Trao đổi - Thảo luận
Báo chí phải làm gì khi đương đầu với Facebook?
(08/05/2017 18:22:29)
Hội nghị Xuất bản châu Á (Publish Asia) năm 2016 diễn ra ở Philippines với chủ đề “Làm thế nào để đương đầu với Facebook?”. Và câu trả lời được các diễn giả hàng đầu trong làng báo chí thế giới đưa ra là… không có cách nào cả. Nói đúng hơn, lời khuyên dành cho các nhà xuất bản tin tức là hãy tìm cách sống chung với mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
“Facebook là trang chủ mới”
Một trong những phần trình bày nhận được nhiều sự tán thưởng nhất khi ấy là của Simon Crerar, Tổng biên tập trang BuzzFeed phiên bản Australia. Theo ông Crerar, thành công của BuzzFeed chính là việc bắt đúng nhu cầu của người dùng mạng xã hội. Cụ thể là dễ tạo cơn sốt (viral) và dễ chia sẻ (share).
Theo đó, những nội dung được BuzzFeed sản xuất đều bám sát những thuật toán của các mạng xã hội hàng đầu như: Facebook, Twitter, Tumblr… Đó là những bài viết, hình ảnh, video được trình bày một cách sáng tạo thay vì được thể hiện theo lối thông thường, kết hợp sử dụng những video sáng tạo hay meme (ảnh chế), ảnh động...
Những nội dung này một thời từng bị xem là “nhí nhố” và không đáng được xuất hiện trên báo chí chính thống. Nhưng trong thời buổi Facebook đang “ngốn” từ độc giả cho tới quảng cáo của các nhà xuất bản tin tức, thì nội dung trên lại được coi là sáng tạo theo chuẩn “storytelling” mới (nôm na là cách thể hiện mới). Nhiều nội dung được BuzzFeed xuất bản có tới hàng triệu lượt chia sẻ trên mạng xã hội, trở thành trang mạng có lượng truy cập hàng đầu thế giới.
Chuyên gia Asha Phillips, người sáng lập hệ thống đo lường tin tức trên mạng xã hội CrowdTangle, chia sẻ một thông số đáng chú ý tại Mỹ. Từ đầu năm 2016, số người đọc các trang báo điện tử từ đường link được dẫn trên mạng xã hội đã vượt lượng người vào trực tiếp trang báo đó, hoặc từ các công cụ tìm kiếm. Nghĩa là mạng xã hội đã trở thành nguồn cung cấp “traffic” quan trọng nhất cho các tờ báo.
Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Theo Statista, trong số 1,86 tỷ tài khoản Facebook đang hoạt động trên toàn cầu tính tới tháng 3/2017, có khoảng 35 triệu tài khoản tới từ Việt Nam. Con số khổng lồ đó buộc các tờ báo phải thay đổi khi mà ngày càng có nhiều người mất thói quen mở một trang mạng phổ biến nào đó. Bởi nói như chuyên gia Phillips thì “tin tức đáng chú ý sẽ tự tìm đến chúng ta”.
Cụ thể, chỉ cần mở Facebook, tất cả những thông tin nóng hổi đều được các tài khoản kết bạn chia sẻ trên “news feed” (dòng thông tin), từ vụ Mỹ tấn công Syria cho tới những chuyện Hà Nội sẽ luân phiên cắt điện ở khu vực nào trong mùa hè tới... Hơn thế nữa, những thuật toán thông minh của Facebook đã ngầm ghi lại thói quen hành vi của người dùng, hiểu rõ đối tượng quan tâm đến những lĩnh vực nào để gợi ý các tin tức mà họ quan tâm, hay tiếp thị những món đồ mà họ cần mua. Theo đó, dòng thông tin của dân văn phòng sẽ khác hẳn với news feed của bà nội trợ và đối tượng nào cũng thấy mạng xã hội ngày càng thiết thực đối với mình.
Tóm lại, “Social Media Is New Homepage” (truyền thông xã hội là trang chủ mới) như kết luận được các nhà tổ chức Publish Asia 2016 đưa ra.
Ở Việt Nam, câu này sẽ đổi một chút thành “Facebook là trang chủ mới”. Thư ký tòa soạn của một tờ báo điện tử có lượng người đọc lớn nhất Việt Nam cho biết, trong thời điểm mà báo này phải tạm đóng fanpage trên Facebook vì không kiểm soát được bình luận theo yêu cầu của Bộ Thông tin Truyền thông, trang này mất tới 20 - 30% lượng người đọc mỗi ngày.
Trong bối cảnh đó, chậm chân trên mạng xã hội cũng đồng nghĩa với thất bại trong việc chuyển tải thông tin đến người đọc. Nhiều fanpage của cá nhân hay của một nhóm, công ty truyền thông nào đó đều có khả năng tiếp cận độc giả cao gấp bội so với các cơ quan báo chí chính thống.
