Thứ tư, ngày 15/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Thực hiện tốt chức năng thông tấn nhà nước từ sự gắn kết


(08/12/2015 15:01:15)

Để TTXVN thực sự trở thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện mạnh, một hãng thông tấn có uy tín ở khu vực và trên thế giới trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, các đơn vị trong toàn ngành cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong các công việc được giao, đặc biệt là trong công tác thông tin. Nội san Thông tấn xin giới thiệu tham luận của Ban Thư ký biên tập do Trưởng ban Vũ Việt Trang trình bày tại Hội nghị toàn ngành TTXVN 2015 với nội dung tăng cường kết nối giữa các đơn vị trong ngành nhằm tạo ra sức mạnh tổng lực.

PV Trần Thanh Tuấn tại Hội nghị Bộ trưởng TPP, tháng 10/2015, một trong những sự kiện thông tin được đánh giá là thành công do công tác chỉ đạo điều hành thông tin và sự phối hợp tốt giữa các đơn vị

 

Thực trạng hoạt động chỉ đạo điều hành và thực hiện chỉ đạo điều hành

Công tác chỉ đạo, điều hành thông tin của ngành được thực hiện theo cơ chế hai chiều (từ cấp lãnh đạo Ngành đến các đơn vị trong ngành, các phòng, cơ quan thường trú (CQTT) trong và ngoài nước, tới từng PV, BTV và ngược lại) và được phân công trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cấp. Việc truyền đạt chỉ đạo từ cấp trên xuống các cấp thấp hơn hay việc báo cáo, đề xuất từ cấp dưới lên các cấp cao hơn được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau: các cuộc giao ban thông tin vào đầu giờ sáng các ngày làm việc, các bản nhận xét thông tin hàng tuần (do Ban Thư ký biên tập thực hiện), bằng điện thoại, email... Thực tế triển khai trong thời gian qua cho thấy cơ chế chỉ đạo, điều hành công tác thông tin của ngành đã cơ bản đảm bảo tính chặt chẽ, dân chủ và phát huy hiệu quả.

Ban Thư ký biên tập (TKBT) được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo ngành trong chỉ đạo, điều hành công tác thông tin. Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, chúng tôi nhận thấy quy trình sản xuất thông tin của ngành còn tồn tại một số bất cập làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thông tin, đặc biệt là sự phối hợp, gắn kết chưa đầy đủ giữa các khâu, các cấp tham gia vào quy trình sản xuất thông tin. Ban TKBT xin nêu một số bất cập chính như sau:

- Công tác chỉ đạo, điều hành thông tin thực hiện theo cơ chế hai chiều, song chủ yếu mới chỉ phát huy hiệu quả ở một chiều từ trên xuống dưới; càng xuống cấp thấp hơn thì tính chủ động càng bị hạn chế, trong khi cấp trên cần kịp thời nhận được các báo cáo, phản hồi về kết quả, quá trình thực hiện để nắm bắt tình hình và tiếp tục chỉ đạo thông tin. Ở chiều ngược lại, việc phát hiện sự kiện/vấn đề ở cấp cơ sở rồi báo cáo lên các cấp trên để tổ chức triển khai thực hiện cũng còn nhiều hạn chế, chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục.

Hiện nay, các tuyến thông tin theo kế hoạch thường xuyên đang được các đơn vị thực hiện với tính chủ động khá cao. Phần lớn các đơn vị thông tin đã chủ động xây dựng kế hoạch thông tin định kỳ, thực hiện dự kiến thông tin hàng ngày, hàng tuần... báo cáo lãnh đạo cấp trên trực tiếp và tổng hợp báo cáo lãnh đạo ngành; sau đó tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về thông tin của đơn vị mình. Bên cạnh đó, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc xây dựng và báo cáo kế hoạch thông tin của đơn vị mình.

Có nơi, có lúc, chỉ đạo của lãnh đạo ngành chưa được các đơn vị, CQTT thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; và các đơn vị, CQTT đó không có báo cáo giải thích lý do. Cũng có trường hợp, chỉ đạo của lãnh đạo ngành được truyền đạt đầy đủ đến cấp lãnh đạo của đơn vị, phòng; song không được quán triệt đến từng PV, BTV- những người trực tiếp thực hiện thông tin.

Ngược lại, có sự kiện, vấn đề lại có quá nhiều chỉ đạo từ nhiều cấp, nhiều đơn vị, thậm chí nội dung các chỉ đạo này không thống nhất, gây khó khăn cho việc thực hiện thông tin của các đơn vị, CQTT và từng PV, BTV.

