Thứ sáu, ngày 03/05/2024

Trao đổi - Thảo luận

Cùng lắng nghe nhau


(11/05/2016 14:58:23)

Khi tôi hỏi về việc tại sao thời gian gần đây các bạn có vẻ hứng thú chụp ảnh hơn là làm tin truyền hình, thay vì trả lời, một phóng viên (PV) trẻ đang công tác tại cơ quan thường trú (CQTT) khu vực phía Nam lại kể: Có lần em vất vả cả ngày trời đi cơ sở để đưa tin về một mô hình trồng rau sạch và cung ứng sản phẩm chất lượng trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng. Cơ sở này rất có uy tín trên địa bàn và được đánh giá là mô hình cần nhân rộng. Vì làm tin hình đã vài năm, nên em cũng biết chăm chút về hình ảnh, lời bình... Tin gửi ra Trung tâm truyền hình thông tấn (THTT), đợi mãi không thấy phát, cũng không thấy hồi âm. Khi em gọi hỏi thì mới nhận được ý kiến: chuyện này nhiều địa phương đã làm, không có gì mới, không dùng! Lúc đó thật sự trong em là cảm giác hụt hẫng vì cho rằng nhận xét như vậy là chưa thỏa đáng.

Một PV CQTT phía Bắc được phân công đưa tin về chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia tại địa phương. Bám theo đoàn cả ngày trời để đưa tin tổng hợp về hoạt động của đoàn công tác, vậy mà thấy thông báo tin đó được chấm 30 điểm, cảm giác cũng nặng nề lắm. Không ít PV thường trú trải lòng về việc làm một tin hình tốn công tốn sức. Nếu là tin đi cơ sở thì mệt hơn, vì bên thông tấn ít người không thể làm việc nhóm, một PV phải đảm đương tất cả các công đoạn nên khi chấm tin hay khi bỏ tin rất mong các anh chị ở Hà Nội cân nhắc cho. Tin nào có thể "cứu" được, BTV nên gọi điện trao đổi ngay để kịp thời bổ sung, như vậy PV rất cảm kích. Có PV còn bảo, chả biết tại sao các anh chị BTV ở THTT "thích" chấm điểm lẻ 27, 37, thậm chí 16 điểm/tin; hoặc sao kiệm lời thế nhỉ, nhận xét tin bỏ chỉ cụt lủn vài câu chung chung, như vậy khó thuyết phục PV lắm...

Vậy là phía sau thực tế tin ảnh tăng, tin hình giảm mạnh thời gian gần đây là cả một câu chuyện về sự phối hợp, mối quan hệ công tác giữa các đơn vị. Một số PV thường trú trong nước cũng thẳng thắn thừa nhận rằng vì cuộc sống nên phần nào có sự so đo, tính toán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nôm na như: Chụp ảnh điểm khá hơn, lại không tốn quá nhiều công sức, dễ được sử dụng, thế là PV chuyên tâm chụp ảnh, đưa tin văn bản, "lờ" đi tin hình. Tâm lý, "sợ" tin truyền hình đưa về lại bị chê là "tin nhỏ lẻ; chủ đề không có gì mới; hoặc hình ảnh thiếu, không đạt..." cũng khiến mọi người ngần ngại khi làm tin hình.

Càm ràm vậy thôi, đa phần PV các CQTT ở cả ba khu vực phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và phía Nam thực sự vẫn rất tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Rất nhiều anh chị em cùng chung suy nghĩ, từ ngày TTXVN có kênh THTT, vị thế của các CQTT cũng được nâng tầm lên rất nhiều so với trước. Nhận thấy trách nhiệm của mình với ngành, với nghề, đội ngũ PV đang làm nhiệm vụ ở các địa phương cũng đã nỗ lực vươn lên, vừa đảm bảo bao quát địa bàn, vừa thực hiện cả ba loại hình thông tin. Mọi người đều hiểu làm truyền hình không dễ nên khó tránh được việc từ chủ đề đến chất lượng hình ảnh, lời bình của tin, phóng sự có thể chưa đáp ứng được yêu cầu của THTT. Chính vì vậy, anh chị em PV thường trú rất cần được THTT thường xuyên trao đổi, định hướng cùng cả sự lắng nghe và thấu hiểu hơn nữa về tính chất công việc của họ. Không ít ý kiến của PV đề xuất THTT nên đưa ra định hướng thông tin tuần, tháng đối với cả hệ thống CQTT hoặc từng khu vực, từng địa bàn; đánh giá, nhận xét về tin hình hằng tháng của các CQTT... như hai ban biên tập Trong nước và Kinh tế để PV địa phương "biết đường mà chạy", giúp mọi người nắm rõ những chủ đề thông tin cần thiết. Đối với những sự kiện quan trọng đã biết trước hoặc sự kiện đột xuất xảy ra ở các địa bàn, THTT cần chủ động gợi ý, có kế hoạch thông tin một cách bài bản, như vậy sự phối hợp của cả hai phía sẽ hiệu quả, nhịp nhàng, thoải mái hơn. Cách chấm điểm cho sản phẩm tin hình của PV địa phương cũng nên bám sát thang điểm quy định trong định mức, tránh cảm tính, phản ánh đúng chất lượng sản phẩm. Riêng đối với một số tin hội nghị cấp tỉnh, PV cũng hiểu rằng nên hạn chế đưa, song THTT có thể nghiên cứu, biên tập thành bản tin tổng hợp của các địa phương, cũng là cách để PV CQTT "dễ ăn nói", tăng mối quan hệ với lãnh đạo tỉnh, thành phố nơi mình đóng quân.

Trong các cuộc giao ban toàn ngành đầu tuần gần đây, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi đã nhiều lần nhắc nhở Trung tâm THTT tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng tin truyền hình của các CQTT giảm sút để có biện pháp khắc phục. Như trên đã đề cập, lý do đưa ra thì nhiều, đề xuất cũng đã có nhưng cái cần nhất ở đây là tinh thần trách nhiệm với ngành với nghề phải đặt lên trên hết. Kỹ năng trao đổi, lắng nghe, sẵn sàng tiếp thu ý kiến từ hai phía, người sản xuất và người sử dụng thông tin lúc này cần thiết lắm thay!

Theo Nội san Thông tấn, số 4/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Một số giải pháp đối với dòng thông tin mang tính chủ lưu (07/04/2016 10:55:48)

Ghi nhận từ một cuộc tọa đàm: "Bàn giải pháp nâng cao chất lượng thông tin ảnh khu vực phía Nam" (12/01/2016 10:36:01)

Chung tay nâng tầm thương hiệu (12/01/2016 10:29:18)

Tiêu chí đánh giá chất lượng thông tin của TASS (08/12/2015 15:37:24)

Thực hiện tốt chức năng thông tấn nhà nước từ sự gắn kết (08/12/2015 15:01:15)

“Phân vai” thông tin  (08/12/2015 14:54:58)

Sự học của người làm báo là vô hạn (08/12/2015 14:47:42)

Câu chuyện "Tiếp dân" của Trung tâm Kỹ thuật thông tấn (04/11/2015 14:57:04)

Dư âm tháng 9 (03/11/2015 15:50:09)

Báo chí chính thống- Người già, người trẻ đều tin (05/08/2015 15:23:34)