Thứ tư, ngày 03/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Làm thế nào để đoạt Giải báo chí quốc gia


(13/10/2016 10:12:46)

Trong hai năm trở lại đây, các tác phẩm báo chí thuộc thể loại ảnh báo chí của TTXVN thường xuyên được nhận các giải cao tại Giải báo chí quốc gia

Giải báo chí quốc gia là nơi hội tụ thành quả lao động sáng tạo hằng năm của các nhà báo trên khắp cả nước, góp phần phát hiện và tôn vinh những tài năng, tâm huyết của những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
Với đội ngũ gần 1500 phóng viên, biên tập viên hoạt động ở tất cả các loại hình báo chí, câu hỏi “làm thế nào để đoạt giải tại Giải báo chí quốc gia” luôn là mối quan tâm của các đơn vị thông tin và các cấp hội nhà báo của TTXVN. Đây cũng là nội dung được đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm do Liên chi hội nhà báo TTXVN tổ chức ngày 9/9.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập và những bài học kinh nghiệm từ các ban biên tập, tòa soạn, các đơn vị thông tin của TTXVN, phân tích nguyên nhân thành công và hạn chế, đề xuất phương hướng và các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm tham dự các giải báo chí trong thời gian tới.
Nhiều đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, tại Giải báo chí TTXVN cũng như Giải báo chí quốc gia có rất ít tin, bài mang tính phát hiện. Những tác phẩm được trao giải phần lớn là những chùm tin, bài phản ánh, phóng sự, ghi chép những sự kiện nổi bật hoặc nêu vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm. Để đoạt giải, nhất là các giải cao của Giải báo chí quốc gia, mỗi phóng viên, biên tập viên của TTXVN phải đổi mới tư duy thông tin, năng động và sáng tạo. Chính sự năng động “săn tin”, lăn lộn với thực tế kết hợp với sự nhạy bén của phóng viên mới có thể phát hiện ra, từ đó tìm ra lời giải đúng định hướng, đề xuất cách giải quyết hợp lý. Hiện nay, không ít phóng viên của chúng ta vẫn quen tác nghiệp thụ động, chờ giấy mời, làm tin theo báo cáo, văn phong dài dòng, diễn đạt không thoát.
Phó Chủ tịch thường trực LCH nhà báo TTXVN, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus Lê Quốc Minh cho rằng: TTXVN có một lực lượng phóng viên đông, được đào tạo đa nhiệm nhưng không chuyên sâu, bài bản vào một lĩnh vực cụ thể; số lượng tin, bài nhiều nhưng không có tin bài chất lượng, nhất là tác phẩm báo chí của các cơ quan thường trú, lại được đăng tải trên nhiều ấn phẩm khác nhau nên việc lựa chọn để dự thi rất khó. Đặc thù của TTXVN là mạnh về sản xuất tin nguồn, không mạnh về phóng sự, bình luận chuyên sâu trong nước và quốc tế, vì thế khó có những tác phẩm đặc sắc “ra tấm ra món” gửi dự thi.
Những tác phẩm báo chí ấn tượng sẽ là yếu tố đóng góp tích cực vào quá trình nâng cao chất lượng của Giải báo chí quốc gia. Mỗi phóng viên, biên tập viên của TTXVN cần có sự đầu tư theo chiều sâu và tổ chức thông tin một cách bài bản, có hệ thống. Các đơn vị cần nỗ lực nâng cao chất lượng thông tin, tạo những tuyến tin chuyên đề hướng tới các vấn đề lớn, nóng của xã hội, thông tin có sức chiến đấu cao và mang tính dự báo. Có làm được như vậy TTXVN mới tiếp tục giành được các giải cao hơn ở các giải báo chí lớn trong nước và quốc tế.
 
Giám đốc Cơ quan khu vực miền Trung – Tây Nguyên Ngô Anh Văn
Giải thưởng các nhà báo TTXVN giành được tại các giải báo chí lớn trong nước và quốc tế giảm dần theo từng năm. Vấn đề chính là do sức ép với phóng viên ngày càng lớn. Một phóng viên thường trú hiện phải đảm nhiệm tác nghiệp nhiều loại hình báo chí, nên việc tập trung đầu tư vào một tác phẩm đỉnh cao sẽ trở nên khó khăn.
Để nâng cao chất lượng các tác phẩm tham dự Giải quốc gia của TTXVN, rất cần có sự hỗ trợ, quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các đơn vị thông tin, của các chi hội cả về vật chất, chỉ đạo thông tin, tạo điều kiện cho phóng viên dấn thân và thực hiện những đề tài khó và sẵn sàng dành “đất” đăng tải những nội dung mới, có tính dự báo cao.
 