- Các đơn vị thông tin chưa tận dụng triệt để nguồn lực chung của ngành; còn xảy ra hiện tượng nhiều đơn vị tham gia thực hiện thông tin cùng loại hình về một sự kiện, dẫn đến lãng phí nhân lực, vật lực; thậm chí có thể dẫn đến sự không thống nhất trong nội dung thông tin. Trong khi đó, lại có những sự kiện, sự việc chỉ có một hoặc một vài, thậm chí không đơn vị nào thông tin nên bị sót lọt thông tin và chưa tạo ra được luồng thông tin chung của ngành.

- Nhiều sự kiện, vấn đề đã được các đơn vị thực hiện thông tin bằng nhiều loại hình khác nhau, song chưa có sự phối hợp về thời gian đăng phát thông tin để đạt được hiệu ứng thông tin cao hơn.

- Các đơn vị có sự độc lập tương đối trong hoạt động nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng đơn vị. Song cũng có hiện tượng: đơn vị tập trung chăm lo cho hoạt động của đơn vị mình mà ít quan tâm đến hoạt động của toàn ngành. Các đơn vị báo chí xuất bản được quyền khai thác tài nguyên thông tin chung của ngành - sản phẩm của các đơn vị thông tin nguồn, nhưng khi đơn vị khai thác, thực hiện được thông tin riêng về sự kiện, vấn đề "nóng", quan trọng cũng cần chủ động chia sẻ để biến nó thành thông tin của ngành.

- Trong một số trường hợp, thông tin của ngành ta, trong đó có cả các tuyến thuộc về thế mạnh của TTXVN, còn chưa tạo được sự lan tỏa trong xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các tuyến tin của ta chưa hấp dẫn, theo nhận định chủ quan của chúng tôi, là do chúng ta chưa tạo được điểm nhấn, chưa tận dụng được lợi thế của mạng lưới PV và sự hiểu biết sâu sắc của đội ngũ BTV.

 

 

Với hơn 60 sản phẩm thông tin thuộc đủ các loại hình: tin văn bản, tin ảnh, tin truyền hình, tin đồ họa, tin âm thanh..., phát hành trên các tờ báo bản tin, báo in, báo điện tử, truyền hình, thiết bị thông minh và gần đây là trên các trang mạng xã hội, TTXVN đã trở thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện. Phát triển TTXVN thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện mạnh là mục tiêu toàn ngành chúng ta đang hướng tới và cũng là chủ đề của Hội nghị ngành năm 2015.

Một số kiến nghị và giải pháp

Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, Ban TKBT đề nghị một số giải pháp, đồng thời có một số đề xuất nhằm tăng sức mạnh thông tin chung của ngành:

- Cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, điều hành, triển khai thông tin của toàn ngành theo hướng phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng cấp; đồng thời siết lại chế tài về khen - chê, thưởng - phạt nhằm kịp thời khuyến khích những cá nhân, tập thể làm tốt, tích cực và nghiêm khắc xử lý những cá nhân, tập thể chây ì, không hoàn thành nhiệm vụ.

Các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc các quy chế giao ban, lập kế hoạch thông tin, dự kiến thông tin và quy định về thỉnh thị, báo cáo các cấp lãnh đạo, đặc biệt là việc báo cáo về việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan.

- Các đơn vị thông tin tăng cường trao đổi, phối hợp khi cùng thực hiện thông tin về một sự kiện, vấn đề nào đó để thông tin không chỉ được thể hiện bằng nhiều loại hình mà thông tin còn có thể chạm đến nhiều khía cạnh khác nhau của sự kiện/vấn đề và được thể hiện bằng các thể tài khác nhau. Đối với những sự kiện, vấn đề quan trọng, được dư luận quan tâm, lãnh đạo cơ quan trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết trên cơ sở ý kiến đề xuất từ các đơn vị thông tin và tham mưu. Sau triển khai, cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm. Thời gian gần đây, chúng ta tổ chức các nhóm đặc nhiệm đi đưa tin về một số sự kiện đột xuất và về cơ bản hiệu quả thông tin đã được nâng cao nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Đồng thời với việc trao đổi, phối hợp về nội dung thông tin, các đơn vị cũng cần trao đổi và phối hợp về thời điểm đăng phát thông tin. Việc một sự kiện, vấn đề được cùng lúc đề cập đến trên nhiều phương tiện, cơ quan báo chí trong ngành (và từ đó lan tỏa ra các cơ quan báo chí ngoài ngành) chắc chắc sẽ mang lại hiệu ứng cao hơn.

- Đối với những sự kiện, vấn đề diễn ra ở các địa phương trong nước/ngoài nước, sự trao đổi hai chiều giữa các đơn vị thông tin và các CQTT là rất cần thiết. Các đơn vị có thể chủ động xây dựng kịch bản thông tin, trao đổi, phân vai thực hiện với CQTT. Về phía các CQTT, khi phát hiện sự kiện tại địa bàn, cũng có thể chủ động đề xuất kế hoạch thông tin với các đơn vị.

