Thứ năm, ngày 07/11/2024

Trao đổi - Thảo luận

Sức trẻ Việt Nam News


(10/06/2016 15:37:52)

Nhiều năm gần đây, báo Việt Nam News có một thế mạnh là lực lượng lao động trẻ đông đảo, thạo nghề, có mặt ở nhiều phần công việc khác nhau của tòa soạn. Sức trẻ, nhiệt huyết, sự say mê và hoài bão của họ đã tạo nên dấu ấn trong nhiều trang viết Việt Nam News.

 

 

Tôi muốn gắn bó với Việt Nam News

Việc tôi đến với Việt Nam News là một điều hết sức tình cờ và chỉ được quyết định trong vòng một tuần. Tuy mới chỉ trải qua gần hai năm làm việc, nhưng tôi rất hy vọng đây sẽ là nơi mà mình gắn bó và làm việc trong một thời gian dài tiếp theo.

Tôi đã từng có những suy nghĩ về con đường sẽ đi sau này, ví dụ như tìm một công việc nào đó cho phép mình bay nhảy và không bó buộc trong môi trường văn phòng, hay tìm kiếm cơ hội việc làm ở các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội vì mong muốn đóng góp một phần công sức cho xã hội. Trên hết, tôi muốn có cảm giác tự do được làm những gì mình thích, những gì mình muốn...

Nhưng tôi đã không đắn đo suy nghĩ một chút nào khi cơ hội được làm việc trong tòa soạn của Việt Nam News đến, vì nghề báo có vẻ là một thử thách thú vị trong hoàn cảnh tôi đang có ý định "nhảy việc" sau ba năm làm phiên dịch-biên dịch. Cho đến hiện tại, tôi thấy nghề báo đem lại cho tôi nhiều "cái được".

Làm phóng viên đặt ra cho tôi những thử thách, khó khăn mới mà tôi cần thích nghi và vượt qua. Việc truyền tải thông tin đến độc giả và khán giả chưa bao giờ là dễ dàng, ngay cả khi chúng ta viết và nói bằng tiếng mẹ đẻ. Trong khi đó, mọi câu chuyện, mọi thông tin ở đây đều được viết bằng tiếng Anh. Điều này làm mọi chuyện khó khăn hơn cho một người mới vào nghề như tôi vì hai lý do sau:

Chi đoàn thanh niên báo Việt Nam News tham gia chương trình truyền hình "Nào mình cùng lên xe buýt" của VTV3, ngày 14/5/2008

Thứ nhất, tôi phải đảm bảo cách viết đơn giản, trực diện và dễ hiểu đối với các biên tập viên nước ngoài, những độc giả đầu tiên của báo. Điều này với một người mới chân ướt chân ráo vào nghề như tôi thực sự là vấn đề vì đã quen với lối viết dài dòng của văn viết "học thuật".

Tôi cũng đã phải mất một thời gian kha khá để làm quen với cách viết mới. May mắn là, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ từ lãnh đạo tòa soạn, các anh chị đồng nghiệp đi trước và các biên tập viên nước ngoài để nâng cao chất lượng bài viết của mình.

Thứ hai, trực báo muộn cũng là một vấn đề mà tôi phải thích nghi. Thực ra thì việc trực muộn cũng không có quá nhiều khó khăn đến mức phát ngán, nhưng nó đòi hỏi từng người phải biết sắp xếp công việc riêng sao cho không bị chồng chéo; khi trực đòi hỏi tập trung tối đa để số báo hôm sau không vướng phải lỗi "ngớ ngẩn".

Tôi cảm thấy thích thú với công việc khi bản thân mình hằng ngày được đối diện với các thử thách theo các cách mới mẻ và không ngày nào giống ngày nào. Trong công việc, tôi coi các thử thách đó là mục tiêu và động lực để mình cải thiện khả năng của bản thân trong việc đáp ứng các yêu cầu từ ban biên tập và độc giả.

Cho đến hiện tại, tôi thích cái lối suy nghĩ của nhà báo, bắt mình phải động não thật nhiều, thật nhanh để tìm ra những ngóc ngách, những câu chuyện gây hứng thú cho độc giả. Làm báo cũng khiến tôi chú ý hơn tới việc quan sát, theo dõi và phân tích các biến động hằng ngày, từ đó giúp mở mang kiến thức và cung cấp thêm những cái nhìn mới về các vấn đề thời sự nóng trong nước và quốc tế.

Cuối cùng, môi trường làm việc ở Việt Nam News rất phù hợp với tôi. Các anh chị đồng nghiệp và lãnh đạo trong tòa soạn rất trẻ trung và năng động. Thêm vào đó, các hoạt động tập thể luôn vui tươi và sôi nổi, có thể kể đến đội bóng đá Việt Nam News vẫn được duy trì và sinh hoạt đều đặn. Đây là những yếu tố quan trọng giúp cho tôi có thể gắn kết lâu dài với tòa soạn.