Phó Trưởng ban biên tập tin Trong nước Nguyễn Thị Sự
Để có tác phẩm dự thi chất lượng, quan trọng nhất là đề tài phải có tính phát hiện và sự vào cuộc, theo đến cùng sự kiện của phóng viên. Ngoài ra, hình thức thể hiện, cách thức triển khai, việc chọn lựa thể loại tác phẩm, văn phong đặc sắc… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tác phẩm.
Muốn đoạt giải báo chí, nhất thiết phải có sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các Ban biên tập, các Cơ quan khu vực với các cơ quan thường trú, trong việc triển khai tác phẩm và lựa chọn tác phẩm tốt nhất để tham dự. Mặt khác, mỗi cơ quan thường trú hằng năm phải đề ra mục tiêu tham gia giải, có kế hoạch cụ thể, nhận diện được chủ đề hay ngay từ khi phát hiện ra vấn đề, qua đó đầu tư chiều sâu, theo đuổi vụ việc.
 
Phó Trưởng ban biên tập tin Kinh tế Bùi Thị Mai Phương
Tin, bài kinh tế tham dự Giải báo chí quốc gia không nhiều. Việc tổ chức tuyến tin bài trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, hay giải quyết nợ xấu… nếu không gắn với điều tra thì sẽ khó đoạt giải. Muốn có những tác phẩm đoạt giải, phóng viên phải xác định được chủ đề của tác phẩm, xâm nhập vào thực tế vào cuộc sống xã hội, đầu tư chuyên sâu, xuyên suốt cho tác phẩm của mình. Sau khi chọn được để tài, nội dung cũng cần phải rất sắc bén, nắm bắt đúng thời điểm thời sự, làm sao để tác phẩm nói đúng được suy nghĩ, tình cảm của dư luận, có tác động cổ vũ xã hội. Nhiều tuyến tin, bài của Ban biên tập tin Kinh tế khi chấm ở Giải của cơ quan thì rất tốt nhưng khi gửi tham dự ở các cuộc thi cấp cao hơn thì lại chưa hiệu quả.
 
Ủy viên Thư ký Chi hội Báo ảnh Việt Nam Trịnh Thông Thiện
Đơn vị có một quy trình chặt chẽ để tuyển chọn tác phẩm dự giải. Ngay từ đầu năm, Ban biên tập và chi hội chủ động xác định một số đề tài “nguội” như: tự do tôn giáo, đất nước, con người…, phân công nhóm phóng viên thực hiện dựa trên sở trường của từng người. Khi đã có sản phẩm, Ban biên tập chú trọng khâu biên tập cả phần text và ảnh sao cho hoàn hảo và ăn khớp, sau đó đăng tải trên báo giấy và online. Khi tham dự các giải báo chí, Báo ảnh Việt Nam thường tìm hình thức thể hiện tác phẩm sao cho tối giản nhất, nhưng dễ tiếp cận nhất với người chấm. Nhờ cách làm bài bản này mà Báo ảnh Việt Namluôn có những tác phẩm tốt tham dự các giải báo chí quốc gia…

Theo Nội san Thông tấn, số 9/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kinh nghiệm sử dụng Snapchat của Thời báo Hindustan  (11/10/2016 10:11:44)

Đổi mới công tác quản lý, phát huy vai trò, thế mạnh của hệ thống CQTT trong nước  (11/10/2016 10:07:56)

Luật Báo chí 2016 và quyền tự do ngôn luận (10/10/2016 16:35:38)

“Bức tường phí” - thành công và thất bại  (10/10/2016 15:12:50)

Hồ sơ Panama: Cuộc "cách mạng" trong hợp tác báo chí (14/06/2016 14:34:44)

Tin truyền hình giảm – Nhìn từ thực tế khu vực phía Nam  (14/06/2016 14:25:30)

Sức trẻ Việt Nam News (10/06/2016 15:37:52)

Giải báo chí TTXVN 2015: 56 tác giả, nhóm tác giả được vinh danh (11/05/2016 15:13:47)

Cùng lắng nghe nhau (11/05/2016 14:58:23)

Khủng hoảng báo chí Anh (08/04/2016 09:47:37)