Báo điện tử VietnamPlus ra đời cuối năm 2008 và chỉ sau một thời gian ngắn đã có mặt trên các mạng xã hội phổ biến nhất như: Facebook, Twitter, Pinterest… Tính đến thời điểm hiện tại, fanpage của VietnamPlus trên Facebook đã có tới hơn 82.000 lượt thích, với nội dung đa dạng, gồm cả video sản xuất riêng cho Facebook, hình ảnh, video 360 độ… Ngoài ra, các fanpage, tài khoản cho phiên bản tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc cũng được cập nhật thường xuyên, góp phần lan tỏa thông tin chính thống tới đông đảo người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới một cách hiệu quả. Nằm trong chiến lược “làm báo khác biệt” của VietnamPlus, trong đó bao gồm việc coi mạng xã hội cũng gần như một loại hình báo chí mới, ban biên tập sẽ sản xuất những nội dung riêng để đăng tải trên Facebook, phù hợp với nền tảng xuất bản, cũng như những thuật toán, xu hướng của các mạng xã hội này, thúc đẩy mạnh mẽ báo chí sáng tạo, báo chí thị giác (visual), dữ liệu (data) thay vì chỉ đơn thuần dẫn link từ trang điện tử của báo. |
Nguồn cung cấp thông tin
Thực tế, trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, người dùng mạng xã hội không chỉ là đối tượng tiếp nhận thông tin, mà còn là người phát tán, thậm chí là sản xuất tin tức, cạnh tranh với chính các tờ báo. Với chiếc điện thoại thông minh trong tay, mỗi người đều có thể trở thành một phóng viên khi mà giá cước 3G, 4G ngày càng rẻ và sóng wifi miễn phí có ở khắp nơi.
Ngoại trừ những thông tin từ cơ quan chức năng thì trong các sự kiện công cộng, đôi khi không cơ quan báo chí nào đưa tin nhanh bằng người dùng mạng xã hội. Chẳng nói đâu xa, tại Việt Nam, khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông, các vụ hỏa hoạn, chính các phóng viên thực thụ cũng phải vào diễn đàn lớn trên Facebook, chẳng hạn như Otofun để thu thập thông tin, hình ảnh, video.
Như thế, mạng xã hội đã trở thành nguồn cung cấp thông tin, bình đẳng với mọi nguồn tin khác. Nguồn tin đó có chính thống hay không còn tùy thuộc vào tài khoản phát tán thông tin đó, hoặc tùy quan điểm. Nhưng có một xu hướng rõ ràng, không chỉ ở nước ngoài mà ngay tại Việt Nam, nhiều cơ quan chính phủ cũng đã chủ động đưa thông tin lên mạng xã hội, thậm chí chọn Facebook là nơi phát đi thông tin đầu tiên, trước khi sử dụng các phương tiện thông tin khác.
Dĩ nhiên, mạng xã hội không thể nào thay thế được báo chí chính thống. Và phóng viên chuyên nghiệp khác với “nhà báo công dân” ở chỗ, người làm báo cần phải xác thực thông tin trước khi đăng tải. Vụ xe mô hình đeo biển xanh, do một tài khoản Facebook đăng tải, sau đó đường hoàng xuất hiện trên các trang mạng lớn, chính là một bài học đắt giá đối với người làm báo trong kỷ nguyên 4.0. Bởi mạng xã hội cũng chính là môi trường lý tưởng để phát tán những tin tức giả (Fake News), vấn nạn lớn mà báo chí thế giới đang hết sức đau đầu.
Dẫu sao, vụ “xe mô hình” cũng chưa gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, trong khi thế giới đã có nhiều bài học về cái gọi là hậu quả lớn từ tin tức giả. Cho dù các gã khổng lồ công nghệ như Google hay Facebook đều đã cam kết đưa ra những cơ chế kiểm tra chéo để chống nạn tin tức giả, song bản thân mỗi phóng viên, biên tập viên cũng cần được bồi dưỡng những kỹ năng làm báo hiện đại, để có thể đương đầu với sự cạnh tranh dữ dội từ mạng xã hội và biến nó trở thành công cụ hiệu quả trong quá trình tác nghiệp.
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Phát huy sức trẻ (08/05/2017 17:45:19)
Doanh thu quảng cáo báo in giảm mạnh (12/04/2017 11:07:52)
Phát huy tiềm năng thanh niên (12/04/2017 10:45:15)
Đẩy mạnh thông tin đa phương tiện chuyên ngữ (04/04/2017 16:21:21)
Để các trụ sở luôn khang trang, sạch đẹp (04/04/2017 09:39:01)
Vinh danh lòng quả cảm và sự dấn thân (02/03/2017 10:26:32)
Làm fanpage "chính luận" (02/03/2017 08:57:40)
Để thông tin đối ngoại của TTXVN luôn đi đầu trong truyền thông (01/03/2017 17:29:19)
Hiệu quả từ công tác chỉ đạo, tổ chức thông tin (23/01/2017 11:24:55)
Đưa Nghị quyết vào thực tiễn (23/01/2017 10:35:42)