 
Môi trường tốt để rèn luyện

Tôi bắt đầu công việc ở Việt Nam News với tư cách một thực tập sinh. Làm một thực tập sinh không có nghĩa rằng tôi chưa từng làm việc ở một nơi nào khác. Ít nhiều tôi cũng đã có kinh nghiệm để đón nhận những lời khen cũng như những lời chỉ trích khi không làm tốt một việc gì đó. Nhưng chưa có ai khiến tôi trở nên thực sự nghiêm túc như bác John "già" ở Việt Nam News cả.

Tờ báo tôi đến thực tập và làm việc đến bây giờ là tờ báo tiếng Anh lớn nhất ở Việt Nam. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là những phóng viên (PV) người Việt như chúng tôi, dù tiếng Anh có xuất sắc đến đâu hay đã từng du học ở nước ngoài, vẫn cần những người nước ngoài bản địa giúp chỉnh sửa câu cú, cách dùng từ, uốn nắn bài báo theo phong cách báo chí nước ngoài, để đáp ứng nhu cầu của hầu hết độc giả không phải là người Việt.

Bác John là một trong số những biên tập viên (BTV) nước ngoài làm việc lâu năm nhất ở Việt Nam News. Vốn là một PV kì cựu người Úc, bác đã dành những năm tháng cuối đời để tiếp tục theo nghiệp báo chí của mình ở một tờ báo Việt Nam.

Lúc tôi bắt đầu làm việc ở tòa soạn, các chị đồng nghiệp đã dọa tôi về sự khó tính của bác John. Bác đòi hỏi phải sửa chỗ này, xóa chỗ nọ trong bài báo. Bác hỏi những câu mà mọi người đều thắc mắc vì sao đơn giản như vậy mà bác lại không hiểu. Tôi thầm nghĩ có thể bác già lắm rồi nên mới càu cạu như vậy.

Cho đến lúc những bài báo của tôi "bị" qua tay bác. Điều hiển nhiên là một người chưa từng có kinh nghiêm viết báo như tôi đã bị bác "quay" cho ra trò. Gần như mỗi ngày tôi đều bị gọi ra bàn làm việc, xem bác thay đổi gần như toàn bộ bài viết của mình. Tôi chấp nhận việc đó vì thực sự những gì bác John sửa lại hay hơn bài cũ của tôi rất nhiều. Nhưng chính vì có John sửa lại nên tôi lại gần như phó mặc bài viết của mình. Tôi dễ dãi với chính những "đứa con tinh thần" của mình.

Rồi đến một ngày khi tôi ngắc ngứ hàng chục phút khi phải trả lời những câu hỏi của John. Bài viết về vấn đề gì tôi không còn nhớ rõ nữa, nhưng tôi nhớ như in khi John kéo tôi ra khỏi khu làm việc của các BTV nước ngoài, nói rằng hãy về viết lại bài đi vì bác không muốn làm tôi phải xấu hổ. John sợ rằng những BTV nước ngoài khác sẽ đánh giá thấp tôi khi thấy tôi không thể trả lời ra hồn những câu hỏi về chính bài viết của mình.

Tôi chưa bao giờ thấy xấu hổ về sự kém cỏi của mình hơn thế.

Tôi cố gắng thay đổi. Tôi học cách viết bài từ những gì John sửa cho tôi, học cách tư duy của người nước ngoài để viết những bài báo dễ hiểu hơn cho họ. Chuyện này không dễ dàng. Và phải mất một khoảng thời gian, tôi mới viết được những bài mà John không cần phải gọi ra để hỏi thêm cho rõ nữa. Những cái lắc đầu của John khi sửa bài cho tôi đã được thay bằng những lời khen, cả trực tiếp và gián tiếp. Niềm vui sướng khi công sức của mình đơm hoa kết trái thực sự khó có lời nào có thể tả hết.

Hồi đại học, tôi học chuyên ngành Quan hệ quốc tế và chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ trở thành PV. Tôi đã không biết rằng làm PV thú vị đến vậy, khi luôn luôn học thêm được ít nhất là một điều mới mỗi ngày. Từ các vấn đề to tát như bảo hiểm y tế, ô nhiễm môi trường hay đến những chuyện nhỏ bé và có phần buồn cười với một cô gái sinh ra và lớn lên ở thành phố: Kỹ thuật trồng sắn xen cỏ.

Từ khi vào làm việc ở Việt Nam News, đến nay đã được hai năm, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Giờ đây tôi thấy hài lòng với bản thân mình, với những gì đã học được và cảm thấy công việc mình làm mỗi ngày có ích và đóng góp cho xã hội. Tôi biết ơn Việt Nam News vì điều đó!

