Thứ năm, ngày 02/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tin truyền hình giảm – Nhìn từ thực tế khu vực phía Nam


(14/06/2016 14:25:30)

Từ đầu 2015, tin truyền hình từ nhiều cơ quan thường trú (CQTT) trong nước gửi về Tổng xã có dấu hiệu giảm nhanh; thời điểm tháng 3/2016 đã giảm đến mức quan ngại so với cùng kỳ năm ngoái. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin được "xới lên" vấn đề nêu trên ở khu vực phía Nam, để thêm một góc nhìn trước thực tế này.

Nhà báo Phan Trọng Hải (người cầm micro) tác nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Vĩnh Long

Báo cáo tổng kết công tác 2015 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 của Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam xác nhận: Đến hết tháng 11/2015, có 20/21 CQTT phía Nam (trừ CQTT tại TP. Hồ Chí Minh) đã chuyển về Trung tâm Truyền hình 2.092 tin, giảm 902 tin (30,1%) so với cùng kỳ năm 2014. Theo số liệu của Vnews, trong quý I năm 2016, 20 CQTT phía Nam đã chuyển về Trung tâm Truyền hình 387 tin, giảm 222 tin (57%) so với quý I năm 2015.

Trong khi lượng tin truyền hình giảm mạnh thì lượng tin ảnh của khu vực này lại tăng đột biến, lên tới 67% so với cùng kỳ 2015. Nguyên nhân của thực trạng này có thể giải thích trên một số khía cạnh sau:

 

Vấn đề định chế

Theo Quy chế 1/8/2014: "Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thông tấn nhà nước, các CQTT có trách nhiệm thực hiện tin, bài viết thông tấn (cho các Ban biên tập tin Trong nước và Ban biên tập tin Kinh tế ) bằng 60% định mức bắt buộc theo lương quy định, 40% định mức bắt buộc theo lương còn lại, phóng viên có thể thực hiện bằng tin; viết bài; tin ảnh; tin hình; tin âm thanh…".

Như vậy, việc làm tin ảnh và tin hình là không bắt buộc, chỉ là "có thể" (nghĩa là có thể làm và có thể không).

Vấn đề này, cần có quy chế bắt buộc, bởi ngoài việc cân đối giữa ba loại hình thông tin (văn bản, tin hình và ảnh) của quy chế "ba trong một" còn là vấn đề thiết bị (máy quay phim cùng máy tính xách tay cho dựng hình) đã trang bị cho 20/21 CQTT. Ngoài các máy quay phim chuyên dụng đảm bảo cho ghi hình các sự kiện thời sự và chuyên đề, hiện nhiều CQTT ở khu vực phía Nam còn được trang bị máy ảnh có công năng quay phim chuẩn HD - định dạng 16 x 9, rất phù hợp cho việc làm tin hình.

 

Vấn đề "không sử dụng tin nhỏ lẻ, tin hội nghị"

Khảo sát vấn đề tin hình không được sử dụng trong tháng 3/2016 của các CQTT khu vực phía Nam, xin được nêu một số vấn đề:

Trong nhiều chủ đề thông tin không được sử dụng, chỉ có hai chủ đề thông tin không dùng do chất lượng hình ảnh, âm thanh không đạt chuẩn (tin "An Giang bảo vệ môi trường bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu", được nhận xét "hình xấu quá, thiếu hình hội nghị, không dùng"; tin "Đồng Nai, Phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường về công tác khắc phục vụ sập cầu Ghềnh", nhận xét "tiếng phỏng vấn ồn, không đảm bảo chất lượng phát sóng"). Nếu chất lượng hình ảnh, âm thanh đúng là như thế, không được sử dụng là tâm phục, khẩu phục.

