tính chuyên nghiệp trong thông tin ảnh của PV "đa năng"; tư duy thông tin ảnh của đội ngũ PV ở khu vực phía Nam hiện nay; việc chọn chủ đề và góc độ tiếp cận; cách thức thể hiện nội dung trong thông tin ảnh... Đồng thời tọa đàm cũng chú trọng việc trao đổi, chia sẻ về kỹ thuật chụp ảnh báo chí, những lỗi thường gặp trong ảnh báo chí; cách thể hiện... trong thông tin ảnh của TTXVN.

Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, phát biểu tại hội thảo

Theo nhà báo Phạm Tiến Dũng, nguyên Trưởng ban biên tập Ảnh: Vẫn có không ít PV đang "lãng phí" chủ đề vì có chủ đề hay nhưng "làm không tới", kỹ thuật ảnh chưa tinh, dẫn đến thông tin trong ảnh chưa sâu, chưa làm nổi bật được chủ đề. Nhà báo Lại Minh Đông, Trưởng phòng Biên tập tổng hợp (Ban biên tập Ảnh) nhận xét: Tuy thông tin ảnh của PV các CQTT đã tốt nhiều so với trước song chất lượng ảnh chưa đồng đều, đôi khi chụp còn đơn giản, dễ dãi, việc quan sát và chọn bấm máy chưa đúng thời điểm, khiến cho chất lượng thông tin ảnh giảm.

Là PV lâu năm ở địa bàn, Trưởng CQTT tại Đồng Tháp Nguyễn Văn Trí cho rằng, nhiều PV vẫn thực sự lúng túng trong việc chọn chủ đề, chưa có kỹ năng và kinh nghiệm trong việc làm nổi bật được nội dung, chủ đề trong ảnh. Từ góc độ của đơn vị sử dụng ảnh, nhà báo Trọng Chính, Trợ lý Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam chỉ ra một điểm nghẽn rất đáng quan tâm, đó là công tác biên tập ảnh ở Tổng xã chưa được chú trọng đúng mức, phần lớn vẫn chỉ là duyệt và phát ảnh nên chưa nâng được chất lượng và tầm của thông tin ảnh từ các CQTT.

Nhiều đại biểu dự tọa đàm còn thẳng thắn chỉ ra như những tồn tại như: PV CQTT chưa được đào tạo nghiệp vụ ảnh một cách bài bản; chưa nắm rõ hết chức năng của máy ảnh được cấp nên có những hạn chế về kỹ thuật chụp ảnh...

Theo Phó Tổng giám đốc Lê Duy Truyền, tư duy thông tin ảnh không tự có được mà đó là kết quả của một quá trình thẩm thấu từ thực tiễn cuộc sống, từ quá trình tác nghiệp. Để có một tác phẩm ảnh tốt thì nhà báo phải lăn xả vào cuộc sống, cảm nhận được "hơi nóng thực tại" bằng tất cả sự nhạy bén nghề nghiệp; máy ảnh chỉ là phương tiện để tác nghiệp, còn biết "chụp cái gì và chụp như thế nào" mới là yếu tố quyết định để có những bức ảnh có giá trị thông tin cao, hiệu quả thông tin lớn.

Cùng với việc chỉ ra những hạn chế, nhiều đại biểu đã có những trao đổi kinh nghiệm hữu ích, gợi ý những giải pháp rất thiết thực và có tính khả thi cao để nâng cao chất lượng thông tin ảnh. Trưởng CQTT tại Kiên Giang Lê Huy Hải chia sẻ: Để làm tốt thông tin ảnh trong quá trình tác nghiệp, PV cần quan sát thực tế kết hợp với tư duy hình ảnh. Từ đó, định hình được ý tưởng, chủ đề và chọn lọc những nội dung, những góc độ tốt nhất để tác nghiệp; chú ý nắm bắt cái mới, lạ, nét riêng, tính đặc thù, đặc trưng của đối tượng để đưa vào ống kính. Bên cạnh đó, việc "làm theo" đồng nghiệp trong quá trình tác nghiệp là rất cần thiết nhưng phải có sự sáng tạo theo cách riêng của mình.

 Đặc biệt, nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc, cho rằng: Làm tốt thông tin ảnh khó hơn nhiều so với một số loại hình báo chí khác. Vì vậy, việc chọn chủ đề, kỹ năng thể hiện trong ảnh báo chí cần được chú trọng đúng mức thông qua việc thực hiện một cách đồng bộ từ công tác đào tạo đến chỉ đạo thông tin, tổ chức thực hiện.

Bằng kinh nghiệm của mình, nguyên Tổng giám đốc Trần Mai Hưởng cũng đưa ra yêu cầu: Thông tin phải nêu bật được yếu tố "mới" vì đó là cái gốc của tư duy báo chí; và phóng viên phải là người trực tiếp nhìn ra cái "mới", thể hiện được cái "mới" đó trong từng tin, ảnh của mình.

Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam đề nghị: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm thông tin ảnh phải gắn với thực tế bằng những nội dung cụ thể, thiết thực, không đưa ra những lý luận cao siêu mà tập trung vào yêu cầu công việc.

Các nhà báo Nguyễn Văn Việt, Trưởng CQTT tại Bình Phước; Huỳnh Sử, Trưởng CQTT tại Hậu Giang; Quách Lắm, Trưởng CQTT tại Bình Dương... cũng đưa ra nhiều giải pháp như: Tăng cường sự phối hợp và chỉ đạo trong thông tin ảnh: nâng cao công tác biên tập và duyệt tin, ảnh...

Cuộc tọa đàm đã giúp cho những người trực tiếp làm thông tin ảnh tại các đơn vị, CQTT có thêm những kiến thức bổ ích, những kinh nghiệm cần thiết trong tác nghiệp và những người làm công tác quản lý, biên tập thông tin ảnh có được một cái nhìn đầy đủ, chính xác hơn để cùng nhau nâng cao được chất lượng thông tin ảnh báo chí khu vực phía Nam trong thời gian tới.

Theo Nội san Thông tấn, số 12/2015