 
Động lực cho những phóng viên trẻ

Tháng 7/2015, khi mới chân ướt chân ráo đến thực tập tại tòa soạn báo Việt Nam News, tin đầu tiên tôi được giao liên quan đến tai nạn giao thông. Phải mất 3 - 4 lần chỉnh sửa câu chữ, từ ngữ, bố cục, qua hiệu đính của chuyên gia nước ngoài, tin mới được duyệt và đăng lên báo ngày hôm sau. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác vui mừng khi lần đầu tiên đọc được tin mình viết trên một tờ báo đối ngoại lớn, dù đó chỉ là mẩu tin nhỏ 100 chữ trong cột tin vắn ở trang ba.

Những kinh nghiệm được các anh chị trong tòa soạn chia sẻ, những bài học về làm báo đối ngoại đầu tiên của một sinh viên báo chí vừa mới tốt nghiệp là những kỷ niệm sâu đậm trong tôi.

Nhớ lại lần đầu tiên cầm trên tay tờ báo Việt Nam News khoảng 19 năm về trước, tôi thậm chí còn chưa biết đánh vần tiếng Việt. Khi ấy, tôi vẫn theo mẹ đi trực mỗi đêm tại Xí nghiệp In Thông tấn xã. Hồi đó chưa có kỹ thuật dàn trang hiện đại trên máy tính như bây giờ nên công nhân phải chờ từng mẩu tin, đính lên market (làm bằng giấy can) bằng băng dính thủ công rồi mang đi in. Ấn tượng Việt Nam News trong tôi là khi được đứng bên cạnh máy in và quan sát từng trang báo chạy ra, rồi từng sấp báo cao đến ngang đầu được chuyển đến những sạp báo khi trời tờ mờ sáng.

Tập thể cán bộ, phóng viên tòa soạn báo Việt Nam News năm 2011

Khi vào đại học, Việt Nam News lại trở thành nguồn tài liệu cho tôi và các bạn sinh viên báo chí trong mỗi tiết học tiếng Anh chuyên ngành. Ước mơ trở thành nhà báo ấp ủ từ những năm tháng học cấp ba đã thôi thúc tôi nộp hồ sơ thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền khoảng 5 năm về trước. Cùng với đó, niềm đam mê ngoại ngữ khiến tôi lựa chọn một chuyên ngành đặc biệt hơn những chuyên ngành báo chí khác, đó là Quan hệ quốc tế, đào tạo ra các nhà báo đối ngoại.

Những ngày đầu làm việc tại Việt Nam News, khó khăn lớn nhất với tôi là làm sao để chuyển tải thông tin từ ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ sang ngôn ngữ tiếng Anh để độc giả hiểu vấn đề. Mỗi khi viết tin, bài, tôi coi mình như một người kể chuyện, kể cho độc giả nghe câu chuyện qua góc nhìn khách quan, trung thực nhất.

Là phóng viên Việt Nam News, trong gần một năm qua tôi có những chuyến đi công tác xa tới Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng..., những vùng đất tuy không mới nhưng mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm của một người làm báo đối ngoại. Những hội thảo, hội nghị, những cuộc phỏng vấn, những bài viết chuyên đề sâu là những cơ hội lớn để tôi được học và làm nghề. Tôi nhận ra mình thật may mắn khi đang thực hiện được ước mơ làm báo đối ngoại của mình.

Ngày ngày, mỗi buổi sáng đến tòa soạn, được đọc những tin bài do chính mình và các đồng nghiệp viết là niềm vui, động lực lớn của một phóng viên trẻ như tôi.

Theo Nội san Thông tấn, số 5/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải báo chí TTXVN 2015: 56 tác giả, nhóm tác giả được vinh danh (11/05/2016 15:13:47)

Cùng lắng nghe nhau (11/05/2016 14:58:23)

Khủng hoảng báo chí Anh (08/04/2016 09:47:37)

Một số giải pháp đối với dòng thông tin mang tính chủ lưu (07/04/2016 10:55:48)

Ghi nhận từ một cuộc tọa đàm: "Bàn giải pháp nâng cao chất lượng thông tin ảnh khu vực phía Nam" (12/01/2016 10:36:01)

Chung tay nâng tầm thương hiệu (12/01/2016 10:29:18)

Tiêu chí đánh giá chất lượng thông tin của TASS (08/12/2015 15:37:24)

Phóng viên "kiêm" điệp viên (08/12/2015 15:34:31)

Ghi nhận từ cuộc hội thảo "Nâng cao hiệu quả thông tin truyền hình" (08/12/2015 15:05:23)

Thực hiện tốt chức năng thông tấn nhà nước từ sự gắn kết (08/12/2015 15:01:15)