Tuy nhiên, vấn đề còn nhiều "tin nhỏ không sử dụng" trong tháng 3/2016, xét thấy cần phải trao đổi thêm. Thí dụ, "Đồng Nai 27.3. Trục vớt cầu Ghềnh bị húc đổ tại Đồng Nai", nhận xét "không sử dụng, nội dung đã được đưa đi đưa lại nhiều". Đúng là như thế, bởi trước đó PV đã đưa hai tin về trục vớt cầu Ghềnh. Song thực tế tin này vẫn có thể dùng được vì là tin đeo bám sự kiện. Hơn nữa, tiêu đề không thể mới, bởi sự kiện vốn chỉ có thế. Theo thiển nghĩ của người viết, sự kiện cầu Ghềnh không chỉ là cập nhật từng giờ, nếu có điều kiện, truyền hình trực tiếp trong nhiều ngày vẫn có thể chấp nhận được.

Tin "Cần Thơ nỗ lực phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết" được nhận xét "không sử dụng, tin nhỏ". Nhưng BTV có nghĩ Cần Thơ khác với Mỹ Tho và Rạch Giá… Bởi Cần Thơ có Cảng hàng không Quốc tế, có thể có virus Zika vào Việt Nam qua cửa khẩu này!

Một tỉnh thuần nông như Vĩnh Long, nay có tin "Vĩnh Long phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", được duyệt "tin nhỏ không sử dụng"; tin "Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 ra quân huấn luyện" duyệt không sử dụng vì "biên giới biển đảo, không sử dụng"; tin "Trao đổi kinh nghiệm, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào người chăm" không sử dụng vì "quy mô ngành công an, không mang tính tiêu biểu…" Tất cả đều là những tin thực lòng muốn xin THTT xem lại.

Vẫn biết việc tính điểm sản phẩm thông tin truyền hình là áp theo khung điểm đã quyết trong Quy chế. Tuy nhiên, không khỏi chạnh lòng khi xem "Tìm giải pháp cho ĐBSCL ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn", nhận xét "có tư liệu sống động", tính 60 điểm; "Rừng tràm U Minh Hạ không còn nước để cứu hỏa", nhận xét "đề tài mang tính phát hiện, cảnh báo kịp thời…", tính 40 điểm; "Bộ đội giúp dân vùng hạn nặng", nhận xét "hay, đúng, trúng, kịp thời", tính 60 điểm! Liệu điểm cho như vậy đã thỏa đáng!

Trên đây chỉ là số liệu của một tháng, chưa mang tính tiêu biểu nên chưa thể khái quát toàn bộ vấn đề. Song vấn đề tin không dùng và tính điểm tin trước nay vẫn là rất khó, dễ có ý kiến không đồng thuận.

Phóng viên hẳn sẽ không khỏi băn khoăn khi đọc lý do tin không dùng chỉ với một câu cụt: "Ko sd tin nhỏ" - "k đưa, tin nhỏ - Anh Mơ chỉ đạo" - "ko dùng tin này"…!

Đề xuất ở đây là chúng ta có thể cụ thể hơn, chỉ bảo nhau nhiều hơn được không trong loại hình thông tin khá mới là truyền hình, để cùng nhau nâng cao chất lượng thông tin.

Theo Nội san Thông tấn, số 5/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Sức trẻ Việt Nam News (10/06/2016 15:37:52)

Cùng lắng nghe nhau (11/05/2016 14:58:23)

Một số giải pháp đối với dòng thông tin mang tính chủ lưu (07/04/2016 10:55:48)

Ghi nhận từ một cuộc tọa đàm: "Bàn giải pháp nâng cao chất lượng thông tin ảnh khu vực phía Nam" (12/01/2016 10:36:01)

Chung tay nâng tầm thương hiệu (12/01/2016 10:29:18)

Tiêu chí đánh giá chất lượng thông tin của TASS (08/12/2015 15:37:24)

Thực hiện tốt chức năng thông tấn nhà nước từ sự gắn kết (08/12/2015 15:01:15)

“Phân vai” thông tin  (08/12/2015 14:54:58)

Sự học của người làm báo là vô hạn (08/12/2015 14:47:42)

Câu chuyện "Tiếp dân" của Trung tâm Kỹ thuật thông tấn (04/11/2015 14:57:04)