Đối với những sự kiện, vấn đề diễn ra đồng thời ở nhiều địa bàn, CQTT tại một địa bàn khó có thể đề xuất một kế hoạch thông tin tổng thể. Trong trường hợp đó, các đơn vị thông tin, đặc biệt là các đơn vị thông tin nguồn, phải là đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch cho tuyến thông tin đó. Chúng tôi xin nêu ra đây một ví dụ cụ thể: Trong mảng thông tin quốc tế, khi cần tổ chức tuyến thông tin về khủng hoảng người nhập cư ở châu Âu hiện nay, lãnh đạo ngành có thể giao Ban biên tập tin Thế giới đứng ra làm đơn vị chủ trì; trao đổi với Ban TKBT, Ban biên tập Ảnh, Vnews để xây dựng một kế hoạch thông tin về vấn đề này bằng nhiều loại hình và từ nhiều góc độ khác nhau (chính trị - xã hội - kinh tế); đồng thời trao đổi, phối hợp với các CQTT tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi và cả các CQTT ở những địa bàn khác có liên quan như Washington, New York...

- Đối với các tuyến tin có sự tham gia của nhiều CQTT trong một khoảng thời gian dài, đơn vị thông tin nguồn bên cạnh việc xử lý thông tin theo tiến độ thời sự cũng cần cân nhắc có phương án tổng hợp thông tin thành một sản phẩm mang tính xâu chuỗi để có thể thể hiện được sức mạnh của hệ thống. Chúng tôi dẫn chứng việc các CQTT ngoài nước trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014 tham gia khá tích cực vào tuyến tin bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng ta có rất nhiều thông tin về hội thảo, phỏng vấn các chuyên gia học giả, bạn bè quốc tế ủng hộ chúng ta trong cuộc đấu tranh đó. Các đơn vị ở Tổng xã mới chỉ xử lý theo tiến độ thời sự. Nếu chúng ta có phương án tổng hợp thành một phóng sự thì có lẽ sản phẩm thông tin này của chúng ta một mặt cung cấp cho công chúng một cái nhìn tổng thể về vấn đề, mặt khác có thể tham dự các giải báo chí toàn quốc hoặc giải thông tin đối ngoại. Hơn thế nữa, sản phẩm này cũng sẽ là một tư liệu tổng hợp hữu ích của ngành sau này.

- Ngành đã bước đầu triển khai việc tích hợp các loại hình thông tin, song hiện mới dừng lại ở việc tích hợp thông tin văn bản và thông tin ảnh, và số lượng thông tin được tích hợp cũng còn hạn chế. Trong khi đó, ta đã thực hiện được các loại hình thông tin văn bản, ảnh, truyền hình, đồ họa, âm thanh nên tiến tới cần tăng cường tích hợp nhiều loại hình thông tin hơn, đồng thời tăng số lượng thông tin tích hợp. Lãnh đạo ngành đã có chỉ đạo đơn vị kỹ thuật xây dựng phần mềm tích hợp thông tin để triển khai công tác này.

- Riêng với mảng thông tin quốc tế, để thực hiện dịch vụ mới này, chúng ta cần mở rộng, đa dạng hóa nguồn tin. Bên cạnh các hãng thông tấn laÌ€ đối tác truyêÌ€n thống của TTXVN như AFP, AP, Reuters, THX, Kyodo, TASS, Yonhap..., ta câÌ€n tăng cươÌ€ng khai thác thêm các nguôÌ€n tin khác như các báo điêÌ£n tử có uy tín, đăÌ£c biêÌ£t laÌ€ báo chí taÌ£i nước/khu vưÌ£c có liên quan, vaÌ€ thâÌ£m chí các tài khoản mạng xã hôÌ£i của những tổ chức/cá nhân có uy tín.

- Mảng tin quốc tế phổ biến đã có nhiều cải tiến, theo hướng nhanh chóng, đúng định hướng và có độ bao phủ hơn; gồm hầu hết là tin động thái, tin tổng hợp và một số ít bài phân tích, bình luận thuộc chủ yếu là lĩnh vực thời sự chính trị (cũng có thông tin về văn hóa, thể thao, khoa học... song số lượng còn hạn chế). Để bản tin này hấp dẫn hơn, chúng tôi cho rằng cần tăng cường thêm nhiều bài viết và mở rộng thông tin sang các lĩnh vực của đời sống, xã hội.

Tăng cường trao đổi, phối hợp trong tất cả các công đoạn của quá trình thực hiện thông tin chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thông tin cao hơn, góp phần để thông tin của TTXVN luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng và công chúng đón nhận. 

Theo Nội san Thông tấn, số 11/2015