Thứ tư, ngày 15/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tiêu chí đánh giá chất lượng thông tin của TASS


(08/12/2015 15:37:24)

TASS đề ra những nguyên tắc cơ bản để đánh giá chất lượng, hiệu quả của thông tin, qua 18 tiêu chí cơ bản như sau:

1. Quan điểm nhất quán và xuyên suốt về tầm quan trọng và mức độ của thông tin gồm ba cấp. đặc biệt khẩn cấp, Khẩn cấp hoặc Thông thường, trong đó trình tự ưu tiên được xác định: "1" - đặc biệt khẩn cấp, "2" - khẩn cấp, "3" với các thông tin sự vụ thông thường.

2. Ngay từ dòng đầu tiên (dưới tiêu đề) phải thể hiện được thông điệp ngắn gọn và những "từ khóa" cơ bản.

3. Tiêu đề không được vượt quá 90 ký tự.

4. Dung lượng tối đa của mỗi tin khẩn cấp không được vượt quá 3 khổ (đoạn), với các tin thông thường không quá 6. Tại mỗi khổ, dung lượng không được vượt quá 3-4 câu.

5. Phần dẫn dắt sapo (lead) chỉ đưa những nội dung chính, bao gồm thông điệp cơ bản, trả lời câu hỏi : "Ai", "Cái gì", "Ở đâu", "Bao giờ".

6. Phần dẫn dắt sapo được định vị như hình thái kể chuyện, trong đó không nên bắt đầu từ thời gian và địa điểm hoặc những chi tiết, con số bắt buộc phải đưa vào trong cấu trúc nội dung chính.

7. Phần dẫn dắt không được tạo ra câu hỏi ngờ vực. Các chi tiết của thông tin không được lặp lại trong phần sau nếu như không được bổ sung phát triển nội dung.

8. Tất cả thông tin đều phải trích dẫn nguồn. Theo nguyên tắc quan trọng nhất, nguồn thông tin phải được đặt ngay trong nội dung chính yếu hoặc tối thiểu phải đưa ra ngay sát đó.

9. Nếu thông tin được tạo nên từ ý kiến chủ quan của nhân chứng, nhất thiết phải nêu rõ yếu tố này trong nội dung chính thức.

10. Nếu thông tin được trích dẫn từ ý kiến không chính thức hoặc từ cá nhân không có trách nhiệm, trong văn bản nhất thiết phải có sự chú thích rõ ràng về việc này.

11. Nếu nguồn thông tin đề cập đến những vấn đề còn đang gây tranh cãi hoặc hướng thiên lệch về một phía chủ thể, cần phải giữ vững lập trường cân bằng giữa các phía. Luôn cân nhắc về chiều hướng khác, những phản hồi hoặc bình luận từ phía khác mà thông tin có thể tạo ra.

12. Mỗi tác phẩm thông tin phải thể hiện ở dạng chính văn, toát lên tầm quan trọng vì sao phải công bố thông tin này. Trong trường hợp cần thiết cần bổ sung những nội dung để tạo dựng "thông tin nền", giúp cho nội dung chính được rõ nghĩa.

13. Bất kỳ một thông tin mới nào được thực hiện cũng phải bám sát theo một chủ đề và liên tục phát triển, nuôi dưỡng dòng chảy thông tin đó, cập nhật và tạo dựng những điểm nhấn mới.

14. Họ và tên của bất kỳ nhân vật, cơ quan, tổ chức nào xuất hiện trong văn bản cũng phải thể hiện đầy đủ, chính xác.

15. Nội dung thông tin không được lồng ghép đánh giá chủ quan hoặc suy diễn của tác giả, kể cả thông qua những từ ngữ hoặc ví dụ cụ thể.

16. Thông tin cần đề rõ tác giả, người chịu trách nhiệm biên tập - kiểm định; thể hiện rằng mỗi tác phẩm đều có ít nhất hai người theo dõi - hai góc nhìn trực tiếp. Thông tin khẩn cấp đến đâu khi được đăng tải cũng phải được người có trách nhiệm theo dõi giám sát bằng trách nhiệm cao nhất của mình.

17. Trước khi xuất bản bất kỳ thông tin nào cũng cần định tâm rằng vì sao nội dung này không thể xuất bản được sớm hơn, nhanh hơn.
18. Nếu sự kiện còn thể hiện chiều hướng tiếp tục phát sinh, phát triển hoặc chủ đề này có liên quan tới các bộ phận nội dung khác nhau, cần thiết phải thông báo ngay tới người có trách nhiệm của bộ phận đó hoặc tới trực tiếp Tổng biên tập.

Theo Nội san Thông tấn, số 11/2015